Huyện Bình Xuyên nằm ở phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 9 km về hướng Đông Nam.
Thời nhà Trần, huyện Bình Xuyên có tên là Bình Nguyên.
Năm 1469, Bình Nguyên đổi thành huyện Bình Tuyền.
Năm 1841, Bình Tuyền được đổi lại thành huyện Bình Xuyên.
Thời nhà Nguyễn, Bình Xuyên thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1890, Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Yên mới thành lập, huyện lị là Đạo Tú.
Tháng 10 năm 1977, hai huyện Yên Lãng; Bình Xuyên hợp nhất thành huyện Mê Linh.
Tháng 12 năm 1978, Bình Xuyên tách khỏi huyện Mê Linh sáp nhập với Tam Dương
thành huyện Tam Đảo.
Ngày 9/6/1998, Chính phủ ban hành Nghị định 36/CP tách huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên, đến ngày 1/9/1998, huyện Bình Xuyên chính thức đi vào hoạt động.
Phía Bắc Bình Xuyên giáp tỉnh Thái Nguyên; phía Đông giáp huyện Mê Linh; phía Tây giáp huyện Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên; phía Nam giáp huyện Yên Lạc.
Bình Xuyên có địa hình núi thấp và bán bình nguyên ở phía Bắc, đồng bằng ở phía Nam; bao gồm các quần thể đỉnh bị xâm thực bóc mòn, quần thể khe và quần thể các đồi chân núi, đồi tích tụ.
Trên địa bàn có sông Cà Lồ, sông Tranh chảy qua.
Bình Xuyên có đất sét ở Bá Hiến.
Đất đai ở Bình Xuyên thích hợp trồng các loại cây như: lúa, dưa hấu, rau màu, chè, lạc và các cây nguyên liệu giấy.
Bình Xuyên có nhiều lợi thế phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các lò gốm sành sứ, sản xuất vật liệu xây dựng.
Bình Xuyên có các làng nghề truyền thống như: làng nghề gốm Hương Canh, Mộc Thanh Lãng…
Trên địa bàn Bình Xuyên có quốc lộ 2, tỉnh lộ 302, 306, đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua.
Bình Xuyên có 14 đơn vị hành chính gồm thị trấn Hương Canh và các xã: Đạo Đức, Phú Xuân, Thanh Lãng, Tân Phong, Sơn Lôi, Quất Lưu, Tam Hợp, Hương Sơn, Gia Khánh, Thiện Kế, Minh Quang, Bá Hiến và Trung Mỹ.
Bình Xuyên là địa bàn cư trú của các dân tộc Kinh, Tày, Sán Dìu...
Người Sán Dìu thường chọn nơi sinh sống là vùng ven chân núi, họ sống trong những ngôi nhà làm bằng đất, tre, gỗ, lợp rơm rạ, cỏ tranh.
Người Sán Dìu dành nơi đất bằng để khai khẩn ruộng lúa nước; đất gần bờ suối, bờ sông làm soi bãi; đất đồi gò làm nương rẫy.
Hầu hết ruộng của người Sán Dìu là ruộng bậc thang thấp, ruộng ở những thung lũng đồi núi hẹp để trồng ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, vừng.. và chăn nuôi trâu, bò, lợn. Ngoài ra, người Sán Dìu còn có nghề đóng cày bừa, nghề mộc, đan lát.
Trang phục của đàn ông Sán Dìu tương tự như người Kinh, phụ nữ Sán Dìu mặc trang phục truyền thống gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng.
Bình xuyên thu hút du khách nhờ các di tích như cụm đình Tam canh (Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường); đền Thánh Mẫu; chùa Linh Bảo, chùa Báo Ân, chùa Ma Hồng, chùa Nội Phật; làng gốm Hương Canh và các thắng cảnh như: hồ Thanh Lanh, hồ Đồng Câu.
Bình Xuyên phấn đấu đến năm 2010, cơ cấu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 80%; nông – lâm - thủy sản là 12%; thương mại – dịch vụ là 8%. Có 100% số hộ được dùng nước sạch, có 70% trường tiểu học, 50% trường THCS, 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia.