<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Loài meyeniana

Clematis meyeniana Walp. var. granulata Finet et Gagnep. – Dây rơm, Dây vầng trắng.

Thân có cành leo, nhánh tròn, hơi có lông nhung, có khía nhẹ. Lá có cuống dài bằng lá chét; lá chét 3, có cuống hình trái xoan - ngọn giáo, có gốc tròn hoặc gần hình tim, hơi nhọn đầu, lổn nhổn như cát nhất là lúc khô, có gân ít rõ; cuống lá chét bằng 1/3 chiều dài của các lá chét.

Cụm hoa ở nách lá, thưa, hình tháp, nhiều hoa, cuống hoa bằng chiều dài của hoa; lá bắc và lá bắc con hình tam giác, rất nhỏ; hoa màu trắng, thơm. Lá đài 4, hình trái xoan ngọn giáo. Nhị nhiều; chỉ nhị hình dải; bao phấn dài, hơi có mũi ở đỉnh; ô phấn song song, cách nhau. Lá noãn nhiều dài bằng nhị, ngắn hơn lá đài, có lông nhung; vòi nhụy có lông hình lông chim. Quả bế chín có lông, hình trái xoan nhọn, gần như hình nón, mang vòi nhụy có lông dạng lông chim.

Thứ này chỉ khác thứ chuẩn bởi lá dày và lổn nhổn như cát.  

Clematis meyeniana Walp.

1. Đoạn dây mang lá và cụm hoa;

2. Lá đài; 3. Nhị; 4. Lá noãn.

Phân bố ở Nam Trung Quốc, Nhật Bản, Lào và Việt Nam. Ở nước ta có gặp từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Ninh Bình vào Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà NẵngKhánh Hòa.

Cây mọc ở lùm bụi ven rừng và bờ suối.

Ra hoa tháng 5 - 6.

Dân gian thường dùng lá nấu nước uống cho phụ nữ sau khi sinh đẻ; thân dây và rễ được dùng trị tê thấp. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng xem như có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, thông kinh hoạt lạc, thường được dùng chữa phong thấp đau xương, hầu họng sưng đau, thủy thũng, tiểu tiện không thông, kinh bế và ít sữa.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt