<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và là một trong những tỉnh góp phần tạo nên vùng thủ đô Hà Nội. Với địa thế giáp ranh Hà Nội cùng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội, Vĩnh Phúc đã từng bước phát triển và khẳng định vị thế của mình.

Điều kiện tự nhiên
 

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Phía Bắc giáp hai tỉnh Thái NguyênTuyên Quang, ranh giới tự nhiên là dãy núi Tam Đảo. Phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, ranh giới tự nhiên là sông Lô. Phía Nam giáp Hà Nội, ranh giới tự nhiên là sông Hồng. Phía Đông giáp Hà Nội (huyện Sóc Sơn, Đông Anh).

Địa hình

Vĩnh Phúc là một tỉnh ở đồng bằng trung du Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có đầy đủ ba vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và miền núi là vùng chuyển tiếp, là cầu nối giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Địa hình núi chủ yếu thuộc dãy Tam Đảo. Trong đó địa phận của Vĩnh Phúc được bắt đầu từ xã Đạo Trù thuộc huyện Lập Thạch đến xã Ngọc Thanh của thị xã Phúc Yên theo hướng Đông Nam, có nhiều đỉnh cao trên 1.000m.

Địa hình núi thấp đại diện là núi Sáng thuộc địa phận xã Đồng Quế và Lãng Công huyện Lập Thạch cao 633m, đây là một dạng địa hình xâm thực, bóc mòn.

Địa hình núi sót chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm núi Đinh, núi Trống (thành phố Vĩnh Yên), núi Thanh Tước (huyện Mê Linh).

Địa hình vùng đồi phổ biến ở các huyện trong tỉnh với mức độ khác nhau nhất là các huyện Lập Thạch, Tam Dương.

Địa hình đồng bằng chiếm phần lớn, diện tích đất tự nhiên được chia thành các loại: đồng bằng châu thổ, đồng bằng châu thổ phì nhiêu, đồng bằng trước núi.

Địa hình thung lũng, bãi bồi sông được hình thành do tác động xâm thực của dòng chảy, là nguồn phù sa màu mỡ tạo thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.

Sông ngòi

Vĩnh Phúc có hệ thống sông ngòi, đầm hồ dày đặc, ngoài giá trị về kinh tế còn tạo ra môi trường cảnh quan, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển trong tương lai. Ngoài hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy ra, Vĩnh Phúc còn có hệ thống đầm, hồ phân bố rải rác khắp các huyện trên địa bàn tỉnh.

Khí hậu

Cũng như các tỉnh khác thuộc khu vực Bắc Bộ, Vĩnh Phúc nằm trong vành đai khí hậu gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình từ 1500-2000 mm, tập trung vào các tháng 6-7-8. Nhiệt độ trung bình hàng năm là từ 23-240C. Độ ẩm trung bình là 84-89%. Số giờ nắng là 1340-1800 giờ/ năm. Chế độ gió mùa và sự thay đổi khí hậu trong năm đã tạo điều kiện cho việc thâm canh, tăng vụ, đa dạng hóa nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất. Thế nhưng, chính điều kiện khí hậu cũng đã gây khó khăn do vùng nằm trong khu vực thường bị úng lụt, khô hạn, sương muối hay lốc xoáy.

Du lịch
 

Vĩnh Phúc có nhiều danh lam thắng cảnh với mật độ dày đặc, nổi tiếng trong số đó là các danh thắng và các lễ hội đặc sắc như núi Tam Đảo - Tây Thiên, di chỉ Đồng Đậu, tháp Bình Sơn, đền Hai Bà Trưng, đền Thính, đền Đá Phú Đa, đình Thổ Tang, cụm đình Tam Canh gồm ba ngôi đình: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường gắn với làng gốm cổ Hương Canh, Vườn Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà,...

Đặc sản

  • Rượu chít Tam Đảo

  • Bánh gio làng Tây Đình

  • Bánh gai

  • Xôi đen

  • Thịt tái bò kiến đốt

  • Chè kho Tứ Yên

  • Cháo se, bánh hòn Hương Canh

  • Đậu rùa Tuân Chính

  • Tép dầu (đầm Vạc)

  • Gỏi cá (đầm Vạc)

Hành chính
 

Vĩnh Phúc là tỉnh được hợp nhất từ hai tỉnh Vĩnh Yên (lập năm 1890) và Phúc Yên (lập năm 1905) từ tháng 2-1950. Sau đó, tỉnh lại trở thành một phần của tỉnh Vĩnh Phú và đến tháng 11/1996 thì tỉnh Vĩnh Phú được tách ra thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm: thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và 7 huyện khác là: Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, sông Lô.

Lịch sử hình thành và phát triển
 

Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của người Việt cổ với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Địa danh Mê Linh là nơi Hai Bà Trưng đóng đô sau khi chiến thắng quân Nam Hán và lên ngôi vào năm 40-42.

Năm 257- 110 TCN, địa bàn Vĩnh Phúc nằm trong nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Tên gọi vùng đất này theo thổ âm có thể là " M' rinh hay M' Linh, sau này được phiên âm thành Mê Linh hay Mi Linh".

Từ năm 111 TCN, nhà Hán xâm chiếm nước ta, chia làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Khi đó, dưới quận là huyện, và Vĩnh Phúc bấy giờ (cho tới năm 243 SCN ) nằm trong huyện Mê Linh.

Đến thế kỷ thứ III, Vĩnh Phúc bị xé lẻ và nằm trong 2 huyện Gia Ninh và Mê Linh thuộc quận Tân Xương.

Tới thế kỷ VI (thời nhà Tuỳ), Vĩnh Phúc nằm trong địa phận 2 huyện Gia Ninh và Tân Xương...

Từ đó đến thế kỷ XIII, Vĩnh Phúc trải qua nhiều biến động. Từ thế kỷ XIII - XIV, nhà Trần vẫn chia nước thành các lộ; đến nhà Hồ lại đổi lộ thành trấn. Dưới lộ hay trấn là các phủ, dưới châu là huyện, dưới huyện là các xã. Thời Trần Mạt, các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong ba trấn và lộ sau:

- Lộ Đông Đô: Châu Tam Đới (Vĩnh Tường) có huyện Yên Lạc, huyện Yên Lãng và huyện Lập Thạch.

- Lộ Bắc Giang: Châu Bắc Giang có huyện Tân Phúc, châu Vũ Ninh có huyện Đông Ngàn (gồm huyện Kim Anh, huyện Từ Sơn).

Thời Hậu Lê đầu nhà Nguyễn (đầu thế kỉ XIX ) vùng đất Vĩnh Phúc lại nằm trong các trấn sau: trấn Kinh Bắc: Phủ Từ Sơn có huyện Đông Ngàn, phủ Bắc Hà có huyện Tân Phúc, huyện Kim Hoa.

Trấn Sơn Tây: Phủ Tam Đới gồm các huyện Bạc Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng; Phủ Đoan Hùng có huyện Dương.

Trấn Thái Nguyên: Phủ Phú Bình có huyện Bình Tuyền.

Thời Hùng Vương với tên nước Văn Lang, Vĩnh Phúc nằm trong địa phận bộ Văn Lang, trên hợp lưu của ba con sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô.

Vĩnh Phúc là một miền đất thuộc Nhà nước Cổ đại đầu tiên của Việt Nam - nước Văn Lang của các Vua Hùng. Từ thế kỷ thứ III trở đi, vùng đất này còn nhiều lần thay đổi tên gọi. Vào thời nhà Nguyễn đổi trấn thành tỉnh. Vĩnh Phúc ngày nay thuộc vào hai tỉnh Sơn Tây và Thái Nguyên.

Ngày 20/10/1890, Pháp lại lập ra đạo Vĩnh Yên, gồm phủ Vĩnh Tường và 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc, Yên Lãng tỉnh Sơn Tây, huyện Bình Xuyên, tỉnh Thái Nguyên, và một phần huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh, lỵ sở đặt ở Hương Canh huyện Bình Xuyên. Năm 1901, thành lập tỉnh Phù Lỗ gồm phủ Đa Phúc, và một phần huyện Đông Khê (năm 1903 huyện Đông Khê đổi thành Đông Anh) và huyện Đa Phúc. Ngày 10/12/1903, tỉnh lị dời từ làng Phủ Lỗ lên Tháp Miếu tổng Bạch Trữ, Phúc Yên nên từ đó đổi tên tỉnh Phù Lỗ thành tỉnh Phúc Yên. Từ đầu năm 1950, kết hợp hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 3/1968, hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 15/11/1996, tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Kinh tế
 

Nền kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng ổn định. Năng suất cây trồng khá, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản phát triển ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, Vĩnh Phúc đã vươn lên đứng thứ 7 trong cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Hiện tại, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh của Bắc Bộ có sự tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong cơ cấu GDP của tỉnh thì các ngành nông, lâm, ngư nghiệp có chiều hướng giảm dần trong khi tỉ trọng công nghiệp tăng cao với sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở Vĩnh Yên, Phúc Yên...

Giao thông
 

Tổng chiều dài đường bộ của Vĩnh Phúc khoảng 1500km với mật độ rất cao bao gồm 5 hệ thống: quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị và đường nông thôn. Về tuyến quốc lộ gồm 4 tuyến là quốc lộ 2A, 2B, 2C và 23 với tổng chiều dài là 111.6km. Hệ thống đường đô thị khoảng 30.5km, tập trung chủ yếu ở Vĩnh Yên, Tam Đảo.

Đi qua đất Vĩnh Phúc có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai với hai ga chính là Phúc Yên và Vĩnh Yên.

Trên địa bàn của tỉnh có hai tuyến sông chính là sông Hồngsông Lô, hai sông nhỏ là sông Cà Lồ và sông Phó Đáy. Tổng chiều dài là 120km. Tuy nhiên, việc khai thác bến bãi chưa được đầu tư hiệu quả, chưa hoàn thiện tốt nên giao thông đường sông chưa hiệu quả.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt