<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Đình Bình Thủy
xã Bình Thủy - huyện Châu Phú - tỉnh An Giang

Đình thần Bình Thủy cổ kính được xây dựng trên cù lao Năng Gù, nay là xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ngôi đình không chỉ là nơi thờ phượng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn là nơi lưu giữ lịch sử thời khai hoang mở đất của vùng cù lao Năng Gù.

Lịch sử
 

Ông Dương Văn Hóa lập thôn Bình Lâm năm 1783 (nay là xã Bình Thủy, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Dòng họ ông vốn gốc gác là những lưu dân miền Trung vào Nam tìm vùng đất mới. Ông cùng gia đình đến cù lao Năng Gù - khai khẩn từ cuối cù lao cho đến giữa cù lao, phần phía Bắc chỉ toàn là rừng rậm. Ông đặt cho thôn tên là Bình Lâm, với ước mơ khai phá rừng hoang để cho dân sinh sống và canh tác. Đến thời Pháp thuộc thôn được đổi lại là Bình Thủy.

Cùng với việc khai phá vùng đất mới, ông Dương Văn Hóa cùng dân làng cũng dựng đình phụng thờ Thành hoàng. Buổi ban đầu đình mang tên Bình Lâm làm bằng tre lá đơn sơ tại vàm Rạch Chanh, cách vị trí ngày nay khoảng một cây số về phía Bắc. Nhiều người kể rằng đình bị cháy vào giữa thế kỷ 19, bấy giờ có Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên truyền giáo ngang đây, ông bảo dân làng cất lại đình để có nơi thờ phượng, cúng kiến và chỉ định dời xuống phía Nam, tức là vị trí hiện nay. Lúc này đình được lợp ngói, nền gạch.

Thành hoàng của đình làng Bình Thủy đã được vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng sắc phong, nhưng sau vụ hỏa hoạn, bản sắc phong này không còn nữa. Vào thập niên 30 (thế kỷ 19), Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã viết Sớ gửi tới triều đình nhà Nguyễn để thỉnh cầu sắc phong. Mùa xuân năm 1944, vua Bảo Đại ban “Sắc Tứ Phong Thần” Thành hoàng bổn cảnh làng Bình Thủy với tước hiệu “Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Sau khi làng được triều đình công nhận, ông Dương Văn Hóa được phong làm “Trùm tri thâu” cai quản từ Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao (phạm vi cai quản rộng hơn phạm vi khai khẩn). Ông mất vào 22 tháng Giêng âm lịch năm Mậu Dần 1818, thọ trên 90 tuổi, dân làng tôn làm Tiền hiền thờ trong đình. Hàng năm đến ngày 21 - 22 tháng Giêng đình có tổ chức lễ giỗ cụ Dương. Ngày nay, họ Dương là một dòng họ rất được tôn trọng ở Bình Thủy, con cháu họ Dương xã Bình Thủy có nhiều người đã đóng góp rất lớn cho công cuộc kiến thiết quê nhà.

Di tích
 

Trải qua thời gian và nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay đình thần Bình Thủy có kiến trúc theo hình chữ “Tam” với ba gian hai chái, nóc cổ lầu, mái chồng theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Nóc đình lợp ngói âm dương, trên nóc chạm trổ lưỡng long tranh châu, linh thú và nhiều hoa văn được điểm xuyến công phu. Ngoại thất hài hòa kết hợp giữa phong cách truyền thống cung đình triều Nguyễn và nét đặc trưng của kiến trúc đền miếu miền sông nước Tây Nam bộ. Khác hẳn với một số đình trong khu vực, đình Bình Thủy còn có thêm lối kiến trúc khoáng đãng, sang trọng của phương Tây, thể hiện qua mặt tiền, kiểu cửa vuông, cửa thông gió… rất trang nhã, thanh lịch.

Khuôn viên đình khá rộng, bao gồm cổng Tam quan, bình phong, sau bình phong là đàn tế Xã Tắc, tiếp theo là miếu Tứ phương (Đông Tây Nam Bắc), bên hông đình là miếu thờ “Xã cọp” - một con hổ có nghĩa với dân làng nên được tôn làm Xã trưởng, hàng năm vẫn cúng kiến. Quanh đình có nhiều cây cổ thụ rợp mát cả một vùng rộng lớn, tương truyền đã có từ buổi đầu mở đất.

Bên trong đình có nhà Võ ca, nơi diễn ra hát bội và khai Lễ Kỳ Yên hàng năm. Kế đến là Tiền điện (còn gọi là Võ quy) rất rộng, dành cho lễ bái. Chánh điện, Tiền điện và Võ ca là một quần thể liền nhau. Võ ca và Tiền điện không có vách ngăn, Tiền điện và Chánh điện được ngăn cách bằng ba bộ cửa sắt đã có từ rất lâu, chạm trổ nhiều hình ảnh công phu.

Trong chánh điện, giữa là bàn Liệt sĩ, kế đến là bàn thờ Hội đồng văn võ được xem như các quan theo phò tá Thần, hai bên là hai dãy binh khí. Trên cao hết là ngai thờ Thần với bức đại tự sơn son thếp vàng chữ “Thần” bằng chữ Hán được xem là linh hồn của đình làng. Hai bên là các ngai thờ Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Hậu tắc, Tiền hiền Hậu hiền, Hương quan Hương chức, Thiên xứ linh quang, Bạch mã thái giám… đối xứng nhau. Mỗi trang thờ, khánh thờ đều được chạm trổ tỉ mỉ, các chữ Hán, hoa văn, đường nét tinh tế, mỗi bàn thờ đều có cẩn ốc xà cừ lấp lánh. Và đặc biệt, ngai thờ ông Tiền hiền Dương Văn Hóa người có công lập làng Bình Thủy được nhân dân tôn kính thờ ngang hàng với Hội đồng.

Nội thất của đình nổi bật với nhiều bản điêu khắc gỗ, phù điêu, tranh sơn thủy, các bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối, khánh thờ… sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh vi sắc sảo với các đề tài tứ linh, hoa lá, bát tiên… kết hợp vừa trang nghiêm vừa hài hòa, tao nhã, tượng trưng cho âm dương hòa hợp và cầu mong sự thái bình, sung túc. Ngoài ra, trong đình còn lưu giữ những long vị, đại hồng chung, tủ bàn ghế cẩn ốc xà cừ, và đặc biệt các di vật của Ban Hội Tề (trước 1945) dâng cúng. Nổi bật hơn vẫn là các liễn đối và hoành phi đã có từ rất xa xưa, với niên đại hơn trăm năm, làm bằng chất liệu gỗ quý, không bị thời gian làm hư hoại.

Lễ hội
 

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 9 - 10 tháng 5 âm lịch, Lễ Kỳ Yên lại được tổ chức long trọng tại đình thần Bình Thủy, đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của xã Bình Thủy, thu hút nhân dân địa phương cùng du khách thập phương tham dự.

Lễ Kỳ Yên được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thắng lợi, cũng là dịp nhân dân tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá và xây dựng làng Bình Thủy. Lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống Nam bộ, ngoài phần tế lễ, rước sắc trang nghiêm theo đúng truyền thống, còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian như thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng, thi tìm hiểu lịch sử địa phương,… Nổi bật nhất là hội thi Đua thuyền truyền thống gồm nhiều thể loại: thuyền nam, thuyền nữ, thuyền Rồng, đua thuyền dành cho học sinh cấp THCS… với nhiều giải thưởng hấp dẫn, đem đến cho lễ hội không khí tưng bừng náo nhiệt, lưu lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng đẹp.


quận Bình Thủy - quận Bình Thủy - thành phố Cần Thơ

Tổng quan
 

Ngôi đình tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, còn có tên chính thức là 龍泉古廟 - Long Tuyền Cổ Miếu. Mặt Bắc của đình cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ rạch Bình Thủy, mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, theo đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong khoảng 5 km là tới đình Bình Thủy. Đây được xem là một trong những ngôi đình cổ nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Đình thờ một vị quan thời Nguyễn tên là Đinh Công Chánh. Vị quan này đã giúp dân khai hoang một vùng đất trù phú, linh hiển, và hiền hoà. Sau khi mất, người dân tôn ông làm thành hoàng làng. Ngoài ra, sau này đình còn thờ nhiều anh hùng dân tộc có công với nước như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa....Đình đã được công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hoá, Kiến trúc, Nghệ thuật vào ngày 05-09-1989.

Lịch sử
 

Đình Bình Thủy - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Tương truyền đình được ông Dương Lập Cang - thân phụ của công tử Cần Thơ Dương Văn Quảng - cho xây dựng vào năm 1844. Lúc đầu, đình chỉ được dựng bằng vật liệu đơn sơ là tre nứa. Năm 1852, dưới thời Tự Đức, Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một chiếc thuyền, khi thuyền gần đến cồn Linh thì gặp một trận cuồng phong lớn, làm mọi người trong thuyền đều hoảng sợ. Khi đó, quan đại thần bèn ra lệnh cho thuyền nấp ngay vào một con rạch trong thôn và được an toàn vô sự. Khi trở về triều, quan đại thần tâu cùng vua Tự Đức xin ban sắc phong thần cho ngôi đình trong thôn và đặt tên rạch, tên đình là Bình Thủy. Sau đó, vua hạ chỉ phê sắc phong thần cho làng là Bổn Cảnh Thành Hoàng vào ngày 29-11-1852 (năm Nhâm Tý). Sau khi có sắc phong của nhà vua, dân địa phương đã cùng nhau cất lại ngôi đình cho tươm tất hơn. Lần này, đình được lợp ngói và xây thêm một nhà võ ca (thường dùng để làm Nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn).

Năm 1904, được sự trợ giúp tài chính của ông La Xuân Thanh, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận cho cất lại đình ở ngã tư trên sở đất của làng rộng 2,9 ha. Công việc còn dở dang thì quan tri phủ qua đời nên không thể tiếp tục. Năm 1909, ông cả Nguyễn Doãn Cung cùng thông gia góp tiền tiếp tục xây dựng ngôi đình. Công trình khởi công từ ngày 12-07-1909 đến năm 1910 thì hoàn thành. Lúc này làng Bình Thủy đã được đổi tên thành làng Long Tuyền (do rạch Bình Thủy có hình tựa con rồng), vì thế ngôi đình cũng được đặt tên là Long Tuyền cổ miếu. Đến năm 1979, Long Tuyền được chia làm 3 đơn vị hành chính là: phường Bình Thủy, phường An Thới và xã Long Tuyền, đình nằm trong phạm vi phường Bình Thủy. Cho nên, dân chúng lại gọi là đình Bình Thủy.

Kiến trúc
 

Khuôn viên đình Bình Thủy - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đình Bình Thủy tọa lạc trong khuôn viên có diện tích khoảng 4.000 m2. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Mái đình lợp ngói cổ kính; các bộ phận vì, kèo kết cấu theo lối “thượng lầu, hạ hiên". Quanh các gác mái chạm khắc các vị thần tiên, cỏ cây hoa lá. Bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc) bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa. Bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Trên các thanh xà dưới mái đình, một số hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, từ trước đến sau trông uy nghi cổ kính.

Đình bao gồm hai khu: khu đình chính và khu "lục ấp". Khu đình chính có năm ngôi nhà. Hai nhà vuông là tiền đường và chánh điện, ba nhà nối hai nhà vuông với nhau. Khu "lục ấp" gồm một nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Giữa tiền đường đặt bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung. Nhà vuông nhỏ có đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội. Ở giữa chánh điện đặt bàn thờ chính; bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác; phía trong là bàn thờ Hậu tiền; đối diện ở sát vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền; sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Lối dẫn vào đình có phù điêu, chạm nổi hình rồng, kỳ lân.

Lễ hội
 

Hàng năm, tại Đình Bình Thủy, ngoài các lễ cúng tế vào ngày rằm mỗi tháng và Tết Nguyên Đán, đình còn có 2 kỳ lễ hội lớn gắn liền dấu ấn sản xuất nông nhiệp, được tổ chức long trọng:

- Lễ Thượng điền là lễ cúng Bổn Cảnh Thành Hoàng sau khi thu hoạch, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng tư âm lịch.

- Lễ Hạ điền được tổ chức vào các ngày 14, 15 tháng chạp.

Trong dịp lễ hội, ngoài các nghi lễ thông thường, còn có tiết mục Rước sắc thần trên xe rồng tán phượng (long xa phụng tán), thỉnh sắc thần bằng bè ghép 3 thuyền trang trí lộng lẫy, hát bội ba đêm liền, tổ chức cuộc thi làm bánh mứt tế thần. Các trò chơi dân gian diễn ra trong các ngày lễ như thả vịt, kéo co, nữ công gia chánh... được duy trì cho đến nay và được đông đảo nhân dân tham gia.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt