Trung tâm cứu nạn
Dự án thành lập Trung tâm cứu nạn đường bộ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án mua sắm phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường bộ đến năm 2015.
Theo nội dung dự án, sẽ thí điểm thành lập 9 Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đường bộ tại những khu vực trọng điểm ở Quốc lộ (QL) 18 (tại Quảng Ninh), QL 3 (Bắc Kạn), QL 6 (Điện Biên), QL 5 (Hải Dương), đường Hồ Chí Minh (Nghệ An), QL 14 (Kon Tum) và 3 trung tâm ở QL1 (tại Ninh Bình, Quảng Bình, Phú Yên).
Trước tiên, mô hình này sẽ được thí điểm tại 3 nơi gồm: QL 3 - Km213+530 (xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), QL 1 - Km 623+470 (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), và QL 1 - Km1328+500 (đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Dự kiến đến tháng 2.2012, ba trung tâm nói trên sẽ đi vào hoạt động, trong giai đoạn thí điểm, các trung tâm sẽ được trang bị máy ủi kết hợp đào đa năng; xe chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn; xe chuyên dụng cứu hộ, xe chuyên dụng cứu nạn.
Dự án cứu nạn cứu hộ đường bộ khi đi vào hoạt động sẽ làm giảm thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn cho các cơ quan chuyên trách.
Trong tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước cho dự án, có hơn 98 tỷ đồng được đầu tư cho giai đoạn thí điểm, số còn lại dành cho giai đoạn 2.
Chín trung tâm cứu hộ, cứu nạn đường bộ được đặt tại những khu vực trọng điểm xảy ra nhiều tai nạn giao thông, trong đó ưu tiên các khu vực miền núi phía Bắc, miền núi Tây Nguyên và phía Tây Nghệ An.
Ra mắt Trung tâm ứng phó thiên tai và cứu nạn đường sắt
Ngày 1.8.2012, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt được thành lập theo Quyết định số 1689/QĐ-BGTVT với nhiệm vụ ngăn ngừa và xử lý kịp thời những sự cố xảy ra với giao thông đường sắt.
Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt có tên giao dịch quốc tế là "Vietnam Railway Rescue and Natural Calamity Response Centre" (VNRRRC), trụ sở chính của trung tâm toạ lại tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Trung tâm có các đơn vị phụ thuộc là các Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn khu vực 1,2,3 (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
Hiện nay, Việt Nam có hơn 3.000 km đường sắt, trên toàn tuyến có khoảng 6.000 đường ngang dân sinh. Đặc thù ở Việt Nam là tuyến đường sắt thường chạy song song liền kề với đường bộ và chạy qua các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp… nên thường xảy ra nhiều tai nạn đường sắt.
Ước tính khoảng 5 năm trở lại đây, đường sắt Việt Nam gánh chịu 32 vụ sự cố thiên tai, bão lũ, xảy ra 2.851 vụ tai nạn làm chết 1.183 người, bị thương 1.865 người, tổng thiệt hại ước tính trên 1.500 tỷ đồng.