Chùa làng Lưỡng Quán có tên chữ là Hương Sơn tự, nằm trong khuôn viên của đình Lưỡng Quán tại thôn Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa Hương Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 28/1/2011.
Chùa Lưỡng Quán được xây dựng vào năm thứ 7 đời vua Lê Hy Tông (1681). Giống như các ngôi chùa khác, Hương Sơn tự là nơi thờ Phật. Chùa gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, mặt bằng kiến trúc hình chữ “Đinh”, với diện tích là 84,5m2.
Trước đây, chùa cũ được xây dựng tại thôn 3 của làng Lưỡng Quán. Sau Cách mạng tháng Tám, giai đoạn 1945 - 1946, chùa là điểm hội họp và liên lạc thường xuyên của cán bộ cách mạng trong xã. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1949, chùa Hương Sơn cùng đình Lưỡng Quán đã bị tiêu thổ nhằm phục vụ kháng chiến. Các tượng Phật, chuông, khánh, hoành phi, đồ thờ tự khác,… được chuyển lên thờ tại một nhà ngang ở thôn Lưỡng Quán 1. Đến tháng 6 năm 1999, được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhân dân Lưỡng Quán đã công đức tiền của, công sức xây dựng lại ngôi chùa mới khang trang như hiện nay. Những đồ thờ tự, di vật của ngôi chùa cũ được chuyển về ngôi chùa mới.
Tượng trong chùa được tạc bằng gỗ mít, các cánh cửa được sơn son thếp vàng, mái chùa lợp bằng ngói mũi hài hai lớp với ý nghĩa âm dương hoà hợp. Hiện trong chùa còn một chiếc khánh đồng (tên gọi Hán Việt là Hương Sơn tự chú tạo khánh); một quả chuông đồng (tên gọi Hán Việt là Hương Sơn tự chung). Các hiện vật này do người dân trong làng và khách thập phương công đức, đúc vào năm thứ 19 niên hiệu Minh Mạng (1838).