<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Ngày 25 tháng 4
Tuần lễ văn hóa-du lịch Đất Mũi

Sơ lược
 

Đêm 25/4/2010, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đất Mũi 2010 với chủ đề, Cà Mau vươn lên từ mũi đất xanh.

Chi tiết
 

Tuần lễ văn hóa – du lịch Đất Mũi sẽ kéo dài từ ngày 24- 29/4/2010. Nội dung chính của tuần lễ văn hoá- du lịch là giới thiệu Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau và quảng bá du lịch sinh thái.

Trong khuôn khổ tuần lễ văn hóa – du lịch Đất Mũi sẽ diễn ra nhiều hoạt động như tổ chức tour tham quan khu dự trữ sinh quyển; triển lãm tranh ảnh về khu dự trữ sinh quyển; hoạt động bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên; hội chợ thương mại – du lịch “Cà Mau – Du lịch sinh thái và người Việt ưu tiên dùng hàng Việt; hội diễn văn nghệ quần chúng 3 dân tộc Kinh – Hoa – Kh’mer.

Ngoài ra, tuần lễ Văn hóa – du lịch Đất Mũi còn có các hội thảo bảo tồn giá trị khu sinh quyển và bảo vệ văn hóa, dân cư Mũi Cà Mau trước biến đổi khí hậu và công bố quyết định của UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là khu sinh quyển thế giới.

Tại hội chợ triển lãm Cà Mau ở Trung tâm Thương mại Cửu Long, thành phố Cà Mau có 250 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội chợ.

Thông tin mở rộng
 

Khu dự trữ sinh quyền Mũi Cà Mau

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích hơn 370.000 ha bao gồm vườn quốc gia U Minh Hạ, tuyến rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau và vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có các phân khu chức năng gồm vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha và vùng chuyển tiếp 310.868 ha.

Khu dự trữ này có hệ thực, động vật phong phú; đặc biệt là nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam

Quá trình được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Năm 2005, Mũi Cà Mau được đưa vào danh mục các khu bảo tồn biển cấp quốc gia. Ngày 31/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học”.

Ngày 26.5.2009, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngày 25/4/2010, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận quyết định của UNESCO công nhận mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hiện nay, có 554 khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới, với sự tham gia của 107 quốc gia thành viên.

Thông tin tham khảo
 


Cháy vườn quốc gia Tràm Chim

Sơ lược
 

Ngày 25/4/2010, tại vườn quốc gia Tràm Chim (VQGTC), huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra vụ hoả hoạn kéo dài trong vài ngày khiến hơn 320 ha bị cháy.

Chi tiết
 

Khoảng 9 giờ ngày 25/4, đám cháy đã bùng phát tại khu A1 của VQGTC (xã Phú Đức, Phú Thạnh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp).

Do nắng gắt và gió mạnh nên ngọn lửa nhanh chóng lây lan hơn 1 km và kéo dài trên 5 km. Đến 19 giờ cùng ngày, ngọn lửa mới cơ bản được khoanh vùng và dập tắt.

Tuy nhiên, đám cháy vẫn còn âm ỉ trong đất nên đến 6 giờ ngày 26/4, ngọn lửa bùng phát trở lại và đến 7 giờ mới được khống chế.

Trong khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy đang cố gắng dập tắt các đám cháy âm ỉ ở khu A1 thì đến 11giờ ngày 26/4, ở khu A2 cũng xảy ra cháy. VQGTC phải huy động lực lượng chữa cháy từ khu A1 sang A2 để chữa cháy, cứu rừng.

Ngày 27/4, có thêm 4 điểm phát cháy, theo ước tính ban đầu đã có hơn 320 ha tại VQGTC bị cháy, trong đó có 70 ha rừng tràm lâu năm.

Thông tin mở rộng
 

Vườn quốc gia Tràm Chim

VQGTC có diện tích tự nhiên 7.612 ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1991, khi phát hiện loài sếu đầu đỏ, Tràm Chim được đổi tên thành khu bảo vệ sếu và môi trường thiên nhiên.

Năm 1994, chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tràm Chim.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vườn quốc gia Tràm Chim.

VQGTC hiện có 1.826 ha rừng tràm với 130 loài thực vật bản địa, 174 loài thực vật nổi, 130 loài cá nước ngọt, 23 loài động vật đáy cùng các loài lưỡng cư, bò sát.

Đặc biệt, VQGTC có 231 loài chim, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam như: cò, diệc, vịt trời, cồng cộc ... Trong số đó có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, già đãy Java và sếu cổ trụi (chim hạc, sếu đầu đỏ), được xếp vào những loài động vật cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Cháy rừng sẽ đe doạ môi trường sống của loài sếu đầu đỏ

Theo quan sát và thống kê của VQGTC và Hội Sếu quốc tế, đến tháng 3/2010, có khoảng 70 con sếu đầu đỏ đã về trú ngụ tập trung tại khu A1 và khu A5 (nơi có bãi năn, là thức ăn chủ yếu của sếu).

Những vụ cháy rừng và đồng cỏ năn trực tiếp đe doạ hàng trăm loại chim, cò và còn tác động xấu đến sếu đầu đỏ, động vật đặc hữu của VQGTC.

Khi xảy ra cháy lớn, số lượng người vào chữa cháy sẽ làm cho loài chim này hoảng sợ và bay khỏi nơi trú ngụ. Bị đánh động, bị mất nguồn thức ăn và nơi trú ngụ, sếu đầu đỏ sẽ không quay trở lại.

Vườn quốc gia Tràm Chim từng bị cháy nhiều lần

Theo tính toán lâm học, 1 ha rừng tràm 10 năm tuổi, mỗi năm thải ra khoảng 10 tấn lá khô và cành mục. Bên cạnh đó, các cánh đồng cỏ mọc cao và dày sẽ khiến đám thực bì trở thành mồi ngon cho lửa.

Từ đầu năm 2010 đến nay, ở vườn quốc gia Tràm Chim đã xảy ra 5 vụ cháy rừng.

Năm 1996, Tràm Chim bị cháy khoảng 250 ha, trong đó 220 ha đồng cỏ và 30 ha tràm.

Năm 2008, Tràm Chim bị cháy 332 ha, chủ yếu là đồng cỏ, trong đó có khoảng 32 ha tràm.

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt