Ông Ích Đường
Quê quán
Hoà Thọ - Hoà Vang (Hoà Thọ - Hoà Vang)
Ông Ích Đường là liệt sĩ cận đại, ông sinh năm Canh Dần 1890 là cháu nội Ông Ích Khiêm, quê làng Phong Lệ, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Hoà Thọ, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng.
Ông có tiếng thơ văn, lại giỏi võ nghệ, có chí lớn, tính người phóng khoáng, có đức độ bậc trượng phu, quân tử, ông thường binh vực kẻ nghèo yếu, chống lại bọn cường hào ác bá. Người trong vùng gọi ông một cách thân tình là Cậu Đường, nên có câu ca:
Cậu Đường mười tám tuổi đầu
Dẫn dân công ích xin xâu dưới toà.
Nhiệt thành yêu nước, có lần ông theo Phan Châu Trinh vào tận đồn Phồn Xương, thăm hỏi Hoàng Hoa Thám. Sau đó, những đêm thanh vắng ông thường mở cuộc tập luyện võ nghệ cho thanh niên ở Cẩm Toại, Cẩm Lệ, Túy Loan, Thạch Nham thuộc huyện Hòa Vang chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống giặc Pháp.
Năm Mậu Thân 1908, ông hòa nhập với nhân dân miền Trung biểu tình chống sưu thuế. Ông chỉ huy nhân dân Hòa Vang, vây bắt tên sâu dân mọt nước Lãnh Điềm. Việc không thành, ông tạm lánh nơi nhà Mạc Quý, người cùng học võ một thầy. Không ngờ Mạc Quý phản bội, mật báo với giặc. Ông bị bắt và hi sinh trong năm Mậu Thân 1908 tại đình Túy Loan. Ngày nay, tại đây vẫn còn di tích về ông.
Trước khi bị xử chém, ông còn lưu lại mấy lời nghĩa dũng:
“Giết Đường này, còn nhiều Đường khác. Còn mía còn Đường, còn giặc cũng còn Đường”.