Ngày 10 tháng 12
Lễ hội cà phê lần thứ 2
Từ ngày 10 -14.12.2008, tại quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2.
Trong 5 ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương và khách du lịch được thưởng thức những hoạt động như: lễ hội đường phố, hội chợ triển lãm cà phê, diễu hành tôn vinh văn hoá cà phê, khánh thành làng văn hóa cà phê Trung Nguyên… đặc biệt là khai trương sàn giao dịch cà phê đầu tiên ở Buôn Ma Thuột.
|
Ly cà phê kỷ lục thế giới trong lễ hội. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột khai trương ngày 11.12.2008, là nơi giao dịch đấu giá khớp lệnh tập trung, công khai cho các tổ chức, đơn vị , cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân. Sàn giao dịch cũng là nơi cung cấp thông tin và cung ứng các dịch vụ tư vấn về việc trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến, kinh doanh... cà phê cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho nông dân. Tại lễ hội, BTC đã trao cúp vàng cho 25/155 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt chất lượng cao và tuyên dương, tặng bằng khen 25 hộ sản xuất cà phê giỏi của địa phương.
Tại lễ khai mạc, chiếc ly cà phê đạt kỷ lục lớn nhất thế giới của Công ty Vinacafe (cao 1,53m, đường kính 2,34m, trọng lượng gần 1,2 tấn) đã được máy bay trực thăng đưa lên không trung.
Cà phê Đăk Lăk hiện đă có mặt ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU. Đăk Lăk là nơi tập trung hơn 90 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất trên 300.000 tấn/năm.
Lễ hội cà phê lần đầu tiên được tổ chức tại bảo tàng Biệt điện tỉnh Đăk Lăk (182 Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) trong 4 ngày từ 2 – 5.12.2005.
Dự kiến, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 3 sẽ được tổ chức vào năm 2010.
Việt Nam là quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, khoảng 900.000 tấn/năm, kim ngạch năm 2008 đạt 2 tỷ USD.
Tham khảo
Khai mạc Lễ hội cà phê 2008 – Báo Thanh Niên ngày 11.12.2008.
Khai mạc lễ hội Festival Cà phê Buôn Ma Thuột – Báo Người Lao Động ngày 11.12.2008.
Khai mạc Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2008– Báo Tuổi Trẻ ngày 11.12.2008.
Khai trương sàn giao dịch cà phê đầu tiên tại Việt Nam – Báo Sài Gòn giải phóng ngày 11.12.2008.
Cầu Tam Bạc bị tàu đâm
Sáng 10.12.2010, cầu Tam Bạc (cầu Quay) nối phường Cát Dài, quận Lê Chân với phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đã bị tàu mang biển số NĐ2094 đang lưu thông từ sông Cấm về sông Lạch Tray đâm vào.
Vụ tai nạn đã khiến ô số 3 và 4 của nhịp thứ 2 chiếc cầu bị hư hỏng nặng, toàn bộ mặt cầu bị dịch chuyển 150 mm. Dưới gầm cầu, có 4 thanh giằng gió bị gãy và 8 thanh giằng gió khác bị cong vênh. Một trong 2 thanh dầm chính của cầu cũng bị cong vênh còn nóc cabin của tàu NĐ2094 bị bẹp.
Con tàu gây ra vụ tai nạn nói trên thuộc quyền sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Tố Hương ở Nam Định; tàu do thuyền trưởng Ngô Thế Toàn (SN 1982) ở Nam Định điều khiển.
Sự cố va chạm đã khiến tuyến giao thông đường sắt giữa Hải Phòng đi các tỉnh, thành phố Hải Dương và Hà Nội bị gián đoạn.
Do cầu không còn đủ tiêu chuẩn an toàn khi tàu chạy qua, nên hiện tại, mọi hoạt động tại ga Hải Phòng phải tạm thời chuyển sang ga Thương Lý.
Từ 13.12.2010, ga Hải Phòng đón trả khách bình thường sau khi thử tải cầu Tam Bạc thành công.
Mỗi ngày, ga Hải Phòng tiếp nhận 4 chuyến đi và 4 chuyến tàu về từ Hà Nội với khoảng 2.000 lượt khách. Việc di chuyển các hoạt động sang ga Thượng Lý sẽ gây nhiều phiền toái cho hành khách, ngoài ra, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt lưu thông từ Hải Phòng về Hà Nội (trung bình 3.300 tấn hàng hóa/ngày) sẽ bị dừng bởi ga Thượng Lý không có bến bãi để xếp dỡ hàng.
Cầu Tam Bạc được xây dựng từ thời Pháp và hiện chỉ có 2 loại phương tiện là tàu hỏa và xe máy được phép lưu thông qua cầu.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2010, tại Hải Phòng xảy ra va chạm giữa tàu và cầu, trước đó, vào ngày 17.7.2010, ba chiếc tàu biển đang neo đậu tại cầu tầu Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng (phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị đứt neo và trôi về phía thượng nguồn rồi đâm vào cầu Bính khiến chiếc cầu Bính bị vỡ một số mảng bê tông và làm cong, gẫy một số đoạn thép lan can...
Vụ va chạm khiến cầu Bính bị hư hỏng nặng và việc lưu thông phải chuyển qua phà Bính.
Ba chiếc tàu gây ra tai nạn khiến cầu Bính hư hại là tàu Shinsung Accord (Hàn Quốc), trọng tải 17.500 tấn; Vinashin Express 01, trọng tải 1.700 TEU (của công ty Vận tải Biển Đông); Vinashin Orient (của công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thuỷ Hải Dương).
Vĩnh biệt mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ
Ngày 10.12.2010, tại Quảng Nam, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ đã từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 106 tuổi.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại xóm Chay, thôn Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con ruột, 1 người con rể và 2 người cháu ngoại là liệt sĩ. Mẹ Nguyễn Thị Thứ là Mẹ VNAH có nhiều con hy sinh nhất tại Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến, tại khu vườn của nhà mẹ rộng khoảng 1 ha, Mẹ đã đào 5 hầm bí mật để cùng con gái Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích. Trong số 10 người con của mẹ, chỉ còn mỗi người con gái đầu là Lê Thị Trị còn sống.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước và Quốc hội trao tặng danh hiệu mẹ VNAH vào năm 1994, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có trưng bày bức tượng mẹ như biểu tượng của tất cả các Mẹ VNAH trên cả nước.
Trong kháng chiến chống Pháp, có 4 người con trai của mẹ đã hy sinh gồm các anh Lê Tự Xuyến (hy sinh ngày 18.6.1948), Lê Tự Hàn (anh, hy sinh ngày 5.10.1948), Lê Tự Hàn (em, hy sinh ngày 15.10.1948), Lê Tự Lem (hy sinh ngày 1.4.1954).
Trong kháng chiến chống Mỹ, 7 người con của mẹ hy sinh gồm Lê Tự Nự (hy sinh ngày 5.9.1966), Lê Tự Mười (hy sinh ngày 14.4.1972), Lê Tự Trịnh (hy sinh ngày 12.9.1972), Lê Tự Thịnh (hy sinh ngày 28.8.1974) và Lê Tự Chuyền (hy sinh ngày 30.4.1975).
Tượng đài Mẹ VNAH (lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ) đã được UBND tỉnh Quảng Nam khởi công xây dựng xây dựng ngày 27.7.2009, trên diện tích 15 ha tại núi Cấm, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ.
Tượng đài có hình cánh cung, chân dung mẹ nằm chính giữa, cao 18 m, tất cả được xây dựng bằng chất liệu đá sa thạch. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm Mẹ VNAH có diện tích 400 m2, có bia ghi danh 50.000 Mẹ VNAH. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 100 tỷ đồng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Quảng Nam có hơn 6.000 Mẹ VNAH, mẹ Thứ là Mẹ VNAH sống thọ nhất tỉnh Quảng Nam.