<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đền Lảnh Giang

Vị trí

Đền Lảnh Giang ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung.

Lịch sử

Ngôi đền được xây dựng từ bao giờ, đến nay chưa có tài liệu khẳng định. Căn cứ vào chữ Hán khắc trên cây nóc ở tòa đệ nhị thì đền Lảnh Giang được trùng tu lần cuối cùng vào niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18 (1944). Trải qua nhiều lần tu sửa, đến nay đền Lảnh Giang có quy mô bề thế.

Bởi sự khắc nghiệt của thời gian, trải bao thăng trầm lịch sử, ngôi đền đã bị xuống cấp. Những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương, ngành văn hoá các cấp cùng bách gia trăm họ công đức, đền đã được tu sửa trở thành khu di tích quy mô, bề thế nhưng không mất đi dáng vẻ xưa.

Cảnh quan – kiến trúc

Đền tọa lạc trong khuôn viên 3.000 m2, nơi đây không có núi đồi, nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái; rừng nhãn, bến nước, đầm sen, phảng phất hào khí của một miền địa linh nhân kiệt, phồn thịnh êm đềm. Cửa đền nhìn ra hướng đông dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), bốn mùa mênh mang sóng nước. Từ ngàn đời nay, sông lặng lẽ chở từng hạt phù sa bồi lên miền quê đất bãi. Giữa sông nổi lên một cồn cát, khiến dòng chảy đột ngột chia thành hai nhánh mà vô tình tạo ra ngã ba sông.

Đền có tam quan xây theo kiểu chồng diêm tám mái, các đầu đao cong vút thanh thoát hình đầu rồng đắp nổi, đan xen mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Phía trước Tam quan là hồ bán nguyệt, nước hồ phẳng lặng như bàn ngọc thạch bày lên những đóa hoa súng đỏ tươi. Giữa hồ, ngọn bảo tháp đứng trầm mặc được nối với cửa đền bằng chiếc cầu cong tạc hình lưỡi long hướng địa, ẩn hiện dưới bóng cây si già hàng ngàn năm tuổi.

Đền Lảnh Giang được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc gồm 3 tòa, 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, 4 bên có tường gạch bao quanh. Trong đền có nhiều đồ thờ giá trị như tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Ngoài ra đền còn giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án.

Lễ hội

Hằng năm ở đây có hai kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25 dành, kỳ hội tháng 8 diễn ra vào ngày 20. Ngày 18 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức chồng kiệu, kéo cờ than trước cửa đền, ngày 21 bắt đầu làm lễ cáo kỵ. Các ngày từ 22 đến 24 tháng 6 là ngày chính tế và rước kiệu Thánh xung quanh đền. Ngày 25 tháng 6 tổ chức lễ tạ và hạ cờ, đóng cửa đền.

Ngoài các nghi lễ như tế lễ, rước thánh còn có phần hội hết sức phong phú như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thổi cơm trên quang gánh, chọi gà, đuổi vị dưới nước, đi cầu khỉ. Lễ hội vào tháng 6 còn có trò bơi chải trên sông Hồng và lễ rước nước.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt