<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Cảng Việt Nam
Việt Nam sẽ mở cảng Cam Ranh

Sơ lược
 

Ngày 1.11.2010, bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành khu dịch vụ hậu cần kỹ thuật, biến cảng Cam Ranh thành khu vực dịch vụ sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa cho các loại tàu.

Chi tiết
 

Cam Ranh là cảng biển nước sâu nằm trên địa bàn thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2002 trở về trước, đây là căn cứ quân sự. Tuy nhiên từ sau năm 2002, Việt Nam không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự.

Dự kiến, trong thời gian tới, cảng Cam Ranh xẽ được xây dựng theo hướng vừa làm dịch vụ cho tàu Hải quân Việt Nam, vừa làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu hải quân cũng như tàu kinh tế của các nước trên thế giới.

Cam Ranh là một cảng dịch vụ hấp dẫn vì là cảng nước sâu, tàu lớn có thể ra vào; kín gió, tránh bão tốt; thuận lợi vì gần các đường hàng hải quốc tế; ngoài ra, tàu các nước đang hoạt động trên vùng biển quốc tế nếu gặp bão, có thể vào tránh bão hoặc vào tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm hay sửa chữa nhỏ, vừa, chi phí vào Cam Ranh có thể tiết kiệm hơn so với việc quay lại các cơ sở khác xa hơn.

Thông tin mở rộng
 

Cam Ranh là 1 trong 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất trên thế giới

Cam Ranh là một trong những cảng tự nhiên hàng đầu thế giới, không phải đầu tư làm đê chắn sóng, không phải nạo vét, rộng. Ngoài ra, cảng Cam Ranh còn lợi thế là có mối liên kết với đường sắt, đường không, đường bộ, gần đường hàng hải quốc tế.

Hiện nay, trong khu vực biển Đông có nhiều quốc gia khai thác cảng nước sâu cho mục đích dịch vụ như: Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan…

Theo đánh giá của các chuyên gia, có 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới là San Francisco (Mỹ), Rio de Janéro (Brazil) và Cam Ranh (Việt Nam). Cam Ranh cũng được đánh giá là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á.

Vịnh Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh có diện tích hơn 60 km2 (chỗ rộng nhất khoảng 6 km), ăn sâu vào nội địa khoảng 12 km, thông với biển qua một cửa rộng khoảng 3 km. Phần lớn vịnh có độ sâu từ 18-32 m, tàu có trọng tải trên 30.000 tấn có thể ra vào dễ dàng. Vịnh Cam Ranh có khả năng đón nhận nhiều hạm đội cùng lúc, bao gồm cả tàu chiến, tàu ngầm.

Vịnh Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, đáy vịnh gần như bằng phẳng, cấu tạo bởi loại cát pha bùn khá chắc, thuận tiện cho việc thả neo. Vịnh Cam Ranh được bán đảo che chắn nên rất kín gió, là nơi trú bão tốt cho tàu thuyền. Phía ngoài vịnh có một số đảo và cù lao án ngữ, trong đó có điểm cao thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đèn biển và radar.

Lịch sử cảng Cam Ranh

Năm 1911, người Pháp xây dựng một quân cảng ở vịnh Cam Ranh và đến giữa năm 1939, chủ trương xây dựng thành một căn cứ hải quân lớn trong kế hoạch phòng thủ ở Đông Dương.

Năm 1942, Nhật chiếm quân cảng Cam Ranh, sử dụng làm bàn đạp để tiến đánh Malaysia và các thuộc địa của Anh, Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Năm 1967, vịnh Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần dương trên không của hải quân Mỹ, sau đó được xây dựng thành căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân và khu hậu cần lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 1973, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, căn cứ Cam Ranh trở thành cứ điểm quan trọng của không lực miền Nam Việt Nam.

Năm 1979, Việt Nam ký hợp đồng cho Liên Xô thuê căn cứ Cam Ranh và nơi đây trở thành căn cứ hải quân lớn nhất ngoài lãnh thổ của liên bang Xô Viết.

Năm 2002, khu liên hợp quân cảng Cam Ranh được trao trả cho Việt Nam.

Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Năm 2004, sân bay Cam Ranh được chuyển thành sân bay dân sự và được nâng cấp thành sân bay quốc tế vào năm 2007.

Theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ phục vụ các hoạt động bay quốc tế trong khu vực và các hoạt động bay liên vùng Bắc Bộ - Nam Trung Bộ - Nam Bộ.

Năm 2020, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh dự kiến đạt quy mô cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp 1, tiếp nhận được các loại máy bay A320, A350, B737, B767, B777-200ER và tương đương, có năng lực tiếp nhận 27 máy bay và 2.785 hành khách trong giờ cao điểm, 5,5 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm.

Thông tin tham khảo
 


Cảng nước sâu

Sơ lược
 

Sáng 16.3.2011 tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng hải quân) đã khai trương cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép.

Chi tiết
 

Dự án cảng Tân Cảng - Cái Mép với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng do tổng công ty Tân cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư, cảng được khởi công giai đoạn 1 từ ngày 9.1.2007, giai đoạn 2 được khởi công vào ngày 9.1.2009, hiện có 3 hãng tàu là MOL (Nhật Bản), Hanjin (Hàn Quốc) và Wanhai (Đài Loan) cùng khai thác cảng.

Tân Cảng – Cái Mép là mô hình liên doanh mới giữa cảng với các hãng tàu lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam.

Cảng nước sâu Tân Cảng-Cái Mép có 900m cầu cảng, 60 ha kho bãi, 9 cẩu bờ Post Panamax, 30 cẩu RT, 4 xe nâng, 50 đầu kéo, 2 tàu lai dắt 4.000 mã lực và các thiết bị bổ trợ độ sâu trước bến của cảng đạt tới 16,8m.

Khả năng thông qua của cảng nước sâu Tân Cảng-Cái Mép khoảng 1,8 triệu teu/năm.

Thông tin mở rộng
 

Hàng hoá xuất nhập khẩu không phải qua trung gian

Vào năm 2009, cầu tàu dài 300m và 20 ha kho bãi của cảng Tân Cảng-Cái Mép đã đi vào hoạt động và đón tàu trọng tải 73.000 tấn cập cảng, đưa hàng xuất nhập khẩu trực tiếp đi Mỹ và châu Âu mà không phải qua nước thứ 3.

Cảng nước sâu Tân Cảng-Cái Mép giúp khách hàng giảm thiểu được thời gian chuyên chở từ 7-10 ngày so với trước đây.

Cảng đã tiếp nhận gần 600 tàu

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng Tân Cảng-Cái Mép đã tiếp nhận gần 600 tàu, trong đó có gần 270 tàu mẹ với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng là 430.000 TEU (tương đương 5,7 triệu tấn).

Chỉ tính riêng trong năm 2010, sản lượng hàng thông qua cảng chiếm 65% thị phần hàng hóa khu vực tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thông tin tham khảo
 


Đầu tư 2.000 tỷ xây dựng cảng Sài Gòn-Hiệp Phước

Sơ lược
 

Ngày 22.6.2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã ký hợp đồng tài trợ 2.000 tỷ đồng cho cảng Sài Gòn để đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn-Hiệp Phước.

Chi tiết
 

Dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (nằm bên bờ sông Soài Rạp, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) có tổng diện tích là 100ha, trong đó bến cảng dài 1.800m, với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cảng có công suất bốc xếp 18 triệu tấn hàng hóa/năm và khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.

Tháng 5.2009, giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Cảng có diện tích 54ha với 800m cầu cảng, có thể đón tàu 50.000 tấn và công suất làm hàng 8,5 triệu tấn/năm.

Hiện nay, giai đoạn 1 đã sắp hoàn thành nhưng do thiếu vốn nên không thể hoàn thiện để đưa vào khai thác.

Thông tin mở rộng
 

Theo Quyết định 46-2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho dự án cảng Sài Gòn-Hiệp Phước bằng nguồn thu từ đất tại vị trí cảng cũ. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ trở thành cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp địa phương này phát triển hướng ra biển Đông.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành giai đoạn 1 cảng du thuyền Dương Đông

Sơ lược
 

Ngày 16.9.2011, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra lễ khánh thành giai đoạn 1 cảng tàu khách Dương Đông - Phú Quốc Marina.

Chi tiết
 

Phú Quốc Marina là cảng tiếp nhận tàu du thuyền đầu tiên ở Phú Quốc, cảng có khả năng nhận và neo đậu khoảng 50 du thuyền.

Giai đoạn 1 của Phú Quốc Marina bao gồm cácu hạng mục như: nhà ga, cà phê - bar, nhà hàng nổi 5 sao, khách sạn nổi 5 sao... Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 100 tỷ đồng.

Phú Quốc Marina có chức năng xuất nhập cảnh quốc tế, tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế đến Phú Quốc và là đầu mối liên kết các loại hình du lịch biển giữa Phú Quốc với các quốc gia trong khu vực.

Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 2, quy mô tiếp nhận của Phú Quốc Marina sẽ tăng lên 100 du thuyền.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành giai đoạn 1 cảng Phú Định

Sơ lược
 

Sáng 27.9.2011, Công ty TNHH một thành viên cảng sông thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ khánh thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 cảng Phú Định.

Chi tiết
 

Cảng Phú Định toạ lạc tại ngã ba sông Cần Giuộc-Chợ Đệm-Kênh Đôi thuộc phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Cảng Phú Định có diện tích hơn 10 ha với 11 cầu cảng dài 600m, một kho hàng có diện tích 4.600m2, bãi chứa hàng với diện tích 50.000m2 có khả năng tiếp nhận các loại tàu 500 tấn và sà lan 1.000 tấn. Tổng mức đầu tư 398 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 363 tỷ đồng.

Dự kiến đến năm 2015, sẽ hoàn chỉnh 60 ha mặt bằng cảng và 17 bến ghe và đến năm 2020, cảng sông Phú Định sẽ đạt năng lực thông qua 2,5 triệu tấn/năm.

Thông tin mở rộng
 

Phú Định là cảng sông lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh

Khởi công từ giữa năm 2003, Phú Định là cảng sông lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích gần 60 ha, bao gồm các hạng mục: bến sà lan, hệ thống kho bãi và nhiều công trình khác. Dự kiến đến năm 2020, cảng Phú Định có khả năng tiếp nhận và trung chuyển khoảng 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Do nằm ở vị trí ngã ba sông nên cảng phú Định thuận lợi cho 3 tuyến đường thủy đến Đồng Tháp Mười, Kiên lương Hà Tiên, Cà Mau và tuyến đường bộ từ Quốc lộ 1A đi miền Tây, miền Đông Nam bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh còn hệ thống cảng khác ngoài Phú Định

Theo Quy hoạch Phát triển mạng lưới giao thông đường thủy của thành phố Hồ Chí Minh, ngoài cảng Phú Định, thành phố Hồ Chí Minh còn một hệ thống cảng sông ở khu vực quận 4, quận 7

Thông tin tham khảo
 


Khai trương cảng Tân Cảng - Sa Đéc

Sơ lược
 

Sáng 13.10.2011, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khai trương cảng Tân Cảng - Sa Đéc tại tỉnh Đồng Tháp.

Chi tiết
 

Tân Cảng - Sa Đéc có tổng diện tích mặt bằng hơn 2,7 ha, trong đó có 7.200m2 nhà kho, cầu cảng bốc hàng rời dài 90m, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn và một đội sà lan 38 chiếc tổng công suất lên đến 3.000 TEUs/lượt.

Với công suất 6.000 TEU/tháng, Tân Cảng – Sa Đéc cung cấp dịch vụ kho vận trọn gói cho tuyến đường sông nối liền Campuchia, đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu).

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là hơn 40 tỷ đồng (chưa bao gồm đội sà lan 38 chiếc).

Thông tin mở rộng
 

Mỗi năm, Đồng Tháp sản xuất 2,5 triệu tấn lúa và khoảng 320.000 tấn thủy sản, do các cảng sông của địa phương chủ yếu là khai thác hàng rời nên lượng hàng xuất khẩu bằng container phải thông qua cảng ở nơi khác làm gia tăng chi phí và thời gian xuất hàng.

Sau khi Tân Cảng – Sa Đéc đi vào hoạt động, tàu từ biển Đông có thể qua sông Tiền để vào cảng với hành trình là 201 km, hoặc qua cửa biển Định An (sông Hậu) với hành trình 220 km.

Hiện nay, công ty Tân Cảng số 2 đang chiếm 65% thị phần vận tải thủy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành cảng quốc tế Cái Mép

Sơ lược
 

Ngày 1.12.2011, tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã diễn ra lễ khánh thành cảng quốc tế Cái Mép (CMIT).

Chi tiết
 

Khởi công xây dựng từ ngày 28.5.2008, cảng CMIT nằm trên vùng đất đầm lầy ngập mặn tiếp giáp sông Cái Mép. Với diện tích 48 ha, CMIT có cầu cảng dài 600m, mớn nước dọc cầu cảng từ 14,5 đến trên 20m; năng suất khai thác là 1,115 triệu Teu; 5 cẩu bờ STS Post-panamax loại siêu lớn (tầm với 22 hàng); 15 cẩu khung RTG… tổng mức đầu tư 250 triệu USD.

Là dự án liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cảng Sài Gòn và Tập đoàn APM Terminals (Đan Mạch), CMIT là cảng container đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tiếp nhận trực tiếp tàu có trọng tải đến 160.000 DWT với độ sâu luồng đạt -14 m.

Thông tin mở rộng
 

Ngày 31.3.2011, CMIT đã tiếp nhận chuyến tàu CMA CGM Columba với tải trọng 131.263 DWT và công suất chuyên chở 11.388 TEU. Tính đến ngày khánh thành, CMIT đã tiếp nhận 104 lượt tàu mẹ cập cảng và xếp dỡ 151.000 TEU hàng xuất nhập đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.

Cảng CMIT đi vào hoạt động giúp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường châu Âu, Mỹ rút ngắn thời gian từ 7 - 10 ngày, giảm bớt chi phí cho các nhà xuất nhập khẩu do hàng hóa không phải quá cảnh qua các cảng trung gian.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành cầu cảng hàng lỏng 20.000 tấn

Sơ lược
 

Ngày 4.4.2012, tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng đã diễn ra lễ khánh thành cầu cảng hàng lỏng 20.000 tấn.

Chi tiết
 

Hiện nay, Đình Vũ là khu công nghiệp duy nhất ở phía Bắc cung cấp hệ thống cầu cảng hàng lỏng và giá đỡ đường ống cho các nhà đầu tư hóa chất, hóa dầu.

Với hệ thống đường ống dùng chung, các nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí, đất đai và thời gian hơn so với xây dựng hệ thống cầu cảng hàng lỏng riêng.

Dịp này, khu công nghiệp Đình Vũ cũng hoàn thành trạm xử lý nước thải giai đoạn 1, công suất 2.500 m3/ngày đêm và thiết kế nhà máy xử lý nước thải tập trung có tổng công suất 9.600 m3/ngày đêm.

Đây là cầu cảng hàng lỏng thứ 2 của khu công nghiệp Đình Vũ, cầu cảng hàng lỏng thứ nhất có công suất 10.000 tấn đã khánh thành từ năm 2005.

Thông tin mở rộng
 

Tính đến thời điểm hiện tại, khu công nghiệp Đình Vũ đã thu hút được hơn 43 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,54 tỷ USD trong đó, vốn đầu tư Nhật Bản chiếm 45%. Giai đoạn 1 của khu công nghiệp đã được triển khai trên diện tích 164 ha. Giai đoạn 2 triển khai trên diện tích 377 ha, số doanh nghiệp thuê đất chiếm 50% diện tích. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2012, khu công nghiệp Đình Vũ sẽ thu hút thêm 205 triệu USD vốn đầu tư.

Thông tin tham khảo
 


Cảng Định An được quy hoạch vào hệ thống cảng biển Việt Nam

Sơ lược
 

Ngày 16.4.2012, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, cảng Định An thuộc cảng biển Trà Vinh đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chi tiết
 

Cảng Định An (thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã được đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng diện tích lên 22.000m² với các hạng mục như: kho chứa, bãi, chợ cá 8.137m²; hệ thống xử lý nước thải, trạm điện, nước, garage, thiết bị 918m²; khu hành chính, dịch vụ 2.239m²...

Từ một bến cá, Định An đã được nâng cấp thành cảng cá Định An có khả năng neo đậu 1.000 tàu thuyền đánh cá và tiếp nhận hơn 25.000 tấn hải sản và 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Thông tin mở rộng
 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành và phát triển các cảng cạn trên các hành lang vận tải container chính đến cảng biển và cửa khẩu quốc tế hoặc các khu công nghiệp tập trung.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, các cảng cạn có qui mô khoảng 40- 50 ha, sau năm 2030, qui mô mở rộng trên 100 ha, phục vụ cho các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Mỗi năm, các bến cảng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thông quan khoảng 1,1 triệu TEU, chủ yếu là qua cảng Cần Thơ và cảng Mỹ Thới (An Giang).

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành cảng Chu Lai- Trường Hải

Sơ lược
 

Sáng 11.5.2012, tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ khánh thành gai đoạn 1 cảng Chu Lai - Trường Hải.

Chi tiết
 

Giai đoạn 1 của cảng Chu Lai - Trường Hải có diện tích 15 ha, vốn đầu tư 345 tỷ đồng gồm các hạng mục: cầu cảng dài 300m, cần cẩu trục, khu hậu cần cảng, kho bãi, kho ngoại quan, khu dịch vụ cảng...

Cảng Chu Lai-Trường Hải sau khi đi vào hoạt động có khả năng đón tàu trọng tải 10.000 tấn, công suất khai thác 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 56.000 TEU container qua cảng/năm.

Thông tin mở rộng
 

Cảng Chu Lai - Trường Hải được xây dựng theo kết cấu bến liền bờ, với công nghệ cừ lassel hiện đại, có độ sâu luồng 7,4m, khu vực neo đậu tàu trong mùa mưa bão cũng thuận tiện hơn so với một số cảng trong khu vực.

Cảng Chu Lai - Trường Hải sẽ trở thành cảng chuyên dụng phục vụ cho Khu công nghiệp cơ khí đa dụng Quốc gia, cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho các công ty, nhà máy hoạt động tại Chu Lai và các vùng lân cận, góp phần giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Bến cảng đi vào vận hành sẽ tạo việc làm cho 200 lao động tại địa phương.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành cảng Thạnh Phước tại Bình Dương

Sơ lược
 

Ngày 9.5.2012, tại Bình Dương đã diễn ra lễ khánh thành cảng sông Thạnh Phước.

Chi tiết
 

Cảng Thạnh Phước nằm trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hiện có 2 cầu cảng với tổng chiều dài 124m, công suất bốc dỡ hàng hóa hơn 300.000 tấn/năm. Được khởi công xây dựng vào ngày 22.4.2010, cảng thạnh phước có diện tích 63 ha, gồm 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng có khả năng tiếp nhận tàu và sà lan từ 1.000-2.000 tấn.

Công trình cảng Thạnh Phước được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ năm 2010 đến 2014) có diện tích xây dựng 25 ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng bao gồm 8 cầu cảng, đường bãi nhà kho, thiết bị bốc xếp... khi hoàn tất công suất bốc dỡ hàng hóa của giai đoạn 1 là 2,5 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2 (từ năm 2014-2018) có diện tích 28 ha với 8 cầu cảng cùng các công trình phụ trợ; tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2 là 610 tỷ đồng; sau khi hoàn thành giai đoạn 2, công suất bốc dỡ của cảng Thạnh Phước sẽ đạt bình quân 5 triệu tấn/năm.

Thông tin mở rộng
 

Cảng Thạnh Phước là cảng thủy nội địa cấp 3 được sử dụng để bốc dỡ hàng hóa tổng hợp và container phục vụ xuất nhập khẩu.

Sau khi đi vào hoạt động, cảng Thạnh Phước sẽ hỗ trợ các cảng nước sâu tăng công suất tiếp nhận hàng hóa, làm giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giảm chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và trong khu vực Đông Nam bộ.

Thông tin tham khảo
 


Xây dựng cảng biển quốc tế tại Hải Phòng

Sơ lược
 

Sáng 26.7.2012, tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã thị sát khu vực xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, huyện Cát Hải.

Chi tiết
 

Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện là dự án quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng và của Việt Nam. Dự tính, đến đầu năm 2016 sẽ đưa dự án vào hoạt động.

Dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 22.228 tỷ đồng, được chia làm 2 hợp phần gồm những hạng mục như: Xây dựng 2 bến khởi động cho tàu 100.000 tấn; nạo vét luồng tàu, xây dựng đê chắn cát, chắn sóng, đường bộ, hạ tầng điện nước và đường công vụ…

Thông tin mở rộng
 

Sau khi đi vào hoạt động, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến 100.000 DWT, năng lực hàng hóa thông qua đạt khoảng 6 triệu tấn/năm.

Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được thực hiện theo hình thức phối hợp công tư (PPP).

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải

Sơ lược
 

Sáng 28.1.2013, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức khánh thành Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Chi tiết
 

Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được xây dựng tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư khoảng 11.473 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như xây dựng cảng, nạo vét luồng hàng hải và đường nối từ quốc lộ 51 vào cảng. Trong đó, phần cảng có cảng container Cái Mép với 2 bến tàu trọng tải 80.000 DWT và cảng tổng hợp Thị Vải tiếp nhận được tàu trên 50.000 DWT.

Sau khi cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải đi vào hoạt động, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được đưa trực tiếp đến các cảng ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ mà không phải qua cảng trung chuyển như trước đây.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công cảng biển Duyên Hải

Sơ lược
 

Ngày 21.4.2013, tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Chi tiết
 

Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải có diện tích hơn 427 ha mặt nước, bao gồm các hạng mục: Hệ thống bến gồm hai bến nhập than cho tàu tải trọng 30.000 tấn; bến nhập dầu cho tàu tải trọng 1.000 tấn; tuyến đê chắn sóng phía Bắc dài 3,9km; hệ thống thiết bị bốc dỡ than …

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 5.800 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, cảng sẽ tiếp nhận, cung cấp 12 triệu tấn than/năm và 100.000 tấn dầu/năm cho các nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Dự kiến, giai đoạn 1 với đê chắn sóng 3,2 km của Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ được hoàn thành trong thời gian 27 tháng và đê chắn sóng 3,9 km sẽ được hoàn thành trong thời gian 32 tháng.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công dự án cảng Lạch Huyện

Sơ lược
 

Sáng 14.4.2013, tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đã diễn ra lễ khởi công hợp phần A dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện).

Chi tiết
 

Công trình cảng Lạch Huyện nằm trên địa bàn huyện đảo Cát Hải gồm 2 hợp phần có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn từ 4000 - 6000 TEU và lên đến 8.000 TEU (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa).

Hợp phần A bao gồm các hạng mục như: Luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng dài 3.230m, đê chắn cát dài 7.600m, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất yếu... Tổng mức đầu tư của hợp phần A khoảng 18.627 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước.

Hợp phần B gầm các hạng mục như: 2 bến tổng chiều dài 750m, trang thiết bị khai thác, xếp dỡ cho tàu container trọng tải đến 100.000 tấn với tổng mức đầu tư khoảng 6.572 tỷ đồng.

Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2016, cảng Lạch Huyện trở thành trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc sang thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng khu vực như Singapore, Hong Kong.

Thông tin mở rộng
 

Cảng Lạch Huyện nằm trong Chiến lược biển đến năm 2020, mục tiêu của chiến lược là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển; kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống của người dân vùng biển và ven biển…

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt