Ngày 1 tháng 10
NSND Y Moan từ trần
Vào lúc 15h30 chiều 1.10.2010, tại nhà riêng ở buôn Dhă, xã Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, NSND Y Moan đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 54.
NSND Y Moan Ê Nuôl tên thật là Y Bliêo, sinh ngày 6.9.1957 trong một gia đình nông dân Ê Đê ở buôn M’Đrắk (nay là huyện M’Đrắk, Đắk Lắk).
Từ nhỏ, ông đã có tài năng ca hát nên khi học hết lớp 7, ông theo đoàn văn công.
Năm 1976, ông trúng tuyển vào đội ca nhạc của Đoàn văn công giải phóng Đắk Lắk (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk), làm quen với âm nhạc chính thống và trở thành ca sĩ hát chính của Đoàn.
Năm 1979, ông ra Bắc học ở Nhạc viện Hà Nội và gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, sau đó, ông tiếp tục được tu nghiệp tại các nước như: Bungari, Đức, Nga, Hungari, Rumani.
Năm 1981, sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Đắk Lắk để sáng tác các ca khúc cho địa phương và đây cũng là cơ hội giúp cho sự nghiệp của NSND Y Moan thăng hoa.
Năm 1997, Y Moan được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, năm 2000 được Bộ Văn hoá Thể thao tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tháng 4.2010, Y Moan bị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông đã tổ chức live show duy nhất trong cuộc đời có tên gọi: Ngọn lửa cao nguyên, diễn ra ngày 6.8.2010 tại Hà Nội.
Sáng 16.9.2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công bố danh hiệu NSND cho Y Moan do Chủ tịch nước phong tặng, ghi nhận công sức 35 năm gắn bó và cống hiến trong âm nhạc của ông.
Không chỉ thể hiện thành công những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường như "Ơi M’Ðrắk", "Ly cà phê Ban Mê", "Anh muốn sống bên em trọn đời"..., tên tuổi Y Moan còn gắn với nhiều tác phẩm mang phong cách Tây Nguyên của các nhạc sĩ Trần Tiến, Y Phôn Ksơr, Mạnh Trí, Linh Nga…như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Xốn xang cao nguyên Đăk Lăk, Giấc mơ Chapi...
Bên cạnh việc biểu diễn các bài hát về Tây Nguyên đại ngàn, Y Moan còn là tác giả của nhưng ca khúc như: Bài ca quê hương, Đi chơi với gió…
Từ 1.10.2008, tăng 15% lương hưu và trợ cấp
Theo Nghị định 101 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc được Chính phủ ban hành ngày 12.9.2008, từ ngày 1.10.2008, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 15%.
 |
Các mệnh giá tiền đồng Việt Nam. Ảnh:picasaweb |
Theo nội dung Nghị định 101, kể từ ngày 1.10.2008, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15% cho các đối tượng sau: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; người hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người hưởng trợ cấp hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng trợ cấp hằng tháng.
Ước tính, có khoảng 1,8 triệu đối tượng thuộc diện được tăng mức trợ cấp nêu trên.
Các đối tượng được điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trong Nghị định gồm:
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 121 ngày 21.10.2003 và Nghị định 09 ngày 23.1.1998 của Chính phủ hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Người hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91 ngày 4.8.2000 của Thủ tướng Chính phủ, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130 ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111 ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Quyết định này được đưa ra sớm 3 tháng so với lộ trình. Theo lộ trình cải cách tiền lương thì đến ngày 1.1.2009, cùng với thời điểm tăng lương tối thiểu chung của lao động, người về hưu mới được điều chỉnh lương.
Tăng lương hưu từ 1.10.2008 – Báo Thanh Niên ngày 14.9.2008
Tăng lương hưu, trợ cấp từ 1.10.2008 – Báo Lao Động ngày 14.9.2008.
Từ 1-10, tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp – Báo Tuổi Trẻ ngày 15.9.2008.
Tăng 15% lương hưu, trợ cấp từ 1.10.2008 – Báo Tiền Phong ngày 15.9.2008.
Máy bay tư nhân Việt Nam đầu tiên cất cánh
Chiều 1.10.2008, sau khoảng 5 tháng có mặt tại Việt Nam, chiếc máy bay hiệu Beech King Ari 350 mang số hiệu VNB 444 của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã bay chuyến đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) lên sân bay Pleiku (Gia Lai).
 |
Máy bay Beech King Air 350. Ảnh: flickr |
Buổi tối cùng ngày, chiếc Beech King Air 350 theo lộ trình ngược lại đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Hành trình mỗi lượt bay mất khoảng 1giờ. Đây là chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép cất cánh sau khi hoàn tất đủ mọi thủ tục cần thiết.
Trên chuyến bay có 7 người, trong đó có 4 người thuộc Cty Hoàng Anh Gia Lai và phi hành đoàn 3 người gồm: 2 phi công và 1 phục vụ. Trong chuyến bay này, người lái chính là một phi công người Mỹ tên Jon allan Yong.
Sau khi sang Mỹ học khóa nghiệp vụ, chuyển đổi bằng lái trong thời gian 2 tuần, ông Nguyễn Thành Trung nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines sẽ trở thành phi công lái máy bay cho ông Đoàn Nguyên Đức.
Chiếc máy bay hiệu Beechcraft King Air 350 của bầu Đức có số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất; động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada), trị giá 7 triệu USD.
Máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức đã cất cánh – Báo Thanh Niên ngày 2.10.2008.
Máy bay của "bầu" Đức đã cất cánh – Báo Tuổi Trẻ ngày 1.10.2008.
Nguyên Phó TGĐ VNA sẽ lái máy bay cho bầu Đức – Báo Tiền Phong ngày 1.10.2008.
Máy bay của bầu Đức chính thức cất cánh – Báo Người Lao Động ngày 2.10.2008.