Huyện Tân Biên
Vị trí
Tân Biên là huyện biên giới nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, thành lập vào năm 1976. Phía Bắc và Tây giáp Campuchia với 90 km đường biên giới, sông Sài Gòn ở phía Đông ngăn cách với huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Phía Đông giáp huyện Tân Châu, phía Nam giáp huyện Châu Thành, Hoà Thành và thị xã Tây Ninh. Huyện có sông Suối Mây nguồn từ Campuchia chảy xuống phía Nam thành sông Vàm Cỏ Đông và sông Sanh Đôi chảy ở phía Đông nhập vào sông Sài Gòn.
Thông tin sơ lược
Diện tích: 853,0 km2.
Dân số: 77.100 người, với các dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm.
Mật độ: 90 người/km2.
Huyện lị: thị trấn Tân Biên.
Huyện gồm thị trấn Tân Biên và 9 xã khác: Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Tây, Thạnh Bắc, Thạnh Bình, Hoà Hiệp, Tân Phong, Mỏ Công, Trà Vong.
Lịch sử
Trước Cách mạng tháng Tám, Tân Biên là vùng đất phía Bắc của huyện Châu Thành với những dãy rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, do nhu cầu phải thành lập căn cứ địa kháng chiến nên tại đây thành lập rất nhiều phận liên khu: Phân liên khu uỷ miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Định Ninh, các cơ quan của Xứ uỷ Nam bộ, căn cứ Trà Vong, căn cứ 105, Trung ương Cục miền Nam.
Kinh tế – xã hội
Địa hình đồng bằng thềm tích đất Bazan lượn sóng. Phần lớn diện tích là rừng, có đường biên giới với Cămpuchia. Đất Tân Biên rất thích hợp với cây công nghiệp và các loại cây rừng. Tân Biên có diện tích đất tự nhiên đứng hàng thứ hai sau Tân Châu, chiếm 1/5 tổng diện tích trong tỉnh. Trong đó, hơn nửa phần diện tích là đất lâm nghiệp đại bộ phận là trồng hoa màu.
Về nông nghiệp: trồng lúa, mía, sắn, cao su, hồ tiêu. Chăn nuôi: bò, trâu, ong lấy mật. Cơ khí sửa chữa, chế biến nông sản thực phẩm.
Trước ngày giải phóng, diện tích rừng của Tân Biên còn rất lớn với nhiều lâm sản quý. Đến nay diện tích rừng còn lại rất ít, chủ yếu là rừng cây tái sinh và rừng lùm bụi do hậu quả khai thác bừa bãi của con người. Ngoài ra Tân Biên đang chuẩn bị thực hiện hai dự án xây dựng rừng đặc dụng Lò Gò, Sa Mát, rừng đặc dụng Chàng Riệc và dự án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở khu vực Bàu Rã, kết hợp nông – lâm và định canh định cư.
Tân Biên có một số tuyến đường chiến lược quan trọng như quốc lộ 22B, tỉnh lộ 783, 791, 795, 788 chạy qua di tích lịch sử khu căn cứ trung ương cục Miền Nam. Hệ thống giao thông đường bộ đã được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng yêu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá thường ngày, song nhìn chung chất lượng chưa cao cần được đầu tư trong những năm tới.
Cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng. Lưới điện quốc gia đã về tới cửa khẩu Sa Mát và toàn bộ các xã trong huyện. Các công trình thuỷ lợi, giao thông, bệnh viện, trường học, bưu điện, đài truyền thanh đã đưa vào sử dụng đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của huyện.
Di tích
Trung ương Cục miền Nam
Căn cứ CPCMLTCHMN Việt Nam
Căn cứ Mặt trận DTGPMN Việt Nam
Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam