<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Tỉnh Bình Định

 Thông tin sơ lược

Diện tích: 6.025,6 km2

Dân số: 1.465.100 người (2004)

Mật độ dân số: 243 người/km2

Dân tộc: Kinh, Ba Na, Hrê, Chăm

Tỉnh lị: Thành phố Quy Nhơn

Bao gồm thành phố tỉnh lị Quy Nhơn và 10 huyện là: An Lão; An Nhơn; Hoài An; Hoài Nhơn; Phù Cát; Phù Mỹ; Tây Sơn; Tuy Phước; Vân CanhVĩnh Thạnh.

Vị trí địa lý

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi. Nam giáp tỉnh Phú Yên. Tây giáp tỉnh Gia Lai. Đông giáp biển Đông.

Bình Định được coi như cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Quy Nhơn là thành phố loại II, trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh.

Đặc điểm địa hình

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông của dãy Trường Sơn, kế tiếp là vùng trung du. Địa hình phổ biến là đồi thấp xen kẽ thung lũng hẹp có độ cao dưới 100 mét, hướng vuông góc với dãy Trường Sơn. Vùng thấp là vùng đồng bằng rải rác có đồi thấp xen kẽ.

Địa hình đồng bằng nghiêng nên rất dễ bị  rửa trôi, dẫn đến đất bị bạc màu và mặn hoá. Ngoài vùng là cồn cát ven biển. Các dạng địa hình chủ yếu của tỉnh là:

Vùng núi trung bình: Phần bố chủ yếu ở phía Tây chiếm 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, cao từ 500 - 700 mét, độ dốc trên 250 kéo dài theo chiều Bắc – Nam. Có diện tích khoảng 249.866 ha. Địa hình khu vực này phân cắt mạnh, sông suối có độ dốc lớn, là nơi phát nguồn của các sông trong tỉnh. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này đã làm cho địa hình ven biển trở thành một hệ thống các dãy núi thấp xen lẫn với các cồn cát và đầm phá.

Vùng đồi: Tiếp giáp giữa vùng núi phía Tây và đồng bằng phía Đông chiếm khoảng 10% diện tích, độ cao dưới 100 mét, độ dốc 10 – 150. Có diện tích khoảng 159.276 ha.

Vùng đồng bằng ven biển: Toàn tỉnh không có dạng đồng bằng châu thổ mà phần lớn là các đồng bằng nhỏ được tạo thành do các yếu tố địa hình và khí hậu, các đồng bằng này thường nằm trên lưu vực của các con sông hoặc ven biển và được ngăn cách với biển bởi các đầm phá, các đồi cát hay các dãy núi. Chiếm 20% diện tích, đồng bằng nhỏ hẹp theo hạ lưu các sông và bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ. Độ cao trung bình của dạng địa hình đồng bằng lòng chảo này khoảng 25-50 m và chiếm diện tích khoảng 1.000 km². Đồng bằng lớn nhất của tỉnh là đồng bằng thuộc hạ lưu sông Kôn, còn lại là các đồng bằng nhỏ thường phân bố dọc theo các nhánh sông hay dọc theo các chân núi và ven biển.

Vùng ven biển: Bao gồm các cồn cát, đụn cát tạo thành một dãy hẹp chạy dọc ven biển với chiều rộng trung bình khoảng 2 km, hình dạng và quy mô biến đổi theo thời gian.

Khí hậu

Bình Định thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Một năm có hai mùa: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12, mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 7. Mùa mưa thường có bão lũ lụt, còn mùa nắng thì kéo dài thường hạn hán ở nhiều nơi.

Nhiệt độ trung bình 270C. Lượng mưa trung bình hàng năm trong 5 năm gần đây là 2.185 mm. Độ ẩm trung bình là 80%.

Chế độ mưa: đối với các huyện miền núi tổng lượng mưa trung bình năm 2.000-2.400mm. Đối với vùng duyên hải tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751mm. Tổng lượng mưa có xu thế giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Chế độ bão: Hàng năm trong đoạn bờ biển từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Khánh Hoà trung bình có 1,04 cơn bão đổ bộ vào. Tần suất xuất hiện bão lớn nhất tháng 9-11.

Sông ngòi

Hầu hết các con sông ở Bình Định đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của sườn phía Đông dãy Trường Sơn. Sông ở đây không lớn, độ dốc cao nhưng ngắn và hàm lượng phù sa thấp. Toàn tỉnh có bốn con sông lớn là sông Côn, Lại Giang, La Tinh và Hà Thanh.

Ngoài ra hệ thống các suối nhỏ chằng chịt thường chỉ có nước chảy về mùa lũ và mạng lưới các sông suối ở miền núi tạo điều kiện cho phát triển thủy lợi và thủy điện. Vào mùa khô nước các con sông cạn kiệt và thiếu nước tưới.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất

Dưới tác động tổng hợp của điều kiện tự nhiên và sản xuất đất đai của Bình Định có đặc điểm chung là thoát nước tốt, có thành phần cơ giới nhẹ, đất chua, nghèo các chất dinh dưỡng dễ tiêu.

Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 6.025,6 km2, có thể chia thành 11 nhóm đất với 30 loại đất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhóm đất phù sa có khoảng trên 70 nghìn ha, phân bố dọc theo lưu vực các sông. Đây là nhóm đất canh tác nông nghiệp tốt nhất, thích hợp với trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, chiếm tới 34% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là một tiềm năng lớn cần được đầu tư khai thác.

Nhìn chung đất xám và đất xám feralít là những nhóm đất điển hình chiếm phần lớn diện tích của tỉnh, đặc biệt ở vùng đồi núi. Đất có tầng mỏng, độ phì kém, dễ bị xói mòn, rửa trôi. Vì thế vấn đề chống xói mòn, bảo vệ đất là một nhiệm vụ vô cùng bức thiết của vùng đồi núi trung du Bình Định hiện nay.

Tài nguyên rừng

Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, địa hình và đất đai đa dạng, thảm thực vật của Bình Định rất phong phú về chủng loại.

Bình Định có khoảng 196.000 ha đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng thứ sinh. Rừng Bình Định phổ biến là rừng kiểu thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng rụng lá – nửa rụng lá, phong phú về giống và loài, thường có từ một, hai đến ba tầng.

Dưới tán rừng còn có song mây, đót, sặt,… và trên 40 loài cây được liệu có giá trị kinh tế cao như: ngũ gia bì, sa nhân, thiên niên kiện, bách bộ, thổ phục linh…. Đặc biệt là cây mai gừng với giá trị dược liệu cao, phân bố hạn chế ở vùng đối núi Vĩnh Thanh.

Rừng hiện nay còn tập trung chủ yếu ở những vùng xa đường giao thông nên chỉ có ý nghĩa lớn về phòng hộ và bảo vệ môi trường. Xét theo mục đích kinh tế thì rừng sản xuất có 65,5 nghìn ha, rừng phòng hộ có gần 128 nghìn ha.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản ở Bình Định đa dạng về chủng loại. Các mỏ và điểm quặng có quy mô nhỏ, nhưng đều là những khoáng sản có giá trị trong ngành công nghiệp, là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Khoáng sản Bình Định đáng chú ý nhất là đá granít có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc đỏ, đen, vàng… là vật liệu xây dựng cao cấp được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; sa khoáng titan tập trung ở mỏ Đề Gi (Phù Cát) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; cát trắng ở Hoài Nhơn, trữ lượng khoảng 90.000 m3. Ngoài ra, còn có các khoáng sản khác như cao lanh, đất sét và đặc biệt là các quặng vàng ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.

Nguồn nước khoáng của Bình Định được đánh giá có chất lượng cao đã và đang được đưa vào khai thác sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. Toàn tỉnh có 4 nguồn nước khoáng là Hội Vân, Chánh Thắng (Phù Cát), Bình Quang (Vĩnh Thạnh), Long Mỹ (Tuy Phước), riêng nguồn nước khoáng nóng Hội Vân đảm bảo các tiêu chuẩn chữa bệnh và có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Đặc tính chung của nước là hầu như trong suốt, không màu, vị lợ đến nhạt, độ pH khoảng từ 7,5-8,5, nhiệt độ tương đối cao (khoảng 700C).

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ đầu Công Nguyên trên dải đất miền Trung Việt Nam đã hình thành nhà nước Chămpa cổ đại. Nhà nước này được hình thành trên một nền tảng hết sức rực rỡ, nó kế thừa nền tảng của nền văn hoá Sa Huỳnh trước đó, đồng thời tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều yếu tố của các nần văn hoá khác trong khu vực. Bình Định giữ vai trò là trung tâm của nhà nước Chămpa, mặc dù có nhiều bước thăng trầm, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng văn hóa Chăm-pa ở đây vẫn phát triển đến khi nhà nước Chămpa mất vai trò lịch sử . Dấu tích văn hoá của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng và trở thành đối tượng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về Bình Định.

Từ những năm 1470, thời kỳ cực thịnh của nhà Lê, vua Lê Thánh Tông chỉ huy đánh chiếm kinh thành Viaja (thành Đồ Bàn) bắt vua Chiêm Thành là Trà Toàn và hơn ba vạn người làm tù binh. Năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Đến năm 1578, Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chính vào làm tri huyện Tuy Viễn để lo trị an, giữ yên biên giới phía Nam và chuẩn bị đưa quân, dân vào sinh sống, lập làng phía Nam đèo Cù Mông – phủ Hoài Nhơn trở thành bàn đạp cho cuộc tiến công mở đất vào Phú Yên.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị.

Sau cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên thành Hoàng đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đức ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ là phụ chính, các tướng lĩnh đều được phong chức dưới chính quyền trung ương mới.

Từ năm 1799-1802 thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi thành Bình Định và trong suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.

Đến năm 1885 Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định . Năm 1890, Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập. Năm 1907 toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị Định bãi bỏ tỉnh Pleiku Đe. Một nửa đất đai của tỉnh này cho sát nhập trở lại vào tỉnh Bình Định. Năm 1913, Pháp lại sát nhập Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú. Năm 1921, Pháp tách tỉnh Phú Yên ra, lập lại tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945.

Sau cách mạng tháng Tám UBND cách mạng lâm thời mới của tỉnh lấy tên tỉnh Bình Định là tỉnh Tăng Bạt Hổ, do không được Trung ương công nhận nên tỉnh Tăng Bạt Hổ tồn tại không được bao lâu.

Sau chính quyền Việt Nam Cộng Hoà chia miền Nam Việt Nam thành hai miền: từ Bình thuận trở vào gọi là Nam phần; từ Bình Thuận trở ra vĩ tuyến 17 gọi là Trung Phần. Tỉnh Bình Định thuộc Trung Nguyên trung phần.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất tỉnh Bình Định được hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Đến năm 1989 tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình cho đến ngày nay.

Kinh tế

Là tỉnh dọc ven biển Nam Trung Bộ, Bình Định có nhiều lợi thế, nhất là về tổ chức giao lưu kinh tế cũng như hợp tác và phân công lao động. Để phát triển mạnh dịch vụ, tỉnh chủ trương đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát huy lợi thế cảng biển và vị trí thành phố Quy Nhơn, xây dựng Quy Nhơn thành một trung tâm thương mại của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tăng quy mô, nâng cao dịch vụ và hiệu quả xuất khẩu.

Bình Định khai thác lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hoá và lịch sử, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh của địa phương. Nâng cấp và phát huy tác dụng các điểm du lịch Ghềnh Ráng, Quy Hoà, bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô, các di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm,…từng bước kêu gọi đầu tư một số khu du lịch mới, trước hết là khu du lịch từ bán đảo Phương Mai đến Núi Bà (Phù Cát), khu du lịch hồ Phú Hoà, tuyến du lịch dọc đường Quy Nhơn – sông Cầu và một số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, kinh tế biển là một trong những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hệ sinh thái biển Bình Định thích hợp cho nhiều loại hải sản giá trị cao được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Cùng với việc triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, tỉnh có chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn và trang bị đồng bộ phương tiện hàng hải, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Văn hoá

Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa phải nói là hết sức đồ sộ và cổ xưa như vậy, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.

Ai đã một lần đến Bình Định chắc không bao giờ quên những ngọn Tháp Chămpa ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Và trong cái nền của văn hóa - văn minh cổ xưa ấy, đất Bình Định luôn luôn là nơi phát tích những dòng, những trào lưu văn hóa hết sức độc đáo. Có nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật tuồng đạt đến trình độ cổ điển, là vốn quý của dân tộc đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định gắn với tên tuổi nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn.

Bình Định được biết đến với những tên tuổi đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử nước nhà đó là ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ sau khi quét sạch thù trong, giặc ngoài đã xây dựng nền văn hóa Tây Sơn với tư cách như một cuộc cách mạng về văn hóa, trong đó đề cao chữ Nôm mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển đi liền với chủ quyền dân tộc.

Những nét chấm phá của văn hóa Bình Định hết sức quan trọng cho hôm nay và mai sau. Phát triển văn hóa Bình Định, trước hết phải đi từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Bình Định hiện nay có 150 điểm di tích và danh thắng đang được quy hoạch. Trong số này, đến cuối năm 2003 có 29 di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng, khoảng 50 di tích được UBND tỉnh công nhận, còn lại đang được khảo sát, xây dựng hồ sơ để xác định mức độ giá trị của từng di tích, ứng với cấp nào thì cấp đó công nhận.

Dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định vô cùng phong phú như: Hoạt động lễ hội, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… là những món ăn tinh thần đặc sắc không những đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản  để giới thiệu ra ngoài tỉnh và khách quốc tế. Các lễ hội mang tính chất truyền thống và dân gian nếu được duy trì, phát huy cũng sẽ là những bộ mặt văn hóa tương lai của Bình Định như: Lễ hội chiến thắng Đống Đa, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội văn hóa - thể thao miền núi, Lễ hội văn hóa - thể thao miền biển… và vô số các lễ hội giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định là những tiềm ẩn khơi dậy làm giàu và lành mạnh hóa cuộc sống. Và dĩ nhiên các loại hình văn hóa kể trên phải được nâng cao, cải biên cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ mới.

Nhân dân Bình Định có truyền thống giỏi võ kể cả nam lẫn nữ. Là quê của Tăng Bạt Hổ, Lê Đại Cương, Ngô Tòng Chu, Nguyễn Văn Diêu, Bùi Điền, Trần Đức Hoà, Chàng Lía, Nguyễn Lữ, Lê Đình Lý, Phạm Văn Lý, Lê Công Miễn, Nguyễn Nhạc, Đặng Đức Siêu, Phạm Toản, Bùi Đức Tuyên, Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Đào Tấn...Là cái nôi của nghệ thuật tuồng.

Đặc sản

  • bánh ít lá gai

  • bún song thằng

  • bánh hỏi

  • nem Chợ Huyện

  • bánh tráng

  • rượu Bàu Đá

Giao thông

Bình Định có hệ thống giao thông khá đồng bộ, một hành lang giao thông rất thuận lợi bởi hệ thống giao thông vận tải đa dạng, nối liền với cả nước, khu vực và quốc tế, du khách từ mọi miền có thể đến Bình Định bằng, đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc đường không.

Về đường bộ: Quốc lộ 1A (qua tỉnh 118km) và Quốc lộ 19 (qua tỉnh 70km) nối liền Bình Định lưu thông thuận lợi, dễ dàng với các tỉnh trong cả nước và khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 465 km đường tỉnh lộ, đáng chú ý có tuyến đường ven biển nối từ Nhơn Hội đến Tam Quan tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng ven biển, hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm.

Về đường sắt: Bình Định có trên 200 km đường sắt nằm trong tuyến đường sắt Bắc – Nam với Ga Diêu Trì (cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 10km) là một trong sáu ga tàu hỏa lớn của cả nước, cho phép Bình Định lưu thông hàng hóa và hành khách với hầu hết các trung tâm kinh tế của cả nước và mở rộng đa dạng hành lang liên kết du lịch. 

Về đường biển: Bình Định có cảng quốc tế Quy Nhơn là một trong 10 cảng lớn của cả nước, thuận lợi lưu thông giữa các tuyến trong nước, khu vực và quốc tế. 

Về đường hàng không: Bình Định có sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 30km về phía Bắc có thể thêm nhiều chuyến bay thường xuyên, nối liền Bình Định với Đà Nẵng, Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Du lịch

Bình Định có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú để phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, hội tụ đầy đủ núi, sông, biển, đầm, hồ, hải đảo, đồng ruộng, làng quê và lễ hội mang bản sắc dân tộc Việt Nam.

Du khách đến tham quan du lịch Bình Định sẽ được tận hưởng vô vàn vẻ đẹp của những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, những danh lam thắng cảnh tự nhiên đặc sắc, thơ mộng như:

Không những tham quan thắng cảnh mà du khách còn có thề tham quan vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hóa lâu đời, cái nôi của nghệ thuật tuồng, là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, là kinh đô của vương quốc Chămpa ngày xưa, giờ đây vẫn còn để lại nhiều di tích lịch sử – văn hóa – nghệ thuật với hệ thống tháp Chàm được đánh giá vào loại đẹp nhất của Việt Nam như:   

Bình Định được xác định là có một vị trí quan trọng của vùng du lịch Nam Trung Bộ, là một mắt xích quan trọng hệ thống các tuyến điểm du lịch quốc gia.  


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt