Huyện ở phía Nam của tỉnh Cà Mau; Đông tiếp giáp biển Đông; Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan; Bắc tiếp giáp huyện Phú Tân, huyện Cái Nước, huyện Đầm Dơi; Nam giáp huyện Ngọc Hiển. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Năm Căn và 7 xã: Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông và Lâm Hải.
|
Chợ trôi Năm Căn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Năm Căn là vùng đất thấp, có tiềm năng về rừng và biển. Xưa nay, người ta vẫn thường biết đến Năm Căn qua hình ảnh những dòng sông, con rạch chằng chịt luôn chảy cuồn cuộn, hối hả từ con nước lớn đến nước ròng; những ngôi nhà sàn lênh đênh ven hai bờ sông, trong ngọn rạch; những bãi bùn nối tiếp những bãi bùn với những cánh rừng đước thẳng đứng....Đến Năm Căn du khách có thể tham quan chợ trôi và các khu du lịch sinh thái như: Lâm ngư trường 184, vườn chim Tư Na, Công viên sinh thái thị trấn Năm Căn.
Chợ trôi ở thị trấn Năm Căn là chợ sôi nổi và sung túc vào bậc nhất của đất mũi Cà Mau. Hàng ngày, các cửa hàng, cửa hiệu là những chiếc ghe nhỏ len lỏi khắp các sông rạch hẻo lánh mang đến cho người dân ở vùng sâu Năm Căn những cây kim, sợi chỉ, bó rau cho đến những món hàng cao cấp. Đặc điểm của chợ là người mua sắm cứ việc ngồi tại nhà, cửa hàng nổi sẽ trôi đến, giá cả không đắt bao nhiêu so với hàng ở chợ thành phố. Hơn nữa, chợ trôi còn có hình thức “mua trước, trả sau”. Không tiền vẫn cứ mua, chuyến sau sẽ trả rồi mua sắm tiếp. Những ngày giáp Tết, chợ trôi càng hoạt động nhộn nhịp hơn. Ngoài những mặt hàng thông dụng còn có cả hoa, cây cảnh, tranh lịch, bàn ghế... Ngành dịch vụ cũng góp mặt bằng các ghe chuyên uốn ép tóc, hớt tóc, sơn móng tay, móng chân, gội đầu và bán cả nước hoa, mỹ phẩm.
Năm Căn là quận thuộc tỉnh An Xuyên từ sau năm 1956, gồm 2 xã: Năm Căn và Viên An. Quận lỵ đặt tại xã Năm Căn. Ngày 07-12-1965, quận nhận thêm xã Tân Ân tách từ quận Đầm Dơi. Sau 30-04-1975, quận Năm Căn bị giải thể. Ngày 29-12-1978, Hội đồng chính phủ ra quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới thuộc tỉnh Minh Hải, trong đó có huyện Năm Căn, gồm có thị trấn huyện lỵ và 28 xã, nhưng trong quyết định không ghi rõ tên xã.
Ngày 25-07-1979, địa giới hành chánh huyện có sự điều chỉnh như sau:
- Chia xã Viên An thành 3 xã: Viên An Đông, Viên An Tây, Đất Mũi
- Chia xã Năm Căn thành thị trấn Năm Căn và 2 xã Hàm Rồng, Đất Mới
- Tách đất xã Tân Ân, lập xã mới Tam Giang
- Chia nửa xã Quách Phẩm B thành 3 xã: Thanh Tùng, Tân Điền, Hiệp Tùng
- Chia nửa xã Quách Phẩm A thành 3 xã: Tân Trung, An Lập, Tân An.
Ngày 17-05-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 75/HĐBT, về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải, cắt 5 xã Tân Điền, Tân An, Thanh Tùng, Tân Trung, An Lập của huyện Năm Căn, sáp nhập vào huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn còn lại thị trấn Năm Căn và 8 xã: Tân Ân, Hiệp Tùng, Hàm Rồng, Đất Mới, Tam Giang, Đất Mũi, Viên An Đông, Viên An Tây.
Ngày 17-12-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 168/HĐBT đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển mới, đồng thời đổi tên huyện Ngọc Hiển cũ thành huyện Đầm Dơi. Ngày 17-11-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP, thành lập huyện Năm Căn trên cơ sở 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu của huyện Ngọc Hiển. Huyện Năm Căn có 53.291,40 ha diện tích tự nhiên và 70.745 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Tam Giang Đông và thị trấn Năm Căn.
Khí hậu Năm Căn thuộc kiểu gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ cao quanh năm, trung bình khoảng 26,9oC. Một năm chia thành 2 mùa:
mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa mưa lượng mưa chiếm tới 90%, mùa khô lượng mưa chỉ chiếm 10%. Lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.176 mm. Chế độ gió hoạt động theo mùa:
+ Mùa khô, hướng gió chủ yếu là Đông và Đông Bắc, vận tốc gió trung bình từ 1,6 - 2,8m/s, trong mùa khô biển tương đối lặng, thời tiết tốt, thuận lợi cho khai thác biển, nuôi trồng thuỷ sản, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, du lịch…
+ Mùa mưa, hướng gió chủ yếu là Tây Nam, tốc độ trung bình từ 1,8 - 4,5m, lượng mưa lớn, trong mùa mưa thỉnh thoảng xuất hiện áp thấp gần bờ, giông, lốc, gió xoáy cấp 7 - cấp 8, ảnh hưởng đối với nghề khai thác biển, đi lại khó khăn, các dịch vụ, sinh hoạt văn hoá thể thao và du lịch bị hạn chế.
Địa hình bằng phẳng, bề mặt địa hình bị chia cắt khá mạnh bởi hệ thống sông rạch tự nhiên và kênh mương chằng chịt, có nhiều con sông rất rộng như sông Cửa Lớn, sông Tam Giang, sông Cái Ngay. Địa hình thấp, độ cao trình trung bình từ 0,5 - 0,7 m so với mực nước biển, nên thường xuyên bị nước biển xâm nhập gây ngập úng. Đất đai của huyện Năm Căn là vùng đất trẻ, nền thấp yếu và đang có hiện tượng bồi lở ở hai phía bờ biển. Lớp bùn hữu cơ và sét hữu cơ dày từ 0,7 - 1,7 m, lớp bùn sét dày 1,3 - 1,4 m, gây khó khăn cho các công trình xây dựng. Khu vực đất rừng, bờ sông thường có nhiều lỗ mọi, đây là một đặc điểm cần chú ý khi xây dựng các đầm nuôi thủy sản, cần có giải pháp thi công thích hợp để chống mất nước đầm nuôi. Phần lớn đất ở Năm Căn được sử dụng vào trồng rừng và nuôi thủy sản.
Huyện giáp biển ở hai đầu Đông, Tây. Sông Cửa Lớn chạy xuyên suốt từ bờ biển Đông sang bờ vịnh Thái Lan, vì vậy địa bàn huyện chịu tác động trực tiếp của cả triều biển Đông (bán nhật triều không đều) và triều biển Tây (nhật triều không đều). Thủy triều biển Đông lớn, vào các ngày triều cường biên độ triều khoảng 300 cm, các ngày triều kém biên độ triều cũng đạt từ 180 - 220 cm. Thủy triều biển Tây yếu hơn, biên độ triều lớn nhất khoảng 100 cm. Mực nước triều cao nhất từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa gió chướng, nước thường dâng cao.
Triều biển xâm nhập sâu vào đất liền theo hệ thống sông rạch, phần lớn đất đai của huyện thường bị ngập triều. Do triều biển Đông mạnh hơn biển Tây, nên biên độ triều trên các sông có xu hường giảm dần từ Đông sang Tây. Tất cả các con sông đều bị nhiễm mặn, nước ngọt dùng cho sinh hoạt và trồng trọt chủ yếu nhờ vào nguồn nước mưa và nước ngầm. Nguồn nước ngầm đang được khai thác, sử dụng trên địa bàn huyện Năm Căn là từ tầng II đến tầng III (có độ sâu từ 89m - 172 m), riêng khu vực thị trấn Năm Căn khai thác nước ở 3 tầng II, III, và IV (có độ sâu từ 78m - 222m). Chất lượng nước nhìn chung tốt, không bị nhiễm mặn, thuộc nhóm nước mềm, chưa bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cho sinh hoạt. Tuy nhiên cần chú ý nước có chứa ít canxi và một số tầng nước có hàm lượng tổng sắt trong nước cao (0,25 - 0,5 mg/l) cho nên nước có tính chất phèn, cần chú ý xử lý trước khi sử dụng.
Rừng là nguồn tài nguyên quan trọng của huyện. Rừng có tác dụng bảo vệ cân bằng môi trường sinh thái, tạo điều kiện nuôi trồng thủy sản bền vững, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng kết hợp với phòng hộ ven biển.
Trước đây, theo đề án chương trình 327 của tỉnh Minh Hải: tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Năm Căn là 46.829 ha, chiếm 93,2% diện tích tự nhiên. Trong đó có 21.725 ha của các xã phía bắc huyện (có 1.819 ha có rừng).
Từ năm 1997, tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh Đề án tổng quan phát triển lâm nghiệp và diện tích đất lâm nghiệp của huyện Năm Căn được quy hoạch là 26.104 ha, chiếm 50,78% đất tự nhiên toàn huyện, trong đó có rừng phòng hộ là 964 ha, rừng đặc dụng là 3.034 ha, rừng sản xuất 22.106 ha.
Diện tích có rừng đầu năm 2004 là 13.287,5 ha, độ che phủ bình quân trên chiếm 50,9% và bằng 25,89% diện tích tự nhiên của huyện, bao gồm:
- Rừng sản xuất: 10.919,1 ha tỷ lệ đất có rừng đạt 49,39%
- Rừng phòng hộ: 900 ha tỷ lệ đất có rừng đạt 93,36%
- Rừng đặc dụng: 1.468,4 ha tỷ lệ đất có rừng đạt 72,19%
Bình quân đất lâm nghiệp/nguời đạt 2.690 m2 , trong khi bình quân toàn tỉnh Cà Mau là 1.021 m2/người, bình quân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 1.485 m2/người và bình quân cả nước là 211 m2/người.
Tổng chiều dài bờ biển huyện Năm Căn là 34,8 km, bao gồm 15,8 km bờ biển Đông và 19 km bờ biển Tây, chiếm 13,7% chiều dài bờ biển tỉnh Cà Mau. Cảng Năm Căn nằm ở bờ tả sông Cửa Lớn, cách thành phố Cà Mau khoảng 68 km theo đường bộ và 60 km theo đường thủy, cách cửa Bồ Đề khoảng 36 km theo luồng sông Cửa Lớn để thông ra biển Đông. Theo quy hoạch phát triển, cảng Năm Căn sẽ là cảng biển chính của tỉnh Cà Mau. Cảng được đầu tư 111,736 tỷ đồng, khởi công ngày 11-10-1995. Tuy nhiên, cho đến nay, cảng vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Vùng biển ven bờ Tây (bãi bồi từ cửa sông Bảy Háp đến cửa Ông Trang) là vùng bồi lấn, là nơi sinh sản của các loại thủy sản. Vùng biển Tây Nam là ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao. Do nguồn lợi của vùng biển Cà Mau phong phú, ngư dân của huyện có điều kiện làm nghề khai thác biển (tàu thuyền nghề cá, đóng đáy biển…).
|
Thị trấn Năm Căn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Theo số liệu thống kê của ngành thuế huyện Năm Căn, 6 tháng đầu năm 2009, huyện chỉ thu được trên 21 tỷ 400 triệu đồng, đạt trên 33% kế hoạch năm, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2009, một số chỉ tiêu của huyện đạt khá như: trồng rừng đạt 96,47% kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của huyện là: tăng cường công tác khuyến ngư, hướng dẫn nông dân trong việc nuôi tôm, phòng ngừa dịch bệnh trên tôm; tăng cường các biện pháp thu ngân sách, khai thác nguồn thu, chống thất thu; thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…
Năm 2003, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau giao cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cà Mau (Vinashin Cà Mau) 58 ha đất tại thị trấn Năm Căn để xây dựng nhà máy đóng tàu. Đến năm 2007, tỉnh mở rộng thành cụm công nghiệp Năm Căn với 220 ha (bao gồm cả nhà máy đóng tàu đang xây dựng) và tiếp tục giao cho Vinashin làm chủ đầu tư. Kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 850 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Khu đất quy hoạch cụm công nghiệp này hiện vẫn là rừng, chưa san lấp mặt bằng. Riêng nhà máy đóng tàu đến nay mới triển khai được 64% khối lượng giai đoạn 1. Hiện trong khu này đã xây dựng một xưởng đóng tàu.
Dự án cảng Năm Căn được tỉnh Cà Mau khởi công xây dựng từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư 111 tỷ đồng. Đây là cảng biển quốc tế nối biển Đông và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên tiến độ xây dựng rất ì ạch. Tháng 03-2007, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin tiếp nhận Cảng Năm Căn và đề ra kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2009. Theo dự án, cảng Năm Căn khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000 - 12.000 tấn, công suất xếp dỡ hàng hóa 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo Ban quản lý các KCN Cà Mau, đến thời điểm cuối tháng 7-2009 dự án cảng Năm Căn chỉ mới triển khai được khoảng 30% khối lượng, chủ yếu là trải đá một số tuyến đường nội bộ. Chủ đầu tư cũng không xác định được khi nào hoàn thành đưa vào khai thác cảng này.
Dự án khôi phục Quốc lộ 1A, đoạn Cà Mau – Năm Căn dài 52 km đã cơ bản hoàn thành trải thảm bê tông nhựa nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân trong khu vực do năm cây cầu sắt trên tuyến đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Năm 2009, Ban quản lý dự án I, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị khởi công xây dựng sáu cầu trên quốc lộ 1A, đoạn Cà Mau – Năm Căn (Cà Mau), bao gồm: Ông Tình, Lòng Tong, Ông U, Cựa Gà, Kinh Năm và Kinh Xáng, trong đó cầu Kinh Xáng nằm trên tuyến giao thông nối quốc lộ 1A với khu công nghiệp và cảng Năm Căn. Tổng vốn đầu tư xây dựng các cầu này hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng Thế giới, dự kiến hoàn thành vào tháng 04-2010. Ngoài dự án này, bộ Giao thông vận tải còn đang triển khai thực hiện dự án xây dựng, kéo dài quốc lộ 1A từ Năm Căn về đến tận đất mũi Cà Mau. Dự án có chiều dài 51 km, chia thành 26 gói thầu xây lắp, trong đó có 24 cầu và một bến phà nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Điểm đầu của đoạn tuyến này kết nối với quốc lộ 1A tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; điểm cuối là Khu du lịch mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.