Chùa Khải Đoan
Địa chỉ hiện nay
Thống Nhất - TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
Vị trí
Chùa toạ lạc số 89A đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là ngôi chùa của những người Việt sinh sống ở Ðắk Lắk.
Lịch sử
Chùa được bà Từ Cung xây dựng năm 1951 trên một khu đất thoáng và rộng. Chùa cúng cho Giáo Hội Tăng Già trung phần. Hoà Thượng Thích Đức Thiệu trụ trì đầu tiên, đến nay đã qua 7 đời. Hiện nay chùa do thượng toạ Thích Châu Quang trụ trì. Tên chùa “Khải Đoan” được ghép bởi hai từ đầu của vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Chùa hiện đặt văn phòng ban trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk.
Kiến trúc
Chùa có kiến trúc kiểu chữ tam, trước cổng là tam quan, giữa là chánh điện, sau là nhà hậu tổ. Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7m, rộng 10,5m. Điện Quan Âm xây tách biệt với bố cục chính của chùa kiến trúc theo dạng tháp trống, hình lục giác với sáu cột trang trí hình rồng mây. Chánh điện là công trình kiến trúc chính, chia hai phần: phần trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên và cột kèo nhà rường của người Việt. Nửa sau xây theo lối hiện đại. Chánh điện được chia làm 5 gian, giữa chánh điện có bệ thờ Phật Thích Ca ngồi xếp bằng toạ thiền. Chùa có sắc phong năm Quý Tỵ (1953) dài 1,85m và quả chuông có kích thước lớn, nặng 380 kg đúc năm 1954. Sự ra đời của chùa Khải Đoan gắn liền với lịch sử di dân của người Việt lên Đắc Lắc cũng như sự giao lưu, đan xen văn hoá cuả người Việt với nhiều dân tộc địa phương trong quá trình cộng cư.
Dưới triều nhà Nguyễn, chùa được sắc phong tự hiệu “Sắc tứ Khải Đoan tự” và là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo miền Trung, thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại Tây Nguyên, vùng đất hoàng triều cương thổ thời vua Bảo Đại.
Chùa hướng mặt tây nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa thế đất cao của khu phố Buôn Ma Thuột “tiền thuỷ hậu sơn” theo quan niệm phong thổ hài hoà của kiến trúc cổ Việt, thế đứng vững chãi bền lâu cho muôn đời con cháu.
Lối kiến trúc mô phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong, dáng dấp một mái nhà rông, nhưng rất uyển chuyển mềm mại với những đôi giao long quyện mây lướt gió, thật độc đáo mà hài hoà, cổ kính mà cũng thật gần gũi, đậm đà.
Là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo Trung phần thời chấn hưng, suốt nửa thế kỷ qua, Khải Đoan là trụ sở của Phật giáo tỉnh.
Khải Đoan được coi là cái nôi Phật giáo Tây Nguyên. Từ đây hàng trăm ngôi chùa trong tỉnh đã được hình thành và phát triển. Vì vậy nhân dân quen gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh.