Dự án mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là mở rộng mặt đường chính từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Tây Hòa (dài khoảng 2 km) và giai đoạn 2 mở rộng từ điểm nối dự án cầu Sài Gòn 2 đến nút Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới (dài khoảng 15,7 km).
Xa lộ Hà Nội (rộng từ 24-60 m, có 4-6 làn xe) sẽ được mở rộng lên 16-20 làn xe.
Từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Bình Thái có lộ giới 153,5 m, trục đường chính 12 làn xe và hai đường song hành 4 làn xe/đường.
Từ nút giao thông Bình Thái đến nút giao Trạm 2 có lộ giới 113,5 m, trục đường chính 10 làn xe và hai đường song hành 4 làn xe/đường.
Từ nút giao trạm 2 đến nút giao Tân Vạn có lộ giới 113,5 m, trục đường chính 8 làn xe và hai đường song hành 4 làn xe/đường.
Xa lộ Hà Nội được mở rộng lộ giới vì tuyến đường này được xây dựng 2 tuyến ống cấp nước lớn, cung cấp nước cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh và sẽ có tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Theo kế hoạch, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư là 2.286,8 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.701,5 tỉ đồng và thời gian thu phí là 25 năm 9 tháng tính từ ngày 1/1/2019.
Mê Kông là con sông có chiều dài thứ 12 thế giới, xuất phát từ vùng cao nguyên Tây Tạng (có độ cao khoảng 5.000m so với mặt nước biển) nhưng phần lớn lưu vực nằm trong tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sau đó chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Vùng lưu vực sông Mê Kông (Tiểu vùng sông Mê Kông), bao gồm 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Đây là khu vực sinh học đa dạng với khoảng 20.000 loài thực vật, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài rắn, ếch nhái, 430 loài động vật có vú.
Ở phần lãnh thổ Việt Nam, sông Mê Kông chảy qua đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chiều dài khoảng 225 km. Trung bình từ 2 – 3 km có 1 con kênh cung cấp nước cho tưới tiêu và sinh hoạt. Vì thế, sự phát triển của nền nông nghiệp ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ sông Mê Kông.
Từ năm 1986, Trung Quốc bắt đầu xây con đập thủy điện lớn đầu tiên trong dự án 14 con đập bậc thềm Vân Nam chắn ngang dòng chính sông Lan Thương (cách gọi sông Mê Kông đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc) là đập Mạn Loan cao 126 m, công suất 1.500 MW, dung tích 250 triệu m³ nước, hoàn tất năm 1993. Sau đó, Trung Quốc xây dựng đập Đại Chiếu Sơn cao 118 m, công suất 1.340 MW, dung tích 370 triệu m³ nước, hoàn tất năm 2003.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng đập Tiểu Loan cao 292 m, công suất 4.200 MW, dung tích 15 tỷ m³ (dự kiến hoàn tất trong năm 2010); đập Cảnh Hồng cao 107 m, công suất 1.500 MW, dung tích 250 triệu m³ nước.
Bốn dự án đập lớn khác ở Vân Nam cũng đang được triển khai gồm: Ngọa Trác Độ, công suất 5.500 MW với dung lượng hồ chứa khoảng 22.740 triệu m3 nước (dự kiến hoàn tất vào năm 2012); Công Quả Kiều; Can Lãm Bạt và Mãnh Tùng.
Không chỉ có Trung Quốc mà các nước Lào (Pakbeng, Luangprabang, Sayabouli, Paklay, Sanakham, Latsua và Donasehong), Thái Lan (Ban Koum và Pakchom) và Campuchia (Strung Treng, Sambor) cũng dự tính xây dựng 11 dự án xây đập trên dòng chính của sông Mê Kông ở lưu vực dưới.
Hiện Campuchia đang xúc tiến xây dựng đập thủy điện Sambor trên dòng chính sông Mê Kông tại tỉnh Kratie với công suất 2.600 MW, dung tích 880 km² và 1 đập nhỏ hơn, chỉ chắn một phần lòng sông với hồ chứa khoảng 6 km², công suất 465 MW.
Theo thống kê của Liên minh bảo vệ sông Mê Kông, có 16 đập thủy điện đã và đang xây dựng cùng hàng trăm dự án trên các nhánh chính và rẽ đã làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn các loài cá di cư đẻ trứng, giảm lượng phù sa hằng năm. Chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi năm vào mùa lũ, sông Mê Kông cung cấp 100 - 200 triệu tấn phù sa.
Thế nhưng 50% lượng phù sa của sông Mê Kông đổ xuống vùng đồng bằng ở hạ lưu bị chặn lại, gây tác hại khủng khiếp tới ngành sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL; phù sa cũng tác động đến sự di cư của loài cá; những biện pháp giúp cá vượt qua đập chắn như làm bậc thang, làm giỏ kéo lên hay đào kênh thay thế... đều không thích hợp đối với chủng loại cá sinh trưởng trong dòng Mê Kông.
Vào mùa khô, ở ĐBSCL hầu như không có mưa, nguồn nước chủ yếu do sông Mê Kông cung cấp, theo số liệu của Ủy ban các nước khu vực sông Mekong, hiện nay vào mùa khô, mực nước sông Cửu Long xuống rất thấp, lưu lượng trung bình giảm từ 50.000m3/giây trong mùa mưa xuống còn 2.000m3/giây trong mùa khô.
ĐBSCL có diện tích gần 40.000 km2, chiếm hơn 79% diện tích tam giác châu thổ sông Mê Kông. ĐBSCL đóng vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó, khi sông Mê Kông bị cạn kiệt sẽ là thảm họa không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông dương.
Theo ước tính, cứ 1 ha đất trồng lúa phải tốn hơn 20.000m3 nước/vụ; bình quân mỗi năm, ĐBSCL xuống giống 3,8 triệu ha, cần hơn 76 tỉ m3 nước. Riêng thủy sản, mỗi năm người dân hạ lưu sông Mê Kông khai thác khoảng 2,6 triệu tấn cá trị giá khoảng 2 tỉ USD.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước cho rằng, khi nguồn phù sa giảm sút, người trồng lúa ở Việt Nam sẽ phải tăng chi phí cho phân bón và giá lúa sẽ tăng lên.
Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Mê Kông bằng cách không ngừng xây thêm những con đập thủy điện khổng lồ ngang dòng chính, phá đá và khai thông các khúc sông ghềnh thác để mở thủy lộ cho các con tàu có tải trọng 700 tấn đi về phương Nam.
Không những thế, Trung Quốc còn dùng sông Mê Kông làm con đường vận chuyển dầu khí từ Chiang Rai (Bắc Thái Lan) lên Vân Nam.
Tất cả những hoạt động mà chính phủ Trung Quốc đã và đang tiến hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và gây ô nhiễm cho vùng hạ lưu.
Theo học giả Mỹ Fred Pearce, vào đầu thập niên tới, chuỗi đập bậc thềm Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mê Kông trước khi ra khỏi Vân Nam.
Còn tiến sĩ Carl Middleton (Tổ chức Sông ngòi quốc tế Mỹ) ước tính, việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông sẽ giảm từ 700.000 - 1,6 triệu tấn thủy sản/năm.
Các nhà khoa học đúc kết, tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được từ việc xây đập thủy điện.
Ngày 11/3/2010, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan tổ chức họp báo và cho rằng, sông Mê Kông cạn kiệt là do hạn hán chứ không phải do các con đập của Trung Quốc. Nhưng nhiều tổ chức quốc tế cho rằng đây chỉ là hành động đối phó với dư luận quốc tế của Trung Quốc.
Ngày 9/7/2009, Việt Nam đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc các đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông có thể gây tác hại tới dòng chảy con sông và môi trường sinh thái đặc biệt với các nước hạ lưu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng tuyên bố, Mê Kông là con sông quốc tế, việc khai thác cần tính đến lợi ích các nước trong lưu vực, bảo vệ môi trường và dân cư sinh sống dọc sông.
Tháng 6/2009, các nhà môi trường thuộc “Liên hiệp cứu lấy sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) đã thu được gần 17.000 chữ ký vào bản kiến nghị sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch vận động cứu sông Mê Kông, trong số đó có hơn 11.000 cư dân trong vùng lưu vực sông Mekong và khoảng 5.000 người khắp nơi trên thế giới (Việt Nam chỉ có hơn 300 người tham gia).
Ngày 3/3/2010, tại Luang Prabang (Lào), hội nghị 4 nước thành viên MRC đã gửi công hàm chính thức tới đại diện Trung Quốc tại Liên hiệp quốc yêu cầu có sự hợp tác tìm giải pháp cho dòng sông. Chính phủ Thái Lan đề nghị 4 nước thành viên MRC (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) gây áp lực lên Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao song phương.
Ngày 7/3/2010, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva phát biểu: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Trung Quốc quản lý tốt hơn dòng chảy của con sông để các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng”.
Ngày 14/3 (ngày hành động quốc tế vì các dòng sông), Liên minh Cứu trợ sông Mê Kông (Save the Mekong Coalition - SMC) và các tổ chức môi trường khác đã tố cáo, các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn con sông đã gây nên tình trạng khô kiệt bất thường. SMC chỉ ra rằng, nước sông Mê Kông bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 10/2009, khi Trung Quốc bắt đầu tích nước vào hồ chứa của đập Tiểu Loan.
SMC cũng cho rằng, dòng chảy của sông Mê Kông bị biến đổi bất thường từ khi Trung Quốc bắt đầu vận hành con đập đầu tiên là Mạn Loan năm 1993, trùng với đợt hạn hán dữ dội năm 1992-1993 trên toàn vùng Mê Kông. Con đập thứ 2 hoàn thành tháng 10/2003, trùng với đợt hạn hán năm 2003-2004.
Tờ New Scientist đánh giá: “Trung Quốc đang làm kiệt mạch sống sông Mê Kông”.
Reuters AlertNet thì cảnh báo: “Sông Mê Kông cạn dòng vì các con đập Trung Quốc”.
The Guardian kết luận: “Xây đập và con sông chết dần”.
Bangkok Post lên án: “Sông cạn do các con đập Trung Quốc”…