Ngày 24 tháng 12
Dự án 11 tỷ USD bị thu hồi
Ngày 24.12.2010, ông Phạm Đình Cự, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên đang chuẩn bị thủ tục thu hồi dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa.
Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa là dự án do tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) đầu tư với số vốn đăng ký 11,4 tỷ USD.
Dự án kéo dài từ thành phố Tuy Hòa đến các huyện Đông Hòa và Tây Hòa với tổng diện tích khoảng 7.656 ha, được quy hoạch dọc hai bên bờ sông Ba với mục tiêu trở thành siêu đô thị, hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực điện ảnh, công nghệ thông tin, giáo dục.
Dự án bao gồm một thành phố công nghệ cao, một thành phố đại học hiện đại, một vùng kinh tế thương mại, một khu vực văn hóa; dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài được chia thành 3 giai đoạn.
Các phân khu chức năng của dự án gồm: Trung tâm thành phố nằm tại khu Nam Tuy Hòa được bao quanh bởi khu Metro và công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, khu vườn thực vật và nghỉ mát Đà Rằng; khu dân cư dọc bờ sông Ba. Các khu Thung lũng điện tử và Thành phố giáo dục được đầu tư để trở thành một trung tâm phát triển kỹ nghệ với các phần mềm điện toán, điện ảnh, thương mại điện tử, các hệ đào tạo được liên kết với các trường học của Mỹ…
Để chuẩn bị cho dự án, Phú Yên đã thuê công ty CPO (Singapore) quy hoạch Thành phố sáng tạo đến tỉ lệ 1/2000. Dự án được chuẩn bị từ năm 2008 và năm 2009, Phú Yên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Galileo Investment Group, Inc nhưng tập đoàn này đã nhiều lần xin hoãn, ngay cả việc ký quỹ đầu tư theo quy định cũng không thực hiện.
Qua kiểm tra, Galileo Investment Group, Inc không đủ năng lực tài chính để đầu tư dự án.
Ngoài dự án Thành phố sáng tạo, Phú Yên còn có những siêu dự án khác như dự án lọc – hóa dầu Vũng Rô (trên 11 tỷ USD); dự án Đặc khu kinh tế Phú Yên (do tập đoàn Sama Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – UAE) đăng ký đầu tư hàng trăm tỷ USD, diện tích đầu tư dự án chiếm 1/3 tỉnh Phú Yên.
Tập đoàn sữa Tam Lộc phá sản
Ngày 24.12, tòa án tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tuyên bố tập đoàn Tam Lộc đã phá sản.
Tam Lộc là tập đoàn sản xuất và kinh doanh sữa đứng thứ 3 ở Trung Quốc và là tập đoàn có sản phẩm sữa Sanlu bị nhiễm melamine. Tòa án đã chỉ định một ủy ban có trách nhiệm bán tài sản của Tam Lộc để chi trả các khoản nợ của tập đoàn này trong thời gian 6 tháng.
|
Sản phẩm sữa Sanlu của tập đoàn Tam Lộc. Ảnh: flickr |
Tập đoàn Tam Lộc bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng từ vụ sữa Sanlu nhiễm melamine vào tháng 8, tình hình tài chính của công ty xuống dốc liên tục từ khi việc sữa nhiễm độc được công bố vào tháng 9.2008. Từ đó đến nay, hàng chục cá nhân đã nộp đơn kiện Sanlu và đòi công ty phải bồi thường.
Sanlu là một trong 22 công ty sữa của Trung Quốc bị phát hiện đã thêm hóa chất công nghiệp melamine vào sản phẩm sữa.
Tập đoàn sữa Fonterra, một công ty sữa của New Zealand sở hữu 43% cổ phần của Tam Lộc từ cuối tháng 9 đã hạ giá trị đầu tư từ 139 triệu USD xuống chỉ còn 62 triệu USD.
Ngoài Tam Lộc, có 2 công ty khác cũng dính líu vào vụ sữa nhiễm melamin là Mengniu và Yili đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Công ty Sữa Mengniu tuyên bố khoản thiệt hại lên tới 131,4 triệu USD sau khi sản phẩm của họ bị phát hiện nhiễm melamine.
Năm 2008, Trung Quốc có nhiều vụ bê bối về thực thẩm bị nhiễm độc, tuy nhiên vụ việc melamin này gây ảnh hưởng lớn nhất. Sau vụ bê bối sữa bột Trung Quốc gây sỏi thận xảy ra, các sản phẩm có nguyên liệu từ sữa bột của Trung Quốc đã bị thu hồi tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp sữa với doanh thu 20 tỉ USD/năm của Trung Quốc đã phải đóng cửa khoảng 1/3 doanh nghiệp sản xuất sữa, trong tháng 10.2008, xuất khẩu sản phẩm từ sữa của Trung Quốc đã giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
6 trẻ em đã chết và khoảng 300 nghìn em khác nhiễm bệnh sau khi sử dụng sữa có chứa chất melamin (loại chất được thêm vào sữa để khiến hàm lượng protein cao nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về dinh dưỡng).
Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết, đến đầu tháng 12, vẫn còn 861 trẻ đang nằm viện, trong đó có 154 trẻ vẫn trong tình trạng nguy cấp. Chính phủ Trung Quốc cam kết chữa trị miễn phí cho những trường hợp bị bệnh do uống sữa có melamin và đền bù cho những gia đình có trẻ tử vong (phần đền bù sẽ do một số tập đoàn sữa chi trả).
Tham khảo
Công ty sữa hàng đầu Trung Quốc tuyên bố phá sản – Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25.12.2008.
Trung Quốc: Hãng sữa Sanlu bị tòa tuyên phá sản – Báo Người Lao Động ngày 24.12.2008.
Tập đoàn sữa Tam Lộc phá sản – Báo Tuổi Trẻ ngày 25.12.2008.
Trung Quốc: Tập đoàn sữa Tam Lộc bị phá sản – Báo Tiền Phong ngày 24.12.2008.
Thảm sát đêm giáng sinh tại Mỹ
Đêm 24.12.2008, tại Covina cách thành phố Los Angeles 40km, một người đàn ông giả làm ông già Noel đã bắn chết 8 người và phóng hỏa ngôi nhà có 25 người đang dự tiệc Giáng sinh.
Ngoài 8 nạn nhân thiệt mạng còn có 3 người mất tích và 3 trẻ em bị thương được điều trị tại bệnh viện. Thủ phạm của vụ thảm sát là Bruce Jeffrey Pardo, 45 tuổi, y đã cải trang thành ông già Noel để tìm cách đột nhập vào ngôi nhà.
|
Ngọn lửa thiêu rụi ngôi nhà khiến các nạn nhân cháy thành than. Ảnh: reuters |
Pardo dùng súng bắn vào 25 người và sau đó đã đốt luôn ngôi nhà. Phải 2 giờ sau khi đến, cảnh sát mới dập tắt được đám cháy. Do ngọn lửa quá lớn thiêu rụi ngôi nhà 2 tầng nên các thi thể trong nhà đã bị cháy thành than. Hiện vẫn chưa xác định được chính xác danh tính của các nạn nhân xấu số.
Cảnh sát đã tìm thấy xác Pardo tại nhà của anh trai y cách đó 40km. Bruce Pardo chết bởi 1 vết đạn ở đầu. Nguyên nhân có thể là do hắn đã tự bắn vào đầu sau cuộc thảm sát kinh hoàng.
Pardo là chồng cũ của một phụ nữ tham gia bữa tiệc giáng sinh trong ngôi nhà trên. 3 người mất tích có thể là cha mẹ vợ và người vợ cũ của y. Trước đó, Pardo chưa hề có tiền án tiền sự. Nguyên nhân khiến Pardo gây ra vụ thảm sát được lý giải có thể là vì quyết định ly hôn từ tuần trước, chấm dứt cuộc hôn nhân sau thời gian ngắn ngủi chỉ có 1 năm.
Pardo là kỹ sư hàng không, từng tham gia giúp việc tại nhà thờ của địa phương.
Quyền tự do sở hữu vũ khí, đặc biệt là vũ khí phát hỏa đã được chính thức thừa nhận ở Mỹ theo quy định tại Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp năm 1791, theo đó các cá nhân được sở hữu súng đạn và chỉ được phép sử dụng cho các mục đích phù hợp luật pháp như tự vệ tại nhà. Hiện nay, toàn nước Mỹ có khoảng 250 triệu khẩu súng cá nhân thường xuyên lưu hành tự do theo pháp luật, mỗi năm, cường quốc này có hơn 300.000 người chết liên quan tới súng.
Tham khảo
“Ông già Noel” giết 8 người rồi tự sát – Báo Thanh Niên ngày 26.12.2008.
Thảm kịch đêm tiệc Giáng sinh ở Mỹ – Báo Người Lao Động ngày 27.12.2008.
Mỹ: Thảm sát tại tiệc Giáng sinh, 8 người chết – Báo Tuổi Trẻ ngày 26.12.2008.
Mỹ: Thảm sát đêm noel, 9 người thiệt mạng và mất tích – Báo Tiền Phong ngày 26.12.2008.
Thành phố Hồ Chí Minh cần di dời cấp bách hơn 2000 hộ dân
Ngày 24.12.2010, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện địa phương có 25 phường, xã, thị trấn thuộc 7 quận, huyện cần phải di dời dân để phòng tránh thiên tai.
Có 25 phường, xã, thị trấn phải di dời thuộc 7 quận, huyện (quận 2, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh), trong đó có 22 khu vực phải di dời cấp bách.
Tổng vốn thực hiện việc di dời cấp bách 2.111 hộ dân là 2.368 tỷ đồng, những khu vực cần phải di dời tập trung tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao nhưng chưa có dự án hoặc khu vực thuộc dự án thủy lợi, tiêu thoát nước, đê bao phòng chống triều cường và đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ, chỉnh trang hành lang sông, kênh, rạch...
Hiện có 4 quận, huyện đã sắp xếp địa điểm bố trí di dời dân gồm: quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè. Còn các quận, huyện còn lại (quận Thủ Đức, quận 2 và quận 12) sẽ rà soát quy hoạch để xác định địa điểm di dời dân trong năm 2011.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ghi vốn đầu tư cho các dự án di dời dân phòng tránh thiên tai với tổng kinh phí là 1.598 tỷ đồng để địa phương sớm triển khai thực hiện, đảm bảo cho công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai đạt hiệu quả.