<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đình Dĩnh Thép

Vị trí
 

Đình Dĩnh Thép cách thành phố Bắc Giang khoảng 31km về phía Tây Bắc. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Dĩnh Thép tọa lạc trên đất của hai xã Dĩnh Thép và Lục Giới thuộc tổng Yên Thế và tổng Nhã Nam, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; nay thuộc xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Sự kiện
 

Giá trị nổi bật nhất của đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra Hội nghị ghi dấu thời điểm củng cố lại tổ chức của nghĩa quân Yên Thế: năm 1888, Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) sa vào tay giặc Pháp và bị xử tử, cuộc khởi nghĩa của phong trào Bãi Sậy và một số sĩ phu yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Yên Thế trở thành trung tâm thu hút của các cánh quân còn sót lại cùng hợp sức đánh Pháp. Thời điểm này rất cần củng cố lại phong trào sau những năm chống Pháp và hoạch định lại kế hoạch lâu dài cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Giữa lúc đó một Hội nghị quan trọng đã diễn ra tại đình Dĩnh Thép vào ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Tý – tức ngày 22 tháng 8 năm 1888.

Đình Dĩnh Thép còn là nơi giặc Pháp phải giao nộp 15.000 frăng cho Đề Thám để đổi lấy hai tù nhân: năm 1894, Đề Thám cho quân tổ chức nhiều trận phục kích chặn đánh các đoàn vận chuyển của Pháp để cướp lương thực, vũ khí trang bị cho nghĩa quân. Trong một trận phục kích nghĩa quân đã bắt được tên chủ đồn điền Sécnay và Lôgiu buộc chúng phải bỏ tiền ra chuộc tại đình Dĩnh Thép.

Với những đóng góp to lớn đánh dấu bước chuyển biến lịch sử của cuộc khởi nghĩa nông dân do Đề Thám lãnh đạo, đình Dĩnh Thép là một trong 23 điểm di tích thuộc Hệ thống di tích lịch sử: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện trạng
 

Đình Dĩnh Thép được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Năm Thành Thái thứ 9 (1907), Hoàng Hoa Thám đã cho tu sửa tôn tạo ngôi đình nhằm bảo tồn giá trị văn hóa cổ của di tích.

Di tích hiện nay được tu sửa tôn tạo khang trang gồm 3 gian 2 chái tòa tiền đình nối hậu cung 2 gian tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ “Đinh”. Các vì mái liên kết đơn giản kiểu vì kèo cánh báng, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc.

Trong đình thờ Cao Sơn, Quý Minh, Minh Giang Đô Thống, thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế tử trận, đó đều là những vị đã có nhiều công lao với dân với nước.

Đình còn bảo lưu được một số đồ thờ tự có giá trị và ba tấm bia đá thời Nguyễn có nội dung ghi về việc công đức tu sửa đình.

Lễ hội
 

Đình Dĩnh Thép ngày nay không chỉ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử chính trị gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân địa phương, tiêu biểu nhất là tại di tích này đã diễn ra Đại hội các tướng lĩnh để bầu ra các thủ lĩnh năm 1888, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân.

Lễ hội đình Dĩnh Thép diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng và ngày 16 tháng 3 dương lịch với nhiều trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ, khát vọng tự do của người dân Yên Thế như hội thi thả chim, hội thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn nỏ, đấu võ dân tộc, đấu vật…


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt