Qua Thanh Hóa, ghé Đền Bà Triệu
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 170km theo đường quốc lộ 1A, huyện Hậu Lộc là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của tỉnh Thanh Hóa với nhiều đền chùa cổ kính. Một trong những thắng cảnh đẹp nhất của huyện là đền Bà Triệu thờ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (225-248) - vị nữ tướng tài giỏi đã có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô cuối thế kỉ thứ III.
Bà Triệu là người vùng núi Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Bà nổi tiếng là một thiếu nữ có nhan sắc, sức khỏe và giàu mưu trí. Không cam tâm chịu sống cuộc đời nô lệ, năm 19 tuổi, người con gái khí phách kiên cường ấy đã tập hợp nghĩa sĩ trong vùng luyện tập võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Khi đó có người khuyên bà nên lấy chồng và an phận, bà đã khẳng khái đáp: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người". Sau đó, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hiền tài. Về sau, trong một trận đánh, Triệu Quốc Đạt hy sinh, bà lên nắm quyền chủ tướng, nối tiếp cuộc khởi nghĩa thay anh. Nhân dân khắp nơi nô nức hưởng ứng. Tương truyền, bà thường mặc áo giáp, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi xông pha trận mạc, quân Ngô phải kinh sợ:
"Hoành qua đương hổ dị
Đối diện bà Vương nan"
(Nghĩa là: Múa giáo chống hổ thì dễ, đối diện vua Bà thật khó)
Nhận thấy bà được đông đảo nhân dân giúp sức, nhà Ngô hoảng sợ bèn sai danh tướng Lục Dận mang binh mã sang đàn áp. Sau nhiều trận chiến đấu, nghĩa quân phải lui về miền núi Thanh Hóa. Trong trận đánh bên ngọn núi Tùng, bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh. Theo truyền thuyết, sau khi bà mất, con voi một ngà vẫn đưa Bà ra trận, nhớ thương chủ cũ cứ nằm phục bên mộ và hóa thành ngọn núi Gai còn có tên là Tượng Sơn.
|
Tam quan Đền Bà Triệu - Ảnh: Trần Công Nhung |
Đền Bà Triệu khi mới xây cất chỉ là một nếp nhà tranh đơn sơ. Đến thế kỷ VI, vua Lý Nam Đế mới cho xây dựng lại. Vẫn theo truyền thuyết, vua Lý Nam Đế đi đánh giặc qua đây thì trời tối. Ông cho quân lính nghỉ tạm bên đền. Về khuya ông thấy có ánh hào quang vụt qua. Thấy lạ, Lý Nam Đế cho gọi dân làng đến hỏi. Khi biết đây là đền thờ Bà Triệu, nhà vua liền làm lễ cầu thắng trận. Sau khi dẹp xong quân giặc, ông cho xây dựng lại ngôi đền với quy mô lớn hơn. Đền nằm ngay quốc lộ 1A nên trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, bất cứ ai cũng có thể dừng chân vào viếng đền, thắp nén nhang tưởng nhớ và bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc của hậu thế đối với vị nữ tướng dũng cảm, kiên cường.
Khu đền tưởng niệm Bà Triệu được dựng theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Qua cổng tam quan là đến một hồ sen rộng bốn bề kè đá. Đầu xuân, sen chưa nở, mặt nước trong xanh in bóng hai hàng cây cổ thụ quanh hồ. Du khách có cảm giác thư thả, lắng đọng như đang dạo trong công viên với tràn ngập màu xanh của cây lá và âm thanh ríu rít của tiếng chim. Sau nhà tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữu là nhà tiếp khách và sửa soạn đồ lễ. Cuối sân là ba gian hậu cung dựng trên mặt bằng cao hơn. Toàn bộ khu đền trông về hướng Tây, dựa lưng vào núi, vững chãi và uy nghi.
Tuy nhiên, nếu đến thăm nơi đây vào lúc có hội thì du khách sẽ thấy không gian đền lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập với nhiều màu sắc, âm thanh. Vào dịp Tết, đền Bà Triệu đón hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ về. Hương trầm thơm ngát với làn khói trầm mặc, bảng lảng khiến lòng người càng vội vàng ngay từ cổng đền. Trong không gian linh thiêng ấy, ngoài thắp hương tưởng nhớ tới vị nữ anh hùng dân tộc, người dân còn gửi gắm bao ước vọng, cầu mong những điều bình an, tốt lành trong dịp đầu xuân. Sau khi viếng đền, dòng người lại nườm nượp kéo lên núi thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng từ độ cao gần cả nghìn mét. Không bỏ lỡ dịp, chúng tôi cũng hòa vào dòng người đông như trẩy hội leo lên tận đỉnh núi với bao háo hức. Ngọn núi Gai không hiểu sao có rất nhiều tên gọi, người gọi núi Bân, có người lại gọi núi Nưa… Chúng tôi được nghe lại bao câu chuyện lịch sử từ thời Bà Triệu cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kiên cường của dân ta liên quan tới ngọn núi này. Là chứng nhân bao thăng trầm lịch sử, trên mình vẫn còn lại nhiều hố bom mìn nhưng giờ đây, ngọn núi lại trở thành nơi thưởng ngoạn cảnh đẹp vô vùng hẫp dẫn với du khách.
Cứ đến ngày 20 đến 22-2 Âm lịch hằng năm, người dân trong vùng lại đến đền bà Triệu để tổ chức kỷ niệm ngày mất của bà. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống và rất phong phú với nhiều nghi thức như: lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình lính, lễ rước kiệu, lễ yên vị, tế cúng đình, tế nữ quan...Trong đó, lễ rước kiệu là nội dung quan trọng và thu hút được nhiều người tham gia nhất. Phần hội tưng bừng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đặc biệt nhất là hội trận "Ngô - Triệu giao quân", khơi dậy hào khí chống quân Ngô xưa kia, tạo nên nét đặc sắc của lễ hội Bà Triệu. Lễ hội cũng là dịp để trai tráng trong vùng gắn chặt tình đoàn kết và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của dân tộc.