Tỉnh Thái Bình
Địa chỉ hiện nay
Thái Bình
Chủ tịch UBND
Phạm Văn Sinh
Diện tích
1546,5 km2 (2007)
Dân số
1.868.800 người (2007)
Mật độ
1208 người/km2 (2007)
Dân tộc
Kinh, Tày, Mường, Thái, Ngái, Tày, Ra Glai,Hoa
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, thuộc phía Nam đồng bằng sông Hồng và là một trong những vựa lúa của khu vực phía Bắc. Đây cũng là một vùng đất cổ của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Thái Bình là một tỉnh ven biển với phía Đông giáp Biển Đông. Phía Tây giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hưng Yên. Phía Nam giáp tỉnh Nam Định. Phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng.
Thái Bình nằm trong toạ độ: 20017’ – 20044’ B và 106006’ – 106039’ Đ. Đây là một trong những tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có đường biển và hệ thống sông ngòi thuận lợi cho giao lưu kinh tế. Với vị trí cách thành phố Hải Phòng 70 km, cách Hà Nội 110 km, Thái Bình thuận lợi phát triển sản xuất hàng hóa và mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong nước và quốc tế.
Thái Bình là một tỉnh không có rừng. Địa hình Thái Bình bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam, nhưng ở từng khu vực lại có nơi đất trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung, độ cao so với mặt biển từ 1 đến 2 mét.
Địa hình Thái Bình có ba kiểu:
- Đồng bằng tích tụ cao và mới được hình thành.
- Đồng bằng tích tụ thấp với kiểu tích tụ phù sa mới, thấp, phát triển ở những nơi ít được bồi đắp phù sa.
- Đồng bằng duyên hải, đất mặn chiếm đa số diện tích, sau đến đất cát trên dải cồn và đất phèn.
Thái Bình nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ trung bình trong năm là 230C – 240C (thấp nhất là 40C, cao nhất là 380C).
Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.400 mm – 1.800 mm.
Số giờ nắng trong năm là 1.600 – 1.800 giờ, lượng nước bốc hơi 728 mm/năm.
Độ ẩm trung bình vào khoảng 850C – 900C.
Điều kiện khí hậu của Thái Bình có nhiều thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, nhược điểm của khí hậu ở Thái Bình là độ ẩm cao nên việc bảo quản máy móc, thực phẩm gặp nhiều khó khăn và dễ bị hư hỏng.
Đất đai Thái Bình phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Thái Bình có các nhóm đất sau: đất mặn, đất cát ven biển, đất chua phèn, đất phù sa và đất bạc màu, xói mòn.
-
Đất mặn: phân bố chủ yếu vùng cửa sông, ven biển và những chỗ thấp trũng ở trong và ngoài đê. Loại đất này thích hợp với các loại cây đước, sú, vẹt, bần, ô rô, sậy, lác.. phát triển.
-
Đất cát ven biển: phân bố trên các cồn cát duyên hải cũ, thường có địa hình cao hơn so với độ cao bình quân của đồng bằng. Loại đất này thích hợp trồng nhãn, vải, cam, chanh, cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác.
-
Đất phèn: đất có thành phần cơ giới nặng, nhão dẻo khi ướt, cứng rắn và nứt nẻ khi khô và thường xuất hiện một lớp màu vàng bám trên mặt đất hoặc trong các khe đất.
-
Đất phù sa: đây là loại đất chủ yếu trồng lúa, có hệ thống thuỷ lợi, dẫn thuỷ nhập điền rất thuận lợi.
-
Đất bạc màu và đất xói mòn: Nhóm đất này rất nghèo chất dinh dưỡng, không thích hợp để gieo cấy lúa, nhưng có thể phát triển một số loại hoa màu như đậu, lạc, vừng, rau và một số cây cho củ.
Tiềm năng và nguồn lợi thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Thái Bình có 3 thủy vực khác nhau: nước ngọt, nước lợ, nước mặn.
-
Nước mặn: chiếm khoảng 17km2 chủ yếu dành cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Tổng trữ lượng hải sản vùng ven biển Thái Bình khoảng 26.000 tấn. Trong đó trữ lượng cá 24.000 - 25.000 tấn, tôm 600 - 1.000 tấn, mực 700 - 800 tấn. Khả năng khai thác tối đa cho phép 12.000 -13.000 tấn. Các loài được khai thác chính là cá Trích, cá Đé, cá Khoai, cá Đối, cá Vược.... Các loài tôm: tôm Vàng, tôm Bộp, tôm He... . Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến các mặt hàng truyền thống như nước mắm, mắm tôm và các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu.
-
Vùng nước lợ: chủ yếu ở các khu vực cửa sông Hồng, sông Thái Bình và sông Trà Lý có các nguồn phù du sinh vật, các loại tảo thực vật, thủy sinh phong phú làm thức ăn tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản.
-
Vùng nước ngọt: với tổng diện tích có khả năng nuôi thủy sản là 9.256 ha, hiện mới đưa vào nuôi khoảng 6.020 ha.
Thái Bình có mỏ khí đốt Tiền Hải với trữ lượng 1.263 triệu tấn. Sản lượng khai thác bình quân mỗi năm đạt hàng chục ngàn mét khối khí thiên nhiên phục vụ cho sản xuất đồ sứ, thuỷ tinh, gạch ốp lát, xi măng trắng…
Bên cạnh đó Thái Bình còn có mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450 m có trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu m3, được khai thác từ năm 1992, sản lượng khai thác đạt 9,5 triệu lít/năm với các nhãn hiệu nổi tiếng như nước khoáng Vital, nước khoáng Tiền Hải.
Trong lòng đất Thái Bình còn có than nâu thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn (hơn 30 tỷ tấn) nhưng phân bổ ở độ sâu 600 – 1.000 m, chưa được khai thác.
Đến Thái Bình, khách du lịch có thể đi thăm các cồn đảo ven biển, rừng ngập mặn hoặc các vùng quê có các lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa được xếp hạng như chùa Keo, đền Tiên La, đền Đồng Bằng, từ đường Lê Quý Đôn, đền thờ, lăng mộ, nơi phát tích của nhà Trần tại huyện Hưng Hà, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ...
Bên cạnh đó du khách còn có thể tham quan các khu du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, làng vườn, du lịch nghỉ dưỡng với bãi biển Đồng Châu, làng nghề Bách Thuận, làng nghề Đồng Xâm, làng Hới với nghề đan chiếu truyền thống…
-
Cá vược
-
Bánh cáy
-
Gỏi nhệch
Đất Thái Bình xưa thuộc bộ Giao Chỉ, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đời nhà Lý đặt thành phủ Thái Bình. Dưới đời nhà Trần, phủ này chia làm hai hạt Long Hưng và An Tiêm. Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, chúng đổi tên hai hạt là Kiến Ninh và Trấn Man. Đời nhà Lê đổi lại thành hai phủ Kiến Xương và Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam Hạ.
Tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21/03/1890. Địa bàn tỉnh khi đó gồm phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương (được tách ra từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (được tách ra từ tỉnh Hưng Yên và nhập vào phủ Thái Bình).
Trước năm 1975, tỉnh Thái Bình có các huyện Hưng Nhân, Tiên Hưng, Duyên Hà, Vũ Tiên, Kiến Xương, Quỳnh Côi, Tiền Hải, Đông Quan, Phụ Dực, Thụy Anh, Thái Ninh và Thư Trì.
Ngày 29/04/2004, thị xã Thái Bình được nâng cấp thành thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình.
Mặc dù là một tỉnh nghèo của khu vực Đồng bằng sông Hồng nhưng giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều bước phát triển mạnh. Chỉ tiêu về bậc giáo dục phổ thông tăng lên rõ rệt. Hiện nay, tỉnh có 607 trường gồm 572 trường tiểu học và trung học cơ sở, 35 trường phổ thông với tổng số giáo viên là 14.309. Về giáo dục đại học và cao đẳng thì toàn tỉnh có 432 giáo viên (năm 1998) và ngày càng tăng qua các năm.
Về y tế, cả tỉnh hiện có 44 bệnh viện, phòng khám, viện điều dưỡng với 940 giường và 288 trạm y tế xã, phường với 2880 giường. Số cán bộ ngành y khoảng hơn 2500 người trong đó có gần 1000 bác sĩ.
Thái Bình có cảng biển quốc gia Diêm Điền cùng hệ thống sông ngòi gắn với quốc lộ 10, 39A, 218 và các trục đường chính trong tỉnh tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa trong vùng đồng bằng sông Hồng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thái Bình cũng gần các trung tâm kinh tế lớn trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh – Hà Nội, đó là thị trường lớn về lao động, sản phẩm, lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Thái Bình còn có nguồn khí đốt, nước khoáng có trữ lượng lớn, có khả năng khai hoang lấn biển mở rộng diện tích ở huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy nhằm phát triển những tiềm năng trong nuôi trồng và khai thác hải sản.
Nền kinh tế Thái Bình trong những năm qua có sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo tỉ trọng của các khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng của khu vực nông, lâm và ngư nghiệp. Tuy nhiên sự chuyển dịch còn chậm so với một số tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thái Bình là tỉnh có nền văn hóa mang những nét rất đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và người Việt cổ nói chung. Trong loại hình nghệ thuật có chèo, múa rối nước, hát văn, hát trống cơm... Nhạc cụ được sử dụng chủ yếu là kèn, sáo nhị...
Thái Bình có rất nhiều lễ hội. Tiêu biểu nhất là các lễ hội: chùa Keo, làng Dương Xá, làng An Cố, chùa Am, đền Hét, đền Đồng Xâm, đền Tiên La, hội La Vân, đền Đồng Bằng…
Thành phố Thái Bình cách thành phố Hà Nội khoảng 110 km, cách thành phố Hải Phòng 70 km và cách thành phố Nam Ðịnh 18 km. Hệ thống cầu được xây dựng trên tất cả các tuyến đường chính gồm cầu Tân Ðệ, cầu Thái Bình, cầu Triều Dương. Đường bộ có Quốc lộ 10 sang Nam Định, quốc lộ 39 nối Hưng Yên - Diêm Điền và Hải Phòng; đường 217 sang Hải Dương. Đường thuỷ có cảng Diêm Điền là cảng quốc gia, đang đầu tư xây dựng để tàu 600 tấn có thể ra vào.