Khu bảo tồn biển
Năm 2013 sẽ thành lập khu bảo tồn biển Nam Yết
Ngày 14.9.2012, tại hội thảo “Hệ thống bảo tồn biển Việt Nam: cơ hội và thách thức” được tổ chức ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ thành lập khu bảo tồn biển Nam Yết (huyện Trường Sa) vào năm 2013.
Khu bảo tồn biển Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) nằm ở phía Nam cụm đảo Nam Yết, cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam, khu bảo tồn có tổng diện tích 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha, diện tích đảo rạn san hô là 15.000 ha.
Mục tiêu của Khu bảo tồn biển Nam Yết là bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển...
Theo số liệu thống kê, tại khu vực biển Nam Yết có 492 loài động vật và thực vật phù du, 86 loài rong, 2 loài cỏ biển, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, 2 loài rùa biển, 246 loài san hô, 19 loài thực vật trên cạn, 10 loài chim biển. Trong đó, có nhiều loài thuộc nhóm sinh vật quý hiếm như bào ngư, trai tai tượng, hải sâm, ốc anh vũ, nhum đá, đồi mồi...
Ngoài ra, khu vực này còn có hệ sinh thái thảm cỏ biển rộng nhất quần đảo Trường Sa, có hệ sinh thái đầm phá (lagoon) hở thuộc các vùng rạn san hô kiểu đại dương.
Khu bảo tồn biển Nam Yết nằm trong số 16 khu bảo tồn biển thuộc Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Sau khi thành lập, khu bảo tồn biển Nam Yết sẽ là khu bảo tồn biển lớn nhất ở Việt Nam.
Ra mắt Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Sáng 15.9.2011, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra lễ ra mắt Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Cù lao Câu).
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập theo Quyết định số 2029/QĐ-UBND với tổng diện tích 12.500 ha (trong đó diện tích biển là 12.360 ha; diện tích đất là140 ha) trên vùng biển thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Khu bảo tồn bao gồm các phân vùng chức năng như: vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) có diện tích 1.250 ha; vùng đệm 1.210 ha; vùng phục hồi sinh thái 800 ha và vùng phát triển 9.240 ha.
Hòn Cau là một đảo nhỏ thuộc vùng biển Tuy Phong cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km về hướng Đông Bắc, đảo có chiều dài hơn 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m. Đảo được tạo từ hàng vạn khối đá; khu vực đảo có trên 200 loài san hô, trong đó có nhiều loài quý hiếm.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Hòn Cau là vùng biển có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao, trên 225 loài san hô đã được xác định, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển này. Đây cũng là khu vực có rùa biển sinh sản và đặc biệt là loài trai tai tượng khổng lồ. Ngoài ra, khu vực Hòn Cau còn có rất nhiều các loài cá cảnh quý hiếm.
Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho quy hoạch dự kiến khoảng 460 tỷ đồng được đầu tư làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ năm 2011-2015 dự tính khoảng 300 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2016-2020 dự tính khoảng 160 tỷ đồng.
Giai đoạn 2010-2015 sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển gồm: đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải Vân-Sơn Trà (Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Yết, vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quý, Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Dư kiến đến năm 2015, có khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, sẽ nghiên cứu, phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển; điều tra, khảo sát và thiết lập, đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.
Năm 2015 Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển đi vào hoạt động
Năm 2015, Việt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển đi vào hoạt động và ít nhất 0,24% diện tích vùng biển nằm trong các khu bảo tồn, khoảng 30% diện tích của khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đó là mục tiêu của Quyết định số 742/QĐ TTG do Chính phủ ban hành ngày 26.5.2010 với nội dung quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020.
Theo nội dung quyết định trên, quy hoạch bảo toần biển được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển vào năm 2015, đồng thời điều chỉnh quy hoạch 5 khu bảo tồn là: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Núi Chúa.
Đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 16 khu bảo tồn biển gồm: Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng),Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải Vân-Sơn Trà (Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Yết, Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quý, Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang)
Tính đến thời điểm hiện tại, trong vùng biển của Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau (rặng san hô, thảm cỏ biển, rong biển, rừng ngập mặn, sinh vật đáy, động, thực vật phù du)..