Ngày 26 tháng 5
Khánh Hoà nâng cấp cảng Cam Ranh
Sáng 26/5/2010, tại cảng Cam Ranh, phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã phát lệnh khởi công dự án nâng cấp cảng Cam Ranh.
Dự án nâng cấp cảng Cam Ranh có tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng với tổng diện tích 18 ha, dự kiến hoàn thành trong 14 tháng. Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng cầu tàu số 2 dài 240 m, rộng 30 m, độ sâu trước bến 11,6 m, cho phép tiếp nhận tàu tổng hợp 50.000 DWT hoặc tàu container 30.000 DWT; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, đảm bảo tăng năng lực xếp dỡ của cảng Cam Ranh thêm 1,5-1,8 triệu tấn/năm.
Dự án nâng cấp cảng Cam Ranh nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm nâng cấp cảng Cam Ranh thành cảng container trọng điểm của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, góp phần giảm tải cho cảng Nha Trang (ưu tiên tàu khách du lịch quốc tế), khắc phục tình trạng quá tải hiện nay của cảng Cam Ranh.
Việc xây dựng cầu tàu mới giúp cảng Cam Ranh có thể đón nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT, năng lực xếp dỡ đạt 2,5-3 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, cảng Cam Ranh sẽ đạt công suất xếp dỡ 5 triệu tấn/năm.
Dự án nâng cấp cảng Cam Ranh sử dụng nguồn vốn tự huy động của Vinalines, do Vinalines làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng hải thiết kế, Liên doanh Công ty Cổ phần Tư vấn-Xây dựng Thịnh Long và Công ty Tư vấn và Ứng dụng khoa học công nghệ Giao thông vận tải làm tư vấn giám sát, Liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đường thủy và Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân thi công.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn với các hạng mục cầu bến, nạo vét, xây dựng cầu dẫn, đường nối, lắp đặt thiết bị.
Hiện tại, cảng Cam Ranh có cầu cảng dài 182 m với tổng chiều dài bến khai thác là 308 m, độ sâu trước bến 11,6 m, cảng có khả năng tiếp nhận các loại tàu có trọng tải 30.000 tấn, năng lực xếp dỡ hàng tại cảng khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Hàng năm, mức tăng trưởng của cảng Cam Ranh khoảng 10% (năm 2009 đạt 1,3 triệu tấn), cảng Cam Ranh hiện đang thu hút nhiều hàng hóa vận tải biển thông thương qua khu vực nhưng do hệ thống hạ tầng đang quá tải nên không đáp ứng được nhu cầu.
Cảng Cam Ranh nằm trong vịnh Cam Ranh, có mực nước sâu không bị bồi lắng, kín gió, cách quốc lộ 1A 1,5 km, cách quốc lộ 27B nối với các tỉnh Tây Nguyên 3,5 km, cách sân bay Cam Ranh 25 km và có tuyến đường sắt nối liền cầu cảng với hệ thống đường sắt quốc gia dài 3 km. Cảng Cam Ranh là đầu mối giao thông đường biển quan trọng cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thời kỳ Pháp thuộc, cảng Cam Ranh còn có tên gọi là cảng Ba Ngòi chủ yếu phục vụ cho nhu cầu khai thác thuộc địa của Pháp.
Sau năm 1975, cảng Ba Ngòi chỉ là một Phân cảng của Cụm cảng Nha Trang – Ba Ngòi, trực thuộc Cục hàng hải Việt Nam.
Năm 1991, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đã quyết định chuyển giao Phân cảng Ba Ngòi cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và cảng Ba Ngòi trở thành một doanh nghiệp kinh doanh cảng biển độc lập.
Ngày 31/10/2007, cảng Ba Ngòi đã được UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giao về làm thành viên của Vinalines, cảng Ba Ngòi đã tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên và đổi tên thành cảng Cam Ranh.
Ngày 1/4/2009, cảng Cam Ranh chính thức ra đời và hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.
KCN Liên Chiểu gây ô nhiễm sông Cầu Trắng
Ngày 26/5/2010, sau 10 ngày điều tra, lấy mẫu nước sông để xét nghiệm, sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã kết luận: nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sông Cầu Trắng tại khu vực phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là do nước sông bị ô nhiễm.
Sông Cầu Trắng là nơi tiếp nhận nước thải từ khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu, nước thải sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân dọc tuyến quốc lộ 1A phường Hoà Hiệp Bắc cùng nước thải từ các kho xăng dầu PETEC, PV Oil. Trong đó, lưu lượng nước thải từ KCN Liên Chiểu ra sông Cầu Trắng khoảng từ 600 - 800 m3/ngày đêm.
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại KCN Liên Chiểu, hàm lượng oxy để ôxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước (COD) vượt 11,32 lần; dầu mỡ vượt 1,52 lần; sunfua vượt 0,172 lần. Kết quả quan trắc đã chứng minh, nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Cầu Trắng chính là nước thải từ KCN Liên Chiểu.
Phân tích chất lượng nước tại sông Cầu Trắng có kết quả là các thông số COD trong mẫu nước sông lấy tại vị trí cách cầu Trắng từ 50 - 70m về phía thượng nguồn vượt quy chuẩn môi trường 0,83 lần; chỉ tiêu về dầu mỡ khoáng trong mẫu nước sông cách điểm xả thải KCN Liên Chiểu 30m về phía hạ nguồn vượt quy chuẩn 6 lần.
Trong quá trình khảo sát tại hiện trường, các ngành chức nẵng cũng đã phát hiện bọt khí từ đáy sông trào lên do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng ôxy trong nước giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt trong ngày 16/5.
KCN Liên Chiểu được thành lập theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 18/4/1998 của Thủ tướng Chính Phủ, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu với tổng diện tích 373,5 ha.
KCN Liên Chiểu cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 15 km, cách cảng biển Tiên Sa 25 km, cách cảng Sông Hàn 18 km, nằm sát với cảng biển Liên Chiểu và tiếp giáp với cửa ra phía Nam của đường hầm đèo Hải Vân.
KCN Liên Chiểu ưu tiên cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực như: luyện cán thép, cao su, xi măng, hoá chất, chế phẩm vật liệu xây dựng, lắp ráp cơ khí ...
Sau khi phát hiện tình trạng cá chết trên sông Cầu Trắng, sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành phun 240 lít chế phẩm sinh học và chế phẩm khử mùi, xử lý xác cá chết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; vận động người dân dọn vệ sinh và phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu sông Cầu Trắng.
Sở Tài nguyên Môi trường cũng kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại KCN Liên Chiểu, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông Cầu Trắng.
Hiện tại, lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất nước thải của các doanh nghiệp tại KCN Liên Chiểu và các cơ sở ngoài KCN để xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Bia tiến sĩ trở thành Ký ức thế giới
Ngày 26.5.2011, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã chính thức thông qua đề nghị đưa 45 tư liệu và các bộ sưu tập tư liệu mới vào Danh sách Ký ức thế giới, trong đó có bia tiến sĩ của Việt Nam.
Đến nay, có 238 di sản tư liệu của các nước đã được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của UNESCO. Các di sản này rất đa dạng về chất liệu như: đá, chất dẻo, da động vật, băng audio.
Từ năm 1992, UNESCO phát động chương trình ký ức thế giới nhằm phòng ngừa nguy cơ những di sản tư liệu vô giá của nhân loại bị rơi vào lãng quên, khuyến khích các nước sở hữu bảo quản tốt hơn và giúp quảng bá rộng rãi hơn giá trị của các di sản trên toàn cầu.
Trong danh sách 45 tư liệu và các bộ sưu tập tư liệu mới có những quốc gia lần đầu tiên có di sản tư liệu như: Bulgaria, Fiji, Ireland, Nhật Bản, Mông Cổ, Marocco, Panama, Thuỵ Sĩ, Tunisia, Surinam.
Bia tiến sĩ là 82 bia đá đặt tại khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc.
Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán ghi lại lịch sử của các khoa thi (từ năm 1442 đến 1779). Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi khắc tên 1.304 tiến sĩ.
Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.
UNESCO có nhiều danh hiệu, trong đó có 3 loại danh hiệu danh giá và mỗi loại có những tiêu chí khác nhau.
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản có giá trị toàn cầu); Di sản văn hóa phi vật thể (đặc sắc và có sự tham gia của cộng đồng dân cư); Di sản tư liệu (tính xác thực, tính nguyên vẹn và độc đáo, có giá trị và ý nghĩa với thế giới).
Anh viện trợ cho Việt Nam gần 2.400 tỷ đồng
Ngày 26.5.2011, Anh và Việt Nam đã ký văn bản điều chỉnh thỏa thuận quan hệ đối tác phát triển, Anh sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 70 triệu bảng (gần 2.400 tỷ đồng) cho tới năm 2015.
Mục đích của khoản viện trợ là giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (gồm các lĩnh vực giáo dục tiểu học, vệ sinh môi trường và phòng chống HIV/AIDS); tăng trưởng mạnh mẽ và mọi người đều được hưởng lợi với khối tư nhân đóng vai trò chủ đạo; tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
Kể từ tháng 9.2010, Anh và Việt Nam đã tuyên bố nâng tầm quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược.
Từ năm 2006 tới nay, Anh đã hỗ trợ Việt Nam 19 triệu bảng cho việc xóa nợ thông qua Sáng kiến xóa nợ đa phương, nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo.
Đến năm 2016, Anh sẽ kết thúc việc viện trợ cho Việt Nam nhưng từ nay cho tới thời điểm đó, Anh tiếp tục giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, trong đó tập trung vào các vấn đề như: biến đổi khí hậu, quản trị, thương mại và đầu tư.
Năm 2006, Vương quốc Anh và Việt Nam ký Thỏa thuận quan hệ đối tác phát triển trong thời gian 10 năm, tính đến năm 2011, Anh đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 380 triệu bảng thông qua chương trình viện trợ song phương.
Anh cũng sẽ thay Thụy Điển trở thành nhà tài trợ điều phối các đối tác phát triển để cùng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực chống tham nhũng.