Đèo Ngang
Địa chỉ hiện nay
Quảng Đông - Quảng Trạch - Quảng Bình
Vị trí
Đèo cao 256m, dài 6 km ở dãy núi Hoành Sơn, ngang vĩ tuyến 18o Bắc, trên quốc lộ 1A. Chân đèo phía Bắc thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Chân đèo phía Nam thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vị trí của đèo kéo dài từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển và là biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành xưa kia, nay là địa mốc của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Thời Pháp thuộc, đèo có tên là Porte d'Annam.
Xưa kia, vị trí đèo Ngang nằm trên đường quan dịch trạm thời Nguyễn, cách trạm 200m về phía Đông.
Lịch sử
Theo Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam thì đường qua dãy Hoành Sơn được Ngô Tử An khai phá từ năm 992 và đã có quá trình hình thành từ hơn 1000 năm. Từ xa xưa, quân Chiêm Thành và quân Đại Việt đã đụng độ và tranh chấp khu vực hiểm yếu này. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thì đèo là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Thời chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) đèo là nơi oanh kích dữ dội của không quân và hải quân Mỹ. Trong những năm 1967-1969, cổng Hoành Sơn là nơi chứa đạn pháo cao xạ. Mùa hè năm 1969, bom Mỹ đánh trúng đơn vị pháo, 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh ngay tại đỉnh đèo. Nay, đèo Ngang là điểm nối thông Nam Bắc trên tuyến quốc lộ 1A.
Theo các tài liệu sử còn lưu lại đến ngày nay như Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì con đường thông qua đèo Ngang đã có từ thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Vua Lâm Ấp (Champa, Hoàng Vương, Chiêm Thành) cũng đã xây dựng tại đây lũy Lâm Ấp vào thế kỉ XVII. Thế nhưng, địa danh này bắt đầu được biết đến nhiều thì phải đến tận thời kì xảy ra việc chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong, quân Trịnh đã xây dựng tại đây một hệ thống đồn lũy, gọi là lũy đèo Ngang hay lũy ông Ninh (chỉ Ninh Quốc công Trịnh Toàn).
Sau khi vua Quang Trung thống nhất đất nước, chấm dứt tình trạng Trịnh - Nguyễn phân tranh thì đèo Ngang trở thành cửa ngõ ra Bắc vào Nam. Thế nhưng, khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh năm 1789 (Kỷ Dậu), nhà vua đã quyết định không qua cổng của những thành lũy dựng từ trước mà trổ một con đường khác, với ý nghĩ muốn đất nước liền một dải, không có sự phân chia.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng Hoành Sơn Quan ở đỉnh đèo Ngang và cho khắc hình vào Cửu Đỉnh (Huyền Đỉnh). Hoành Sơn Quan cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30m, trên cửa thành đắp nổi ba chữ "Hoành Sơn Quan". Hai phía Bắc - Nam của Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc tam cấp. Hiện nay, Hoành Sơn Quan vẫn còn, tuy không nguyên vẹn nhưng vẫn sừng sững, uy nghi, phong trần nơi đầu núi hướng ra biển, là chứng tích của một thời kì lịch sử.
Cảnh quan
Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo cách thành phố Hà Nội 423 km, thành phố Huế 235 km, thành phố Vinh 132 km, thành phố Đồng Hới 68 km.
Gần đèo Ngang về phía Quảng Bình có đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây là một trong những di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo thờ Mẫu tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài ra, khu vực đèo Ngang còn có các bãi tắm như Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với những rừng dương xanh, bãi cát vàng. Các đảo ở ngoài khơi như đảo Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến ... là những thắng cảnh thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đảo Hòn La, đèo Ngang đã hợp thành một quần thể thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Một bên là núi đèo nhấp nhô, một bên là những bãi biển sạch đẹp trải dài thoai thoải. Nơi đây đã được quy hoạch thành khu du lịch Đèo Ngang - Hòn La nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Dưới chân đèo phía Bắc xưa kia là cửa biển Xích Mộ. Nay cửa biển đã bị bồi lấp. Ngược lên phía Tây, dưới chân đèo là một hồ nước trong xanh khá rộng. Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3km là Đèo Con. Tuy thấp hơn đèo Ngang nhưng vị trí nơi đây thật đẹp vì nằm sát ngay bãi biển Đá Nhảy với một bãi đá lớn từ núi ăn lan ra biển, nhấp nhô với nhiều hình dạng khác nhau. Gần bãi tắm Đèo Con là đền thờ bà Bích Châu (hay còn gọi là đền thờ Bà Hải) gần núi Cao Vọng, cùng với núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, vũng Áng đã tạo thành một quần thể du lịch Bắc đèo Ngang.
Với vẻ đẹp thiên nhiên tạo cùng với những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử, đèo Ngang là thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung và giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các miền khí hậu của Việt Nam.
Văn học
Đèo Ngang là con đèo lịch sử, đã đi vào ca dao, huyền thoại với sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng như những câu ca dao, những bài thơ của các danh nhân đã lưu dấu như Lê Thánh Tông, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Phước Miên Thẩm ... trong đó nổi tiếng nhất là bài Qua Ðèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà, mỏi miệng cái da da
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Sự kiện
Sáng 21/08/2004, tại cửa hầm phía Bắc đèo Ngang (thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh), đại diện các Bộ, Ngành trung ương cùng UBND tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã tổ chức lễ khánh thành và thông xe hầm đường bộ qua đèo Ngang. Được biết, hầm được khởi công xây dựng từ ngày 10/05/2003 với chiều dài toàn tuyến là 2.156,41m, trong đó có 495m hầm chính. Hầm đường bộ qua đèo Ngang có tổng mức đầu tư là 150,021 tỷ đồng. Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, bảo đảm cho các phương tiện cơ giới đạt tốc độ tối đa 60km/h. Hầm đường bộ qua đèo Ngang sau khi đưa vào sử dụng đã rút ngắn được khoảng 4,5km di chuyển (tương đương 13 - 15 phút) cho các phương tiện cơ giới.