<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Loài japonica
Anemone japonica

Anemone japonica (Thunb.) Sieb. et Zucc.- Phong quỳ.

Cây thảo cao từ 0,80cm -1m, có lông mềm. Lá chụm ở gốc, có cuống dài trên 30cm; cuống nhỏ dài đến 8mm, có lông mịn; lá chét 3 - 5 hay rõ rệt có 3 - 5 thùy, có lông mịn ở trên, hay có lông dài ở dưới, dạng tim, đường kính 15 - 20cm. Bao chung có 3 lá giống với những lá ở thân nhưng tiêu giảm hơn.

Cụm hoa gồm 3 - 4 hoa trắng, có cuống hoa đài 5cm hay hơn; hoa rộng 3 - 4cm; lá đài xoan dài 1,5cm, nhị nhiều, lá noãn có vòi nhụy. Quả bế đầy lông len, có cuống khá dài.

 

 

Anemone japonica (Thunb.) Sieb.et Zucc.

1. Cây mang hoa; 2. Lá kép; 3. Nhị;

4. Lá noãn; 5. Cụm quả; 6. Quả.

 

Phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam có gặp tại SaPa tỉnh Lào Cai.

Cây mọc trong các savan cỏ.

Ra hoa vào tháng 7

Rễ được dùng phối hợp với các vị thuốc khác chữa bệnh về tim.


Artemisia japonica

Artemisia japonica Thunb. - Ngải Nhật, Ngải cứu rừng, Mẫu hao.

Cây thơm, mọc nhiều năm, đứng, cao 50 - 150cm. Lá không cuống, phiến thon ngược, nhỏ, dài 2 - 4cm, từ từ hẹp lên ngọn và nhánh, không lông.

Chùy hoa mang chùm dài, hẹp, nhánh mang nhiều hoa đầu gắn một bên; hoa đầu có cuống, cao 2mm; lá bắc có mép trong, không lông; tất cả đều là hoa hình ống, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế không có mào lông, cao 0,5mm.

 

 

Artemisia japonica Thunb.

1. Dạng chung; 2. Hoa đầu;

3. Hoa cái; 4. Hoa lưỡng tính.

 

Phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, có gặp từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình… tới Kon Tum, Lâm Đồng.

Cây mọc dọc đường đi, trên đất có cát.

Mùa hoa tháng 9 - 12.

Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị:

1. Cảm sốt, đau đầu (cảm mạo do nắng, sốt không ra mồ hôi)

2. Sưng amygdal, lở miệng.

 3. Sốt rét.

4. Lao phổi kèm theo sốt, lao xương.

5. Huyết áp cao.

6. Trẻ em cam tích.

Liều dùng: 10 - 15g, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài, giã cây tươi với lượng vừa đủ làm thuốc đắp trị vết thương chảy máu, viêm mủ da, eczema, mụn nhọt, rắn độc cắn.

Cũng dùng chữa đau răng, chảy máu cam, đái ra máu, bỏng nước sôi, đau nhức do phong thấp.


Camellia japonica

Camellia japonica L. – Sơn trà hoa, Trà hoa Nhật.

Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ thường xanh cao đến 10 - 15m ở nơi xuất xứ, nhưng thường gặp là dạng cây bụi phân cành nhiều. Lá có phiến dày, hình trái xoan nhọn, có răng mịn ở mép, mặt trên bóng loáng, màu lục sẫm, mặt dưới nhạt màu hơn; gân bên 7 - 8 đôi; cuống lá dài 5mm

Camellia japonica L.

Ngọn cây mang hoa kép.

Hoa mọc đơn độc hoặc từng đôi một, màu đỏ tía tươi, rộng 6 - 10mm. Nhị nhiều xếp thành vòng ở giữa hoa; bao phấn vàng. Quả nang to 3 - 4cm, vỏ quả cứng như gỗ, mỗi ô chứa 1 - 3 hạt.

Loài của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Ta có nhập trồng ở Hà Nội, Đà Lạt và đang được trồng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cây ưa ẩm mát. Trồng bằng chiết cành. Ra hoa vào mùa đông, mùa xuân, có thể đến tháng 4 - 5.

Cây được trồng làm cảnh vì hoa đẹp. Người ta đã tạo được những chủng có hoa màu trắng hay hồng và cả loại hoa kép. Hạt chứa dầu. Rễ và hoa được sử dụng làm thuốc trị nôn ra máu, chảy máu cam, trĩ chảy máu, tử cung xuất huyết. Dùng ngoài trị vết thương chảy máu, bỏng lửa và bỏng nước sôi, nhọt và viêm mủ da.


Cayratia japonica

Cayratia japonica (Thunb.) Gagnep. - Vác Nhật.

Cây nhỡ leo, nhẵn hay có lông. Cành hình trụ nhẵn, có khía. Tua cuốn có 2 - 3 nhánh, có lá con ở chỗ rẽ đôi. Lá kép hình bàn chân; 5 lá chét hình trái xoan, tù hay nhọn ở gốc, cái cuối cùng dài hơn và có mũi nhọn ở ngọn, những cái ở bên gần tròn, tất cả gần nhẵn hay có lông ở mặt dưới; gân bên 6 - 7 đôi rất cong, gân con tạo thành một mạng lưới dày đặc; răng thành cung rất thấp, có đầu nhọn ngắn, nối tiếp những gân phụ; cuống lá chét rất không bằng nhau, cái cuối cùng dài hơn, cuống lá chung có vân; lá kèm hình tam giác tù.

Cụm hoa ở kẽ lá thành ngù hay thành tán, cuống cụm hoa trần, không chia đốt, nhẵn, cuống hoa có lông, ngắn hơn nụ, hình tháp. Đài hình chén nhỏ, hơi 4 răng, hẹp hơn tràng, 4 cánh hoa màu trắng kéo dài bởi một mũi nhọn cong ở dưới ngọn tạo thành 4 sừng rất nhỏ trong nụ. 4 nhị; chỉ nhị rộng ở gốc, dài hơn đĩa; bao phấn hình bầu dục, rộng hơn là dài. Đĩa có mép mỏng, khía tai bèo, 4 thùy đối diện với các nhị. Bầu nhẵn, noãn không có phần phụ của lỗ noãn. Quả hình cầu hơi hẹp dần ở gốc, to bằng đầu ngón tay út; 3 - 4 hạt ba góc nhăn nheo nhiều ở mặt lưng, nhọn ở gốc, các mặt bụng có 2 cửa sổ hình bầu dục, nghiêng, làm cho mặt cắt ngang có hình chữ T. 

Cayratia japonica (Thunb.) Gagnep.

1. Cành mang hoa; 2. Hoa; 3. Chùm quả.

Phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia và Philippin. Ở nước ta có gặp từ Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An vào các tỉnh Tây Nguyên.

Cây mọc trên các bờ bụi quanh làng và cũng mọc ở vùng núi cao lên tới 1500m. Ra hoa chủ yếu vào mùa hạ.

Kinh nghiệm dân gian dùng dây lá giã nát với lá Cà độc dược, bọc lá chuối non hơ nóng, đem bọc những khớp xương đau do tê thấp.

Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa cuống họng sưng đau, ghẻ lở, mụn nhọt, sưng vú, tràng nhạc, viêm thận phù thũng, hoàng đản, lỵ, đái ra máu, bạch trọc, đau phong thấp, đòn ngã tổn thương và rắn độc cắn.


Conyza japonica

Conyza japonica (Thunb.) Less. ex DC. – Cỏ tai hùm Nhật, Tửu hương thảo, Bạch tửu thảo, Giả bồng.

Cây thảo hằng năm, cao 50 - 100cm, có lông phún. Lá gần nhau ở gốc thân; phiến thon, dài 3 - 5cm, rộng 1 - 2cm; lá trên thân nhỏ hơn, mép có răng, có lông trắng; gân bên 4 - 5 đôi.

Cụm hoa ở nách lá ngọn; hoa đầu như không cuống, cao cỡ 8mm, lá bắc 3 - 4 hàng, hoe hoe, có lông ở mặt ngoài; hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế nhỏ, có mào lông màu hung. 

Conyza japonica (Thunb.) Less. ex DC.

1. Phần dưới của cây;

2. Ngọn cây mang hoa; 3. Hoa; 4. Quả.

Phân bố ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, có gặp tại vùng Hà Nội và núi Ba Vì tỉnh Hà Tây.

Cây mọc trên đất rừng, trong rừng tái sinh.

Ra hoa vào tháng 2.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây được dùng làm thuốc trị cảm mạo, đau đầu, viêm phổi ở trẻ em, sang độc, viêm tuyến nước bọt và viêm màng phổi.


Ampelopsis japonica

Ampelopsis japonica (Thunb.) Makino - Bạch liễm, Song nho Nhật, Dâu dây Nhật.

Dây leo, không lông, thân cứng, tua cuốn chẻ hai. Lá hai lần kép, cuống có cánh, thường có 3 - 5 lá chét hình trái xoan bánh bò 4 x 2cm, nhọn hai đầu, gân lồi và có lông, mặt trên nâu sẫm, mặt dưới trăng trắng, mép có răng nhỏ và có lông. Cụm hoa đối diện với lá, nhỏ, lưỡng phân; nụ tròn, to 1 - 1,5mm. Hoa nhỏ, màu vàng lục; đài hoa 5 thùy nông; cánh hoa 5; nhị 5; đĩa mật hơi phân thùy.

  

Ampelopsis japonica (Thunb.) Makino

1. Cành lá mang hoa; 2. Cụm hoa;

3. Hoa;  4. Hoa đã tách bao hoa.

 

Quả hình cầu, đường kính 6mm, màu trắng hoặc màu xanh lam.

Loài của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam có gặp tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cây mọc ở vùng đồi núi, leo bám lên cây bụi.

Ra hoa tháng 5 - 8, có quả tháng 9 - 10.

Rễ được dùng làm thuốc chữa trĩ rò, tràng nhạc, mụn nhọt sưng lở, bỏng lửa và bỏng nước. Dùng trong sắc nước uống; dùng ngoài giã rễ tươi đắp.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt