Hạ tầng đô thị
Khởi công nhà máy xử lý nước thải Nha Trang
Ngày 17.8.2012, tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía Nam thành phố.
Nhà máy xử lý nước thải phía Nam thành phố Nha Trang thuộc hạng mục 2, giai đoạn 2 của tiểu Dự án cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang thuộc Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải. Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và áp dụng công nghệ mương ô xy hóa với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD .
Sau khi hoàn thành, nhà máy là nơi tiếp nhận và xử lý nước thải của khu vực trung tâm và phía Nam thành phố Nha Trang với công suất 40.000 m3/ngày đêm.
Dự kiến đến năm 2025, nhà máy sẽ được nâng cấp công suất xử lý nước thải lên 60.000m3/ngày đêm, công trình được thực hiện trong thời gian 27 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2014.
Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải được triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 93 triệu USD từ nguồn vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Ngoài thành phố Nha Trang, có 2 địa phương khác cùng tham gia dự án là thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Định và Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình.
Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2
Sáng 4.6.2012, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc họp giữa Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới (WB) để tiến hành giai đoạn 2 dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Tổng kinh phí đầu tư cho công trình là 470 triệu USD, trong đó 450 triệu USD vay từ WB, phần còn lại là vốn ngân sách đối ứng.
Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 2 gồm tuyến cống bao đường kính 3,2 m, dài 8 km từ giếng Bờ Đông (của giai đoạn 1) để chuyển nước thải từ kênh Nhiêu Lộc về nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 và nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m³/ngày đêm.
Dự kiến trong 5 năm (từ 2015 - 2019) sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.
Dự kiến trong giai đoạn 2 của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ phải di dời hơn 7.000 hộ dân sống dọc 2 bên kênh đến các khu tái định cư. Đồng thời nạo vét và xây dựng các công trình hạ tầng hai bên như: mở rộng đường, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...
Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết triệt để việc ngập úng cho hơn 33 km2 của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên địa bàn 7 quận của thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1 của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình) bao gồm các hạng mục như: xây dựng tuyến cống bao; trạm bơm chuyển tải; cải tạo hệ thống cống thoát nước; nạo vét gia cố chân kè và xây dựng bờ kè đứng…
Được khởi công từ năm 1999, dự kiến đến tháng 6.2012, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và triển khai thực hiện giai đoạn 2 trong thời gian 5 năm.
Hà Nội cần khoảng 19.000 tỷ đồng xử lý nước thải và chống ô nhiễm
Từ năm 2011-2015, Hà Nội cần khoảng 18.720 tỷ đồng để xây dựng 9 nhà máy xử lý nước thải và một số dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ trong khu vực nội thành.
Trong số đó, hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Đầm Bẩy, Hồ Tây (công suất 15.000m3/ngày đêm) có kinh phí khoảng 400 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Phú Đô (công suất 84.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom có kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ Tây (công suất 61.400m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom có kinh phí 3.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vốn theo phương thức xã hội hóa.
Còn nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (công suất 13.300m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (thuộc dự án thoát nước Hà Nội - Dự án 2) có kinh phí 600 tỷ đồng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA.
Riêng các nhà máy xử lý nước thải còn lại sẽ được đầu tư vốn từ 2 nguồn là vốn vay ODA và ngân sách nhà nước như: nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 4.200 tỷ đồng và ngân sách 1.800 tỷ đồng); nhà máy xử lý nước thải Hà Đông giai đoạn 1 (công suất 20.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 280 tỷ đồng, ngân sách 120 tỷ đồng); nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây giai đoạn 1 (công suất 9.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 175 tỷ đồng và ngân sách 75 tỷ đồng).
Ngoài các dự án xử lý nước thải; các dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ khu vực nội thành Hà nội cũng sẽ được đầu tư theo phương thức xã hội hóa ( khoảng 2.620 tỷ đồng) và ngân sách nhà nước (50 tỷ đồng).
Trong năm 2012, Hà Nội sẽ hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày đêm).
Dự án nâng cấp hệ thống thoát nước thành phố Cà Mau
Sáng 13.6.2012, tỉnh Cà Mau đã khởi công dự án nâng cấp hệ thống thoát nước trung tâm thành phố.
Dự án do Chính phủ Italy tài trợ với kinh phí gần 800 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng từ vốn đối đối ứng của địa phương.
Dự án án nâng cấp hệ thống thoát nước trung tâm thành phố Cà Mau có tổng chiều dài khoảng 30 km, chạy qua 15 tuyến đường chính của trung tâm thành phố. Dự kiến đến năm 2015, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Được xây dựng cách đây gần 70 năm, hệ thống thoát nước thành phố Cà Mau hiện tại đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, quy mô không còn phù hợp với một đô thị loại 2.
Mỗi năm, Cà Mau phải chi hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp những điểm xung yếu nhưng khi có mưa lớn, hầu hết các tuyến đường trung tâm đều bị ngập do hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả.
Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2020
Chiều 11.7.2012, thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch thoát nước trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần nguồn vốn 116.417 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn vốn trên sẽ được huy động từ vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, trái phiếu, cùng với các hình thức BT, BOT, PPP.
Theo nội dung quy hoạch, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, ở khu vực đô thị phía Nam sông Hồng đến sông Tô Lịch (quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai) sẽ cơ bản thoát ngập úng và khắc phục khoảng 60 điểm ngập úng cục bộ trong đô thị trung tâm.
Đồng thời giải quyết ngập úng cục bộ cho các khu tập trung dân cư của các đô thị vệ tinh. Cải tạo các hồ hiện trạng có chức năng điều hòa nước mưa trong khu vực đô thị trung tâm. Xử lý nước thải lưu vực sông Tô Lịch cho khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một phần ở quận Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình bằng các trạm Yên Sở, Bảy Mẫu, Kim Liên, Trúc Bạch; tổng công suất 220.000m3/ngày.
Giai đoạn từ năm 2016-2020, Hà Nội sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa đô thị trung tâm, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa khu vực còn lại của đô thị trung tâm và tại các đô thị vệ tinh, khắc phục các điểm ngập úng cục bộ.
Hà Nội tiếp tục cải tạo các hồ hiện có trong các đô thị vệ tinh và sinh thái, xây dựng các hồ đa chức năng mới; tiếp nước và tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Tích; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải cho khu vực trung tâm thành phố và khu vực động lực phát triển kinh tế Thủ đô, hoàn thành một số nhà máy xử lý nước thải như Yên Xá, Phú Đô, Tây sông Nhuệ, Hà Đông, Sơn Tây.
Để thực hiện được quy hoạch trên, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thành các dự án thoát nước mưa như dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án 2, Dự án xây dựng và cải tạo trạm bơm Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì khu vực phía Tây Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng thoát nước quận Hà Đông, các dự án xây dựng công trình đầu mối cấp 1 cho quận Long Biên và giải quyết 25 điểm ngập úng cục bộ trong các đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải gồm Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây hồ Tây, Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây, dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ nội thành.
Hiện nay, tổng lượng mưa tại Hà Nội trung bình là gần 1.680 mm/năm, cao hơn trung bình các thập kỷ trước.
Vì vậy, thời gian tới Hà Nội cần có kế hoạch dự phòng cho hệ thống thoát nước đô thị với lượng mưa tăng lên theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh cần 42 tỷ USD cho hạ tầng
Ngày17.7.2012, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm với chủ đề "Thực hiện dự án đối tác công- tư (PPP): Kinh nghiệm và đề xuất".
Tại buổi toạ đàm, Viện Nghiên cứu phát triển TP (HIDS) ước tính, từ nay đến 2025, thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 42 tỷ USD ( tương đương 880 nghìn tỷ đồng) để đầu tư phát triển hạ tầng như: giao thông, đô thị, thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó với biển đổi khí hậu, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, nguồn vốn ODA khó khăn thì việc thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP) có tính khả thi để đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương trong thời gian tới.
Hà Nội cần 14.000 tỷ đồng cho 13 dự án thoát nước đô thị
Thành phố Hà Nội cần trên 14.000 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án thoát nước đô thị theo Kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2011-2015.
Trong 14.000 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án thoát nước đô thị, có trên 7.900 tỷ đồng vốn ODA, trên 1.300 tỷ đồng vốn xã hội hóa và còn lại là vốn ngân sách trên 4.900 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ở khu vực nội thành (lưu vực sông Tô Lịch), thành phố sẽ tập trung hoàn thành Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn 2) vào cuối năm 2014, xóa bỏ tình trạng úng ngập ở các quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy).
Song song đó, Hà Nội sẽ cải tạo 8 hồ điều hòa nội thành của Dự án thoát nước giai đoạn 2 và 12 hồ điều hòa của Đề án cải tạo hồ nội thành; đưa vào vận hành các thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước hiện đại, thay thế 80% việc nạo vét bằng thủ công. Cải tạo khoảng 26 km kênh, mương thoát nước thuộc Dự án thoát nước Hà Nội và cải tạo, xây dựng khoảng 25 km cống thoát nước. Xây dựng 11 cầu qua sông, cải tạo giao thông khu vực và xây dựng 20 km đường dọc sông.
Ở khu vực trung tâm mở rộng (lưu vực sông Nhuệ), Hà Nội sẽ hoàn thành Dự án xây dựng và cải tạo ba trạm bơm thoát nước Cổ Nhuế (công suất 12m3/s), Đồng Bông 1(8m3/s) và Đồng Bông 2 (9m3/s) để giải quyết úng ngập cho vùng dân cư tập trung và khu vực phía Tây Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai Dự án xây dựng các công trình đầu mối thoát nước mưa gồm trạm bơm, hồ điều hòa và hệ thống kênh dẫn, kênh xả, các trục mương, cống chính dẫn về hồ điều hòa và trạm bơm các tiểu lưu vực như hồ điều hòa 76 ha ở tiểu lưu vực Cổ Nhuế, hồ điều hòa 40 ha ở tiểu lưu vực Mỹ Đình, hồ điều hòa 40 ha ở tiểu lưu vực Mễ Trì, trạm bơm 20m3/s ở tiểu lưu vực ba xã.
Khu vực Hà Đông sẽ triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng 17 km trên 8 tuyến mương tiêu thoát nước ở quận Hà Đông có diện tích lưu vực khoảng 2.200 ha.
Khu vực Long Biên - Gia Lâm sẽ thực hiện 4 dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước cấp I gồm: Dự án xây dựng tuyến mương nối mương Thượng Thanh - Ô Cách - Đường 5, Dự án xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây, cụm hồ điều hòa và trạm bơm Cự Khối, Dự án xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, hồ điều hòa và trạm bơm Gia Thượng, Dự án xây dựng tuyến mương Gia Thụy - Cầu Bây.