Thành phố Yên Bái
Địa chỉ hiện nay
Thành phố Yên Bái - Yên Bái
Nằm bên tả ngạn sông Hồng, ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc, Việt Bắc và trung du Bắc Bộ, thành phố Yên Bái có độ cao 35m so với mực nước biển.
Thời các Vua Hùng, khu vực thành phố Yên Bái nằm trong bộ Tân Hưng.
Thời Bắc thuộc, nằm trong vùng đất Tượng Quân, Giao Chỉ rồi Phong Châu.
Thời nhà Lý, thuộc Châu Đăng.
Thời Lê Thánh Tông, nằm trong lộ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá.
Cuối thế kỷ 16 là một làng trong tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hoá thuộc tỉnh Hưng Hoá.
Ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái, tỉnh lỵ được đặt tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên. Thị xã Yên Bái là trung tâm của tỉnh nằm ở chân đồn Cao - khu vực quân sự của Pháp (phường Nguyễn Phúc ngày nay) với diện tích khoảng 2km2.
Năm 1905, một số làng thuộc tổng Bách Lẫm được đưa vào thị xã Yên Bái, lúc đầu thị xã chỉ là một phố thuộc phủ Trấn Yên rồi dần dần hình thành 4 khu phố nhỏ là phố Hội Bình, Yên Lạc, Yên Hoà, Yên Thái (khu vực phường Hồng Hà ngày nay).
Ngày 7/4/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 72/TTg tái lập thị xã Yên Bái, thôn Lò Vôi thuộc xã Minh Bảo và xóm nhà thờ thuộc xã Nam Cường được sáp nhập vào thị xã Yên Bái.
Ngày 16/1/1979, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 15-CP/HĐBT, sáp nhập các xã Tuy Lộc, Nam Cường, Tân Thịnh và Minh Bảo của huyện Trấn Yên vào thị xã Yên Bái.
Ngày 6/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101-HĐBT, tách 4 phường của thị xã Yên Bái (phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Minh Tân, Yên Thịnh) thành 7 phường (chia phường Hồng Hà thành 2 phường là phường Hồng Hà và phường Nguyễn Phúc; chia phường Nguyễn Thái Học ra thành 2 phường Nguyễn Thái Học và phường Yên Ninh; chia phường Minh Tân thành 2 phường Minh Tân và phường Đồng Tâm).
Ngày 11/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 05/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Yên Bái trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Yên Bái.
Ngày 04/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2008/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trấn Yên để mở rộng thành phố Yên Bái
Phía Bắc và phía Đông thành phố Yên Bái giáp huyện Yên Bình; phía Tây và phía Nam giáp huyện Trấn Yên.
Thành phố Yên Bái nằm ở đồng bằng phù sa cổ thềm sông, các đồi núi thấp, đỉnh tròn hình bát úp, các thung lũng, khe suối xen kẽ đồi núi và cánh đồng dọc theo triền sông.
Ngoài sông Hồng, trên địa bàn thành phố Yên Bái còn có một hệ thống hồ, đầm, khe, suối như hồ Hào Gia, hồ Bơi (hồ công viên Yên Hoà).
 |
Thành phố Yên Bái. Ảnh: tapchikinhtevadubao. |
Khí hậu của thành phố Yên Bái mang đặc trưng khí hậu chuyển tiếp của miền Tây Bắc và Việt Bắc. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,40C, mùa nóng là 330C, mùa lạnh là 130C. Lượng mưa trung bình năm là 1.755 mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm (cao điểm vào các tháng 6, 7, 8) chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm. Có những năm xuất hiện mưa đá cục bộ trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của dãy Hoàng Liên Sơn ở phía Tây và hồ Thác Bà ở phía Đông nên thành phố Yên Bái có độ ẩm cao, độ ẩm trung bình là 87%, có lúc lên tới hơn 90%.
Từ tháng 12 đến tháng 3, khu vực thành phố Yên bái thường có gió mùa Đông Bắc, trong những ngày mùa đông, sáng sớm và chiều tối thường có hiện tượng sương mù, đôi khi còn có sương muối. Từ 4 đến tháng 11 có gió mùa Đông Nam tạo ra sự mát mẻ và mưa, thời kỳ đầu mùa hè (tháng 5, 6) có gió Tây Nam xen kẽ tạo ra khí hậu khô nóng và độ ẩm thấp.
Ở khu vực ven bờ sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Yên Bái có cát, sỏi; đất sét có ở Xuân Lan (trữ lượng 3.795.000m3), Nam Cường (1.260.000m3), Bái Dương (564.900m3); mỏ cao lanh có trữ lượng gần 3 triệu tấn ở Minh Bảo.
Khu vực thành phố Yên Bái có 2 hệ đất chính là đất phù sa hình thành do sông, suối bồi đắp và đất Feralit phát triển trên nền địa chất đa dạng của địa hình đồi núi. Đất phù sa được bồi tụ hàng năm tập trung ở xã Tuy Lộc, phường Nguyễn Phúc, phường Hồng Hà... dư lượng phù sa lớn, ít chua, thành phần cát pha đến thịt trung bình, độ phì cao, thích hợp cho việc trồng rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Đất phù sa không bồi tụ hàng năm được phân bố trải dọc theo sông Hồng, xã Nam Cường thích hợp cho việc trồng lúa.
Đất Feralit vàng đỏ trên nền phiến thạch sét có độ dốc lớn, tầng đất dày, thành phần cơ giới thịt nặng, dinh dưỡng khá phân bố ở các phường Đồng Tâm, Yên Thịnh, Minh Tân và xã Nam Cường, Minh Bảo, Tân Thịnh, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như chè, cà phê và trồng cây làm nguyên liệu giấy.
Đất đai ở thành phố Yên Bái thích hợp trồng các loại cây như; lúa, chè, các cây nguyên liệu giấy (bạch đàn, bồ đề, keo, nứa, vầu, luồng...), rau màu… và chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, lợn.
Thành phố Yên Bái có lợi thế về giao thông vì nằm trên tuyến đường nối Đông Bắc với Tây Bắc, giữa cửa khẩu Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai.
Diện tích tự nhiên là: 108,15 km2.
Dân số: 95.892 người.
Thành phố Yên Bái có 17 đơn vị hành gồm 7 phường (Yên Thịnh, Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc, Hồng Hà) và 10 xã (Minh Bảo, Nam Cường, Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Văn Tiến, Phúc Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Hợp Minh).
Người Hoa ở Yên Bái chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ, chế biến thực phẩm, một số ít sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi.
Trang phục người Hoa ở Yên Bái khá đơn giản, không thêu nhiều hoa lá nhưng người Hoa lại rất thích mặc vải hoa. Trước đây, đàn ông người Hoa mặc áo quần giống như người Tày, Nùng nhưng ngày nay mặc tương tự người Kinh. Phụ nữ người Hoa thường mặc áo 5 thân dài quá hông không có túi, cài khuy tết bằng vải ở nách phải.
Người Hoa ở Yên Bái rất thích hát điệu Sơn ca (sàn cố) và sử dụng những nhạc cụ như đàn, sáo, nhị hồ, thanh la, não bạt, trống ... vào dịp lễ tết, người Hoa thường chơi các trò chơi dân gian như đánh cờ, đu quay, múa lân, sư tử và múa rồng.
Thành phố Yên Bái có các danh thắng nổi tiếng như: đền Tuần Quán, đền, chùa Bách Lẫm, chùa Ngọc Am, nhà thờ Yên Bái, khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, lễ đài tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh…
Du khách khi đến Yên Bái cần lưu ý, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, trên sông Hồng thường xuất hiện lũ với lưu lượng lớn trùng với mùa mưa bão. Do ảnh hưởng của lũ, ở thành phố Yên Bái thường xuyên có lụt cục bộ ở những khu vực thấp như phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc và xã Tuy Lộc.