<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Huyện Hàm Thuận Nam

Vị trí

Hàm Thuận Nam là huyện phía Nam của tỉnh Bình Thuận. Phía Bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc, Tây Bắc giáp huyện Tánh Linh, Tây Nam giáp huyện Hàm Tân, Nam giáp biển Đông, Đông Nam giáp TP Phan Thiết.

Thông tin sơ lược

Diện tích: 1051,8 km2

Dân số: 93000 người

Mật độ: 88 người/km2

Huyện lị: thị trấn Thuận Nam

Huyện bao gồm thị trấn Thuận Nam và 12 xã khác: Tân Lập, Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Thạnh, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành.

Huyện Hàm Thuận Nam, được thành lập vào năm 1983, tách ra từ huyện Hàm Thuận, trên cơ sở diện tích và dân số 6 xã phía Tây của huyện Hàm Thuận và 3 xã phía Đông của huyện Hàm Tân.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên rừng gồm có rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Với 9000 ha rừng tự nhiên tái sinh nhằm phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ các mặt hàng dân dụng. Rừng Tà Cú có nhiều loại gỗ quý như căm xe, cẩm lai, giáng hương, phong lan, mai trúc, tre, ... và nhiều động vật quý hiếm. Mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn và chất lượng tốt như Văn Lâm – Tà Kói, mỏ sét gạch ngói ở xã Tân Lập, huyện Hàm Tân.

Kinh tế - xã hội

Nông nghiệp: hầu hết phụ thuộc vào thiên nhiên. Cây trồng chủ yếu là cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả,...đặc biệt, là cây thanh long, một thế mạnh của huyện, vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa giải quyết việc làm tại chỗ của người dân trong vùng. Nền nông nghiệp ngày nay, đang có chiều hướng phát triển tốt, đi từ nên nông nghiệp độc canh sang đa canh, thâm canh, đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hoá. Bên cạnh đó, những công trình thuỷ lợi hiện đại được xây dựng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của vùng ngày càng thuận lợi hơn. Nghề nuôi trồng thuỷ sản cũng là một thế mạnh của vùng, đặc biệt, là nuôi tôm. Với sản lượng bình quân hàng năm trên 12000 tấn chủ yếu là tôm, mực, ốc hương, ....

Công nghiệp: nhiều khu công nghiệp trọng điểm được hình thành. Điều thuận lợi của các khu công nghiệp này là tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. 

Giao thông: đây là một huyện hoàn toàn mới, do đó, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt là hệ thống giao thông trong huyện như các tuyến đường liên huyện, liên xã đều hư hỏng nặng, hệ thống giao thông nông thôn còn sơ khai. Có đường quốc lộ 1A, chạy qua địa phận huyện là 37,5 km, đường sắt Bắc – Nam chạy là 17,75 km. Về giao thông đường thuỷ, với chiều dài bờ biển 23,5 km rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông, đánh bắt thuỷ hải sản.

Sông ngòi: sông Phan, sông Cà Ty, sông La Ngà là những con sông lớn chảy qua địa bàn huyện.

Đặc sản: thanh long, nhãn, mực một nắng, nước mắm.

Du lịch: đây là một tiềm năng đầy hứa hẹn và đang thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Hàm Thuận Nam cũng là một huyện có nhiều khu du lịch nổi tiếng như” khu du lịch Tà Cú, khu du lịch Đồi Sứ, khu du lịch Vườn Đá, khu du lịch Thuận Quý – Khe Gà, khu du lịch Hòn Lan, suối nước nóng Bưng Thị,.... rất thu hút du khách, và các địa danh như Hang Mú, Đá Dăm, Đá Một, Suối Nhum.

Dân cư: hầu hết dân cư trong huyện làm nghề nông. Có thể nói đây là vùng đất thuần nông nghiệp với 97% dân số trong huyện là nông dân.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt