<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Dự án thuỷ điện
Tổ máy số 2 thuỷ điện Đồng Nai 4 hoà lưới điện quốc gia

Sơ lược
 

Ngày 24.6.2012, tổ máy số 2 dự án thủy điện Đồng Nai 4 đã hoà lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Thủy điện Đồng Nai 4 nằm trên địa phận xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và xã Quảng Khê, huyện Đa Glong, tỉnh Đăk Nông gồm 2 tổ máy có công suất thiết kế 340MW (2x170MW), sản lượng điện trung bình hằng năm là 1.109,5 triệu kWh. Ngoài nhiệm vụ phát điện, công trình thủy điện Đồng Nai 4 còn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở khu vực hạ lưu.

Thông tin mở rộng
 

Tháng 5.2007, thuỷ điện Đồng Nai 4 bắt đầu ngăn sông và đến tháng 11.2011 bắt đầu tích nước hồ chứa.

Trước đó vào ngày 28.3.2012, tổ máy số 1 Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 4 đã chính thức phát điện. Sau khi tổ máy số 2 Đồng Nai 4 đi vào vận hành đã góp phần hoàn thành mục tiêu đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Tổng sơ đồ phát triển điện 6.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành thuỷ điện A Vương

Sơ lược
 

Ngày 10.7.2010, tại xã Macooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện A Vương.

Chi tiết
 

Nhà máy Thủy điện A Vương được xây dựng tại 2 huyện Tây Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam gồm 2 tổ máy phát điện với công suất 210 MW, điện lượng trung bình 815 triệu KWh/năm, thể tích hồ chứa 343 triệu m³ nước với tổng vốn đầu tư 3.867 tỷ đồng. Từ khi đưa vào phát điện thương mại đến nay, nhà máy đã đạt 1.451 triệu KWh, mỗi năm, nhà máy có khả năng cung ứng khoảng 815 triệu kWh.

Thông tin mở rộng
 

Thủy điện A Vương

Công trình thủy điện A Vương do Công ty Cổ phần thủy điện A Vương, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với số vốn gần 4.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy thủy điện lớn nằm trên 2 con sông A Vương và sông Bung có công suất 210 MW (mỗi tổ máy 105 MW).

Ngày 31.12.2003 Nhà máy được khởi công xây dựng.

Ngày 11.10.2008, phát điện tổ máy số 1 và tổ máy số 2 được phát điện vào ngày 28.12.2009 (vượt 90 ngày so với kế hoạch).

Thủy điện A Vương là nhà máy thủy điện có công suất lớn đầu tiên được các kỹ sư Việt Nam đảm nhận toàn bộ các công đoạn khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành.

Nhiệm vụ của thủy điện A Vương

Thủy điện A Vương có nhiệm vụ cung cấp điện, cắt lũ, điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt cho hạ du, hạn chế xâm nhập mặn góp phần giảm hạn, làm chậm và điều tiết một phần lũ cho khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.

Thủy điện A Vương ra đời đã tạo thêm hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân địa phương, mỗi năm công trình tạo ra giá trị trên 400 triệu USD.

Thông tin tham khảo
 


Lào Cai dừng 39 dự án thuỷ điện

Sơ lược
 

Chiều 15.4.2011, Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương đã dừng cấp phép cho 39 dự án thủy điện do có ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, rừng phòng hộ, cảnh quan du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, hoặc công suất quá nhỏ...

Chi tiết
 

Tất cả 39 dự án trên đều nằm trong quy hoạch được duyệt, tuy nhiên do các dự án có ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, cảnh quan, rừng phòng hộ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tái định canh, định cư hoặc công suất quá nhỏ...  nên địa phương đã quyết định dừng cấp phép.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 88 dự án thủy điện đang được triển khai dở dang, vì vậy, việc cấp phép mới các dự án thủy điện sẽ tạm ngưng cho đến khi 88 dự án đang thi công hoàn thành, có đánh giá tác động, hiệu quả, hoàn nguyên môi trường…

Trong số 39 dự án bị dừng, có 8 dự án nằm trên địa bàn huyện Sa Pa, huyện Bát Xát có 12 dự án, huyện Bảo Yên có 4 dự án, huyện Mường Khương có 3 dự án, huyện Văn Bàn có 9 dự án và huyện Bắc Hà có 3 dự án.

Danh sách 39 dự án thuỷ điện dừng thực hiện
 

Dự án thuỷ điện Nậm Tông (xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Trung Đô (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà), công suất 0,8 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Kha (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà), công suất 0,63 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Mồng (xã Hoà Mạc, huyện Văn Bàn), công suất 1,7 MW.

Dự án thuỷ điện Yên Hà 1 (xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn), công suất 1,4 MW.

Dự án thuỷ điện Yên Hà 2 (xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn), công suất 1,7 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Tha 7 (xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn), công suất 1,2 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Tha 8 (xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn), công suất 1,5 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Tha 9 (xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn), công suất 1,5 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Miện 2 (xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn), công suất 2,2 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Chồ (xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn).

Dự án thuỷ điện Ngòi Nhù 1 (xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn).

Dự án thuỷ điện Sàng Ma Sáo 1 (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát), công suất 1,3 MW.

Dự án thuỷ điện Kỳ Quan San (xã Mường Hum, huyện Bát Xát), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Sàng Ma Sáo 2 (xã sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát), công suất 3,1 MW.

Dự án thuỷ điện Tà Lé (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Pung Thượng (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát) ,công suất 1,3 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Gia Hô (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), công suất 2 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Chạc 1 (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát), công suất 6,6 MW.

Dự án Nậm Chạc 2 (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát), công suất 1,4 MW.

Dự án thuỷ điện Sim Chan 2( xã Ý Tý, huyện Bát Xát), công suất 1,4 MW.

Dự án thuỷ điện Nà Lặc (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), công suất 1,1 MW.

Dự án thuỷ điện Bản Mạc (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), công suất 1,1 MW.

Dự án thuỷ điện Tả Suối Câu (xã A Lù, huyện Bát Xát), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Séo Mý Tỷ (xã Tả Van, huyện Sa Pa), công suất 1,4 MW.

Dự án thuỷ điện Suối Thầu 1 (xã Suối Thầu, huyện Sa Pa), công suất 2 MW.

Dự án thuỷ điện Suối Thầu 2 (xã Suối Thầu, huyện Sa Pa), công suất 1,9 MW.

Dự án thuỷ điện Can Hồ Dưới (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Trung Hô 1 (xã Tả Van, huyện Sa Pa), công suất 1,3 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Trung Hô 2 (xã Tả Van , huyện Sa Pa ) công suất 4.4 MW.

Dự án thuỷ điện Nậm Pu (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa), công suất 4,1 MW.

Dự án thuỷ điện suối Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa), công suất 0,9 MW.

Dự án thuỷ điện Nghĩa Đô 1 (xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Nghĩa Đô 2 (xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên), công suất 1,1 MW.

Dự án thuỷ điện Nghĩa Đô 3 (xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên), công suất 1,2 MW.

Dự án thuỷ điện Việt Tiến (xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên), công suất 2 MW.

Dự án thuỷ điện Tung Chung Phố (Tung Chung Phố, huyện Mường Khương), công suất 1 MW.

Dự án thuỷ điện Cán Hồ (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương), công suất 1,1 MW.

Dự án thuỷ điện Bá Kết (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương) công suất 1 MW

Thông tin tham khảo
 


Dự án thủy điện Trung Sơn

Sơ lược
 

Ngày 16.5.2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án thủy điện Trung Sơn với tổng mức đầu tư là 411,72 triệu USD.

Chi tiết
 

Dự án thủy điện Trung Sơn được đầu tư trên cơ sở vốn vay chủ yếu của WB, trong tổng số vốn đầu tư cho dự án, vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc WB là 330 triệu USD, vốn đối ứng (81,72 triệu USD) được bố trí trong dự toán ngân sách của các cơ quan thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Thông tin mở rộng
 

Thủy điện Trung Sơn

Thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, sản lượng điện hàng năm 1,55 GWh.

Sau khi hoàn thành, thủy điện Trung Sơn sẽ giúp kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu với dung tích phòng lũ 150 triệu m3, dung tích phòng lũ thường xuyên 112 triệu m3, góp phần giảm phát thải lượng khí nhà kính so với các nhà máy điện có cùng qui mô hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Ngoài công trình đập chứa nước, thuỷ điện Trung Sơn còn có các công trình dân sinh như: 20.4 km đường từ Co Lương, tỉnh Hòa Bình đến vị trí đập ở bản Co Me, tỉnh Thanh Hóa, đường dây truyền tải điện dài 65 km.

Quá trình xây dựng dự án

Dự án thủy điện Trung Sơn nằm trong Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Mã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt tại Quyết định số 1195, ngày 31.5.2005. Ngày 28.6.2005, dự án đầu tư được lập tại văn bản số 865.

Dự án thủy điện Trung Sơn là một trong những dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng 2006 - 2010 và giai đoạn sau 2010. Nhiệm vụ của dự án thủy điện Trung Sơn là phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia và tham gia chống lũ cho hạ du.

Thông tin tham khảo
 


Đầu tư 330 triệu USD xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn

Sơ lược
 

Ngày 28.6.2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký thỏa thuận tài chính cho khoản vay trị giá 330 triệu USD để xây dựng Nhà máy thủy điện Trung Sơn tại Thanh Hóa.

Chi tiết
 

Dự án thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên sông Mã, thuộc địa bàn xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có công suất 260 MW, sản lượng điện hàng năm 1,55 GWh, tổng mức đầu tư là 411,72 triệu USD; trong đó, vốn vay WB là 330 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam là 81,72 triệu USD.

Dự án bao gồm việc giải quyết các tác động xã hội khi xây dựng nhà máy thủy điện và hỗ trợ cho người dân địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, trạm điện, nhà máy nước, hệ thống tưới nước, trường học, nhà ở trong khu tái định cư...).

Trung Sơn là dự án thủy điện đầu tiên WB tài trợ cho Việt Nam, với kỳ hạn vay 27 năm, trong đó có 6 năm ân hạn.

Nội dung đầu tư của dự án gồm 4 hợp phần như: thi công đập và các công trình phụ trợ; đường dây truyền tải; quản lý tác động môi trường và xã hội; phát triển và tăng cường năng lực.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển nhà máy thủy điện Trung Sơn, cung cấp điện giá rẻ, an toàn và bền vững về mặt môi trường và xã hội cho hệ thống điện của Việt Nam. Ngoài ra, dự án còn góp phần vào chương trình phòng chống thay đổi khí hậu bằng cách giảm thải được khoảng 1 triệu tấn khí thải CO2/năm.

Dự án sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2017.

Thông tin mở rộng
 

Mỗi năm nhu cầu diện của Việt Nam tăng 15%

Theo WB, mỗi năm nhu cầu tiêu dùng điện của Việt Nam tăng 15%, do đó, từ năm 2007 tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và WB cùng thực hiện xây dựng dự án phát triển thủy điện Trung Sơn

Dự án thủy điện Trung Sơn sẽ được WB hỗ trợ kỹ thuật và sử dụng chi phí sản xuất thấp, sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ kèm hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính an toàn và bền vững về môi trường cho hệ thống điện Việt Nam.

Năm 2018 sẽ hoàn thành dự án

Thủy điện Trung Sơn là dự án hồ chứa và đập đa mục tiêu vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu với dung tích phòng lũ thường xuyên 112 triệu m3, giúp giảm phát thải lượng khí nhà kính (GHGs) so với các nhà máy điện có cùng qui mô hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Thông tin tham khảo
 


Kiến nghị dừng cấp phép dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A

Sơ lược
 

Ngày 14.9.2011, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chính phủ dừng cấp phép cho 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án nêu trên.

Chi tiết
 

Theo nội dung kiến nghị, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án này chưa xem hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn, bỏ qua nhiều vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hai dự án trên còn tác động không nhỏ tới nguồn sinh kế, sức khỏe và văn hóa truyền thống người dân tộc trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên, ven sông Đồng Nai và hạ lưu của công trình.

VRN cũng kiến nghị nên dừng cấp phép đầu tư 2 dự án này và chỉ cho phép triển khai sau khi có kết quả thực hiện các yêu cầu nêu trên.

Thông tin mở rộng
 

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có quy mô 241 MW với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư 2 dự án trên là Tập đoàn Đức Long Gia Lai, theo chủ đầu tư, giá bán điện dự kiến là 4,5 cent/kW, sau 17 năm vận hành sẽ hoàn vốn.

Tác động của dự án tới Vườn quốc gia Cát Tiên

UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, trong quá trình thẩm định dự án, địa phương không được lấy ý kiến đánh giá nên hiện tại không có hồ sơ về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu thực hiện 2 dự án trên sẽ tác động đến đời sống của người dân và một số công trình thủy lợi ở hai huyện Tân Phú, Định Quán khi nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A điều tiết lũ. Khi thực hiện, hai dự án trên tác động không nhỏ đến việc vận hành của Nhà máy thủy điện Trị An và hồ chứa nước thủy điện.

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập gần 171 ha đất rừng, trong đó có 87 ha đất rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. Còn thủy điện Đồng Nai 6A nằm trong vùng lõi VQG Cát Tiên sẽ làm ngập hơn 110 ha đất rừng, trong đó trên 50 ha đất rừng thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Tính chung, hai Dự án sẽ làm mất 137,5 ha đất rừng của VQG Cát Tiên và làm ngập 281 ha đất rừng trong khu vực.

Quy hoạch khai thác thủy điện bậc thang sông Đồng Nai

Theo quy hoạch khai thác thủy điện bậc thang sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1483/CP-CN ngày 19.11.2002. Dự án thủy điện Đồng Nai 6, công suất 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm. Diện tích bị ngập do hình thành hồ chứa của dự án gần 2.000 ha, trong đó có 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ của hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước. Do đó, DA thủy điện Đồng Nai 6 không được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2025 (quy hoạch điện IV tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18.7.2007).

Tuy nhiên sau khi đơn vị tư vấn, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và thay đổi dự án thành hai bậc thang 6 và 6A, với tổng công suất 241MW, tổng sản lượng điện đạt gần 1tỷ kWh/năm, bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai (quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14.10.2009). Dự kiến thủy điện Đồng Nai 6 được đưa vào danh mục công trình vận hành vào năm 2015 và thủy điện Đồng Nai 6A sẽ vận hành vào năm 2016.

Ý kiến phản biện 2 dự án

Theo ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, việc mở đường, xây thủy điện trong vườn quốc gia sẽ làm mất đi những giá trị đa dạng sinh học. Khi đó, khó có thể đảm bảo Vườn quốc gia Cát Tiên vẫn đáp ứng đủ những tiêu chí mà các tổ chức quốc tế đã quy định. Trong trường hợp này, dứt khoát họ sẽ xem xét và rút lại các danh hiệu đã công nhận. Chẳng hạn, UNESCO đã cảnh báo nếu tình trạng ô nhiễm ở Hạ Long không được giải quyết, vịnh này cũng không giữ được những cảnh quan có giá trị toàn cầu thì họ sẽ rút lại danh hiệu đã công nhận.

Cho nên, về quan điểm bảo tồn, một lần nữa tôi cho rằng không nên triển khai hai dự án thủy điện 6 và 6A. Nếu vẫn phải triển khai, tôi đề nghị cần có những đánh giá khoa học cực kỳ cẩn thận nhằm đảm bảo tất cả những ảnh hưởng đến vườn quốc gia, đến sinh cảnh vùng và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ lưu đều được xem xét.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới đề nghị, bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện đánh giá tác động môi trường toàn diện đối với việc quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn lưu vực sông Đồng Nai nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên nước trong lưu vực.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (đại học Cần Thơ) cũng đề nghị: “Không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.

Thông tin tham khảo
 


Vận hành nhà máy thủy điện Sê San 4A

Sơ lược
 

Sáng 3.11.2011, nhà máy thủy điện Sê San 4A đã phát điện tổ máy cuối cùng, chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện Sê San 4A nằm trên địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có công suất lắp máy 63 MW, vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ sản xuất lượng điện 331 triệu KWh, tạo việc làm cho hơn 70 lao động.

Nhà máy thủy điện Sê San 4A tận dụng nguồn nước từ các công trình thủy điện Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3, Sê San 4… góp phần điều tiết dòng chảy hạ lưu, đây cũng là nhà máy thuỷ điện cuối cùng trong các bậc thang thủy điện trên sông Sê San trước khi đổ vào Campuchia.

Thông tin mở rộng
 

Dự án thủy điện Sê San 4A

Dự án thủy điện Sê San 4A được Chính phủ phê duyệt trong sơ đồ qui hoạch điện 6. Tính đến nay, thủy điện Sê San 4A là một trong những dự án thủy điện có công suất lớn nhất ở Việt Nam do tư nhân đầu tư xây dựng, góp vốn bằng hình thức cổ phần.

Nhà máy thủy điện Sê San 4A sử dụng công nghệ tuốc bin Capsun trục ngang (công nghệ chỉ yêu cầu cột nước thấp). Dự án có mức đầu tư thấp (khoảng 24 tỷ đồng/KWh điện) do không phải giải tỏa, đền bù và không cần xây dựng đập năng lượng.

Theo dự kiến, sau 9 hoặc 10 năm hoạt động, nhà máy thủy điện Sê San 4A sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư.

Thủy điện Sê San 4A đã sản xuất được hơn 80 triệu KWh điện

Ngày 15.7.2011, tổ máy số 1 của thủy điện Sê San 4A đã được hòa lưới điện quốc gia và ngày 4.9.2011, tổ máy số 2 đã hòa lưới điện quốc gia.

Tính đến ngày vận hành chính thức, thủy điện Sê San 4A đã sản xuất được hơn 80 triệu KWh điện cung cấp lên lưới điện quốc gia.

Thông tin tham khảo
 


Tác động của thuỷ điện trên sông Mekong

Sơ lược
 

Ngày 10.11.2011, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã công bố “Chương trình hành động tổng thể của Vusta, nhằm đánh giá tác động của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong”.

Chi tiết
 

Nội dung chính của chương trình đánh giá những vấn đề tổng thể về sông Mekong như: hiệu quả kinh tế, biến đổi môi trường, đất đai, nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản… dựa trên cơ sở khoa học, khách quan.

Theo số liệu của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến (ở Lào 10 và Campuchia 2) là các thủy điện không điều tiết, chỉ có mục đích phát điện, không điều hòa nguồn nước, không giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô. Các dự án thủy điện đều có đập cao từ 22-76m, dung tích từ 220 triệu đến trên 2 tỷ m3 và trong mùa khô có khả năng giữ lưu lượng nước rất lớn, làm thay đổi dòng chảy, giảm lưu lượng dòng chảy đến khu vực hạ lưu vào mùa khô.

Ngoài ra, nếu 12 đập thủy điện được xây dựng sẽ khiến cho hơn 50% chiều dài sông Mekong vùng hạ lưu biến thành các vùng hồ, dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng tại các vùng hồ, việc giảm phù sa hạ lưu sẽ tác động đến châu thổ Mekong ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Hàng năm, lượng phù sa của sông Mekong tải về hạ lưu là 160 – 165 triệu tấn và sẽ giảm còn 1/4, tương đương 42 triệu tấn khi 12 đập thuỷ điện trên đi vào hoạt động.

Thông tin mở rộng
 

Sông Mekong có tổng chiều dài hơn 4.880 km với hơn 30 nhánh sông chính. Hơn 75% dân số tại lưu vực sông Mekong sống bằng nghề canh tác nông nghiệp, khai thác thủy sản và rừng.

Khu vực hạ lưu sông Mekong có 4 quốc gia gồm: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Thông tin tham khảo
 


Quảng Nam sẽ xây dựng thêm 12 dự án thuỷ điện

Sơ lược
 

Ngày 6.12.2011, tại kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh Quảng Nam, đại diện UBND tỉnh, khẳng định, Quảng Nam sẽ xây dựng thêm 12 công trình thủy điện vào cuối năm 2011.

Chi tiết
 

Trong số 12 công trình thuỷ điện mới, có 3 dự án thủy điện bậc thang hệ thống Vu Gia - Thu Bồn và 9 dự án thủy điện nhỏ gồm: Sông Bung 2; Đăk Mi 2, 3; Đăk Pring 1; Chà Vàl; Đăk Di 1, 2, 3; A Vương 3; Sông Bung 3A; Nước Biêu; Nước Chè.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 10 dự án thủy điện bậc thang hệ thống Vu Gia - Thu Bồn (tổng công suất 1.149 MW) và 33 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất 443 MW) được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 dự án thủy điện bậc thang cùng 6 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Thông tin mở rộng
 

Tỉnh Quảng Nam có hệ thống sông ngòi với tổng chiều dài 900 km, bao gồm 9 con sông chính, diện tích lưu vực sông Vu Gia là 5500km2, Thu Bồn 3350 km2, Tam Kỳ 800 km2, Cu Đê 400km2, Tuý Loan 300 km2, LiLi 280 km2 ..., lưu lượng dòng chảy sông Vu Gia 400m3/s, Thu Bồn 200m3/s...

Theo các chuyên gia, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở Quảng Nam được xếp ở ở vị trí thứ 4 của cả nước (sau sông Đà, sông Sê San và sông Đồng Nai) về tiềm năng trữ lượng điện. Tiềm năng khai thác thủy điện của hệ thống sông này khoảng 5 tỉ kWh/năm.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành Nhà máy thủy điện Đắk R'tih

Sơ lược
 

Ngày 16.12.2011, tại huyện Đắk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy thủy điện Đắk R’tih.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện Đắk R’tih nằm trên địa bàn các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa có diện tích hơn 1.600 ha; trong đó mặt nước hồ 10 km2 và có dung tích 137 triệu m3 nước, mực nước dâng bình thường 618m.

Nhà máy thủy điện Đắk R’tih gồm 4 tổ máy có tổng công suất 144 MW, sản lượng điện dự kiến hơn 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư nhà máy là Tổng công ty xây dựng số 1 TNHH MTV (CC1, thuộc bộ Xây dựng), thủy điện Đắk R’tíh được xây dựng từ đầu năm 2007, bằng hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), với quy mô 2 bậc, mỗi bậc 2 tổ máy.

Thông tin mở rộng
 

Thủy điện Đắk R’tih là dự án đầu tiên cắt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc IWHR vào tháng 8.2011 do thi công chậm và yêu sách ngoài hợp đồng.

Sau khi nhà thầu Việt Nam thay thế, chỉ trong thời gian chưa tới 2 tháng, các tổ máy của dự án đã lần lượt hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại.

Đặc biệt, thủy điện Đắk R’tih là dự án đầu tiên mà việc vận hành chạy thử nghiệm và hòa lưới điện quốc gia hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam thực hiện. Dự án đã rút ngắn thời gian thi công được 8 tháng, tiết kiệm trên 30 tỷ đồng.

Thông tin tham khảo
 


Vận hành Nhà máy Thủy điện Đak Mi 4A

Sơ lược
 

Ngày 16.1.2012, tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, tổ máy H2, Nhà máy Thủy điện Đak Mi 4A đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Nhà máy Thủy điện Đak Mi 4A nằm trong công trình thủy điện Đak Mi 4 được xây dựng tại xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Công trình Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 có 3 nhà máy bậc thang gồm: thủy điện Đak Mi 4A, thủy điện Đak Mi 4B và thủy điện Đak Mi 4C (mỗi nhà máy có 2 tổ máy) với tổng công suất lắp đặt 208MW và điện lượng hàng năm khoảng 833 triệu KWh.

Thủy điện Đak Mi 4 là dự án nằm trong danh mục nguồn điện theo Tổng sơ đồ 6 của ngành điện đã được Chính phủ phê duyệt.

Thông tin mở rộng
 

Được khởi công vào tháng 4.2007, nhà máy thủy điện Đak Mi 4 đã tích nước hồ chứa lên mực nước dâng bình thường ở cao trình 258m.

Thông tin tham khảo
 

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120118/thuy-dien-dak-mi-4-chinh-thuc-phat-dien.aspx

http://www.baocongthuong.com.vn/p0c272n18272/nha-may-thuy-dien-dak-mi-4-chinh-thuc-phat-dien-va-hoa-luoi-dien-quoc-gia.htm

http://dantri.com.vn/c76/s76-557665/them-2-nha-may-thuy-dien-di-vao-hoat-dong.htm

http://vnmedia.vn/VN/kinh-te/tin-tuc/26_269177/nha_may_thuy_dien_dak_mi_4_chinh_thuc_van_hanh.html


Tổ máy số 1 thuỷ điện Chiêm Hoá hoà lưới điện quốc gia

Sơ lược
 

Ngày 7.7.2012, tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã hòa lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Với công suất 16MW, tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là công trình thủy điện xanh đầu tiên của Việt Nam chính thức phát điện.

Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa là công trình thủy điện cột nước thấp đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ tuabin bóng đèn chạy thẳng nên chỉ cần mực nước chênh lệch trên 2,5m là nhà máy có thể phát điện.

Đặc trưng của công nghệ cột nước thấp là dòng chảy được giữ gần như nguyên theo tự nhiên nên ít gây tác động đến môi trường.

Thuỷ điện Chiêm Hoá có tổng vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng , dự kiến, nhà máy sẽ tiếp tục phát điện tổ máy số 2 vào đầu tháng 9.2012 và tổ máy cuối cùng vào cuối năm 2012. Khi hoàn thành, Nhà máy có tổng công suất 48MW và được vận hành đồng bộ với 3 tổ máy của Nhà máy thủy điện Tuyên Quang

Thông tin mở rộng
 

Nhà máy Thuỷ điện Chiêm Hoá nằm trên địa bàn xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hoá, cách thành phố Tuyên Quang 80 km.

Nhà máy là bậc thang thủy điện thứ 4 được quy hoạch trên sông Gâm. Thủy điện Chiêm Hóa do Công Ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương Mại Quốc tế (ICT) đầu tư theo hình thức Đầu tư BOO (Xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành thủy điện Nho Quế 3

Sơ lược
 

Sáng 12.8.2012, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy thủy điện Nho Quế 3.

Chi tiết
 

Nằm trên địa bàn 3 xã gồm Khâu Vai, Lùng Phù, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thủy điện Nho Quế 3 có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm xây dựng, cả 2 tổ máy với tổng công suất 110 MW đã chính thức đi vào hoạt động ổn định, hòa lưới điện quốc gia; cung cấp khoảng 500 triệu kWh/năm.

Thông tin mở rộng
 

Cùng ngày, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng diễn ra lễ khởi công xây dựng thủy điện Nho Quế 2. Nho Quế 2 nằm trên địa bàn 4 xã (Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Sơn Vĩ và Xín Cái) của huyện Mèo Vạc với 2 tổ máy công suất 48MW, sản lượng 225 triệu kwh/năm. Tổng mức đầu tư cho thuỷ điện Nho Quế 2 khoảng 1.400 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014.

Thông tin tham khảo
 


Thủy điện Sơn La phát điện tổ máy số 6

Sơ lược
 

Ngày 26.9.2012, tổ máy số 6 (tổ máy cuối cùng có công suất 400MW) của Nhà máy thủy điện Sơn La đã hòa điện lưới quốc gia.

Chi tiết
 

Sau khi tổ máy số 6 thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia, tháng 12.2012, nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ khánh thành, rút ngắn tiến độ 2 năm, làm lợi cho nhà nước trên 20.000 tỷ đồng.

Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công vào năm 2005, đến tháng 12.2010, tổ máy số 1 của nhà máy hòa lưới điện quốc gia; tổ máy số 2 phát điện vào vào tháng 4.2011; tổ máy số 3 phát điện vào tháng 8.2011; tổ máy số 4 phát điện vào tháng 12.2011, tổ máy số 5 phát điện vào tháng 4.2012, tính đến thời điểm hiện tại, 5 tổ máy của thuỷ điện Sơn La đã phát vào lưới điện quốc gia hơn 10 tỷ kWh điện.

Thông tin mở rộng
 

Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia nằm trên địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhà máy có công suất lắp đặt 2400MW, bao gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400MW.

Công trình hồ chứa nước của nhà máy nằm trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Điện BiênLai Châu. Nhiệm vụ chính của thuỷ điện Sơn La là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình là 10,246 tỷ kWh/năm, ngoài ra, nhà máy còn có nhiệm vụ chống lũ trong mùa mưa, cung cấp nước vào mùa khô cho khu vực đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.

Thông tin tham khảo
 


Vận hành thuỷ điện A Lưới

Sơ lược
 

Sáng 14.6.2012, tổ máy số 2, Nhà máy thủy điện A Lưới đã chính thức hoà lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện A Lưới nằm trên dòng sông A Sáp (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có công suất lắp đặt là 170MW và điện lượng hằng năm là 650 triệu kWh, tổng mức đầu tư được phê duyệt (năm 2007) là 3.223 tỷ đồng. Ước tính, trong năm 2012, thủy điện A Lưới sẽ bổ sung khoảng 420 triệu Kwh và năm 2013 khoảng 650 triệu kwh vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Thông tin mở rộng
 

Công trình thủy điện A Lưới được khởi công từ tháng 6.2007 do công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung làm chủ dự án.

Vào tháng 5.2012, tổ máy số 1 thủy điện A Lưới đã phát điện vào hệ thống lưới điện quốc gia. Điện năng 2 tổ máy của thủy điện A Lưới được truyền tải bằng đường dây 220kV hai mạch về trạm biến áp 220kV Huế - Đông Hà.

Để xây dựng thủy điện A Lưới, ở vùng lòng hồ có 106 hộ dân phải di dời, tái định cư và 1.318 hộ dân khác được đền bù, hỗ trợ với tổng chi phí 203,11 tỷ đồng.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công thủy điện sông Bung 2

Sơ lược
 

Ngày 14.12.2012, tại xã La Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ khởi công thủy điện sông Bung 2.

Chi tiết
 

Dự án thủy điện sông Bung 2 nằm trong bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có công suất lắp đặt 100MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 425,77 triệu KWh, dung tích hồ chứa 94,3 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ 2,9 km2, độ dài đường hầm 9,1km xây dựng trên diện tích 726,3 ha.

Dự án bao gồm các hạng mục như: đập chính, đập tràn, cửa nhận nước, hàm dẫn nước, tháp điều áp, đường ống áp lực, nhà máy thủy điện với 2 tổ máy. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.654,32 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và đến năm 2016 sẽ hoà lưới điện quốc gia.

Thủy điện sông Bung 2 có nhiệm vụ cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực miền Trung, làm tăng lưu lượng nước công nghiệp cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đẩy mặn ra xa cửa sông, điều tiết lũ lụt ...

Thông tin mở rộng
 

Trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có 8 nhà máy thủy điện có quy mô công suất từ 60-210 MW đã được khởi công xây dựng với tổng công suất 1.226 MW, điện năng trung bình 4,8 tỷ KWh.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công thuỷ điện Trung Sơn

Sơ lược
 

Ngày 24.11.2012, tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ khởi công xây dựng công trình thủy điện Trung Sơn.

Chi tiết
 

Dự án thủy điện Trung Sơn có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy và sản lượng điện 1,018 tỷ kWh/năm. Ước tính mỗi năm, thủy điện Trung Sơn giảm thiểu lượng khí thải CO2 khoảng 1 triệu tấn so với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch có công suất tương đương.

Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 7.775 tỉ đồng (tương đương 410,68 triệu USD), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 330 triệu USD, vốn đối ứng của tập đoàn Điện lực là 80,68 triệu USD. Trung Sơn là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Dự kiến vào quý 4.2013, thủy điện Trung Sơn sẽ ngăn sông tích nước, đến tháng 11.2016 phát điện tổ máy số 1 và đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành công trình. Ước tính có khoảng 2.327 hộ (10.600 người) chịu tác động từ dự án.

Thông tin mở rộng
 

Thủy điện Trung Sơn sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần điều tiết tăng lưu lượng nước đang thiếu về mùa kiệt, tham gia cắt lũ vào mùa mưa, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng các huyện miền núi khó khăn ở khu vực phía Tây Thanh Hoá.

Thông tin tham khảo
 


Nhà máy thủy điện sông Miện 5

Sơ lược
 

Chiều 17.1.2013, tại thôn Mịch A, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã diễn ra lễ khánh thành Nhà máy thủy điện sông Miện 5.

Chi tiết
 

Dự án thủy điện sông Miện 5 thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa giai đoạn 2, được khởi công xây dựng từ tháng 1.2009, thủy điện sông Miện 5 có công suất lắp máy 16,5 MW, gồm 2 tổ máy tua bin trục đứng với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng.

Nhà máy thuỷ điện sông Miện sau khi đi vào hoạt động góp phần cung cấp gần 70 triệu Kw/h cho lưới điện Quốc gia.

Thông tin tham khảo
 


Tổ máy số 1 thủy điện Nậm Chiến hoà lưới điện quốc gia

Sơ lược
 

Chiều 14.1.2013, tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện Nậm Chiến đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện Nậm Chiến khởi công năm 2005, nằm trên suối Chiến, một nhánh của sông Đà, thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Chiến và Chiềng Muôn của huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Tổng vốn đầu tư cho công trình ước khoảng 6.400 tỷ đồng, thuỷ điện Nậm Chiến bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 200 MW.

Theo thiết kế công trình, đập chính, đập vòm bêtông (hướng về phía trước), cao 135m là loại đập lần đầu tiên được thiết kế xây dựng tại Việt Nam, đường hầm tuynen áp lực dẫn nước có đường kính 3,8m, dài gần 10 km (xuyên qua núi) được nối từ đập chính thuộc xã Ngọc Chiến về đến xã Chiềng Muôn với chiều cao cột nước 666m (độ cao chênh lệch).

Sau khi hoàn thành, thủy điện Nậm Chiến sẽ cung cấp khoảng 814 triệu kWh điện/năm cho lưới điện quốc gia.

Thông tin tham khảo
 


Việt Nam loại bỏ 116 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

Sơ lược
 

Trong năm 2012, Việt Nam đã loại khỏi quy hoạch 116 dự án thủy điện nhỏ và không bổ sung 156 vị trí có tiềm năng khai thác.

Chi tiết
 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 1.110 công trình và dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 25.290 MW, tổng dện tích đất được quy hoạch các dự án thủy điện vừa và nhỏ chiếm khoảng 109.569 ha, trong đó có khoảng 32.373 ha đất rừng.

Việt Nam hiện có 239 công trình đã hoàn thành xây dựng và vận hành phát điện với tổng công suất 13.066 MW; có 217 công trình đang thi công xây dựng với tổng công suất là 6.953 MW; có 294 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 360 dự án chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư với tổng công suất 5.327 MW.

Nguyên nhân loại bỏ các dự án ra khỏi quy hoạch là vì nhiều dự án chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo quy định, không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định; nhiều dự án không có khả năng điều tiết nước về mùa lũ, chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định…

Thông tin tham khảo
 


Lâm Đồng hủy bỏ 42 dự án thuỷ điện

Sơ lược
 

Tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ loại bỏ 42 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn, trong số đó có 21 dự án do địa phương trực tiếp loại bỏ và 21 dự án do bộ Công Thương loại bỏ.

Chi tiết
 

Nguyên nhân loại bỏ các dự án trên là do quy hoạch đã lâu nhưng chưa có nhà đầu tư, dự án không khả thi, đem lại hiệu quả kinh tế thấp, chiếm dụng diện tích đất và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống cộng đồng trong khu vực dự án.

Ngoài 42 dự án bị hủy, Lâm Đồng còn rà soát 6 dự án và tạm dừng 4 dự án khác.

Theo Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ được UBND tỉnh phê duyệt, Lâm Đồng có 79 dự án với tổng công suất lắp máy trên 600MW nằm trên 8 lưu vực sông Đa Dâng, Đa Nhim, Krông Nô, Đạ Huoai, La Ngà, Đồng Nai, Lũy, Quao.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 37 dự án đã thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư, trong đó 8 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng công suất lắp máy 101MW. Có 11 dự án đang triển khai thi công với tổng công suất 266,4MW; 7 dự án (công suất 54,5MW) đang giải phóng mặt bằng. Còn lại, 7 dự án đang nghiên cứu đầu tư, có tổng công suất 59,8 MW và 4 dự án (22,1MW) được xác định chưa đầu tư trước năm 2015.

Ngoài những dự án thủy điện nhỏ, Lâm Đồng còn được phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện với 9 dự án thủy điện lớn có tổng công suất 1.638MW trên các sông Đa Nhim, Đồng Nai, Srêpôk và sông nhánh Krông Nô. Trong số đó cò 5 dự án với tổng công suất 1.280 MW đã hoàn thành đưa vào sử dụng, một dự án đang thi công xây dựng. Riêng 2 dự án thủy điện lớn là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đang được tiếp tục rà soát, nghiên cứu.

Tổng diện tích chiếm dụng đất của các dự án thủy điện tại Lâm Đồng khoảng 16.157 ha (khoảng 1,65% diện tích toàn tỉnh) trong đó các dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện của bộ Công Thương chiếm 12.328 ha.

Thông tin tham khảo
 


Loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện

Sơ lược
 

Việt Nam sẽ loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện với tổng công suất 1.088,9 MW, gồm 2 dự án thủy điện bậc thang (118 MW) và 336 dự án thủy điện nhỏ (970,9 MW). Ngoài ra, không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW).

Chi tiết
 

Theo Bộ Công Thương, các dự án thủy điện bị loại bỏ là do các nguyên nhân như: Hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, do nhà đầu tư trả lại hoặc không có nhà đầu tư quan tâm.

Quyết định loại bỏ những dự án thủy điện dựa trên kết quả của đoàn công tác liên ngành giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND 21/38 tỉnh có dự án thủy điện (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk NôngLâm Đồng).

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW; trong đó, có 260 dự án (13.694,2 MW) đã vận hành khai thác; 211 dự án (6.712,6 MW) đang thi công; 266 dự án (3.410 MW) đang nghiên cứu và 162 dự án với tổng công suất 1.063,2 MW chưa đầu tư.

Thông tin tham khảo
 


Ký kết vay vốn đầu tư cho dự án Thủy điện Lai Châu

Sơ lược
 

Ngày 10.7.2013, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết vay vốn trị giá 14.500 tỷ xây dựng thủy điện Lai Châu giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với 4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank).

Chi tiết
 

Thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đà, nhà máy gồm 3 tổ máy với tổng công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư là 35.700 tỷ đồng.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm là 4.670,8 triệu kWh, thủy điện Lai Châu còn góp phần cắt lũ, tham gia cấp nước cho khu vực đồng bằng sông Hồng, tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho huyện Mường Tè (Lai Châu).

Theo dự kiến, năm 2016 sẽ phát điện tổ máy số 1 và đến năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Sơ lược
 

Ngày 20.9.2013, tại Nghệ An đã diễn ra lễ khánh thành công trình nhà máy thủy điện Hủa Na.

Chi tiết
 

Thủy điện Hủa Na được xây dựng tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, nhà máy có công suất 180 MW, tổng mức đầu tư 7.047 tỷ đồng.

Thuỷ điện Hủa Na gồm 2 tổ máy với nhiều hạng mục quan trọng như hồ chứa rộng 5.345 km2, đập hồ bê tông, đường hầm dẫn nước đường kính 7,5 m dài 3.812,9 m…

Sau khi vận hành, thuỷ điện Hủa Na sẽ phát điện vào lưới điện quốc gia với lượng điện bình quân 717 triệu kw/năm.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành thủy điện Hạ Sông Pha 1

Sơ lược
 

Ngày 27.11.2013, tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 1.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 1 thuộc dự án thủy điện Hạ Sông Pha, dự án Hạ Sông Pha có diện tích đất gần 23 ha, gồm 2 nhà máy là Hạ Sông Pha 1 và Hạ Sông Pha 2 với tổng công suất lắp đặt (giai đoạn 1) là 10,5 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 61,6 triệu Kwh.

Hạ Sông Pha 1 gồm 2 tổ máy, công suất 5,4 MW, dự kiến đến năm 2014, nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 2 sẽ hoàn thành với công suất 5,1 MW.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy Hạ Sông Pha 1 sẽ đáp ứng nhu cầu điện năng của địa phương. Dự tính khi tổ máy số 2 đi vào hoạt động, ngoài việc đáp ứng nhu cầu điện năng của địa phương còn hòa vào lưới điện quốc gia.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành nhà máy thủy điện Văn Chấn

Sơ lược
 

Ngày 9.11.2013, tại xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy thủy điện Văn Chấn.

Chi tiết
 

Nhà máy thủy điện Văn Chấn (công trình thủy điện có công suất lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Yên Bái tính tới thời điểm hiện tại) nằm trên lưu vực suối Nậm Thia bao gồm 3 tổ máy với công suất 245 triệu kWh/năm.

Thủy điện Văn Chấn có đập chính cao hơn 46m, hầm dẫn nước dài 3.590m nằm trong lòng núi; tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 1.900 tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 50 lao động.

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt