Nhà thờ Đồng Văn Năng
Địa chỉ hiện nay
xã Thạch Khê - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh
Nhà thờ Đồng Văn Năng thuộc xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi thờ phụng vị Tán trị công thần triều Lê huý Đồng Văn Năng – vị Đức Tổ đời thứ 4 của dòng họ Đồng. Với những giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử và văn hóa, năm 2012, nhà thờ Đồng Văn Năng đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nhà.
Theo sử sách và các tài liệu sắc phong còn lưu giữ, Đồng Văn Năng được sinh vào những năm cuối thế kỷ thứ 15 và mất vào những năm gần cuối thế kỷ 16. Tên thường gọi trong dân gian là Ông Phổ - là Đức Tổ đời thứ 4 của dòng họ Đồng - một dòng họ lớn có nguồn gốc từ Hải Dương về định cư tại làng Thanh Cao - xã Thạch Khê (Thạch Hà) từ thế kỷ thứ 14.
Ông là một võ quan có tài thao lược, từng lập nhiều công lớn trong công cuộc chấn hưng Lê triều nên được phong “Tán trị công thần, Anh vĩ tướng quân” - Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm vệ quân Cẩm y, tước Phổ dương hầu thuộc hàng tam phẩm.
Sau khi ông mất, con cháu dòng họ và nhân dân trong vùng đã xây mộ và lập đền thờ ông trên địa phận xóm Thanh Cao, xã Thạch Khê, Đồng Văn Năng được nhân dân tôn làm Thành hoàng của làng. Sự linh thiêng của ông được các triều đại phong kiến ban cấp nhiều sắc phong chuẩn cho dân làng thờ phụng.
Theo các cụ cao niên trong làng, đền thờ Thành hoàng Đồng Văn Năng được xây 3 gian bằng đá, phía trong kẻ vẽ hoa văn, đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất 3 gian đều bố trí ban thờ đắp bằng vôi đá, trên có hương án, hòm sắc và đồ tế khí. Tuy nhiên, trải qua thời gian và sự thăng trầm biến đổi của lịch sử, ngôi đền ngày một xuống cấp và bị phá huỷ hoàn toàn vào năm 1960.
Năm 1982, con cháu họ Đồng đã xây dựng nhà thờ riêng cho ông trong khuôn viên nhà thờ dòng tộc và rước sắc phong, bài vị của vị thần tổ về thờ. Cũng từ sự đóng góp của con cháu, năm 2012, đền thờ ông đã được đầu tư thêm 700 triệu đồng để xây dựng và tu bổ lại trên nền cũ.
Hiện toàn bộ khu di tích bao gồm nhà thờ Đồng tộc và nhà thờ vị thần tổ của dòng họ - Đồng Văn Năng được xây liền kề trên một khu đất cao ở phía bắc rìa làng, tuy thế đất hẹp nhưng tầm nhìn rộng mở và phóng khoáng với lối kiến trúc cổ xưa, được bài trí khá công phu và đẹp mắt. Hiện tại, ngoài sắc phong, đền thờ của ông còn lưu giữ được nhiều câu đối bằng chữ Hán nói về cuộc đời, sự nghiệp và sự cống hiến của ông cho quê hương đất nước.