Làng đan áo tơi Yên Lạc
Về Hà Tĩnh, hỏi về áo tơi từ già đến trẻ ai cũng biết, tuy nhiên nơi sản xuất thì khó. Khi lân la ở các chợ quê mới biết được “mỏ” áo tơi là làng Yên Lạc. Trong cái nắng, gió Lào đang thiêu đốt, chúng tôi qua những cánh đồng bắt gặp cảnh bà con nông dân đang vào vụ. Các mẹ, các chị trên vai quàng chiếc áo tơi ra đồng. Người chăn vịt, câu cá, lái máy cày, chăn bò, trâu… quàng tơi trên vai che nắng che mưa.
|
Một chiếc áo tơi đã hoàn tất - Ảnh: Đắc Thành |
Ở Yên Lạc, không ai biết nghề chằm tơi có từ bao giờ, chỉ biết trong tương lai, nó sẽ còn tồn tại thêm hàng chục năm nữa bởi người dân nơi đây đã nói vui: “Còn gió Lào, còn mưa giông, tất sẽ còn áo tơi”. Ai cũng biết, dải đất hẹp miền Trung quanh năm chung sống với sự khắc nghiệt của thời tiết: nắng thì nắng đến đồng ruộng nứt nẻ, lại khi mưa thì mưa thối đất thối cát. Bởi vậy, chẳng lạ gì khi ngàn đời nay, người miền Trung đã quen làm việc với chiếc áo tơi quàng sau lưng. Những lá tơi mộc mạc này mùa đông thì ấm, mùa hè lại rất mát.
Mùa đi lấy lá tơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 (âm lịch). Yên Lạc là nơi chằm áo tơi nhưng đất Yên Lạc không có cây tơi, muốn có lá tơi phải lên rú khe Giao hoặc vào những con rú xa xôi ở Hương Khê mới có. Chặt xong lá phải đốt qua cho héo rồi chở về. Lá được mang về, đêm thì phơi sương, ngày thì phơi nắng. Lá tơi nào không được tắm sương thì sẽ nhanh mục và nhanh hỏng. Sau cùng mới đến giai đoạn chằm áo tơi. Nếu một người chằm có nghề, thì chỉ mất khoảng 1 tiếng là có một chiếc áo. Mỗi mùa tơi, Yên Lạc sản xuất ra ước chừng vài ba nghìn chiếc áo tơi. Số áo này được mang đi bán khắp nơi. Không chỉ có vùng Can Lộc này dùng mà rất nhiều nơi xa đến đặt hàng. Lần theo những con đường làng đi sâu vào các hộ dân, mặc dù mùa này cuối vụ chằm tơi nhưng dễ bắt gặp mỗi một góc sân lại thấy người dân đem lá tơi, dây mây (dùng để chằm tơi) ra hong nắng. Trên những bức tường bếp cũ kỹ bao giờ cũng treo ít nhất một chiếc áo tơi. Đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của chiếc áo tơi, cũng vì thế mà làng tơi Yên Lạc được người đời gọi vui là làng “xỏ lá”. Nghề này trẻ con thì phơi, vuốt lá, người lớn thì chằm tơi. Với những bàn tay đã quen thuộc, mỗi ngày một người dân Yên Lạc có thể chằm từ 7 đến 10 cái tơi. Để chằm được một chiếc áo tơi, người ta xếp lá sát vào nhau như lợp mái nhà tranh ngày xưa, sau đó bẻ gập phần cuống xuống rồi dùng mây khâu đằn lên các lớp lá. Lớp lá tơi già được đặt ngoài cùng, bên trong lót thêm rất nhiều lớp lá nữa để áo tơi được bền. Tơi chằm xong, được phơi thêm vài nắng, rồi được cuốn lại như lũ sâu kèn, chiếc này ôm lấy chiếc kia thành từng bó năm, mười chiếc. Cách chằm tơi như vậy đã truyền lại từ bao nhiêu đời trước. Không cầu kỳ, xa hoa, chỉ cần bỏ công sức lên rú chặt lá, phơi phong kỹ càng rồi đem chằm là được những “mẻ áo tơi” để đi mưa đi nắng.
Mùi thơm lá tơi hòa vào vị nắng cuối chiều, tạm biệt làng đan áo tơi Yên Lạc ra về, chúng tôi như nghe văng vẳng đâu đây câu hát đầy trữ tình của nhạc sĩ An Thuyên:
“Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng
Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng
Để nghĩa tình đừng nhạt, đừng phai
Thương nhau rồi, đừng cởi áo cho ai…”
Cái áo tơi bao đời nay là người bạn thấm hết nỗi gian lao của người nông dân. Khi tả tơi, những chiếc áo ấy lại ngã mình, khum lại lót ổ cho gà ấp trứng hoặc che đậy những vại cà, vại nhút. Chiếc áo tơi cùng người nông dân đã thăng hoa trong biết bao câu ca lục bát, những tranh ảnh, thơ văn. Vậy nên nếu còn mưa nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân thì nghề chằm tơi chắc chắn chưa đi vào dĩ vãng.