<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Dự án bị ngừng
Rút giấy phép 2 dự án tỷ đô ở khu kinh tế Vân Phong

Sơ lược
 

Chiều 17.6.2013, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tại tỉnh Khánh Hoà cho biết, có 2 dự án bị rút giấy phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng.

Chi tiết
 

Lý do rút giấy phép là do chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ cam kết hoặc chậm triển khai dự án.

Dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Sau 2 lần điều chỉnh vốn lên tới 6.180 tỷ đồng, đến tháng 9.2012, dự án đã bị ngừng bởi chủ đầu tư kém năng lực và thiếu vốn.

Dự án thứ hai vừa bị rút khỏi khu kinh tế Vân Phong là dự án xây dựng căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong do công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (thuộc Tập đoàn Dầu khí) làm chủ đầu tư được cấp phép từ tháng 5.2011 với tổng vốn đầu tư ý khoảng 26.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) nhưng đến nay, dự án vẫn bất động.

Thông tin mở rộng
 

Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa có diện tích 150.000 ha, được thành lập năm 2008. Theo quy hoạch, Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, trọng tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Tính đến thời điểm hiện tại, khu kinh tế này mới thu hút được 126 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12,5 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện mới chỉ đạt 584 triệu USD.

Thông tin tham khảo
 


Ngừng xây dựng cảng Kê Gà tại Bình Thuận

Sơ lược
 

Ngày 18.2.2013, tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ chính thức tuyên bố ngừng xây dựng cảng Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.

Chi tiết
 

Dự án cảng Kê Gà (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Vinacomin làm chủ đầu tư) có tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng sau gần 5 năm triển khai với 4 lần khởi công đã chính thức dừng lại.

Cảng nước sâu Kê Gà được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2007, nhưng đến năm 2009 quy hoạch cảng nước sâu Kê Gà mới được Chính phủ phê duyệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030.

Đến ngày 9.6.2011, Chính phủ mới đồng ý chủ trương thu hồi đất xây cảng Kê Gà

Theo kế hoạch, dự án cảng Kê Gà sẽ được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, cảng có chiều dài ven biển khoảng 2 km với tổng diện tích khoảng 366 ha, kể cả diện tích đất liền và diện tích mặt nước.

Dự án cảng được chia thành 4 giai đoạn, công suất bốc dỡ giai đoạn 1 sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm, đến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 4 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn/năm.

Sau khi đi vào hoạt động, cảng Kê Gà sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bauxite Tây Nguyên. Tuy nhiên, khu vực được chọn xây dựng cảng là vùng biển hiểm trở khó có thể xây dựng cảng nước sâu. Nếu thực hiện dự án, Vinacomin phải đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để xây đê chắn sóng dài 3 km hướng ra biển, cách ngọn hải đăng Kê Gà khoảng 2,3 km.

Theo Vinacomin, tại thời điểm hiện nay, khối lượng hàng hoá từ 2 dự án tổ hợp chế biến bauxite là Tân Rai và Nhân Cơ với công suất chỉ 1,3 triệu tấn/năm, tổng lượng hàng hoá qua cảng đến thời điểm hiện nay so với quy hoạch trước đây rất thấp nên đầu tư một cảng lớn như Kê Gà không đạt được hiệu quả như dự kiến.

Sau khi cảng Kê Ga ngừng xây dựng, Vinacomin và tỉnh Bình Thuận sẽ giải quyết đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch nằm trong phạm vi quy hoạch của dự án cảng Kê Gà.

Thông tin tham khảo
 


Loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Sơ lược
 

Sáng 30.10.2013, bộ Công Thương thông báo đã loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch.

Chi tiết
 

Theo nội dung điều chỉnh vào tháng 6.2013, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sau khi vận hành sẽ sản xuất trên 929 triệu kWh.

Tuy nhiên nếu triển khai 2 dự án trên, tỉnh Đồng Nai sẽ mất vĩnh viễn 327,23 ha đất rừng; trong đó có 128,37 ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Ngoài ra, hai dự án thủy điện trên còn ảnh hưởng tới khu ngập nước ramsar Bàu Sấu vì chỉ cách khu ramsar khoảng 55 km đường sông.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam còn lại 815 dự án, công trình thủy điện (24.334 MW); đang vận hành 268 dự án (14.240MW), dự kiến đến năm 2017 hoàn thành 205 dự án (6.198MW).

Thông tin tham khảo
 


Quảng Bình loại bỏ 18 dự án thuỷ điện

Sơ lược
 

Ngày 10.12.2013, tỉnh Quảng Bình thông báo đã quyết định loại ra khỏi quy hoạch 18/21 dự án thủy điện đã được duyệt.

Chi tiết
 

Theo quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, toàn tỉnh có 21 công trình với tổng công suất 88 MW.

Tuy nhiên tỉnh Quảng Bình đã rà soát, đánh giá hiện trạng các dự án công trình thủy điện và đưa ra khỏi quy hoạch 18 dự án thủy điện nhỏ.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong quy hoạch đã được duyệt, tỉnh Quảng Bình chỉ còn 3 công trình là thủy điện La Trọng, Kim Hoá và Long Đại 5A với công suất từ 10- 22MW.

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt