Hoàng Sa-Trường Sa
Ngày giải phóng Trường Sa
Ngày 29.4.1975, lực lượng Hải quân Việt Nam đã làm chủ các đảo: Song Tử Tây, Nam yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Ngày 31.3.1975, Bộ Chính trị quyết định mở trận quyết chiến để giải phóng hoàn toàn miền Nam, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong chiến dịch này, lực lượng Hải quân được giao nhiệm vụ vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất, xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng với yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân của chính quyền Sài Gòn.
Ngày 5.4.1975, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân: “Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước”. Nhận được chỉ thị, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao cho Đoàn 125 Vận tải và Đoàn 126 Đặc công chuẩn bị tiến công giải phóng đảo.
Ngày 9.4.1975, trong khi các cánh quân lớn trên đất liền bắt đầu tiến công vào thị xã Xuân Lộc, Tân An (tuyến phòng thủ vòng ngoài của Sài Gòn) thì Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ tiến đánh đảo Song Tử Tây để giải phóng quần đảo Trường Sa.
Vào 5g15 ngày 14.4.1975, đảo Song Tử Tây được giải phóng; đến 3 giờ sáng ngày 25.4.1975, đảo Sơn Ca được giải phóng; vào 10g30 ngày 27.4.1975 giải phóng đảo Nam Yết; đến 10g30 ngày 28.4, hải quân Việt Nam làm chủ đảo Sinh Tồn.
Đúng 9 giờ sáng 29.4.1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 trong chiến dịch đã hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa lớn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Khí hậu thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt và hiếm nước ngọt, trong 1 năm có 131 ngày bão với mức gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13-20 ngày gió mạnh. Trong năm chỉ có 2 tháng (4 và 5) là ít gió; từ tháng 6 - 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam.
Hiện 100% điểm đóng quân của lực lượng vũ trang và những hộ dân sinh sống tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã được sử dụng hệ thống điện chiếu sáng từ nguồn năng lượng gió và mặt trời, đảm bảo có điện liên tục 24/24 giờ trong ngày.
Toàn địa bàn huyện cũng đã được phủ sóng truyền hình, điện thoại... tính thời điểm này, Trường Sa là huyện đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Phát hiện văn bản thứ 4 về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa
Ngày 2.8.2010, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương này vừa phát hiện thêm một bộ hồ sơ liên quan chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Bộ hồ sơ mang tiêu đề "Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa 1955" được lưu giữ tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ hồ sơ bao gồm 10 trang tài liệu (6 trang tiếng Pháp và 4 trang tiếng Việt). Đây là hồ sơ gốc của Ty Kiến thiết (chính quyền Sài Gòn) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giai đoạn từ năm 1897 - 1960, trong đó có các văn bản được đánh máy, có đầy đủ chữ ký cũng như con dấu, các bút tích xử lý công việc với nội dung về việc sửa chữa Ty Khí tượng Hoàng Sa.
Bộ hồ sơ nói trên được ông Nguyễn Tất Thắng, Chi cục Trưởng Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện, bảo quản và lưu giữ.
Tính đến nay, tại Thừa Thiên – Huế đã phát hiện được 4 văn bản quý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Các văn bản gồm 2 tờ Châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy tại tủ sách gia đình ở Phủ Ngọc Sơn Công Chúa (con Vua Đồng Khánh, em Vua Khải Định, cô ruột Vua Bảo Đại); một văn bản chữ Hán, viết trên giấy dó, do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ từ hơn 250 năm nay và bộ hồ sơ kể trên.
Hiện tất cả 4 văn bản nói trên hiện đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận và quản lý.
Hai tờ Châu bản đều có Ngự phê của vua Bảo Đại, nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công lao trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tờ Châu bản thứ nhất đề ngày 15.12 năm Bảo Đại thứ 13 (3.2.1939), truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình công tác tại Hoàng Sa.
Tờ Châu bản thứ hai đề ngày 27.12 năm Bảo Đại thứ 13 (15.2.1939), tặng Huy chương Long tinh cho đơn vị lính Khố xanh ở Trung Kỳ đã có công trong việc dẹp loạn "man di" ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa.
Văn bản chữ Hán được viết trên giấy dó, do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ có nội dung giải quyết vụ tranh kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi ngày nay) và phường An Bằng (làng An Bằng ngày nay) về chiếc ghe của đội Hoàng Sa do quan sở tại phê phó.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Hàng năm, vào ngày 16.3 âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các họ tộc cùng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân những người đã bỏ mình để gìn giữ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ Khao lề thế lính tái hiện những hùng binh Hoàng Sa cùng những chiếc thuyền nan đã giong buồm vượt trùng dương giữ gìn bờ cõi.
Ngoài lễ cúng tại các nhà thờ của từng tộc họ, người dân trên đảo cùng tổ chức tại đình làng lễ thả thuyền, lễ hội đua thuyền... (trong thời gian từ 16 – 20.3 âm lịch).
Kết thúc lễ khao lề thế lính, các họ tộc tổ chức thả thuyền tế lễ ra biển (thuyền lễ gồm 5 chiếc được mô phỏng theo 5 chiếc khinh thuyền mà ngày xưa các đội hùng binh dùng vượt biển ra đảo Hoàng Sa).
Đội Hoàng Sa được lập từ thời các chúa Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền ở phía Nam và hoạt động liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa suốt hơn 3 thế kỷ (từ thời chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn).
Đội Hoàng Sa đầu tiên gồm 70 binh phu giỏi nghề đi biển của 2 làng An Vĩnh và An Hải đi trên 5 chiếc thuyền câu ra vùng biển Hoàng Sa để đo đạc, cắm cột mốc chủ quyền.
Các binh phu được được cấp mỗi người 6 tháng lương thực và một chiếc chiếu, ba sợi dây mây, bảy nẹp tre và một thẻ bài ghi tên tuổi để nếu rủi ro xảy ra thì dùng những vật dụng trên bó xác lại và thả xuống biển, hi vọng có người vớt lên chôn cất kèm theo tên tuổi.
Hàng năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, các binh phu đội Hoàng Sa dùng thuyền buồm để tuần tra canh phòng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đến tháng 8 âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn.
Những binh phu trong đội Hoàng Sa ra đi thường ít khi trở về, vì thế, mỗi lần các binh phu chuẩn bị đi Hoàng Sa - Trường Sa là các tộc họ lại làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Phát hiện văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đất liền
Chiều 24.8.2011, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Ngãi cho biết, ông vừa phát hiện thêm một bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa.
Bài văn tế được tìm thấy tại nhà ông Diệp Công Thang, 88 tuổi, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo ông Diệp Công Thang, bài văn được cha ông là Diệp Công Xưng chép lại cách đây khoảng 80 năm từ bản văn tế mà họ tộc lưu truyền cách nay gần 2 thế kỷ.
Còn bài văn tế gốc được viết trên giấy dó, sau 4 đời làm nghề thầy cúng đã bị hư hại.
Bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa vừa được phát hiện là bản viết bằng Hán Nôm thứ 5 được phát hiện.
Bốn bản văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa trước đó đều tìm thấy trên đảo Lý Sơn và lần này là bản tìm thấy trên đất liền.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhận định, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa không chỉ có ở đảo Lý Sơn mà còn có ở đồng bằng, ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi.
Hễ nơi nào có người đi lính Hoàng Sa - Trường Sa trong thời nhà Nguyễn cũng như triều Nguyễn sau này là nơi đó đều tổ chức lễ khao lề thế lính.
Tư liệu của dòng họ Võ Văn về hải đội Hoàng Sa
Ngày 18.9.2011, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch Quảng Ngãi cho biết, vừa phát hiện thêm nhiều tài liệu quý của dòng họ Võ Văn liên quan đến chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa từ cuối thế kỷ 18.
Trong quá trình thực hiện dự án “Khôi phục những ngôi mộ của binh phu đi Hoàng Sa”, các chuyên gia đã phát hiện ra những tài liệu nói trên.
Trong tài liệu của dòng họ Võ Văn ở thôn Tây, làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn còn lưu trữ ghi rõ: Vào năm Thái Đức thứ chín (1786), triều đình Tây Sơn đã cử Võ Văn Khiết làm cai đội Hoàng Sa có nhiệm vụ tuyển mộ binh phu cho đội Hoàng Sa và đội Quế Hương để đi tìm đồi mồi, ba ba biển, các đồ vật quý hiếm trên biển để về phụng nộp cho triều đình.
Theo các cứ liệu lịch sử, ông Võ Văn Khiết đã được phong tước Hội Nghĩa hầu, hiện nay ngôi mộ Võ Văn Khiết nằm ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
Tài liệu của dòng họ Võ còn lưu tờ kê trình của cai thủ cửa biển Sa Kỳ kiêm cai cơ thủ ngự quản đội Hoàng Sa là Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, nói về việc trình tấu cho ông Võ Văn Khiết làm cai đình An Vĩnh vào năm 1803.
Tờ kê trình có ghi: “Tiếp theo Võ Văn Khiết còn có con ông là Võ Văn Phú, mà trong các bộ chính sử có ghi là Phú Nhuận hầu, cũng là cai đội Hoàng Sa vào năm Gia Long thứ 2 (1803)”.
Ngoài cha con ông Võ Văn Khiết, dòng họ Võ Văn còn có ông Võ Văn Hùng (trong các bộ chính sử triều Nguyễn, ông Hùng là người dẫn đường cho thủy quân và tuyển chọn đà công, thủy thủ... để vâng mệnh triều đình thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa trong thời Minh Mạng) đi Hoàng Sa.
Trong các tài liệu cổ dòng họ Võ Văn, Phạm Quang (Lý Sơn) còn ghi lại việc bổ nhiệm cai đội Hoàng Sa, trong đó chép rõ: Võ Văn Khiết là người có công lao lớn, uy tín trong làng nên các dòng tộc làng An Vĩnh tiến cử giữ chức vụ cai đình An Vĩnh vào năm 1803.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 3 tài liệu liên quan đến hải đội Hoàng Sa - Trường Sa gồm: tờ lệnh Hoàng Sa từ thời vua Minh Mệnh do dòng họ Đặng ở đảo Lý Sơn lưu giữ 175 năm; bài văn tế khao lề thế lính Trường Sa được viết bằng chữ Hán - Nôm do một gia đình họ Diệp ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh lưu truyền gần 200 năm và tài liệu của dòng họ Võ Văn ở thôn Tây, làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam
Cách đây hàng trăm năm, trước khi vua Gia Long cho cắm cờ trên đảo Hoàng Sa (năm 1816), ngư dân Việt Nam sinh sống tại khu vực này đã khám phá, khai thác sản vật từ đảo này với tên gọi là Bãi Cát Vàng. Đến đời vua Minh Mệnh, 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải được tái lập và có thêm nhiệm vụ tuần tiễu, đo vẽ bản đồ, thăm dò địa hải, vẽ thuỷ trình và thu thuế những người tạm sống trên đảo Hoàng Sa.
 |
Bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Ảnh: Lao Động. |
Trong suốt 300 năm các triều đại nhà Nguyễn xác định chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Hoa phong kiến không hề phản đối vì nghiễm nhiên coi 2 quần đảo trên thuộc lãnh hải của nước An Nam. Thế nhưng từ năm 1909 cho đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách xâm chiếm vùng lãnh thổ đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp việc các tài liệu cổ như chính sử, địa chí, địa đồ đã minh chứng rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels (Hoàng Sa) là quần đảo thuộc về nước An Nam.
Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825), hoàn tất năm 1820 đã khẳng định, năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.
An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.
The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.
The Journal of the Geographical Society of London (năm 1849) Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
Trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (năm 1696), đã nói đến Vạn Lý Trường Sa, khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc. Tất cả bản đồ cổ chỉ xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.
Việt Nam địa dư đồ do Xa Khâu Từ Diên Húc đời Thanh biên soạn có những hàng chữ “Tiểu Trường Sa hải khẩu”, “Đại Trường Sa hải khẩu”... chứng tỏ triều đình Mãn Thanh thừa nhận ở Việt Nam có 2 hải khẩu đi ra 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ (năm 1686) có ghi rõ, hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng.
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), mô tả kỹ về Hoàng Sa, quyển 2 có đoạn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải.
Dư Địa Chí của Phan Huy Chú ( năm1821) và Hoàng Việt Địa Dư Chí ( năm 1833) có nội dung mô tả về Hoàng Sa tương tự Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn.
Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải.
Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in năm 1879) có 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này.
Châu bản triều Nguyễn (thủ bút của nhà vua), là những bản tấu, phúc tấu của các đình thần Bộ Công hay những dụ của vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa gồm: vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc...
Đại Nam Nhất Thống Chí (năm 1882, năm1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động của 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải.
Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd (năm 1838), đính trong cuốn từ điển Latinh-Annan vẽ Paracel (Cát Vàng) tại tọa độ hiện nay của Hoàng Sa..
Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ một dải lãnh thổ gồm những đảo trên biển Đông được ghi chú là “Vạn lý Trường Sa” (tên gọi chung của Hoàng Sa và Trường Sa).
Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (năm 1821) và Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) đều đề cập tới Hoàng Sa, trong đó có hoạt động của các đội Hoàng Sa.
Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong phần Tiền Biên về các tiên triều cũng nêu lại những sự kiện từ thời các Chúa Nguyễn liên quan đến các quần đảo này.
Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (năm1851) cũng ghi rõ những công việc nhà nước Đại Nam đã thực thi trên lãnh thổ Hoàng Sa.
An Nam đồ chí có các khảo chú về toàn quốc và các địa phương của Việt Nam. Niên đại soạn sách là Vạn Lịch Mậu Thân thanh minh nhật (năm 1608).
Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn:
“… Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải”.
- Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840):
“Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời Vua Gia Long (1816)
Ra lệnh cho lực lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thuỷ trình.”
Jean Baptiste Chaigneau ghi nhận:
“Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những bá đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816 hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy.”
Bộ Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 104:
“Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)… Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.
Quyển Đại Nam thực lục chính biên (1834), quyển thứ 122:
“Năm Giáp Ngọ, thứ 15, đời Minh Mệnh: … Vua truyền lệnh cho Đội trưởng Trương Phúc Sĩ và khoảng trên 20 thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ…”.
Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 154 (năm 1835):
“…Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ: “Vạn Lý Ba Bình”.
Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 165:
“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1…Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.
“Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ có bản đồ ghi lời chú:
“Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”
Nhà vua phê trong phúc tấu của bộ Công ngày 12/2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836):
“Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước (ta), rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ “Năm Bính Thân Minh Mạng thứ 17, họ tên cai đội thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 104:
"Năm 1833, Vua (Minh Mạng) bảo Bộ Công rằng dải Hoàng Sa nằm trong hải phận Quảng Ngãi”.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên (năm 1836), đệ nhị kỷ, quyển 165:
"Bộ Công tâu: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển của nước ta, rất là hiểm yếu".
Năm 1847, tờ phúc tấu của Bộ Công trong tập châu bản tập 51, trang 235 ghi rõ: "Bộ Công tâu lên Vua [Thiệu Trị]: "Hàng năm, vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa, thuộc hải cương nước nhà".
Tác giả A. Salles trong bài “Hồi ký về xứ Đàng Trong của Jean Baptiste Chaigneau” đăng ở “Tập san Đô thành Hiếu cổ Huế” số 2, tháng 4-6 năm 1923, trang 257, cho biết:
“Xứ Đàng Trong, mà người đứng đầu ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong cũ, xứ Bắc Hà, một phần miền Nam, vài đảo gần bờ biển có dân cư, và quần đảo Hoàng Sa, gồm có nhiều đảo và mỏm đá không có dân cư. Vào năm 1816, vị đương kim Hoàng đế đã sở hữu quần đảo này”.
Giám mục Taberd, trong bài viết “Ghi chú về địa lý xứ Đàng Trong” đăng trên “Tập san Hội châu Á của xứ Bengal”:
“Pracel hoặc Paracels (được người Việt gọi) là Cồn Vàng. Tuy rằng quần đảo này không có gì ngoài những tảng đá và những cồn lớn hứa hẹn nhiều điều bất tiện hơn là lợi ích, nhưng vua Gia Long đã nghĩ đến việc mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm mảnh đất buồn tẻ này. Năm 1816, nhà vua đã tới cắm cờ một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không một ai tranh giành với nhà vua”.
Trong cuốn “Tự điển La tinh - Việt” cũng của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, còn đính thêm một bản đồ “An Nam Đại quốc Họa đồ”, trong đó ghi rõ tọa độ và khẳng định Paracels hay Cát Vàng (tức Hoàng Sa) nằm trong lãnh hải của Việt Nam.
Tác giả Gutzlaff trong bài viết “Địa lý Vương quốc xứ Đàng Trong” đăng trên “Tập san Hội Địa lý Luân Đôn”:
“Ðáng ra chúng tôi không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa (Cát Vàng) nằm gần bờ biển Việt Nam khoảng 15 đến 20 dặm, trải dài giữa các vĩ tuyến 15 và 170 Bắc và các kinh tuyến 111 và 1130 Ðông; nếu vua xứ Đàng Trong đã không đòi quyền sở hữu quần đảo này, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho nghề hàng hải, về tay mình... Chính quyền Việt Nam nhìn thấy những lợi ích có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra, bèn thiết lập những thuyền quan và một trại quân nhỏ ở đây để đánh thuế tất cả người nước ngoài và bảo trợ ngư dân bản quốc”.
Dubois de Jaucigny có bài viết đăng trong “Bức tranh Thế giới-Lịch sử và sự mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ: Nhật Bản, Đông Dương, Tích Lan”, nhà xuất bản Firmin-Didot Frères et Cie, xuất bản tại Paris năm 1850, cũng nhắc đến sự kiện năm 1816:
“...Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hoặc Hoàng Sa, gồm rất nhiều hòn đảo đan chằng chịt vào nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những người đi biển rất e ngại - đã được chiếm cứ bởi người xứ Đàng Trong”.
Jean Baptiste Chaigneau, một trong 2 người Pháp làm quan dưới triều Gia Long. Chaigneau đã viết “Hồi ký về xứ Đàng Trong”, ghi lại chặng đường 25 năm cống hiến cho họ Nguyễn (1794-1819):
“Vào năm 1816, vị đương kim Hoàng đế (Gia Long) đã sở hữu quần đảo này”.
|
Giám mục Taberd, người vẽ bản đồ Hoàng Sa. Ảnh: vietcatholic. |
Giám mục Jean Louis Taberd bị triều Minh Mạng cấm truyền đạo và phải trốn chạy ra nước ngoài nhưng bài viết và bản đồ do ông vẽ vẫn khẳng định việc xác lập chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816.
- Ngày 15 tháng giêng năm 1776, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh là Hà Liễu làm đơn trình bày:
"Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, Cù Lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cũng thuế quan đem phụng nạp".
Chỉ thị ngày 14 tháng 2 năm thứ 9 hiệu Thái Đức (1786) của Thái Phó Tổng Lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công:
"Sai Hội Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội cấm biển hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thắng đến Hoàng Sa cùng các sứ Cù Lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, đá quý… đều chở về kinh tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội".
Tháng 6/1793, phái viên của phái bộ Macartney là ông John Barrow trên đường từ Anh sang Trung Quốc có ghé qua Đà Nẵng, trong cuốn Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong vào những năm 1792-1793 đã mô tả:
"Tàu thuyền xứ Đàng Trong có nhiều kiểu dáng khác nhau, được dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa)".
Sách Đại Nam thực lục chép:
“Năm 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc thuỷ trình”.
Tờ tấu của bộ Công ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị 7 (1842):
“hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại…”.
Đại Nam nhất thống chí (1882) quyển 6:
“Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ghe ra khơi thuận gió thì ba, bốn ngày đến… phía đông đảo này gần Quỳnh Châu thuộc phủ Hải Nam nước Tàu”.
Chỉ dụ số 10, ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại 13 (1938):
“Chiếu chỉ các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam – Ngãi; đến đời đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam – Ngãi.
Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện chính phủ Nam Triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan đại diện chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn. Dụ (Độc khoản): trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”.
Bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa có dòng chữ:
“République Francaise – Empire d’Annam – Archipel des Paracels 1816 – Ile de Pattle 1938”, (Cộng Hoà Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938).
Đại Nam thực lục (Chính biên, kỷ thứ nhất, quyển 52):
“Năm Bính Tý, Gia Long thứ 15 (1816), tháng 3, sai thuỷ quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thuỷ”.
Công ước năm 1982 (công ước về luật biển LHQ) công bố ngày 10/2/1982 tại Jamaica), đã xác nhận và khẳng định chủ quyền và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa nêu trong tuyên bố của Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa (trong đó có tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết những tranh chấp về các vùng biển và thềm lục địa giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Bà Mouique Chemillier-Gendreau (Giáo sư công pháp quốc tế Pháp) viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Từ khi Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước Patenotre năm 1884 thì Việt Nam là nước đã nắm chủ quyền không ai chối cãi được đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ hai thế kỷ rồi, một chủ quyền phù hợp với hệ thống pháp lý quốc tế của thời kỳ đó.
Đối với Hoàng Sa thì chủ quyền đã rõ ràng và hoàn toàn hợp lý không còn gì phải bàn cãi nữa. Đối với Trường Sa thì có nhiều lý lẽ và bằng chứng cho thấy nhóm đảo này vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng không biết là chủ quyền toàn bộ hay một phần, vì nhóm Trường Sa nằm rải rác trên một diện tích biển rộng 160.000 km2. Nhưng dẫu là toàn bộ hay một phần thì Việt Nam vẫn có chủ quyền trên những hòn đảo lớn và từ đó có thể dựa trên cơ sở "inchoate title", nghĩa là một lý do chủ quyền manh nha (chủ quyền phôi thai) để đi đến một chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn. Vấn đề hiện nay của Việt Nam chỉ còn là củng cố quyền sở hữu đó theo căn bản của sự tiến triển của công pháp quốc tế ngày nay".
Tại Hội thảo Hè "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" tháng 8/1998, Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Sorbonne) đã chứng minh: Tất cả những dữ kiện lịch sử và pháp lý cho thấy Trung Quốc không những không hành xử chủ quyền, không xem quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như của Trung Quốc, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), Thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc tính đến đầu thế kỷ XX đều phản ánh vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Lịch sử thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước từ đầu thế kỷ XVII (dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) cho đến những năm đầu của thế kỷ XX vẫn chưa hề gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
-
Ngày 15 /1/1776, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh là Hà Liễu làm đơn xin tái lập 2 đội Trường Sa và Quế Hương để vượt thuyền ra các đảo ngoài biển tìm nhặt đồng thiếc, hải ba, đồi mồi.
-
Năm 1816, vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.
-
Năm 1833, vua Minh Mệnh cho đặt bia đá, trồng cây và xây chùa trên quần đảo Hoàng Sa.
-
Năm 1834, vua Minh Mệnh cho thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ.
-
Năm 1835, Vua Minh Mệnh chuẩn y cho Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và bảo vệ hai quần đảo.
-
Ngày 6/6/1884, Pháp ký hiệp ước Patenôtre đại diện quyền lợi của nước Đại Nam trong quan hệ đối ngoại, trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Đại Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
-
Ngày 3/3/1925, Thượng thư bộ binh Nam triều Thân Trọng Huề tái khẳng định Hoàng Sa là của Đại Nam.
-
Ngày 29/4/1932, chính phủ Pháp gửi kháng nghị nêu rõ các bằng chứng về chủ quyền của "vương quốc An Nam" tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên.
-
Ngày 12/12/1933 thống đốc Nam Kỳ M.J.Krantheimer ký nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
-
Ngày 5/6/1938, Pháp cho dựng bia chủ quyền, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ Hoàng Sa.
-
Ngày 15/2/1939, văn phòng vua Bảo Đại phê chuẩn việc tặng huân chương Long tinh đệ ngũ đẳng cho lính khố xanh có công phòng thủ quần đảo Hoàng Sa.
-
Ngày 5/5/1939, Toàn Quyền Đông Dương Jules Brévié đã ra nghị định số 3282 thành lập hai sở địa lý trên quần đảo Hoàng Sa.
-
Ngày 26/10/1946, hạm đội gồm 4 chiến hạm của Trung Hoa Dân Quốc đến chiếm trái phép Hoàng Sa và Trường Sa.
-
Năm 1947, Tưởng Giới Thạch cho quân đổ bộ lên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa. Pháp phản đối và gửi quân Pháp - Việt trở lại đảo.
-
Năm 1950, quân của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm.
-
Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa.
-
Ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa mà không có nước nào phản đối.
-
Tháng 4/1956, Pháp rút khỏi Đông Dương, đội canh của Việt Nam thay thế quân Pháp tại nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, còn nhóm đảo phía Đông bị Trung Quốc chiếm giữ. Đài Loan cũng lợi dụng cơ hội chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa.
-
Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
-
Ngày 22/8/1956, hải quân Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.
-
Ngày 22/10/1956, Việt Nam cộng hoà ban bố sắc lệnh quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy.
-
Ngày 13/7/1961, Việt Nam cộng hoà ban bố sắc lệnh lập quần đảo Hoàng Sa thành xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang tỉnh Quảng Nam.
-
Ngày 13/7/1971, tại hội nghị ASPAC (Manille), ngoại trưởng Việt Nam cộng hoà Trần Văn Lắm tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
-
Năm 1973, quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy.
-
Từ ngày 17 – 20/1/1974, Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, nơi quân đội của Việt Nam Cộng hoà đóng.
-
Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam cộng hoà công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.
-
Năm 1975, Sau khi giải phóng miền Nam, quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội của Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa.
-
Ngày 2/7/1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kế thừa sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước.
-
Năm 1977, Việt Nam tuyên bố lãnh hải, kể cả lãnh hải của các đảo.
-
Năm 1988, Trung Quốc gửi quân tới quần đảo Trường Sa và đụng độ với Hải quân Việt Nam.
-
Năm 1989, Trung Quốc chiếm thêm một đảo tại Hoàng Sa.
-
Năm 1990, Trung Quốc đề nghị Việt Nam khai thác chung quần đảo Trường Sa.
-
Năm 1992, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa.
-
Ngày 12/9/2007, phản ứng của Việt Nam trước tin Đài Loan nối lại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối việc Đài Loan nối lại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và yêu cầu Đài Loan chấm dứt triển khai kế hoạch nói trên cũng như những hành động tương tự tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam".
-
Từ ngày 16 đến ngày 23/11/2007, Trung Quốc đã tiến hành tập trận trong vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
-
Ngày 9/12/2007, nhiều người Việt Nam đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ bất bình đối với việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa.
-
Ngày 8/1/2008, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản ứng trước thông tin báo chí Trung Quốc công bố chủ trương khuyến khích khai thác các đảo không người ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.
-
Tháng 7/2008, Trung Quốc gây áp lực với ExxonMobil không được hợp tác với Việt Nam trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam.
-
Tháng 11/2008, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố dự án có vốn 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác trên Biển Đông.
-
Ngày 12/11/2008, Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tuyên bố dự án có vốn 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác Biển Đông, trong cả những vùng biển hiện đang nằm trong tình trạng tranh chấp. Dự án của Cnooc Ltd, trị giá 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ USD sẽ được thực hiện từ 2009.
-
Ngày 22/11/2008, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc Cnooc Ltd công bố dự án dò dầu khí nước sâu tại Biển Đông.
-
Ngày 17/2/2009, Quốc hội Philippines đã thông qua Dự luật đường cơ sở của Philippines, trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scabourough vào quản lý theo quy chế đảo của Philippines.
-
Ngày 5/3/2009, Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi thị sát đảo Đá Hoa Lau (thuộc quần đảo Trường Sa) và tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cùng vùng biển phụ cận.
-
Chiều 12/3/2009, trước việc Công ty TNHH du lịch quốc tế Châu Giang, Hải Nam (Trung Quốc) thông báo mở tuyến du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa,ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này".
-
Ngày 15/3/2009, tàu tuần tra đánh cá Ngư Chính 311 của Trung Quốc đã đến quần đảo Hoàng Sa.
-
Ngày 17/3/2009, tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa-chính trị và luật pháp quốc tế”.
-
Ngày 09/4/2009, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiến tặng tờ lệnh (văn bản cổ có nội dung vào 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa) liên quan đến Hoàng Sa cho Nhà nước.
-
Ngày 24/4/2009, Ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD - ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, kể từ niên học 2009 – 2010, Đà Nẵng sẽ chính thức đưa lịch sử, địa lý, văn hóa về Hoàng Sa vào giảng dạy chính khóa trong trường học.
-
Ngày 25/4/2009, ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
-
Từ ngày 12-26/4/2009, đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương đã đi thăm và làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa theo kế hoạch tuyên truyền biển đảo năm 2009 của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
-
Ngày 19/5/2009, Trung Quốc đưa một biên đội gồm 2 tàu Ngư Chính số hiệu 44183 và 44061 tới Hoàng Sa của Việt Nam tiến hành hoạt động trái phép mà Trung Quốc gọi là "tuần tra nghề cá và bảo vệ chủ quyền".
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm trên Biển Đông, là nơi có nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực. Do vị trí địa lý và chiến lược quan trọng nên 2 quần đảo này luôn bị các quốc gia nhòm ngó và tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc. Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng sức mạnh quân sự để xâm lấn và chiếm đóng trái phép, trong đó phải kể đến 2 cuộc giao tranh ác liệt với Việt Nam vào các năm 1974 và 1988.
Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thu hồi chủ quyền toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ chính phủ bảo hộ Pháp, nhưng một phần quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Sau khi hiệp định Paris được ký kết, lợi dụng tình hình Mỹ rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân, không quân đánh chiếm nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa do quân đội của chính quyền Sài Gòn bảo vệ.
Cuộc giao tranh năm 1974 với tên gọi hải chiến Hoàng Sa đã làm 58 binh sĩ Việt Nam Cộng hoà tử trận, sau cuộc giao tranh, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam cũng ra bản Tuyên bố phản đối hành động cưỡng chiếm của Trung Quốc.
|
Quân Pháp chào cờ trên Hoàng Sa thời xâm chiếm Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Diễn biến: Sau Hiệp định Paris 1973, Mỹ đã rút hết quân và thiết bị ra khỏi quần đảo Hoàng Sa và việc bảo vệ quần đảo trở thành nhiệm vụ của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1974, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa dự tính xây dựng sân bay dã chiến trên đảo Hoàng Sa để đáp ứng nhu cầu chuyển quân ra nhóm Trăng Khuyết (nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa). Khi phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa đi thăm dò một số đảo Hoàng Sa để chuẩn bị xây dựng sân bay đã phát hiện tàu hải quân Trung Quốc đang có mặt tại khu vực này. Hải quân Việt Nam cộng hoà đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi lãnh hải của Việt Nam nhưng quân đội Trung Quốc đã chĩa súng về phía tàu của Việt Nam và giao tranh đã nổ ra.
Theo lời kể của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tàu của Việt Nam phải rút lui khi cố vấn Mỹ cho biết, có 17 chiến hạm của Trung Quốc đang trên đường tới khu vực và không loại trừ có cả sự hỗ trợ của lực lượng không quân tới từ đảo Hải Nam. Lực lượng tham gia cuộc giao chiến của Việt Nam có Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), một đại đội hải kích thuộc hải quân Việt Nam Cộng hòa, một số biệt hải và một trung đội lính địa phương đang trú đóng tại Hoàng Sa. Trung Quốc đã nổ súng giao tranh vì biết chắc chắn Mỹ sẽ không tham dự trận chiến, khi xảy ra giao tranh, hạm đội 7 của hải quân Mỹ đóng gần đó đã không hề trợ giúp khi nhận được tín hiệu cầu cứu của các tài hải quân Việt Nam Cộng hoà. Trong trận hải chiến này, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo Nguỵ Văn Thà và 58 binh sỹ Việt Nam Cộng hoà đã tử vong.
-
Năm 1956, lợi dụng thời cơ Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
-
Từ ngày 17 – 19/1/1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công và chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
-
Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc.
-
Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
-
Ông Tạ Hồng Tấn, cựu nhân viên của Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa, một trong số những nhân chứng có mặt trong ngày xảy ra cuộc giao chiến kể lại "Qua ống kính quan trắc, chúng tôi thấy từ xa lô nhô tàu chiến lớn nhỏ vây quanh Hoàng Sa. Tất cả thả neo dừng lại phía ngoài khơi. Họ chờ đến khi hoàng hôn vừa buông xuống thì nổ súng. Đạn bay vèo vèo vào đảo. Chừng 30 phút sau, những chiếc tàu hải quân Trung Quốc tiến vào đảo". Ông Tấn cùng 5 đồng nghiệp bị tàu Trung Quốc bắt và đưa đến đảo Hải Nam, 3 tháng sau, ông và một số nạn nhân mới được trao trả tại Hong Kong, rồi lên máy bay về lại Sài Gòn.
Số liệu về Hoàng Sa: Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, bãi, đá ngầm nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15o 45' B - 17o15' B và kinh độ 111o Đ - 113o Đ, trên vùng biển rộng khoảng 16.000 km2, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý. Chỉ tính riêng diện tích phần nổi của quần đảo khoảng 10 km2, trong đó đảo Phú Lâm và đảo Đá Lớn khoảng 1,5km2.
Năm 1988, lợi dụng lúc Việt Nam đang gặp khó khăn về kinh tế do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, Trung Quốc đã huy động không quân, hải quân tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa với mưu toan kiểm soát Biển Đông.
Ngày 14/3/1988, tàu chiến hải quân Trung Quốc đã tấn công các tài hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam quyết liệt chống trả, trận chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo này được đặt tên là CQ- 88 (Chủ quyền- 88).
Diễn biến: Trung Quốc sử dụng pháo 100mm từ 2 tàu chiến bắn sang làm hỏng nặng tàu HQ-604 và cho quân đổ bộ định chiếm tàu. Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Trung tá Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Khi giao tranh xảy ra, tàu HQ-505 đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại đảo Cô Lin thấy tàu HQ- 604 bị Trung Quốc bắn chìm nên thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo này. Khi phát hiện tàu HQ-505 lên bãi, 2 tàu Trung Quốc quay sang tấn công và tàu HQ-505 chỉ trườn được 2/3 thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Còn phía đảo Len Đao, tàu trung Quốc dùng hoả lực mạnh bắn xối xả vào tàu HQ-605 khiến tàu của Việt Nam bị bốc cháy và chìm ngay tại chỗ.
Khi tàu đánh đắm tàu của Việt Nam, tàu chiến của Trung Quốc còn ngăn cản không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào cứu chữa thương binh.
Trong cuộc giao tranh ác liệt đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam mất ba tàu: HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83. Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại khu vực các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.
-
Trong năm 1988, trung Quốc đã đem quân tới chiếm đóng các bãi đá và đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
-
Ngày 31/1/1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng Đá Chữ Thập.
-
Ngày 18/2/1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng bãi đá Châu Viên.
-
Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm Ga Ven.
-
Ngày 28/2/1988, Trung Quốc chiếm Huy Gơ.
-
Ngày 14/3/1988, tàu chiến Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma, Len Đao.
-
Ngày 23/3/1988, trung Quốc chiếm Xu Bi.
-
Tháng 4/1988, Trung Quốc thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Số liệu về Trường Sa: Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm nằm về phía Đông Nam của Biển Đông, trong vĩ độ 60 50' B - 12o 00' B và kinh độ 111o 30' Đ - 117o 20' Đ, trên vùng biển rộng khoảng 180.000 km2, cách Cam Ranh, Khánh Hoà khoảng 248 hải lý. Diện tích phần nổi của quần đảo Trường Sa khoảng 10km2, trong đó Ba Đình là đảo lớn nhất, rộng khoảng 1,6 km2, đảo Song Tử là đảo cao nhất khoảng 4-6 m.
Năm 1995, Viện Nghiên cứu Địa chất của Nga đã khảo sát và kết luận, khu vực quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu khoảng 6 tỷ thùng.
Từ thời Chúa Nguyễn đến năm 1975, do những biến động của lịch sử, Việt Nam trải qua nhiều thể chế chính trị, nhưng cho dù bất kỳ chính thể nào lên cầm quyền cũng đều bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo nói trên. Tất cả các tư liệu khẳng định chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với 2 quần đảo đều được trích lục từ chính sử, địa chí, địa đồ, 3 nguồn tư liệu cổ mang tính pháp lý của vương triều Nguyễn. Những bằng chứng về việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được lưu lại bằng những văn bản pháp quy chính thống.
|
Bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa thuộc về Việt nam từ xa xưa. Ảnh: Pháp Luật tp. |
Còn trong bản đồ cổ của Trung Quốc (tính từ năm 1909 trở về trước), do người Trung Quốc vẽ đều không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức là Hoàng Sa, Trường Sa). Ngay cả trong An Nam đồ chí, thư tịch bản đồ đầu tiên của Trung Quốc cũng ghi tên cửa biển Đại Trường Sa trong tờ bản đồ vẽ nước An Nam (được nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải phát hiện tại thư viện của nước Anh).
Thế nhưng, bất chấp những chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc, Philippines và Malaysia vẫn tranh chấp với Việt Nam vùng biển có 2 quần đảo nói trên. Đặc biệt là trung Quốc đã nhiều lần ngang nhiên khiêu khích, xuyên tạc sự thật, dùng nhiều luận cứ gán ghép để biến Hoàng Sa và Trường Sa thành Tây Sa, Nam Sa, sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép phần lãnh thổ của Việt Nam.
Trong 4.000 lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã không ít lần đánh bại những kẻ thù mạnh gấp nhiều lần, chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “dân tộc Việt Nam thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Vì thế không có thế lực hay cường quốc nào có thể khuất phục được sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam để chiếm đoạt chủ quyền phần đất đã trở thành máu thịt của mỗi người dân Việt.
Chủ quyền cương giới biển và Hoàng Sa – Trường Sa thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.
http://www.sgtt.vn/detail3.aspx?newsid=49629&fld=HTMG/2009/0408/49629
Chủ quyền cương giới biển và Hoàng Sa – Trường Sa từ thời Pháp đến Việt Nam cộng hoà.
http://www.sgtt.vn/detail3.aspx?newsid=49669&fld=HTMG/2009/0409/49669
Địa chí Bình Định còn lưu giữ nhưng hoạt động của 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác vùng quần đảo xa giữa biển Đông dưới vương triều Tây Sơn.
http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/2005/10/16577/
Chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam trong tư liệu nước ngoài.
http://www.mofahcm.gov.vn/vi/tintuc_sk/nr060726152438/nr081231124154/ns090415113345
Những tư liệu lưu trữ quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa.
http://www.laodong.com.vn/Home/Nhung-tu-lieu-luu-tru-quan-trong-ve-Hoang-Sa-va-Truong-Sa/20077/45343.laodong
Những chứng cứ thời phong kiến khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
http://www.laodong.com.vn/Home/Mot-so-tu-lieu-quy-ve-quan-dao-Hoang-Sa-va-Truong-Sa/20077/45337.laodong
Phản ứng của Việt Nam về thông tin Đài Loan xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
http://www.laodong.com.vn/Home/Viet-Nam-phan-doi-ke-hoach-xay-dung-cua-Dai-Loan-tren-dao-Ba-Binh-thuoc-quan-dao-Truong-Sa/20079/55028.laodong
Việt Nam phản đối Trung Quốc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
http://www.laodong.com.vn/Home/Viet-Nam-phan-doi-Trung-Quoc-quan-ly-Hoang-Sa-va-Truong-Sa/200712/68221.laodong
Hai bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa đăng trên báo Lao Động của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám độc thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
http://www.laodong.com.vn/Home/Hai-ban-do-quy-khang-dinh-chu-quyen-Viet-Nam-o-Truong-Sa-va-Hoang-Sa/20093/130720.laodong
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết vừa phát hiện thêm một văn bản cổ quý giá liên quan đến việc chính quyền nhà Nguyễn cử người dân Lý Sơn đi khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
http://www.tuoitre.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=309363&ChannelID=3
Những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế.
http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=311535&ChannelID=371
Bài giới thiệu của tiến sĩ Nguyễn Nhã về cuốn sách có nội suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức dân binh Việt Nam là đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.
http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=311539&ChannelID=371
Bài viết phản đối Quyết định của Quốc vụ viện Trung Quốc (thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó có quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) của tiến sĩ Nguyễn Nhã.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=232745&ChannelID=3
Ý kiến khách quan của bà Mouique Chemillier-Gendreau (Giáo sư công pháp quốc tế Pháp)về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
http://www.laodong.com.vn/Home/Chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-Dau-tranh-bang-phap-ly/20093/130861.laodong
Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Sorbonne) đưa ra những lập luận tại hội thảo "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" để chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/01/762690/
Bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/12/758626/
Phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải về tấm bản đồ cổ trong thư viện Vương quốc Anh minh chứng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30316&cn_id=206007
Bổ nhiệm chức danh chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=312935&ChannelID=3
Những chứng cớ thiếu tính thuyết phục của Trung Quốc đối với 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
http://www.thanhnien.com.vn/News/0108/Pages/200801/221260.aspx
Bảo tàng Cần Thơ triển lãm những cổ vật đồng thời Nguyễn và những tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=33514
Từ niên học 2009 – 2010, những kiến thức liên quan tới lịch sử, địa lý, văn hóa về Hoàng Sa sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy chính khóa tại các trường học ở Đà Nẵng.
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/04/844331/
Ý kiến của bạn đọc báo Lao Động về việc mở rộng giáo dục về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh trên toàn quốc.
http://www.laodong.com.vn/Home/Day-va-hoc-lich-su-Hoang-Sa/20094/136166.laodong
Tìm hiểu về địa lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
http://www.laodong.com.vn/Home/Dia-ly-quan-dao-Hoang-Sa-va-Truong-Sa/20077/45347.laodong
Phát hiện về tờ lệnh của quan Bố Chánh Quảng Ngãi phái hải thuyền và binh lính đi công cán tại quần đảo Hoàng Sa của Tiến sỹ sử học Nguyễn Đăng Vũ, cho thấy Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại Hoàng sa và Trường Sa từ năm Minh Mạng thứ 15; 1834 .
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30692&cn_id=334947
Hành trình xác lập chủ quyền vùng biển Việt nam trên bản đồ và những bộ sách cổ.
http://www.dosm.gov.vn/default.aspx?tabid=404&ID=4485&CateID=188
http://www.baophuyen.com.vn/DesktopModules/TinTuc/PrintNews.aspx?iId=19119
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/01/762796/
http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=159253&ChannelID=13
http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1389&Itemid=148
http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1372&Itemid=148
http://baodaidoanket.net/ddk/print.ddk?id=6646
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=232776&ChannelID=330
http://www.laodong.com.vn/Home/Mua-xuan-den-Truong-Sa/20072/22761.laodong
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6428/index.aspx
http://www.laodong.com.vn/Home/Hoang-Sa-tuoi-dep-trong-tri-nho/20094/135478.laodong
http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=311544&ChannelID=371
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/01/762473/
ww.baobinhthuan.com.vn/web/tintuc/default_opennew.aspx?news_id=22336
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/01/764936/
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2007/12/vietnamtoday_wk50_2007.shtml
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=233845&ChannelID=89
http://www.monre.gov.vn/monreNet/default.aspx?tabid=211&idmid=&ItemID=43832
Phát hiện tư liệu cai đội Hoàng Sa tại Huế
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện tại làng An Nong, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế một số hiện vật liên quan đến ông Nguyễn Hữu Niên, cai đội Hoàng Sa.
Các hiện vật liên quan tới cai đội Hoàng Sa tại Huế gồm: Tập phổ hệ của họ Nguyễn Hữu; Bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh; một tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần sách; một tờ sắc của vua gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên và bài vị ở hậu điện chùa Tiên Linh.
Trong 5 tư liệu vừa phát hiện, bài vị thờ ngài ở hậu điện chùa Tiên Linh ghi họ, chức, tước, đơn vị phục vụ, các tư liệu còn lại có họ và tên, chức, tước, không nêu đơn vị phục vụ là đội Hoàng Sa.
Bài vị thờ ở hậu điện chùa Tiên Linh có khắc chữ Hán: “Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội Cai đội Hiến Đức Hầu Nguyễn quý công chi vị” (bài vị của ngài họ Nguyễn, chức cai đội đội Hoàng Sa, tước là Hiến Đức Hầu).
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, trưởng tộc Nguyễn Hữu, đó là bài vị của ngài Nguyễn Hữu Niên, thuộc đời thứ 9 trong họ, làm cai đội đội Hoàng Sa và được triều đình ban một số sắc phong (nhưng đã bị hư hỏng).
Tập phổ hệ của họ Nguyễn Hữu ghi: “Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn đại đô uý, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong khâm sai cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng toạ canh hướng giáp,... Tiên tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí” (Đời thứ chín Tiên tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức đại đô uý, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức khâm sai cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, toạ canh hướng giáp... Danh tước ngài Tiên tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi).
Bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh ghi: “Hội thủ cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên...” (Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức cai đội tước Niên Trường hầu..).
Tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần ghi: “Thập đội Ban trực tả vệ hậu doanh bố trí làm khâm sai cai đội tước Niên Trường hầu... vào ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen.
Tờ sắc của vua gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nông, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, Bát đội Tráng Võ vệ hậu doanh quân thần sách, thuyên chuyển làm hầu lái cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh, ghi ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất và đóng ấn son “Chế cáo chi bảo”.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, trong các thư tịch, cổ đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn và triều nhà Nguyễn đều tuyển dụng người xã An Vĩnh (trong đất liền cũng như ngoài đảo Lý Sơn) của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên phát hiện một vị cai đội Hoàng Sa là người Thừa Thiên - Huế.
Qua những tư liệu mới phát hiện đã chứng minh, từ thời các chúa Nguyễn tiếp đến thời Tây Sơn rồi đến hết triều nhà Nguyễn, nhà nước Việt Nam đều liên tục quan tâm đến biển Đông và xác định vững vàng chủ quyền vùng lãnh hải của đất nước.
Kỷ yếu Hoàng Sa
Ngày 9.1.2011, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra lễ ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa.
Kỷ yếu Hoàng Sa là tài liệu đầy đủ nhất về Hoàng Sa từ trước đến nay, với các tài liệu, tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý cùng các tư liệu hình ảnh, những hồi ức, cảm xúc của những người đã từng tham gia việc giữ đảo trước ngày 19.1.1974.
Kỷ yếu Hoàng Sa được NXB Thông tin và truyền thông phát hành với số lượng 1.000 cuốn, dày hơn 200 trang, bao gồm các phần: Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam; Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa; Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử; Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa.
Nội dung Kỷ yếu Hoàng Sa giới thiệu đến độc giả vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Kỷ yếu Hoàng Sa được thu thập tư liệu trong thời gian 3 năm, cuốn sách được Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng NXB Thông tin - Truyền thông; đại diện UBND huyện đảo Hoàng Sa... thẩm định nội dung.
Đặc biệt, trong cuốn kỷ yếu có phần giới thiệu của 24 nhân chứng từng đến sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trong những thập niên 50-70 của thế kỷ 20.
Sắc phong "Soái đội Hoàng Sa" được phát hiện tại Quảng Nam
Ngày 1.2.2012, phòng văn hoá Thể thao Du lịch thành phố Tam Kỳ cho biết, tại nhà thờ tộc Lê ở xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện sắc phong người họ Lê giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.
Người được sắc phong là cụ Lê Văn Ước, quê ở phường Hạ, xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông cũ (nay là thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh).
Theo nội dung sắc phong được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê, vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp Soái đội, tùy cai quản”.
Ngoài chỉ dụ của quan Tuần phủ Nam Nghĩa (đứng đầu 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) cử ông Lê Văn Ước làm Đội trưởng Đội tả thủy vệ. Gia tộc họ Lê còn lưu một chỉ dụ của Tri phủ huyện Hà Đông. Nội dung Chỉ dụ này căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.
Trong chỉ dụ của quan tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, năm 1859) có viết về việc mộ thủy binh như sau: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập. Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ.
Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa thì sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm thì tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.
Từ nội dung 2 chỉ dụ trên, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và bảo vệ Hoàng Sa.
Lý Sơn, nơi cung cấp hùng binh cho đội Hoàng Sa
Trong Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn viết: “Ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tư Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để đi lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”. Địa danh Cù Lao Ré mà Lê Quý Đôn mô tả trong tác phẩm nói trên chính là tên Nôm của đảo Lý Sơn ngày nay. Nằm ngoài khơi phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, ở tọa độ 150 23 vĩ bắc và 109 0 08 kinh đông, cách đất liền 18 hải lý, huyện đảo Lý Sơn gồm 2 hòn đảo, cách nhau khoảng 2 hải lý với 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Với tổng diện tích khoảng 10km2 và dân số gần 20.000 người, nằm ở vị trí chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ đất liền nên ngay từ thời chúa Nguyễn, Lý Sơn đã được xem như là nơi tuyển quân cho hải đội Hoàng Sa.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi): “Về nguyên nhân xác lập các Đội dân binh Hoàng Sa ở Lý Sơn đầu tiên phải phải kể đến vị trị địa lý - từ Lý Sơn ra Hoàng Sa gần hơn các khu vực khác”.
Bên cạnh đó, các ngư dân đảo Lý Sơn rất khoẻ mạnh, giỏi bơi lội, thạo nghề đi biển, đặc biệt ngư dân ở làng An Vĩnh còn có nghề đóng ghe thuyền đi biển. Ngoài ra, người dân Lý Sơn có nhiều kinh nghiệm đánh bắt các loại hải sản quý như sâm, đồi mồi, xà cừ, mai hải ba, vì thế, các triều đại phong kiến Việt Nam thường tuyển mộ người dân nơi đây để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và khai thác các sản phẩm quý hiếm. Nghề biển ở vùng này còn có thuận lợi hơn những địa phương khác vì dễ dàng tìm thấy các vật liệu làm thuyền buồm như tre, lá, gỗ từ vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam cách đó không xa.
Từ những yếu tố trên, Lý Sơn trở thành cái nôi cung cấp hùng binh cho đội Hoàng Sa và dấu ấn để lại là những ngôi mộ gió và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Qua nhiều thế kỷ, những cư dân của Cù Lao Ré thường xuyên tham gia các đội Hoàng Sa, vượt biển ra những vùng đảo xa xôi để khai thác sản vật, xác lập chủ quyền quốc gia đối với vùng lãnh thổ này. Hàng năm, tại Đình An Vĩnh thường diễn ra lễ tế trời đất, tổ tiên trước khi xuống thuyền của Đội Hoàng Sa. Hiện nay, đình An Vĩnh vẫn còn tồn tại ở vị trí sát biển, cạnh một bến thuyền, trong đình còn hai câu liễn đối: “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.
Âm linh tự, cũng được xây cạnh một bến thuyền thuộc xã An Vĩnh hiện nay. Trước Âm linh tự có bia “Chiến sĩ trận vong”, Âm linh tự là nơi thờ những hùng binh Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển . Nếu như đình An Vĩnh là nơi làm lễ xuất quân thì Âm linh tự là nơi đón linh hồn của những người lính đã hy sinh vì dân vì nước.
Hàng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, người dân trên đảo Lý Sơn thường đến Âm linh tự để tham dự lễ khao lề thế lính.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gồm các hoạt động như: Cầu siêu tại Âm linh tự dành cho những hùng binh tử trận ở Hoàng Sa, lễ hội hoa đăng và phóng sinh tại cầu cảng Lý Sơn; lễ thanh minh và tế ngoại đàn; lễ thả thuyền khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền…khao lề thế lính là lễ duyệt danh sách các tộc họ (khao lề) để chọn người bổ sung và thay thế vào đội Hoàng Sa (thế lính).
Mỗi khi có đội Hoàng Sa lên đường, người dân Lý Sơn thường làm lễ tế sống những người này, họ làm thuyền và hình nhân bằng giấy, sau phần tế lễ, thuyền và hình nhân được thả xuống biển để “thế mạng” cho những người lính trước khi họ lên đường.
Hiện nay ở Lý Sơn vẫn còn hàng trăm câu hát liên quan đến Đội Hoàng Sa. Trong đó có câu: “Hoàng Sa trời nước mênh mông; Người đi thì có mà không thấy về; Hoàng Sa mây nước bốn bề; Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa...”.
Trên thế giới có nhiều cách để an táng người chết như: địa táng, thuỷ táng, hoả táng, thiên táng… nhưng không nơi đâu lại tồn tại một hình thức an táng đặc biệt như đảo Lý Sơn với tên gọi là “mộ gió”. Hầu hết những người lính đi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa thời ấy đều không trở về, xác của họ bị chìm luôn ngoài biển. Để đền đáp ân tình đối với những người lính đã hy sinh vì nghĩa lớn, người dân Lý Sơn đã đắp những ngôi mộ gió. Mỗi ngôi mộ đều có tên tuổi người hy sinh, song bên dưới mộ không có xương cốt của người đã khuất mà được thay thế bằng một hình nhân làm từ đất sét.
Từ năm 1836, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra một đội dân binh mang tên đội Hoàng Sa, hàng năm đội Hoàng Sa có nhiệm vụ dong thuyền ra đo đạc thuỷ trình, dựng bia, sửa cột mốc chủ quyền, trông cây thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa trong 6 tháng mùa biển lặng.
Ban đầu, quân số của đội Hoàng Sa hầu hết là cư dân của làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền, thế nhưng từ đầu thế kỷ 19 trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 70 định suất đi Hoàng Sa (và sau này có cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, theo nguyên tắc luân phiên nhau, người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tư, người con thứ phải đăng lính, vì thế hầu như toàn bộ các tộc họ thuộc làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.
 |
Âm Linh Tự, nơi thờ các chiến binh Hoàng Sa. Ảnh: cand. |
Theo gia phả lưu giữ tại gia tộc Phạm, vào triều Nguyễn, Phạm Quang Ảnh được phong làm cai đội Hoàng Sa. Ông lãnh quân ra đi rồi mãi mãi không về. Gia tộc đành đắp nấm mộ chiêu hồn tập thể cho ông cùng 10 người lính đi chung, trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa có một hòn đảo mang tên Quang Ảnh. Cũng trong tộc Phạm còn có ông Phạm Hữu Nhật được phong làm Chánh đội trưởng suất đội, ông đã dẫn đầu một nhóm thuyền khoảng 50 người vượt biển đến Hoàng Sa. Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, họ đều dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật...Không biết ông Phạm Hữu Nhật đã bao nhiêu lần ra Hoàng Sa và lần cuối cùng không thấy ông trở về, người thân đã đắp nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt cho ông. Tên của ông đã được đặt cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Đảo Lý Sơn có 14 tộc họ đã bao đời cử người ra Hoàng Sa để gìn giữ, bảo vệ vùng đất hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Mỗi năm, các hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn nối tiếp nhau đến Hoàng Sa - Trường Sa trên những chiếc ghe bầu được đóng bằng gỗ chò. Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì đến đảo Hoàng Sa. Ngoài những vật dụng cần thiết cho chuyến hải trình như: thức ăn, nước uống, mỗi thành viên trong đội đều mang theo bên mình một thẻ bài ghi rõ danh tính, quê quán, phiên hiệu hải đội và một chiếc chiếu, dây mây, nẹp tre để lo hậu sự cho chính mình nếu không thể trở về đất liền.
Mùa xuân năm Bính Thân, vua Minh Mạng đã sai Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thuỷ trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ. Mỗi bài gỗ rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc. Trên bài gỗ có khắc dòng chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự” (dịch nghĩa: Năm Minh Mạng thứ 7, năm Bính Thân -1836, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây để ghi nhớ). Hiện tại, ngôi mộ gió của ông Phạm Hữu Nhật còn tại thôn Đông làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, nằm bên cạnh ngôi mộ của ông thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên Cù Lao Ré.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đều ghi: “Ngày trước, Nhà Nguyễn có thiết lập Đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên chia nhau đi biển, tháng Giêng nhận lãnh chỉ thị ra đi làm sai dịch. Đội Hoàng Sa được cấp phát mỗi người sáu tháng lương thảo. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo (tức đảo Hoàng Sa). Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim cá làm đồ ăn...”.
Trong Ðại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu và cả châu bản đều chép, vào năm 1836, vua Minh Mạng sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, gốc tộc họ Phạm Văn ở đảo Lý Sơn chỉ huy bốn chiến thuyền, mỗi thuyền mang mười cột mốc bằng gỗ cắm cột mốc chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong tài liệu cổ gồm 4 trang giấy dó, khổ 24x35,5cm viết bằng chữ Hán liên quan đến quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng (thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn) lưu giữ suốt 175 năm qua đã viết và dịch nghĩa như sau: “Việc tỉnh Quảng Ngãi được lệnh của Bộ Binh và triều đình đã quyết định cử binh thuyền đi Hoàng Sa thi hành việc công. Binh thuyền gồm 3 chiếc, mỗi chiếc 8 thủy thủ là 24 lính…ông Võ văn Hùng (lo việc tuyển chọn ngư dân giỏi, có nhiều kinh nghiệm đi biển và thông hiểu về biển cả), Đặng Văn Siểm (đà công) cùng 8 thủy thủ lên thuyền ra đảo Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam. Lệnh trên được ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Giáp Ngọ-1834). Người thừa hành là Đặng Văn Siểm và Dương Văn Định”.
Ngoài những ghi chép trong sử sách, trên đảo Lý Sơn còn một hệ thống nhà thờ các tộc họ như: nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh đi Hoàng Sa vào năm Ất Hợi (1815) thời vua Gia Long để đo đạc thủy trình; nhà thờ họ Võ tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn thờ đốc chiến võ hệ phú nhuận hầu Võ Văn Phú và Võ Văn Hùng nhiều lần ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ xác lập chủ quyền lãnh thổ (có tên ghi trong tờ lệnh quý do tộc họ Đặng) đã ghi trong các bộ chính sử triều Nguyễn; nhà thờ tộc họ Phạm Văn (trong nhà thờ còn câu đối thể hiện chí khí và lòng trung thành của dòng họ vì đất nước: Trung can huyền nhật nguyệt / Nghĩa khí quán càn khôn).
 |
Lễ khao lề thế lính. Ảnh: tuoitre. |
Trong số những người ở đội Hoàng Sa xuất thân từ Lý Sơn có cả những nhân vật nổi tiếng như: thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên đem theo lính và các phu thuyền chuyên chở vật liệu ra dựng miếu và dựng bia đá trên đảo Hoàng Sa vào năm Ất Mùi (1835). Còn các bộ chính sử ghi rất rõ công lao của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Tờ lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi đề ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ XV (1834) ghi rõ, cử cụ Đặng Văn Siểm cùng đoàn thủy thủ đi trên 3 chiếc thuyền ra làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa.
-
Năm 1604, có tám vị tiền hiền(còn được gọi là bát tổ) thuộc các tộc: Phạm, Võ, Lê, Nguyễn, Trương, Trần, Dương, Đặng từ đất liền thuộc hai huyện Bình Sơn và Chương Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi ra khai phá Cù Lao Ré.
-
Năm 1834, đà công Đặng Văn Siểm cùng 8 thủy thủ lên thuyền ra đảo Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam.
-
Năm 1836, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình.
-
Sáng 11/9/2007, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ VHTT đã trao cho chính quyền địa phương quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và làm lễ đón nhận bằng di tích cho di tích "Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa".
-
Ngày 31/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xây dựng dự án khu di tích lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
-
Ngày 9/4/2009, tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức lễ hiến tặng tờ Lệnh liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do tộc họ đang lưu giữ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi.
-
Ngày 2/9/2009, dự kiến khánh thành Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn gồm các hạng mục: nhà trưng bày tranh ảnh, hiện vật đội Hoàng Sa Bắc Hải rộng gần 350m2; phục dựng đình làng An Vĩnh có diện tích 250m2; tôn tạo miếu thờ cai đội Phạm Quang Ảnh (chỉ huy đội Hoàng Sa); dựng tượng đài về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa với tổng vốn đầu tư hơn 15,37 tỉ đồng.
Huyện đảo Lý Sơn với diện tích chỉ khoảng 10km2 nhưng có đến 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó một nửa liên quan trực tiếp đến hải đội Hoàng Sa.
Trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là thế kỷ 19, Lý Sơn là nơi có nhiều người ra biển Đông để khai thác sản vật, đo vẽ bản đồ, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Hiện tại, ở đảo Lý Sơn có 45 họ tộc là con cháu của những vị tổ ngày xưa là lính hoặc dân binh được nhà Nguyễn cử ra trấn giữ đảo Hoàng Sa, trong số đó, họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải còn giữ được bản gốc tờ lệnh. Trong suốt thời gian đội Hoàng Sa hoạt động, Lý Sơn đã cung cấp hàng ngàn lượt binh, phu giong buồm ra khơi vào mùa biển lặng. Những di tích như đình An Vĩnh, Âm Linh tự, mộ gió và lễ khao lề thế lính là bằng chứng hùng hồn chứng minh rằng, từ thuở xa xưa, Lý Sơn chính là hậu phương vững chắc cho sự ra đời, phát triển của hải đội Hoàng Sa huyền thoại.
Ra mắt bộ sách Tổng tập dư địa chí Việt Nam
Ngày 9.3.2012, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ra mắt bộ Tổng tập dư địa chí Việt Nam.
Tổng tập Dư địa chí Việt Nam gồm 4 tập, dày 5.500 trang, do NXB Thanh Niên phối hợp với công ty Cổ phần văn hóa Sách Việt (nhà sách Thăng Long) xuất bản. Bộ sách chia thành 2 phần gồm: Dư địa chí toàn quốc (Quốc chí) và Dư địa chí địa phương (Phương chí).
Tổng tập là công trình sưu tầm, nghiên cứu, tuyển chọn và giới thiệu nhiều tài liệu quý của các tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Lê Tắc, Ngô Văn Triện, Trương Vĩnh Ký, Vương Duy Trinh, Ngô Vi Liễn, Đào Duy Anh... và Quốc sử quán triều Nguyễn.
Đặc biệt, trong bộ sách có những cứ liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính Lê Quý Đôn là người đầu tiên gọi 2 quần đảo này là Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa.
Dư địa chí (địa lý đương thời, địa lý lịch sử) là những tư liệu quan trọng để chứng minh lãnh thổ của Việt Nam về phương diện pháp lý, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Các cuốn sách đều viết bằng chữ Hán và có những bản dịch của những học giả trên mọi miền đất nước Việt Nam.
Nội dung của bộ sách cung cấp cho người đọc các kiến thức về địa lý, lịch sử, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, danh nhân, dân cư, phong tục, tôn giáo, quân sự, an ninh… trong khoảng thời gian 8 thế kỷ, từ thời Trần (thế kỷ 13) đến trước năm 1954.
Tiếp nhận tư liệu chứng minh Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam
Sáng 25.7.2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng.
Trong số các hiện vật có bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng (nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm) Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) trao tặng.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản tại Thượng Hải năm 1904 và tái bản năm 1910. Bản đồ cổ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc, như vậy 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trên bản đồ hiển thị, cực nam lãnh thổ Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ Bắc.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có chất liệu bằng giấy, được in màu, có bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Bên trong là hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30 cm. Diện tích của bản đồ khi ghép lại có chiều ngang 115 cm, chiều dọc 140 cm.
Mặt sau bản đồ cổ có khoảng 600 chữ giải thích xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ.
|
Bản đồ chứng minh Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: tư liệu. |
Bản đồ là công trình tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, rồi được viết liên tục trong gần 2 thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự. Đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.
Vào năm Mậu Tý Khang Hi 47 (1708), vua Khang Hi tuyển các giáo sĩ phương Tây như Bạch Tấn Lôi Hiếu, Tư Đỗ Đức Mỹ, ban đầu với mục đích chế tác Vạn lý thành đồ.
Vào năm 1711, vua Khang Hi sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh đo đạc đất đai. Trong khoảng thời gian gần 200 năm, các nhân sĩ Trung Hoa và phương Tây sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc, gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây.
Đến năm 1904, NXB Thượng Hải xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh với lời giới thiệu của Sái Thượng Chất, chủ biện đài thiên văn ở Dư Sơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết, ngoài một số bản đồ Trung Quốc do người bản xứ và giáo sĩ nước ngoài vẽ và ghi chú, trong bộ sưu tập của ông còn có cả những bản đồ của nước ngoài, trong đó nhiều nhất là những bản đồ của Tây Phương công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ năm 1525 cho đến nay. Ông khẳng định, từ năm 1525 đến nay, tư liệu Việt Nam và phương Tây đã đủ căn cứ chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã, người đã nghiên cứu mấy chục năm về lĩnh vực này cũng khẳng định rằng, không phải chỉ riêng tấm bản đồ này, mà tất cả các bản đồ của Trung Quốc trước năm 1909 đều không có Hoàng Sa, Trường Sa, cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, trong số 22 bản đồ cổ của Trung Quốc được sưu tầm cho thấy, các bản đồ Trung Quốc đều chỉ thể hiện lãnh thổ Trung Quốc đến điểm cực nam là đảo Hải Nam.
Đặc biệt, có 3 bản đồ được trích từ các thư tịch cổ của Trung Quốc là: Thiên hạ nhất thống chi đồ, vẽ năm 1461 thời Minh, Dư địa đồ vẽ năm 1561 thời Minh và Hoàng Minh đại nhất thống tổng đồ vẽ năm 1635 thời Minh; 1 bản đồ The Chinese Empire (Đế quốc Trung Hoa) do các nhà bản đồ học phương Tây vẽ năm 1910 thời Thanh; 18 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc qua tất cả các thời kỳ lịch sử từ thời nhà Hạ (2070 - 1600 trước Công nguyên) cho đến thời nhà Thanh (1644 - 1911), được NXB Bản đồ của Trung Quốc in lại trong những năm gần đây... đều không có bất kỳ hình vẽ hay ghi chú địa danh Xisha qundao (tức quần đảo Hoàng Sa).
Địa dư đồ khảo chứng minh Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam
Sáng 28.8.2012, tại báo Giác Ngộ thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã giới thiệu tập sách Địa dư đồ khảo.
Địa dư đồ khảo là tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867 – 1933) sao chép lại cất vào tủ sách Phước Trang của tư thất trong thời gian cụ giữ chức thượng thư bộ Hình dưới triều vua Khải Định (1916 – 1925).
Tập sách được viết trên giấy xuyến, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, sau đó là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho 2 mặt, bao gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm.
Phần A là khảo cứu 7 tỉnh: Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Xuyên của Trung Quốc. Phần B là khảo cứu các nước có chung biên giới với Trung Quốc như: Mãn Châu khảo lược, Mông Cổ khảo lược, Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương, Việt Nam, Xiêm La, Miến Điện (phụ đính An Nam Đông Kinh toàn đồ) và Nhật Bản khảo lược. Phần C là các khu vực lớn chung quanh Trung Quốc: Á châu Nga thuộc khảo lược, Tây vực Hồi bộ khảo lược, Ấn Độ khảo lược, Ba tư A lạc bá khảo lược, Đông Thổ Nhĩ Kỳ khảo lược, Tây Lý Á khảo lược...
Tập sách khảo cứu có kèm theo bản đồ chi tiết xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh. Nội dung xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.
Hiện nay, tại khu vực Du Lâm, cực Nam của đảo Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất lớn ghi rõ: Thiên nhai hải giác (chân trời góc biển), hoặc Hải khoát thiên không (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến) để khách du lịch chụp ảnh kỷ niệm.
Trong phần Quảng Đông khảo lược có viết: Quảng Đông xưa gọi là Bách Việt lại còn có tên là Việt Đông. Đông Tây xa cách nhau khoảng 1.860 dặm, Nam Bắc khoảng 1.260 dặm. Đông và Nam đều giáp với biển lớn. Đông Bắc giáp với Phước Kiến, Bắc giáp với Giang Tây, Hồ Nam. Tây giáp với Quảng Tây. Tây Nam giáp với Việt Nam.
Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng được tặng 80 bản đồ
Ngày 12.10.2012, ông Trần Thắng, chủ tịch Hội Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Mỹ công bố tặng 80 bản đồ chứng minh Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam cho Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
Bộ sưu tập của ông Trần Thắng gồm 80 bản đồ do các nhà xuất bản tại Anh, Ðức, Pháp, Mỹ phát hành trong khoảng thời gian từ năm 1626-1980. Các bản đồ trong bộ sưu tập trên có kích thước từ 20cm x 25cm đến 60cm x 75cm.
Những bản đồ này chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất gồm 70 bản đồ Trung Quốc, trong đó, phần lãnh thổ của Trung Quốc thường được tô khác màu hoặc giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng và có chung đặc điểm là biên giới của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam. Nhóm thứ 2 gồm 10 đồ Việt Nam hoặc bản đồ khu vực Đông Nam Á, trong đó có thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ sưu tập bản đồ được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, lý do ông Trần Thắng trao tặng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 80 bản đồ vì cơ quan này đang có chương trình nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa.
Ra mắt sách về biển Đông
Sáng 7.8.2012, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Thông tin đã ra mắt cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” do Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông gồm 400 trang khổ 16x24cm, được in bìa cứng với 4 chương. Chương 1 giới thiệu hệ thống vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Chương 2 đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế.
Chương 3 cuốn sách lược lại quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ xây dựng, đổi mới và hội nhập đến nay.
Chương cuối của cuốn sách là thực trạng và những giải pháp giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay của các tác giả.
Ngoài ra, phần phụ lục cuốn sách là tập hợp các bài nghiên cứu về Biển Đông của nhiều tác giả.
Cùng thời gian trên, cuốn sách “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế” do Phó giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế (Đại học Luật – đại học quốc gia Hà Nội) làm chủ biên cũng được xuất bản.
Nội dung cuốn sách trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản nhất của luật biển quốc tế về thềm lục địa; phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế.
Đà Nẵng công bố 150 tư liệu về Hoàng Sa-Trường Sa
Ngày 8.1.2013, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa đã công bố chứng cứ pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong số các tư liệu có sách atlas Trung Hoa Bưu Chính Dư Ðồ 1919 do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc phát hành tại Nam Kinh. Nội dung sách thể hiện điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Với 150 bản đồ, gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản, trong đó có 80 bản đồ do phương Tây in trong thời gian từ năm 1626 đến năm 1980 xác nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Ngoài ra có 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam và 3 tập Atlas xuất bản vào các năm 1908, 1919 và 1933.
Theo Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng, kể từ tấm bản đồ xuất hiện từ đời nhà Thanh cho đến Trung Hoa Dân quốc và bản đồ đánh giá (trữ lượng) nhiên liệu và năng lượng do nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố, xuất bản nằm 1980 cũng không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc.
Trên những tấm bản đồ này, biên giới chủ quyền trên biển của Trung Quốc đã được xác định rất rõ chỉ đến đảo Hải Nam.
Tiếp nhận tư liệu về Hoàng Sa-Trường Sa
Sáng 1.2.2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp nhận bộ sưu tập gồm bản đồ và một số tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa do nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn (Hà Nội) hiến tặng.
Bộ sưu tập nói trên gồm 23 bản đồ các loại và 10 tư liệu (tiếng Anh, tiếng Nhật), trong đó có cuốn sách do Viện Địa chất khoáng sản Trung Quốc liên kết với Viện Địa chất khoáng sản Mỹ xuất bản ghi rõ về địa chất Trung Hoa năm 1939 không có Hoàng Sa và Trường Sa và bản đồ Nam Trung Hoa năm 1920 không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong số các tài liệu trên có bản đồ của Rand, McNally and Company's new Indexed Atlas of The World được xuất bản năm 1902 ghi rõ lãnh thổ Trung Quốc không có hòn đảo nào mang tên Trường Sa, Hoàng Sa. Cực Nam của Trung Quốc trong tất cả những bản đồ trên cũng chỉ giới hạn tới đảo Hải Nam.
Đây là lần thứ 2, nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn tặng tư liệu về Hoàng Sa-Trường Sa cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trước đó, nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn đã hiến tặng 19 tài liệu gồm bản đồ và sách cổ cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tất cả số tư liệu trên cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc.