Cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 10km về phía bắc, chùa Cao Sơn tọa lạc trên một khu đất rộng rãi và thoáng đãng, vị thế đẹp, thuộc làng Phú Cầu, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Giữa không gian cao rộng, thoáng đãng, bốn mùa rợp bóng cây xanh, chùa Cao Sơn thấp thoáng ẩn hiện với vẻ đẹp bình dị, hài hoà.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng chùa Cao Sơn vẫn còn bảo lưu được nhiều giá trị cổ xưa, như: lọ hoa, bình hương, cây nến, tượng Phật, các bức hoành phi, câu đối... Đây là những tài liệu, hiện vật có giá trị khoa học lịch sử, văn hóa. Ngôi chùa có kiến trúc hình chữ “Công”, gồm tòa tiền đường, thiêu hương và thượng điện.
Đặc biệt là hệ thống tượng pháp đông đảo, phong phú, đa dạng được các nghệ nhân thể hiện với vẻ đẹp huyền diệu, uy linh. Phật điện nhiều tầng, trên mỗi tầng điện là lớp lớp cửa võng sơn son thếp vàng lóng lánh. Thiết trần trang trí tứ linh, lạc thư, hà đồ, long vờn phượng múa.
Với những kiến trúc điêu khắc nghệ thuật độc đáo, cách bố cục gọn gàng, chặt chẽ nhưng sống động, hài hoà, chùa Cao Sơn chính là một điển hình về sự kết hợp chặt chẽ các chất liệu gạch, đá, gỗ trong tổng thể kiến trúc mang tính dân tộc độc đáo. Sự kết hợp hài hoà giữa nội thất và ngoại thất, giữa kiến trúc bên ngoài và điêu khắc bên trong, với hệ thống tượng Phật đa dạng, cùng vẻ đẹp tinh tế, kỳ ảo là những giá trị nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, sẽ mãi mãi là di sản vô giá được tỉnh nhà gìn giữ, bảo tồn.
Chùa Cao Sơn còn là một địa điểm lịch sử. Nơi đây chính là điểm tụ họp, nơi tập luyện và tuyên truyền của các chiến sĩ cách mạng và tự vệ Việt Minh trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1944, chùa là nơi hoạt động và tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân trong vùng. Trong thời kỳ kháng chiến, làng Phú Cầu là một trong những căn cứ du kích của huyện Lạng Giang và chùa Cao Sơn chính là nơi hội họp, học tập chỉ thị, chủ trương của Đảng, nơi tập trung, địa điểm huấn luyện dân quân du kích và bộ đội địa phương. Chùa Cao Sơn còn là địa điểm mà bộ đội ta phục kích phá tề, trừ gian, giết giặc, chống càn và bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Hằng năm, lễ hội chùa Cao Sơn được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng và ngày 14 tháng 7 âm lịch. Lễ hội chùa Cao Sơn là điểm hội tụ những giá trị văn hóa của một làng quê cổ truyền. Thông qua hoạt động của lễ hội có thể thấy được không gian văn hóa, lịch sử của làng xã vốn đã sầm uất nằm sát thị tứ Mỹ Thái. Lễ hội chùa Cao Sơn là tổng thể của sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần qua các trò diễn như: chọi gà, đấu vật, cờ tướng, hát quan họ…