<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Chùa An Lạc
Hàm Thắng - Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận

Vị trí

Chùa An Lạc toạ lạc tai làng Lại An, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những ngôi chùa cổ còn giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật ban đầu xây dựng. Chùa đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Lịch sử

Vào khoảng thế kỷ XVIII một bộ phận dân cư các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ di cư về phương Nam khai khẩn đất đai. Nhóm cư dân này hình thành trên cơ sở dòng tộc cùng nhau khai khẩn ruộng đất thành lập làng xóm, thôn ấp. Tại địa phận tỉnh Bình Thuận, họ khai hoang ruộng đất, lập làng và đặt tên là làng Lại An. Nhiều đình chùa miếu cũng được xây dựng nơi đây nhằm tưởng nhớ những vị tiền bối có công khai hoang lập ấp.

Chùa An Lạc do Đại Sư Huệ Đức – Đinh Thiền từ Điện Bàn, Quảng Nam đến làng Lại An thấy cảnh trí yên lành, thanh tịnh nên dừng chân và chọn nơi đây làm nơi tịnh tu. Đại sư có pháp danh Như Hải, tự Đinh Thiền, tục danh là Lê Thành sinh năm 1836, viên tịch năm 1904. Pháp giới, đạo đức của Đại sư được Án sát sứ Phạm Kiêm Bố Chánh sứ tỉnh Bình Thuận miêu tả: “Nơi chùa Phật An Lạc ở xã Lại An, phủ hạt Hàm Thuận có vị sư tên Lê Thành, hiệu Huệ Đức, tuổi cao phát nguyện quy y từ nhỏ, làu thông kinh kệ, giữ vẹn pháp giới, chứng quả đạo tràng lại siêu phàm thoát tục…”.

Chùa xây dựng và hoàn thành năm Thành Thái thứ 12 tức năm 1900 và khánh thành rất trọng thể.

Trong chùa còn lưu giữ thanh xà có khác dòng chữ Hán với nội dung:

龍 飛 成 泰 十 一 年 歲 次 己 亥 秋 七 月 十 一 日 本 村 同 构 造 靈 寺 一 座.

Long Phi Thành Thái thập nhất niên tuế thứ Kỷ Hợi thu thất nguyệt thập nhất nhật bổn thôn đồng cấu tạo linh tự nhất toà.

Tạm dịch là:

Bổn thôn xây dựng một toà chùa linh vào mùa Thu năm Kỷ Hợi, ngày 11 tháng 7 năm 1899, năm Thành Thái thứ 11.

Kiến trúc

Kiến trúc chùa theo lối chữ khẩu - phía trước đình là điện chính, nhà thờ Tổ phía sau, đông lang, tây lang nằm ở hai bên. Chính giữa là khoảng sân trống. Sự kết hợp hài hoà giữa các kiểu kiến trúc dân gian làm tăng thêm vẻ đẹp khác lạ của chùa. Nguyên vật liệu chính chủ yếu là các loại gỗ quý được chạm khắc rất công phu tinh tế. Các hoạ tiết trên nóc mái, các hình tượng đắp nổi trên vách cổ lầu, trên các vì kèo và cách bày trí thờ phụng bên trong đều thể hiện đây là một công trình kiến trúc tôn giáo vào thế kỉ XIX.

Giá trị của chùa không dừng lại ở đó mà chính là nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật cổ mang tính nghệ thuật và giá trị văn hoá lịch sử cao. Đó là những di sản Hán Nôm gắn liền với quá trình di dân hình thành làng xã của làng Lại An ngày trước, với nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân có công dựng chùa hành đạo trải qua hơn 100 năm tồn tại như đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của tín đồ phật tử địa phương qua nhiều thế hệ.


Hiệp Hoà - Bắc Giang

Ngôi chùa ở thôn Mai Thượng, không rõ xã, thuộc huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, còn có tên là chùa Xác. Chùa thờ Phật và các linh hồn của người đã khuất, vì theo quan niệm Phật giáo, những người chết là đã về nơi an lạc.

Trong chùa hiện còn lưu giữ được những hiện vật quý như tượng Phật Bà ngồi, tượng Hộ pháp ngồi trên sư tử phía bên phải chùa, và 3 tượng trong số 8 vị Kim Cương đứng vung kiếm. Tất cả các pho tượng được làm bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ và sơn son thếp vàng.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt