Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng. Phía Tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Hà Giang nằm trong phạm vi toạ độ từ 22010’ đến 23023’ vĩ độ Bắc và từ 104020’ đến 105034’ kinh độ Đông.
Nhìn tổng thể, lãnh thổ Hà Giang giống như một con hổ nằm phủ phục, quay mặt về hướng Đông. Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng về mặt kinh tế, an ninh và quốc phòng. Tuy vị trí cách xa các trung tâm kinh tế phía Bắc, có hạn chế nhất định trong việc trao đổi hàng hoá, giao lưu kinh tế trong nước nhưng Hà Giang lại thuận lợi trong việc trở thành đầu mối dịch vụ vận tải quá cảnh cho các tỉnh Tây Nam Trung Quốc ra biển Đông và cung cấp cho người dân vùng biên giới Trung Quốc các mặt hàng như gạo, muối, chuối, thịt, cá, dược liệu và khoáng sản của Việt Nam.
Hà Giang có địa hình khá phức tạp, có nhiều dãy núi cao và cao sơn nguyên, trong đó, có những đỉnh cao trên 2000 m so với mặt biển. Độ cao trung bình toàn tỉnh từ 800 đến 1200m, nơi cao nhất ở phía Bắc và Tây Bắc, nơi thấp nhất (có độ cao từ 8—100m) ở phần trung tâm và phía Nam của tỉnh.
Về mặt địa hình, lãnh thổ Hà Giang có thể chia làm 3 vùng:
-
Vùng núi đá vôi phía Bắc với độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, gồm nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát với chí tuyến Bắc có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Vùng này có vùng trũng Yên Minh, chủ yếu là đồi núi thấp có độ cao trung bình 500 – 700 m.
-
Vùng cao nguyên phía Tây có độ cao trung bình của vùng từ 900 - 1.000 m, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và sông suối hẹp.
-
Vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình từ 50 – 100 m. Địa hình ở đây là đồi núi thấp, thung lũng sông Lô càng xuống phía Nam càng được mở rộng.
Hà Giang mang đặc trưng của khí hậu miền Bắc, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông khô hanh và lạnh. Nhưng do ảnh hưởng của đai cao và sự án ngữ sừng sững của các khối núi thuộc cánh cung sông Gâm ở phía Đông, nên khí hậu của tỉnh có sự phân hoá phức tạp và mang nhiều sắc thái riêng biệt.
Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,6oC - 23,9oC, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 10oC và trong ngày cũng từ 6 - 7oC. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng l).
Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 - 2.400 mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000 mm, là một trong những trung tâm mưa lớn nhất nước. Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn.
Độ ẩm bình quân hàng năm ở Hà Giang đạt 85% và sự dao động cũng không lớn. Thời điểm cao nhất (tháng 6, 7, 8) vào khoảng 87 - 88%, thời điểm thấp nhất (tháng l, 2, 3) cũng vào khoảng 81%:
Đặc biệt, ở đây ranh giới giữa mùa khô và mùa mưa không rõ rệt. Hà Giang là tỉnh có nhiều mây (lượng mây trung bình khoảng 7,5/10, cuối mùa đông lên tới 8 - 9/10) và tương đối ít nắng (cả năm có 1.427 giờ nắng, tháng nhiều là 181 giờ, tháng ít chỉ có 74 giờ).
Các hướng gió ở Hà Giang phụ thuộc vào địa hình thung lũng. Thung lũng sông Lô quanh năm hầu như chỉ có một hướng gió Đông Nam với tần suất vượt quá 50%. Nhìn chung, gió yếu, tốc độ trung bình khoảng 1 - l,5m/s. Đây cũng là nơi có số ngày giông cao, tới 103 ngày/năm, có hiện tượng mưa phùn, sương mù nhiều nhưng đặc biệt, ít sương muối. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, nhất là mưa lớn gây lũ đột ngột vào các tháng mùa hạ, gây trở ngại lớn cho sản xuất, đi lại và sinh hoạt của người dân.
Đất đai Hà Giang khá phức tạp do được hình thành từ các loại đá mẹ khác nhau, bao gồm 9 nhóm đất chính, trong đó đất xám chiếm diện tích lớn nhất. Đây là nhóm đất thích hợp để trồng và phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu… Nhóm đất hình thành trên nền 2 nhóm đá chính là măcma axit và đá biến chất. Địa hình nơi đây được xếp vào kiểu núi khối tảng dạng vòm trên nền nguyên sinh phân cắt mạnh. Khu vực này có lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn (3.000 mm). Với những điều kiện như vậy đã tạo nên cho vùng một lớp phủ thổ nhưỡng đa dạng, trong đó phần lớn là đất mùn màu vàng đỏ, phù hợp để phát triển những cánh rừng thuộc kiểu á nhiệt đới.
Nhóm đất hình thành trên nền 3 nhóm đá chính là trầm tích đá hạt mịn bị biến chất, tướng đá lục hoặc lục yếu, tiếp đến là loại đá vôi hoặc sét vôi và đá lục nguyên hạt vừa và mịn. Địa hình ở đây được xếp vào kiểu núi khối tảng trên nền nguyên sinh, bị phân cắt rất mạnh. Đây cũng là khu vực có lượng mưa trung bình năm khá lớn (3.000mm). Vì vậy, lớp phủ thổ nhưỡng trong tỉnh đa phần là nhóm đất mùn màu vàng đỏ và mùn xám sẫm, tạo nên một thảm thực vật hết sức phong phú với những cánh rừng kiểu á nhiệt đới thường xanh.
Nhóm đất hình thành trên nền đá vôi bị phân hoá mạnh, địa hình karst. Phần lớn, lớp phủ thổ nhưỡng ở đây là loại đất đỏ xám hoặc vàng sẫm, với thảm thực vật chủ yếu là các loại cây thấp, mật độ thưa. Rừng ở khu vực này thường có các loại cây lấy gỗ thuộc nhóm tứ thiết như trai, nghiến...
Nhóm đất hình thành trên cấu trúc địa chất của vòm nâng sông Chảy. Địa hình nơi đây có đặc trưng là các dải đồi, núi và gò thấp, sườn ít dốc. Khu vực này có lượng mưa lớn nhất cả nước, do vậy, lớp phủ thổ nhưỡng ở đây chủ yếu là nhóm đất màu xám sẫm hơi đen, phù hợp với việc trồng cây ăn quả nhất là cam.
Rừng là thế mạnh kinh tế chủ yếu của Hà Giang và còn có ý nghĩa lớn vào khoa học và bảo vệ môi trường. Do đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, rừng Hà Giang khá phong phú và được coi là một trong những khu vực đặc trưng của kiểu loại rừng á nhiệt đới, với nhiều chủng loại.
Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh. Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 262.957 ha, với nhiều sản vật quý hiếm trong đó động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng…; các loại gỗ như ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, trò chỉ, thông đá…; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm, đỗ trọng… Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều bất ngờ, kỳ thú.
Khoáng sản của Hà Giang tuy chưa được thăm dò đầy đủ nhưng nhìn chung khá đa dạng, phong phú với 28 loại khác nhau, tập trung trong 149 mỏ và điểm quặng. Các khoáng sản có thể khai thác phục vụ cho việc phát triển kinh tế của tỉnh. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như ăngtimon ở các mỏ Mậu Duệ, Bó Mới (Yên Minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; chì - kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ.
Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như pirít, thiếc, chì, đồng, mănggan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn…Hiện nay, một số mỏ đang được khai thác có hiệu quả. Nhìn chung, phần lớn các loại khoáng sản nói trên đều có trữ lượng nhỏ lại phân tán, điều kiện và phương tiện khai thác đa phần là thủ công, bán cơ giới nên năng suất và hiệu quả thấp. Hà Giang còn có đá vôi để sản xuất xi măng, nhưng trữ lượng không lớn. Đá, cát sỏi, đất làm gạch có thể khai thác để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ.
Tuy là một tỉnh miền núi không có thế mạnh về thuỷ sản, nhưng ở khu vực Hà Giang lại có thể tìm thấy những loài thuỷ sản quý, hiếm, có giá trị đặc biệt. Trên lưu vực sông Gâm có thể tìm thấy các loại tôm, cua, cá chỉ có ở khu vực đầu nguồn sông có nhiều ghềnh đá. Đặc biệt, ở đây có loại cá Dầm xanh, cá Anh vũ ngon nổi tiếng, đã từng là những loại đặc sản tiến cung. Trên sông Lô cũng có một số loài cá, tôm theo nguồn nước sông Hồng ngược lên và được coi là đặc sản ở sông Lô như cá chép, cá bống, cá măng, ba ba. . .
Phát huy nguồn lợi thuỷ sản, những năm gần đây, ở nhiều nơi, nhân dân đã biết tận dụng mặt nước, các đầm, ao, hồ để chăn thả các loại tôm cá có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Một số nơi, bà con nông dân còn kết hợp trồng lúa và thả cá trên những chân ruộng nước. Nhiều trang trại của họ đã phát triển theo mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trong những năm qua, công tác giáo dục, đào tạo ở Hà Giang đã có nhiều thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng. Quy mô giáo dục được mở rộng, mạng lưới trường lớp phát triển. Số lượng học sinh các ngành học, cấp học tăng thanh, tỉ̉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày đông.
Về quy mô: toàn tỉnh có 506 trường học; trong đó có 141 trường mầm non, 350 trường phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 01 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp.
Về cơ sở vật chất trường lớp: toàn tỉnh hiện có 8204 phòng học các cấp trong đó có 2982 phòng học kiên cố, 2878 phòng học cấp IV, 2344 phòng học tạm.
Từ khi tái lập tỉnh cho đến nay, kinh tế Hà Giang đứng trước nhiều khó khăn và thử thách. Xuất phát điểm thấp, ngành kinh tế chủ chốt là nông nghiệp thì manh mún, quy mô nhỏ, kỹ thuật canh tác lạc hậu, lại thêm điều kiện tự nhiên ít thuận lợi, nên sản phẩm chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của nhân dân cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây kinh tế Hà Giang có sự chuyển biến tích cực theo mô hình kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu nền kinh tế đã từng bước thay đổi, gắn với tiềm năng về tự nhiên và lao động.
Hà Giang là tỉnh có tài nguyên đa dạng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Hà Giang có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là ăngtimon và cao lanh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Hà Giang có điều kiện khí hậu tốt và nhiều cảnh đẹp, suối nước nóng,… để phát triển du lịch quá cảnh. Đây là ngành then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh nhưng trong những năm vừa qua chưa thực sự được chú trọng.
Hà Giang là nơi có nhiều di sản văn hoá đặc sản, với truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc sắc và con người thân thiện, mến khách.
Đến với Hà Giang, du khách được tiếp cận với những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hoá độc đáo của cư dân miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ, tinh tế. Du khách có dịp tham dự những phiên chợ vùng cao của cư dân địa phương và khám phá nhiều điều mới lạ.
Ngoài ra, đến với Hà Giang, du khách còn có thể tham gia các lễ hội truyền thống như lễ hội mùa xuân, lễ mừng nhà mới của người Lô Lô, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn.
Đối với một tỉnh vùng núi cao như Hà Giang, giao thông vận tải giữ vai trò quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, làm giảm sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng cao với vùng thấp, góp phần nâng cao dân trí và giao lưu kinh tế văn hoá giữa các huyện, thị trong tỉnh cũng như giữa Hà Giang với các tỉnh lân cận và với Trung Quốc.
Mạng lưới giao thông vận tải của Hà Giang còn đơn điệu, chủ yếu là đường bộ, chất lượng tương đối thấp. Mật độ đường bộ các loại trong tỉnh chỉ đạt 1,2km/1km2 với tổng chiều dài trên 9000m, trong đó chỉ khoảng 2000km ô tô đi được. Đa số là đường hẹp, đèo dốc, mặt đường xấu.
Ở Hà Giang, giao thông đường sông ít phát triển do sông ngòi dốc, lắm thác ghềnh.
Cùng với sự phát triển mạng lưới đường giao thông, lực lượng các phương tiện vận tải trên địa bàn cũng luôn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vận chuyển hàng hoá, đi lại, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong tỉnh.