<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đền Tranh
xã Trung Nguyên - huyện Yên Lạc - tỉnh Vĩnh Phúc

Đền Tranh là tên thường gọi của đền Bắc Cung Thượng, do đền nằm ở xóm Tranh (nay là xóm Hoàng Thạch), thôn Đông Lỗ, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đặc điểm
 

Đền Tranh là một trong 700 di tích thuộc hệ thống di tích thờ cúng các vua Hùng và tướng lĩnh, Tản Viên Sơn Thánh và Hai Bà Trưng trong tổng thể 200 làng xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đền Tranh thờ “Tam vị Đại vương” là Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh. Đền được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 4; được tôn tạo vào các triều đại: Lý (1038); Hậu Lê (1469 và 1479), Mạc (1538)… Đền được hầu hết các triều đại phong kiến ban sắc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đền Tranh là nơi sơ tán, trú ẩn của một số cơ quan Trung ương. Hiện tại đền còn dấu tích của hầm bí mật, nơi tụ họp của du kích địa phương trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1993, đền được nhà nước công nhận di tích quốc gia.

Di tích
 

Đền Tranh có vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. Đền nằm trên một khu đất cao so với xung quanh. Thế đất bằng phẳng, ẩn mình dưới bóng cổ thụ xanh mát, trước mặt đền là những cánh đồng màu mỡ. Phía sau đền, xa xa là dãy núi Tam Đảo bồng bềnh mây trắng.

Đền được kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, gồm hai toà tiền tế và hậu cung. Hai cung nhỏ nằm sát một ngôi chùa khác, ở đây cũng có gian riêng thờ Phật, thánh. Vị trí chính của ngôi đền là toà tiền tế thờ “Tam vị Đại vương”.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Tranh vẫn giữ được nguyên trạng công trình kiến trúc nghệ thuật cổ; giữ gìn, bảo lưu được khá nhiều di vật đẹp như ngai và các đồ thờ tế khí, văn tự trên chất liệu gỗ, đồng, sứ, giấy có giá trị lịch sử... Đặc biệt, trong đền còn lưu giữ được một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian, các bức chạm có trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ cao, có giá trị về lịch sử với dáng dấp của nghệ thuật điêu khắc gỗ ở cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19.

Lễ hội
 

Hằng năm, vào các ngày rằm tháng Giêng, ngày 6 tháng 2 và 6 tháng 8 (âm lịch), đền Tranh lại tưng bừng tổ chức lễ hội với hình thức diễn xướng, khai sắc nhắc lại công lao Đức Thánh Tản Viên; tiến hành nghi lễ nông nghiệp như gieo hạt, làm đất, chăm bón... cầu mùa màng bội thu. Trong lễ hội diễn ra nhiều trò chơi như đu tiên, bơi thuyền, bắt vịt, lăn vòng, leo cây, vật, cờ tướng, thổi hiệu cốc quân... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.


Đồng Tâm - Ninh Giang - Hải Dương

Vị trí

Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần coi khúc sông.

Truyền thuyết

Tương truyền, ông là viên quan phủ Ninh Giang. Ngày xưa, tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường nổi lên quấy phá. Một hôm, chúng bắt đi nàng hầu xin đẹp của quan. Vị quan này khởi kiện Diêm Vương. Rắn bị xử thua phải mang cả dòng họ dời đi nơi khác. Từ đó bến sông sóng yên nước lặng, nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông.

Lịch sử

Khoảng năm 1960, đền Tranh bị giải hạ để lấy đất xây dựng công trình khác. Đồ tế tự được chuyển về một ngôi miếu nhỏ ở phía nam thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, cách di trích cũ khoảng 300m về phía bắc. Năm 1995, đền được phép khôi phục. Công trình hiện nay khá hoành tráng với kinh phí xây dựng ngót một tỷ đồng do nhân dân công đức.

Đền hiện nay có 11 ban thờ: Phật, Thánh Mẫu, Ngọc hoàng Thượng đế, Ngũ vị tôn ông, Tứ phủ chầu bà (Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ, Nhạc phủ), Quan lớn Tuần Tranh, động chúa sơn lâm, thành hoàng Quý Minh và Vũ Đô Mạnh, Mẫu địa, đức thánh Trần

Lễ hội

Hàng năm, đền mở hội hai kỳ từ ngày 10-20 tháng Hai và 20-26 tháng Năm âm lịch. Vào dịp đó, đền có rất đông khách thập phương nhất là phụ nữ đến lễ bái, chủ yếu là để lên đồng, hầu bóng, hát chầu văn và xin thẻ. Không chỉ trong những ngày hội mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt