<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Chùa Quan Âm
phường 4 - thành phố Cà Mau - tỉnh Cà Mau

Ngôi chùa tọa lạc tại số 84/4 đường Rạch Chùa, phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, dân chúng quen gọi là chùa Phật Tổ. Đây là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau vinh dự được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia…

Chùa Quan Âm do hoà thượng Tô Quang Xuân dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ để ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau ngài về tu ở chùa Kim Cương pháp hiệu là Trí Tâm. Đến năm 1842, vua Thiệu Trị sắc phong hoà thượng cho ngài và sắc tứ cho chùa Quan Âm. Trong chùa có bia dựng “Sắc tứ Quan Âm cổ tự” và tháp hoà thượng Trí Tâm.

Chùa Quan Âm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Năm 1936, hoà thượng Thiện Tường và Thiện Đức tiến hành xây dựng lại chùa có kiến trúc như ngày nay. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa. Mái chùa lợp ngói máng có hình quả ấn, mô phỏng mái đình của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ "Sắc tứ Quan Âm cổ tự", tháp hoà thượng Trí Tâm, tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán và các bức hoành phi câu đối....

Trong chùa còn lưu lại sắc phong của Thiệu Trị, nội dung được dịch như sau:
Chiếu rằng :
Trẫm nghĩ chốn kỳ duyên mậu thạnh trăm hoa đua nở đầy cành, cảnh sắc ta bà.
Hương thủy bao trùm hoa tạng muôn xưa không diệt không sanh,
Bờ bỉ vơi vơi từng nghe nương một cành lau mà đến trời Tây vời vợi sang qua nhờ chiếc thuyền Từ đã trưng việc cổ để nghiệm đời nay,
Vừa đọc tố chương bỡ ngỡ ve vang trước mắt,.
Duyệt xem văn sớ từng ngày đã cỡi hạc quy tiên.
Người linh địa cảnh nên linh, vương pháp tâm đồng Phật pháp.
Triều đình không có chi hơn kính phong hòa thượng và ân ban gấm vóc,
Lễ kỳ siêu cho người quan thân nơi cảnh lạc ban.
Giờ đây người đã viên tịch nơi chùa danh thắng Kim Chương.
Hỡi ơi !
Tiên cảnh không trần thiên đường có nẻo,
Vinh hạnh thay ! Kính tỏ tấm lòng.
Hoàng thượng ân ban một đạo và gấm vóc đôi cây gọi là ân huệ triều đình làm sáng tỏ công đức của ngài.
Khả kính thay !
Hoàng triệu Thiệu Trị đệ nhị niên
Nhâm Dần niên 1842 Tháng 6 mùng 3.


Quan Âm - Long Phú - Sóc Trăng

Chùa Quan Âm toạ lạc tại xã Quan Âm, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.


Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng

Chùa Quan Âm trên ngọn Kim Sơn thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. 

 Chùa tựa lưng vào núi, quay mặt ra dòng sông Cổ Cò thơ mộng. Chùa do Hoà thượng Pháp Nhãn lập nên, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ trước cửa một động, sau này gọi là động Quan Âm với nhiều hình ảnh kỳ thú do thạch nhũ tạo thành rất giống với tượng Phật trong truyền thuyết Phật giáo.

Tương truyền, đây là một ngôi chùa rất linh thiêng, vào dịp lễ, tết, người dân thường đến đây để cầu Trời, Phật mang đến cho họ một cuộc sống bình yên. Hàng năm vào ngày 19/2 âm lịch chùa là nơi tổ chức Lễ hội Quan Thế Âm với sự tham gia của phật tử khắp nơi và thu hút nhiều du khách đến tham quan.


Đức Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình

Ngôi chùa ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.


Bửu Điền - TP Biên Hoà - Đồng Nai

Vị trí:

Tu viện toạ lạc tại phường Bửu Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

Lịch sử:

Tu viện Quan Âm là hội sở của Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ Non Bồng và môn phái Liên Tông tịnh độ Non Bồng.  Trước đây hội sở này đặt tại tổ đình Linh Sơn trên núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu); năm 1965, tổ đình bị bom đạn đánh sập, nên một gia đình họ Phạm ở Biên Hoà đã hiến cúng khu đất rộng 1,61 héc-ta tại ấp Tân Bàn, xã Bửu Hoà, tổng Chánh Mỹ Thượng để xây dựng chùa.  Sau hai năm xây dựng, chùa được hoàn thành và được đặt tên là Quan Âm Tu viện. 

Từ ngày được tạo lập đến nay, Quan Âm tu viện chỉ có hai vị trụ trì:  1.  Từ năm 1966 - 1977 là thượng toạ Thích Thiện Chơn.  2.  Trụ trì hiện nay là ni trưởng Huệ Giác, đồng thời là viện chủ.

Kiến trúc:

Quần thể kiến trúc tu viện gồm các khu vực:

Khu vực dành cho tăng giớ bao gồm: Tịnh thất Hữu Đức là nơi ở của các chư tăng. Đông viện là nơi lưu trú của chư tăng, tỳ kheo. Tây viện  bao gồm nơi hành giáo của chư tăng, phòng tỳ kheo, phòng khác và phòng trụ trì. Hậu viện dùng trai đường dành riêng cho các tăng. Ngoài ra còn có thánh tượng Đại Nguyên Địa Tạng Cương Bồ Tát, đường đi kinh hành niệm Phật, Phương trượng Đức Tôn Sư.

Khu vực ni giới gồm có: hội chữ thập đỏ, trai đường, phòng tiếp tân, thiền đường, phòng nghỉ, ni viện Tịnh Tâm, ni viện Tịnh Đức, ni viện Tịnh Huệ, tháp Đức Địa tạng Bồ tát, điện thờ di ảnh Đức tôn ni, khu vực tu tịnh (gồm am Bạch Tịnh, tịnh thất Bảo Tạng, tịnh thất Bảo Tịnh, đạo tràng Đại Ái Đạo).

Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có một cột cờ cao 12m và khu mộ tháp bao gồm: tháp Bảo Đồng  và Pháp tháp huyền diệu Quán Thế Âm. Tất cả được thiết kế liên hoàn tạo nên nét đẹp hài hoà tao nhã hoà quyện vào nhau, làm cho Quan Âm tu viện trở nên trang nghiêm, u tịnh và thoát tục hơn.

Hoạt động:

Quan Âm tu viện là trung tâm tu học lớn thứ hai ở miền Đông Nam Bộ, sau thiền việnThường Chiếu. Hiện có khoảng 150 tăng ni đang theo học tại chùa. Chùa từng là nơi dừng bước của các bậc cao tăng như: tổNguyên Thiều, tổ Huệ Đăng... và các bậc đại hoà thượng hiện nay nhưhoà thượng Trị Châu, Huệ Thành, Giác Nhu, Thanh Từ... lưu trú để hoằng truyền chánh phápHằng năm chùa tổ chức lễ trọng vào cac ngày lễ lớn của nhà Phật. Vào các ngày nay, Quan Âm tu viện đã thu hút hàng ngàn tín đồ Phật tử gần xa và khách thập phương đến thăm viếng và vãn cảnh chùa.


xã Tân Hội - huyện Tân Hiệp - tỉnh Kiên Giang

Ngôi chùa ở ấp Tân Phú, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, theo hệ phái Thiền Lâm. Chùa do cư sĩ trương Văn Dà sáng lập vào những năm đầu thập niên 1940, trên một khu đất do ông Giảng Văn Cây hiến cúng. Sau khi trụ trì được 4 năm, cư sĩ Trương Văn Dà giao chùa lại cho ông Nguyễn Văn Hay trông coi. Đến năm 1947, trong một cuộc ruồng bố, quân Pháp bắt được một du kích (Nguyễn Văn Sớm) đang ẩn náu trong chùa nên bắn chết ông Hay và đốt hỏng ngôi chùa.

Sau năm 1954, bà Lê Thị Bảy - một Phật tử địa phương - đứng ra xây dựng lại chùa và trông coi nhang khói cho đến khi bà mất vào năm 1964. Năm sau, tu sĩ Thích Giác Huấn (thế danh Lê Văn Việt, người gốc địa phương) về trụ trì chùa Quan Âm. Tại đây, ông bí mật tham gia cách mạng đến năm 1970. Năm 1972, thầy Giác Tuyết (không rõ thế danh) về trụ trì chùa Quan Âm. Cùng trông coi việc Phật sự trong chùa còn có hai tu sĩ khác là thầy Dậu và thầy Vui là hai cán bộ bí mật của cách mạng.

Từ sau năm 1975 đến nay, chùa Quan Âm lần lượt trải qua các đời trụ trì là: thầy Thích Giác Thuận (thế danh Lê Văn Bá) từ 1977 đến 1989, đại đức Thích Giác Tiển từ 1989 đến 1996 và tỳ kheo Thích Minh Sáng (thế danh Lê Phước Đức) từ 1996 đến nay. Tỳ kheo Thích Minh Sáng sinh năm 1929 tại huyện Tân Hiệp. Năm 1997, ngài xuất gia tại chùa Vạn Hoà và thọ Tỳ kheo năm 2000 tại Đại giới đàn chùa Tam Bảo. Năm 2002, tỳ kheo Thích Minh Sáng tiến hành vận động quyên góp trùng tu lại chùa Quan Âm.


Trà Bá - TP Pleiku - Gia Lai

Chùa Quan Âm toạ lạc tại phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt