<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đền Quản Cơ Trần Văn Thành

Đền Quản Cơ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng


Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, còn có tên Bửu Hương tự, chùa Láng Linh, hay chùa Láng, thuộc ấp Long Châu I, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đền nằm giữa đồng lúa Láng Linh, bên bờ kênh xáng Vịnh Tre (kênh Tri Tôn), cách thành phố Long Xuyên khoảng 50 km.  Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia ngày 12-12-1986 (một số tài liệu khác ghi là ngày 06-12-1989).

Đền thờ Trần Văn Thành - người đã tập hợp nghĩa binh tại căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa để chống Pháp trong những năm 1867 - 1873. Đền do Trần Văn Nhu - còn gọi là ông Hai Nhà Láng, con trai trưởng của Quản cơ Thành - đứng ra xây dựng trên nền một trại ruộng của Phật Thầy Tây An vào năm Đinh Dậu (1897), mang tên Bửu Hương tự, để tưởng nhớ cha cùng các nghĩa quân và những người dân đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa vào những năm 1867 - 1873...Đền trở thành nơi tập hợp của tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và nông dân yêu nước chống Pháp theo gương Quản cơ Thành.

Theo nội dung trên bia tưởng niệm tại đền, ngày 21 - 22 tháng 2 âm lịch năm 1913, trong lúc tín đồ cùng nhân dân đang làm lễ tưởng niệm 40 năm cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa thì quân Pháp đến Bửu Hương Tự bắt giam 83 người. Trong đó, 76 người bị tuyên án 2 năm tù giam ở Châu Đốc, 7 người bị 3 năm tù giam đày đi Côn Đảo. Sau đó, Pháp đốt đền. Riêng Trần Văn Nhu, nhờ người con nuôi của mình là Trần Văn Chánh cõng chạy thoát. Bị truy nã rất gắt nên ông Nhu phải lẩn trốn nhiều nơi và mất tại Trà Bang (Rạch Giá, Kiên Giang).
Năm 1942, Trần Văn Tịnh, một đệ tử của ông Nhu, đã đứng ra vận động xây dựng lại đền thờ tại nền cũ, lợp ngói, xây tường gạch, cột gỗ, nền lát gạch rất khang trang và rộng rãi. Tại đây, năm 1947, lực lượng kháng Pháp kéo ra tiêu diệt một đồn Pháp ở địa phương. Năm 1948, Pháp kéo đến khủng bố và đốt đền một lần nữa. Năm 1952, nhân dân quanh vùng đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại đền khang trang như ngày hôm nay.

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, kiến trúc dạng chữ 三 - Tam, kiểu cổ lầu, mái hai cấp lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe và bê tông, tường gạch, nền lát gạch bông. Về nghệ thuật thì đơn giản so với các đình chùa trong vùng. Hàng năm, cứ vào rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, ngày 21 - 23 tháng 2 âm lịch (ngày giỗ ông Trần Văn Thành) và ngày 5 tháng 5 âm lịch (ngày giỗ bà Quản cơ Trần Văn Thành), nhân dân trong và ngoài tỉnh tụ hội về đây rất đông để tưởng nhớ về ông, bà Quản cơ cùng những người đã hy sinh trong công cuộc kháng Pháp năm xưa.

©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt