|
Vườn nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Những người già ở Hiệp Thành kể lại rằng khoảng 200 năm trước, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn: Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ đó cây nhãn được nhân ra khắp vùng, làm nên một địa danh Giồng Nhãn. Hiện nay, trong vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ 3 của ông Trương Hưng) ở ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành, vẫn còn cây nhãn đầu tiên do cụ Trương Hưng trồng. Cây nhãn ấy giờ đã trở thành cây nhãn cổ thụ, gốc to 2 người ôm không xuể.
Nhãn Bạc Liêu một thời nổi tiếng ở Nam Bộ bởi trái to, cơm dày, hạt nhỏ, nhiều nước, ngọt thơm ngào ngạt. Ngày xưa, đến mùa nhãn, trai gái cứ thức suốt đêm canh chừng nhãn bằng cách hát hò, đánh thùng, đánh mõ để xua dơi đến ăn nhãn. Sau này, người ta dùng máy đèn hoặc dùng điện để thắp sáng xua dơi. Ðêm đêm, vườn nhãn lung linh rực rỡ như thành phố lên đèn. Bà con nhà vườn luân phiên đổi công để thu hoạch nhãn, rồi xe đò của Sài Gòn xuống ăn hàng... Không khí sôi động từ đầu tháng 6 cho đến tháng 9 âm lịch.
Trước đây, do lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nên mỗi năm nhãn chỉ ra hoa và kết trái một vụ từ tháng 5 đến tháng 9. Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn. Trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300 - 400 kg/vụ. Những năm nhãn được giá, nhiều hộ dân có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt cả trăm triệu đồng.
Trong những năm gần đây, trước sự biến động của giá cả thị trường và sự cạnh tranh của nhiều giống nhãn mới, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu đã thu hẹp dần diện tích. Đầu năm 2009, diện tích vườn nhãn chỉ còn khoảng 100 ha, với những cây nhãn xơ xác, già cỗi, hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 1998, có một dự án trẻ hoá vườn nhãn Bạc Liêu nhưng không thành công. Các nhà khoa học tỉnh nhà đành nhìn nhãn Bạc Liêu cằn cỗi theo năm tháng. Thành thực mà nói nhãn Bạc Liêu bây giờ giá trị kinh tế không thể so sánh với các loại nhãn khác. Nhưng trong từng gốc nhãn này ẩn chứa nhiều yếu tố văn hoá không nơi nào có được. Nó minh chứng cho lịch sử hình thành của đất giồng Bạc Liêu, trong đó là sự gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong một quần thể dân cư cần cù lao động. Chính sự liên kết bền lâu đó đã tạo nên bề dầy văn hoá đất giồng, khai thác khu vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu không chỉ đơn thuần là hái trái mang ra chợ, mà là khai thác giá trị lịch sử hình thành khu vườn nhãn cổ thụ theo hướng “công nghiệp không khói”.
Năm 2007, thị xã Bạc Liêu cùng Sở Du lịch tỉnh đã mời các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đến khảo sát để tính toán khả năng đầu tư, quy hoạch lại số diện tích vườn nhãn còn lại. Ngành du lịch cũng thiết kế một tam giác du lịch là vườn chim – vườn nhãn – biển Nhà Mát. Mục tiêu chính của dự án là quyết tâm bảo tồn và phát triển vườn nhãn cổ gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng sinh sống tại vườn nhãn, đây được xem là nét đặc thù riêng của khu du lịch. Theo đó, người ta sẽ tiến hành quy hoạch lại khu vườn nhãn cổ thụ, có thể loại bỏ một số cây già cỗi bị nhiễm bệnh, cho năng suất thấp. Thay thế vào đó là các loại nhãn khác hoặc xen canh cùng xoài, sa pô, mãng cầu, cam, bưởi... và bố trí thêm cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp hơn. Về lâu dài, tại đây sẽ là nơi tổ chức các hội thi cây cảnh, cá cảnh, chim thú... vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, vừa thu hút khách tham quan đến nhiều hơn.
Đặc biệt, khu du lịch vườn nhãn còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống. Tại đây sẽ xây dựng nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) từ ngày đầu về cư ngụ đến nay. Riêng các vườn nhãn sẽ xây dựng thêm nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer. Vừa là nhà mẫu truyền thống của dân tộc vừa là nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi. Ngoài ra, khách đến vườn nhãn Bạc Liêu còn được nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Các món ăn đặc thù và những lễ hội văn hoá cổ truyền của 3 dân tộc sẽ được tổ chức thường xuyên tại khu du lịch vườn nhãn.
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 08-2009, Khu du lịch Vườn Nhãn Bạc Liêu vẫn còn nằm trên giấy. Tại khu vực này chỉ có các quán ăn uống nằm dọc theo hai bên đường do người dân tự phát dựng lên buôn bán. Một số chủ vườn đã tự chuyển hướng kinh doanh vườn nhãn thành dịch vụ du lịch. Họ giữ lại vườn nhãn cổ thụ để làm bóng mát và mắc võng cho du khách vào quán giải khát. Một số chủ vườn khác đã đốn bỏ các gốc nhãn cổ hàng trăm năm tuổi để trồng trồng xen các loại nhãn hoặc cây ăn trái khác. Du lịch vườn nhãn là một địa điểm không thể thiếu trong bản đồ du lịch Bạc Liêu. Nhưng hiện tại, nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu đang bị hạ đốn từng ngày, diện tích vì vậy liên tiếp bị thu hẹp.