Đình Tân Thành
Địa chỉ hiện nay
xã Tân Thành - thành phố Cà Mau - tỉnh Cà Mau
Trải qua thời gian, di tích đình làng Tân Thành tọa lạc tại xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, vẫn là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi thờ phụng Thành Hoàng làng và được nhân dân địa phương trân trọng giữ gìn.
Theo chân Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, một số họ tộc như: họ Nguyễn, Trần từ miền Trung về vùng đất Tân Thành sinh cơ lập nghiệp, từng bước khẩn hoang và sau đó hình thành các cộng đồng dân cư.
Vào đầu thế kỷ 19, Tân Thành ngày nay được gọi là Long Thủy Tổng, tức là Tổng con rồng nước, do có con sông Cái Nhúc chạy suốt chiều dài của tổng như là một con rồng. Trải qua thời gian dân cư quy tụ về đây sinh sống ngày càng đông nên còn có thêm tên khác là Tân Quy.
Đến đầu thế kỷ 20, nhân dân hình thành nên xóm, nên làng gắn liền với địa danh như xóm Cây Muồng, xóm Bánh Luôn, xóm Ông Mỏ, sông Cái Nhúc... tên Tân Thành cũng hình thành từ đó với ý nghĩa “Làng mới thành lập”.
Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, đình Tân Thành còn là nơi hội họp, tuyên truyền phổ biến đường lối cách mạng bằng nhiều hình thức.
Đặc biệt, vào những năm 60 của thế kỷ 20, Ban quản trị đình đã bố trí một phần đất của đình làm nghĩa trang liệt sĩ để chôn cất một số cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu hy sinh; nghĩa trang tồn tại trên 20 năm, đến những năm 80 thì được quy tập, suốt quá trình tồn tại, nghĩa trang liệt sĩ đình thần Tân Thành luôn được Ban quản trị cũng như bà con nơi đây bảo quản, chăm sóc, hương khói thường xuyên với tấm lòng trân trọng và biết ơn.
Tương truyền vào đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn, đình Tân Thành được ông Nguyễn Văn Vinh dựng lên, ban đầu chỉ bằng cây lá đơn sơ để thờ các vị thần linh, phù hộ cuộc sống an lành cho nhân dân.
Theo thời gian, ngôi đình được nhiều lần tu sửa, nhưng mãi đến năm 1925 mới được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, theo lối kiến trúc đình làng Nam bộ với ba gian hai chái, nền bằng đá, tường gạch, lợp ngói âm dương, cột kèo được trạm trổ rất tinh vi.
Đình làng Tân Thành còn lưu giữ cây thước đo đạc do vua Minh Mạng ban tặng vào tháng 10/1822 (Minh Mạng nhị niên) với ý nghĩa tượng trưng cho việc đo đạc, phân chia ruộng đất công bằng, khuyến khích phát triển nghề nông; tại đình còn có sắc phong Thần làng “Thành Hoàng Bổn Cảnh” do vua Tự Đức ban chiếu vào ngày 29/11/1852 (Tự Đức ngũ niên). Đây là những di vật lịch sử quý có giá trị nghiên cứu.
Lễ hội lớn nhất trong năm của đình là lễ hội Kỳ yên, được tổ chức vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, cầu cho quốc thái dân an, mong phúc lộc, mong sự an bình, thịnh vượng trong những ngày đầu xuân với những nghi thức truyền thống.
Ngoài ra còn có lễ hội Hạ điền hay còn gọi là lễ vía Thần Nông. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng 5 âm lịch, người dân cầu mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.