<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Bún gánh chạy đồng

Ai bún đây ...

Tiếng rao thánh thót vang lên lan xa trên cánh đồng đầy ắp nắng vàng và sóng lúa. Tháng Giêng, cái nắng mùa xuân ngọt ngào và ấm áp. Cánh đồng vàng rực những lúa trĩu hạt. Hương lúa chín thoảng tan trong gió. Tiếng lưỡi hái xoèn xoẹt vang lên theo từng nhịp tay người. Tiếng máy tuốt xình xịch, rào rào vang vang cả cánh đồng. Lúa chất đầy đồng, rơm phơi khắp bãi. Cảnh no lành khiến ai cũng rạng ngời phấn khởi.

Tết qua đi, đồng ruộng vào mùa gặt. Đây cũng là mùa của bún gánh vang vang tiếng rao khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nói bún gánh thì e sẽ gây hiểu nhầm là người ta bán bún kèm nước lèo hay gì gì đó như ta ngồi ngoài quán. Thực ra, bún ở đây chỉ là bún trắng, được các chủ lò bún ở mạn Tuy Hòa (Phú Yên), Bình Định, ... gánh ngược vào các cánh đồng của miền Tuy An (Phú Yên), Vạn Giã, Ninh Hòa (Khánh Hòa) để phục vụ bà con nông dân trong những ngày thu hoạch bận rộn. Trong nhà, từ con nít đến người già ai nấy cũng bận tối mắt tối mũi từ chuyện cắt, tuốt, đến phơi khô, rồi đóng bao, cân thóc bán, ... thôi thì đủ việc cả, nên chẳng còn ai có thời gian "đun đầu" vào bếp mà nấu nướng. Bán bún thường là các chị đã đứng tuổi, mỗi gánh bún nặng đến bốn năm chục cân, thanh niên trai tráng nhấc thử lên vai một đoạn đã hãi, thế mà các chị cứ gánh hết đồng này qua đồng khác, hết xóm này sang thôn nọ mà vẫn bước đi nhẹ nhàng thanh thoát như gánh gánh bông vậy.

Bún miền ngoài ấy được tiếng là trắng, sợi dai, dẽo và thơm mùi gạo cũ. Người ta không thích bán bún để lấy tiền mà ngược lại chỉ thích đổi lấy thóc, thóc tươi hay thóc khô đều được, cứ qui đổi bù trừ mà giao dịch. Cứ thế, gánh bún vơi đi thì gánh thóc dần đầy, rồi khi chiều nghiêng bóng trên đường làng cũng là lúc các chị tập kết lại thành nhóm trên quốc lộ để vẫy xe đò trở về quê.

Lại kể chuyện đổi thóc lấy bún ngay giữa đồng, ngay giữa đường làng. Vì nhà nhà ai cũng bận bịu, nên bún là món ăn ngay, vừa chắc dạ lại vừa dễ ăn. Người mua chìa cái thúng hay cái rỗ đã được lót sẵn tàu lá chuối, người bán lấy lá chuối đặt luôn vào cái cân treo, lấy đũa cái cài lấy một bánh bún đã cuộn tròn sẵn cho lên cân, đủ lượng theo yêu cầu thì túm luôn cả lá gói lấy bún cho vào trong rỗ của người mua. Còn thóc thì phơi đầy ở sân, người bán bún thích lấy chỗ nào thì lấy, cân đủ số là được, nhưng ít khi nào mà cân đúng, thường là cân quá, vì cái cân ấy nặng nhẹ thế nào đều do sự khéo ăn nói của mấy chị quyết cả. Chủ ruộng ra đồng, ai cũng đem theo vài chai tương, ít nước mắm dầm ớt hiểm, vài thùng nước mát. Đôi khi cũng chẳng cần đến chén đũa vì cồng kềnh, chẳng ai quản được. Nên cành cây dại làm đũa, lá bụi ven bờ làm bát, vếch bún cho vào lá khom khom trong lòng bàn tay, rồi chế thêm tí nước mắm hay tương vừa đủ là có thể đánh chén ngon lành. Đơn giản là thế nhưng cũng thật đậm đà. Người bình thường chỉ trong nhấp nháy đã đánh bay cả ký bún.

Trời mỗi lúc một trưa, nắng mỗi lúc một nồng, dưới tán cây ven đồng, hay bên dưới tán cây bên hiên nhà, tiếng người rôm rả, mặt ai cũng hồng hào như đánh phấn, mồ hôi lấm tấm, vai áo đẫm mồ hôi, còn nụ cười thì luôn như hoa mới chớm nỡ. Người ăn vui vì no lòng trúng vụ, người bán vui vì đắt hàng lại được thóc có lời. Thỉnh thoảng, từng cơn gió biển ào lên, thổi qua những cánh đồng rạt rào dợn sóng như sóng biển xô bờ. Sóng lúa như reo vui, hòa chung niềm vui được mùa của người nông phu, xô đi lan rộng từ đồng này sang đồng khác, từ nhà này đến vườn kia, rồi cứ thế đến hẹn lại lên, mùa này nối tiếp mùa sau, tiếng rao "ai bún đây..." vẫn vang lên mỗi độ sang xuân.


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt