<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Chùa Quán Âm Phật Đài

Chùa tọa lạc tại phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa nổi tiếng với pho thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 11 m, đứng sừng sững giữa trời, quay mặt ra biển. Đây là địa chỉ hấp dẫn nhất ở Bạc Liêu đối với khách hành hương, du lịch. Hằng năm, có khoảng 200 ngàn lượt người từ các nơi về đây chiêm bái. Riêng ba tháng đầu năm 2008, đã có 300 ngàn lượt du khách đến tham quan.

Thánh tượng được khởi công xây dựng từ năm 1973, do hoà thượng Thích Trí Đức đứng ra chỉ đạo. Phật tử xa gần nhiệt tình đóng góp tiền của và công sức, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Tú Vinh (Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự thời điểm đó). Thánh tượng cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975, tượng cao 11 m (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông, mặt xoay ra biển. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua nhiều năm, do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần 4000 m.

Năm 1995, ban Đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu được chính quyền cho phép trùng tu chân đế của tượng đài. Từ đó đến nay, đồng bào Phật tử và du khách đến chiêm bái càng lúc càng đông. Năm 1996, do tuổi cao sức yếu, hoà thượng Thích Trí Đức xin từ chức, hoà thượng Thích Huệ Hà được suy cử thay thế chức vụ Chánh đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu. Năm 2000, đại hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu được tổ chức. Đại hội suy cử hoà thượng Thích Huệ Hà làm trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, từ đó hoà thượng đứng ra vận đông tăng ni Phật tử trùng tu Phật đài. Năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án, cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng chùa Quán Âm Phật Đài trên diện tích 250.000 m2. Công trình bao gồm nhiều hạng mục chung quanh thánh tượng như: cổng tam quan, chánh điện, điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhà khách, tăng xá.....kinh phí ban đầu ước tính gần 10 tỷ đồng. Theo đại đức Thích Chánh Đức - người phụ trách kiến tạo xây dựng thì bố cục của chùa như sau: từ cổng tam quan đi vào là cổng trời; tiếp theo bức bình phong Hàng long; kế đến là đại điện và cột phướn cao 49 m; thánh tượng Quán Âm lộ thiên sẽ được định vị lại, ngài ngự trên toà cá hoá rồng giữa hồ sen hình bát giác tượng trưng cho Bát chánh đạo mà từ sân lễ bước lên với 12 nấc thang biểu tượng của Thập nhị nhân duyên; bên hữu thánh tượng là điện Thiên Thủ, phía trước có Phổ Đà sơn; bên tả  thánh tượng là điện Địa Tạng, phía trước có đền Tiêu Diện Đại Sĩ; trước sân lễ có bức bình phong phục hổ, nối tiếp là 32 tượng Bồ tát hoá thân; giảng đường, nhà nghỉ, khu trưng bày triển lãm, nhà lưu niệm, phòng phát hành, các cơ sở phục vụ của các ban ngành, hệ thống đường sá, cây cảnh, bờ tường bao quanh…

Hằng năm, vào các ngày lễ, du khách đến chùa rất đông, nhất là vào lễ vía Quán Thế Âm trong ba ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9 âm lịch và trong ba ngày vía Bà 22, 23, 24 tháng 3 âm lịch. Lễ hội có nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu quốc thái dân an, Phật tử dâng hương cầu an, tế Anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp... đêm đến có chương trình văn nghệ, hát bội...Không những người địa phương mà người dân các tỉnh khác, kể cả du khách và Phật tử ở một số tỉnh xa từ miền Trung, miền Bắc cũng có mặt. Quan cảnh tham quan, chiêm bái thật vô cùng náo nhiệt.

Đoạn đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài khoảng 8 km, du khách có thể di chuyển bằng taxi hay xe ôm tuỳ thích. Gần khu Quán Âm Phật Đài có nhiều nhà trọ và quán ăn phục vụ khách hành hương. Trong những ngày lễ, các hàng quán ở đây mở cửa suốt cả ngày đêm. Chung quanh Quán Âm Phật Đài có nhiều quầy hàng, bán đủ các loại đồ đạc cần dùng cho du khách, kể cả những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt