<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Mới lạ bánh xoài

Phơi bánh xoài - Ảnh: binhdinhngaynay.com

Xoài là loại cây ăn quả có nhiều ở các nước vùng nhiệt đới. Quả xoài là thức ăn bổ não, rất tốt cho những người lao động trí óc. Ai ai cũng có thể ăn được xoài với nhiều kiểu ăn: chín có, sống có, dầm mắm cũng có, thậm chí là các món gỏi, salad…, nhưng hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về một loại bánh được làm từ xoài, đó là món bánh xoài. Bánh xoài hay gọi chính xác hơn phải là bánh tráng xoài, nếu nói về lịch sử thì chúng ra đời chưa được bao lâu, cũng chỉ độ khoảng vài chục năm trở lại đây là cùng, và cũng chỉ thấy có ở vùng Khánh Hòa, đặc biệt xuất hiện sớm ở Cam Ranh, nơi được mệnh danh là vùng đất xoài của xứ trầm hương.

Xoài ở đây chủ yếu là giống xoài canh nông, quả âu tròn, khi cây còn tơ thì cho quả to hạt lép, cây càng già thì quả càng nhỏ lại, hạt phình lên, cơm có nhiều xơ. Rất chua khi còn sống và ngọt cay mọng nước khi chín vàng.

Chiếc bánh tráng xoài ra đời cũng do hoàn cảnh mà có. Những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, cứ mỗi độ đến mùa xoài chín rộ khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch thì xoài rớt giá. Nhiều cây chủ không thèm hái, chim chóc ăn rụng đầy cây, số còn lại thì tự chín đến rục rồi rớt xuống gốc, gây bốc mùi chua ngai ngái khắp cả khu vườn. Tình cờ, vài quả chín nhưng không biết vì nguyên do gì hoặc là rơi trúng chỗ sạch sẽ như trên tấm ván gỗ, hay trên miếng tole dựng ở gốc xoài, vỡ choẹt ra bám trên bề mặt các vật ấy tạo thành một lớp màng mỏng, nhờ nắng và gió hè thổi cho khô đi. Chủ vườn vô tình thấy vậy thì lấy tay bóc ra ăn thử, thật bất ngờ, chẳng những hương vị của thịt xoài còn nguyên vẹn mà khi nhai lại dai dai như đang nhai bánh tráng cuốn, thế là trong đầu các nông dân ấy lóe lên ý tưởng tận dụng nguồn xoài dội chợ, chín cây không kịp bán hoặc giá rẻ làm thành món bánh để ăn dần, làm quà biếu khách, rồi dần dà chúng trở thành một thứ bánh phổ biến và cũng đã từng bước trở thành hàng hóa, như một món đặc sản dân dã mới của vùng đất Khánh Hòa.

Bánh xoài có hai cách làm, một là tráng nguyên bằng thịt quả xoài chín đã nghiền, hai là tráng thịt xoài đã nghiền nhừ lên trên một loại bánh tráng mỏng như giấy mà ở vùng này người dân gọi là bánh nhúng, vì khi ăn phải nhúng qua nước cho mềm để gói rau gói cá tạo thành cuốn cho dễ ăn.

Nguyên liệu làm bánh xoài không khó kiếm và cũng không cố định một loại xoài nào. Cứ đến mùa xoài, chín nhiều mà bán không kịp là chúng đều được “trưng dụng” để làm bánh. Quả xoài chín đều được lột bỏ lớp vỏ ngoài, dùng muỗng nhỏ nạo lấy phần thịt xoài, bỏ hạt. Nếu muốn ngọt thì thêm đường cát, nhưng hầu như chẳng ai thêm đường, vì như vậy sẽ làm mất đi vị ngọt chua nguyên bản của quả xoài chín. Thịt xoài được cho vào máy đánh sinh tố, xưa thì chỉ dùng tay mà đánh chứ chưa có máy móc hiện đại như bây giờ, đánh đến nhừ thành một hỗn hợp sền sệt mịn và có độ keo nhất định. Sau đó hỗn hợp này được cho vào xoong, bắc lên trên bếp than hồng rồi dùng tay quấy liên tục cho đến khi sôi chín và đặc sệt lại. Mục đích chính của công đoạn này là tăng độ ngọt, độ cô đặc cho chiếc bánh sau khi thành phẩm. Bánh xoài ngon khi tráng xong đòi hỏi phải có độ vàng mơ, còn nếu thâm đen là không đạt chất lượng. Nếu nguyên liệu là các loại xoài có độ chua quá cao thì người ta thêm đường với tỉ lệ mười ký thịt xoài thêm ba lạng đường cát trắng hoặc đường cát vàng. Đường trước khi pha trộn vào xoài cần được hòa tan trong nước rồi đổ vào khuấy đều liên tục trong công đoạn nấu cô đặc hỗn hợp thịt xoài.

Bánh xoài Nha Trang - Ảnh: yeudulich.vn

Khâu tráng bánh cũng có nhiều cách lựa chọn. Có người dùng bánh tráng mỏng lót xuống dưới rồi dùng muỗng chuyên dụng như loại thường dùng để múc bột tráng bánh tráng, tráng đều một lớp dịch bột xoài lên trên miếng bánh, độ dày của lớp thịt xoài này khoảng gấp một đến hai lần độ dày của bánh tráng. Có người dùng những tấm màng nhựa sạch loại dùng để bao thực phẩm, trải ra rồi tráng xoài lên trên, sau đó đem phơi nắng cho khô. Nếu tráng trên bánh tráng thì bánh sẽ khô nhanh hơn và không mất công bóc bánh sau khi phơi xong. Còn nếu dùng màng nhựa thì bánh lâu khô hơn và phải mất công bóc sau khi bánh thành phẩm. Thông thường phải phơi hai đến ba nắng bánh mới khô được. Bánh xoài không được phơi khô giòn mà chỉ được phơi sao cho ráo bề mặt, khi ăn có độ dai mềm, bánh có độ trong bóng. Bánh này có thể để dài ngày từ vài ba tháng đến một năm, chỉ cần để chỗ khô mát, lâu lâu đem ra phơi nắng lại là được.

Là một món bánh ăn chơi khi buồn miệng, đặc biệt những khi mùa xoài đã hết từ lâu. Bánh xoài rất dễ làm, và cũng rất dễ ăn. Ai ăn rồi cũng thấy thích. Miếng bánh dai dai như mực nướng, vị chua chua ngọt ngọt như thứ hương vị của xoài canh nông chín cây, càng ăn càng thấy thèm thuồng, nước cứ từ đâu trong miệng ùa ra. Trước đây, nhà nào làm nhà ấy ăn, cho, tặng chứ không thấy ai bán. Thế mà nay, thứ bánh này đã trở thành hàng hóa, được du khách trong và ngoài vùng đến mua về làm quà. Giá cũng không phải là rẻ, lúc cao điểm có thể lên đến vài trăm ngàn một kg bánh, ấy vậy mà cũng không đủ để đáp ứng cho thị trường.

Nếu bạn có dịp du lịch qua vùng Cam Ranh đầy nắng, cát và những vườn xoài bạt ngàn, hãy dừng chân ghé lại để được thưởng thức món bánh rất đỗi bình dị nhưng cũng không kém phần thú vị này, và có lẽ nó sẽ là một món quà lạ không thể thiếu cho bạn bè sau chuyến hành trình của bạn.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt