Di tích nằm ở số 41, đường Phạm Văn Ký, thuộc phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Hồng Anh Thư Quán được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 25-09-1992. Hồng Anh Thư Quán được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, là một căn trong dãy nhà lầu hai tầng được làm nhà hàng, khách sạn và hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nguyên cuối năm 1927, ông Đào Hưng Long được Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng phái về hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin cho nhóm thanh niên yêu nước ở Cà Mau. Tháng 01-1929, Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Cà Mau được thành lập, gồm các ông: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Trần Hải Thoại, Tăng Văn Hai (Hai Tăng) và một số nhân vật khác do ông Đào Hưng Long làm Bí thư.
Chi hội mở hiệu sách báo tiến bộ lấy tên Hồng Anh Thư Quán và quán cơm Tâm Đồng làm cơ sở hoạt động. Khu nhà có hai tầng, tầng dưới bán sách tiến bộ, thơ ca, trong đó có cuốn Trai Nam Việt, Gái Lạc Hồng. Tầng trên là nơi hội họp để trao đổi ý kiến lãnh đạo hành động, là điểm nói chuyện thời sự của những người yêu nước. Đây là nơi tổ chức tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin trong mọi tầng lớp nhân dân và tạo điều kiện cho sự ra đời của các cơ sở đảng Cộng sản tại Cà Mau sau này. Từ hiệu sách Hồng Anh Thư Quán, nhiều quần chúng đã được tuyên truyền, đi theo con đường của đảng Cộng sản, tham gia vào phong trào cách mạng ở địa phương.
Ngoài tuyên truyền vận động cách mạng, chi hội còn lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi giảm thuế chợ, thuế đò, thuế thân, đòi tự do vào rừng đốn củi cất nhà, chống cướp đất, tăng tô… liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống thuế thân ở xã Tân Thành, do một số thanh niên yêu nước thuộc Hồng Anh thư Quán lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh trong lúc này tuy chưa nhiều, nhưng đã gây được tiếng vang lớn, thức tỉnh được tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động ở Cà Mau.
Tháng 01-1930, ông Ung Văn Khiêm - Bí thư Đặc ủy Hậu Giang trực tiếp làm thủ tục kết nạp 4 hội viên của chi hội là: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chính, Tăng Văn Hai, Phạm Ngọc Cừ vào An Nam Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ thị trấn Cà Mau, do ông Lâm Thành Mậu làm Bí thư. Đây là tổ chức đảng đầu tiên ở thị trấn Cà Mau, cũng là của tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Sau ngày thống nhất các tổ chức Đảng, chi bộ Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng ở Cà Mau lấy tên là chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam.