<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Ngư dân Việt Nam
Ra mắt Ngư đội Trường Sa

Sơ lược
 

Ngày 16.2.2012, tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra lễ xuất quân Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa chuyên khai thác và thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Chi tiết
 

Tham dự Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa có 30 tàu cá hoạt động theo mô hình “tàu mẹ - tàu con”, sáu ngư đội gồm: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Đá Nam và Đá Lát khai thác ở các vùng biển thuộc 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xung quanh các nhà giàn DK1 của Việt Nam.

Tàu mẹ Hải Vương 68 có công suất 1.200CV, chiều dài hơn 55m, chiều rộng 8,6m, độ cao mớm nước 4m, tải trọng hơn 437 tấn, công suất cấp đông đạt 300 tấn hải sản, phương pháp bảo quản cấp đông đạt -600C.

Tổ hợp tác Ngư đội Trường Sa sẽ áp dụng quy trình khai thác, thu mua trên biển khép kín, các tàu con chuyên khai thác và chuyển cá đến tàu mẹ; còn tàu mẹ đảm nhiệm việc thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm… để các tàu con có điều kiện bám biển dài ngày.

Với mô hình liên kết này, tàu con sẽ tiết kiệm được 70% thời gian, công sức, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá.

Thông tin mở rộng
 

Tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 1.000 tàu có công suất trên 90CV, trong đó có khoảng 500 tàu cá trên 90 CV đã đăng ký vào tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển và 104 tổ đội đã nộp hồ sơ tại Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thông tin tham khảo
 


Đầu tư 65 tỷ đồng mua thiết bị trực canh cho ngư dân

Sơ lược
 

Ngày 14.9.2011, tại hội nghị Tổng kết thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân, đại diện bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ 65 tỷ đồng mua máy trực canh cho ngư dân.

Chi tiết
 

Theo bộ NN&PTNT, từ năm 2012 - 2014, các tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên sẽ tiếp tục được hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thu trực canh, tổng nguồn vốn thực hiện dự kiến hơn 65 tỷ đồng.

Trong Dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý hoạt động nghề cá trên biển, Việt Nam cần khoảng 30.000 chiếc máy thu trực canh.

Năm 2008, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 459 về thí điểm trang bị máy thu trực canh lắp trên tàu cá dành cho hộ nghèo, chủ tàu có tàu bị chìm, hư hỏng do thiên tai.

Thông tin mở rộng
 

Máy thu trực canh (SSB)

Máy thu trực canh (gọi tắt là SSB) là thiết bị an toàn hàng hải lắp đặt trên tàu cá có chức năng trực canh, tự động tiếp nhận thông tin thời tiết từ các đài phát (có thể tiếp nhận được thông tin trong phạm vi bán kính cách đài phát từ 1.000 km trở lên).

Chỉ trang bị cho tàu có công suất từ 20 CV trở lên

Hiện nay Việt Nam có 60.000 tàu công suất dưới 20 CV, 40.000 tàu công suất từ 20-90 CV và 23.000 tàu công suất trên 90 CV.

Các tàu dưới 20 CV chỉ hoạt động gần bờ, có thể sử dụng tốt các thiết bị radio thông thường để nhận biết thông tin và có thể đi về trong ngày nên không cần thiết sử dụng máy thu SSB.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự án, với 2 đợt lắp đặt (30.000 tàu), đợt 1 (đợt thí điểm) đã triển khai lắp máy trực canh cho 7.000 tàu cá 27 tỉnh thành ven biển và đợt 2 là 23.000 tàu.

Theo Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (bộ NN&PTNT), máy trực canh tự động tiếp nhận thông tin thời tiết từ các đài duyên hải trên bờ trên sóng đơn biên (SSB, tần số 7906 kHz), và thu thông thường các sóng AM, FM của radio. Ngoài ra, qua hệ thống máy trực canh có thể tiếp nhận được thông tin dự báo ngư trường, thông tin an toàn hàng hải, đặc biệt là thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thông tin tham khảo
 


Hiện đại hoá tàu cá xa bờ cho ngư dân bám biển

Sơ lược
 

Chiều 12.4.2012, tại tỉnh Quảng Ngãi, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Thủ tướng đã thông qua chủ trương hiện đại hoá tàu cá xa bờ đối với 28 tỉnh, thành ven biển, đảo trong cả nước.

Chi tiết
 

Theo Phó thủ tướng, chủ trương lâu dài của chính phủ cần có những đội tàu đánh cá hiện đại, đủ khả năng hoạt động trên biển Đông. Bên cạnh những đội tàu cá hiện đại có các đội tàu hậu cần dịch vụ nghề cá, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển...

Dự kiến việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ được triển khai ở 28 tỉnh, thành có biển nhưng trước tiên, sẽ triển khai đề án thí điểm hiện đại hoá tàu cá thay tàu gỗ thành tàu vỏ thép ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đến giữa năm 2013 sẽ sơ kết đề án thí điểm ở Lý Sơn để triển khai, nhân rộng ra các địa phương còn lại.

Trong 2 năm 2012-2013, tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) dự kiến đóng mới 22 tàu vỏ thép cho ngư dân các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Lý Sơn, trong đó có 20 tàu đánh cá công suất 400-800 CV và 2 tàu dịch vụ hậu cần (mỗi tàu công suất 1.000 CV) thu mua thuỷ sản, cung ứng nhiên liệu cho các tổ, đội tàu xa bờ hoạt động trên biển.

Trong giai đoạn 2014-2020, mỗi năm tỉnh Quảng Ngãi dự kiến đóng mới từ 100-150 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để từng bước hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn.

Thông tin mở rộng
 

Quảng Ngãi hiện có hơn 6.000 tàu cá

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có gần 6.000 tàu cá, trong đó có 1.600 tàu công suất trên 90 CV hoạt động vùng biển xa bờ, tập trung chủ yếu ở khu vực biển 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân Đà Nẵng đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

Một ngư dân tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã khởi công đóng chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá dài 26m, rộng 6m, tổng công suất 1.200 CV, trị giá gần 4 tỷ đồng, tàu có khả năng cung cấp 3.000 - 4.000 lít dầu, 3.000 cây nước đá, hàng chục tấn lương thực thực phẩm và thu mua khoảng 30 tấn sản phẩm từ các tàu đánh cá, mực trên biển. Dự kiến đến cuối tháng 6.2012, tàu sẽ được hạ thủy.

Thông tin tham khảo
 


Lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 157 tàu cá

Sơ lược
 

Ngày 17.4.2012, bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn đã phân bổ thêm 157 tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR).

Chi tiết
 

Dự án Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh có tổng kinh phí khoảng 14,5 triệu euro, trong đó nguồn vốn vay ODA của Pháp là 13,9 triệu euro.

Theo quy định, những tàu cá được lắp đặt thiết bị phải có công suất 90 CV trở lên, hoạt động đánh bắt xa bờ theo tổ, đội, nhóm...

Sau khi lắp đặt thiết bị liên lạc vệ tinh, các tàu cá sẽ được cung cấp thông tin mới nhất về ngư trường, dự báo khí tượng hải văn, thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển.

Thông tin mở rộng
 

Dự kiến, dự án Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ năm 2011-2013).

Mục tiêu của dự án nhằm trang bị thiết bị liên lạc vệ tinh miễn phí cho 3.000 tàu có công suất từ 90CV trở lên thuộc đội tàu đánh bắt xa bờ tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Tính đến nay, có 3.000 tàu cá ở 28 tỉnh thành (gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) và 1 đơn vị bộ đội Biên phòng) được lắp thiết bị kết nối vệ tinh.

Thông tin tham khảo
 


Thành lập trung đội dân quân biển tại Khánh Hoà

Sơ lược
 

Ngày 18.5.2012, tỉnh Khánh Hòa đã làm lễ ra mắt trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.

Chi tiết
 

Trung đội dân quân biển gồm 25 người, chia thành 3 tiểu đội, tập trung trên 4 tàu đánh cá có công suất từ 120 - 300 CV nhằm bảo vệ trật tự an toàn trên biển, bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân ra khơi xa đánh bắt hải sản.

Khánh Hòa là địa phương được Quân khu 5 chọn thí điểm thành lập trung đội dân quân biển tập trung với nhiệm vụ vừa sản xuất vừa huấn luyện, sẵn sàng phối hợp với Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, xử lý kịp thời các tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển.

Ngoài ra, trung đội dân quan biển còn phối hợp với các lực lượng khác tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Thông tin mở rộng
 

Trước đó, vào ngày 7.5.2012, tại phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cũng đã thành lập một trung đội dân quân biển tập trung. Khánh Hòa là địa phương thứ hai (sau Đà Nẵng) áp dụng mô hình thí điểm dân quân biển của Quân khu 5.

Ngày 26.3.2012, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã thành lập trung đội dân quân biển gồm 31 người đều là ngư dân của 6 phường trên địa bàn quận. Khi ra khơi, ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản, các thành viên của trung đội dân quan biển sẽ phối hợp với các lực lượng khác tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản và hoạt động trái phép của các phương tiện tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam.

Chiều 6.8.2011, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã thành lập 2 trung đội dân quân biển xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích với 52 ngư dân. Mỗi trung đội gồm ba tiểu đội với ba tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 200 CV.

Vào tháng 4.2011, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã thành lập trung đội dân quân biển xã Phổ Thạnh. Đây là trung đội dân quân biển đầu tiên được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn Quân khu 5, với 28 thành viên, chia thành 3 tiểu đội trên 20 tàu cá, mỗi tàu có 1-2 dân quân.

Tính đến nay, các địa phương đã triển khai xây dựng trung đội dân quân biển gồm: xã Tiên Lãng (Quảng Ninh), xã Phổ Thạnh (Quảng Ngãi), phường Phước Hội (Bình Thuận), xã đảo Tam Thanh (Bình Thuận), thị trấn Sông Đốc (Cà Mau); xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích huyện Diễn Châu (Nghệ An); quận Sơn Trà (Đà Nẵng); phường Ninh Thuỷ, phường Vĩnh Phước (Khánh Hoà).

Thông tin tham khảo
 


Hội Nghề cá phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam

Sơ lược
 

Ngày 2.8.2012, Hội Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Chi tiết
 

Ngày 1.8.2012, khi lệnh cấm biển đơn phương của phía Trung Quốc hết hiệu lực, Trung Quốc đã đưa 23.000 tàu cá đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng SaTrường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã ký công văn “Tuyên bố của Hội Nghề cá Việt Nam về việc phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là hành động xâm lược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”.

Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và những nội dung trong Quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động trên.

Thông tin mở rộng
 

Ngoài việc phản đối Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi hội viên, ngư dân cả nước yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ ngư dân sản xuất.

Thông tin tham khảo
 


Tỉnh Quảng Nam thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân

Sơ lược
 

HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 8 đã thông qua đề án thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân để giúp ngư dân bám biển dài ngày.

Chi tiết
 

Năm 2012, quỹ hỗ trợ ngư dân có vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên 25 tỷ đồng và sau mỗi năm, quỹ được bổ sung thêm 1 tỷ. Quỹ được phép huy động sự đóng góp tài chính, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đối tượng được quỹ hỗ trợ là ngư dân có nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất máy từ 90 mã lực trở lên để hoạt động tại các vùng biển xa, thời hạn vay quỹ không quá 5 năm, khoanh nợ tối đa thêm 2 năm.

Đối với tàu 90 CV đến 200 CV, mức hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu; tàu trên 200 CV đến 400 CV, mức hỗ trợ là 1 tỷ đồng/tàu; tàu trên 400 CV mức hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/tàu. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho các tàu có công suất lớn, tàu của tập thể hộ ngư dân, tàu của hợp tác xã, tổ hợp tác.

Ngoài ra, quỹ cũng hỗ trợ thêm cho các gia đình ngư dân khi gặp rủi ro để ổn định đời sống, vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Thông tin mở rộng
 

Tỉnh Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km, diện tích ngư trường trên 40.000 km2, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước khoảng 30 triệu USD/năm.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có trên 4.200 chiếc thuyền với tổng công suất gần 156.000 mã lực; hơn 25.000 lao động, mỗi năm khai thác hơn 60.000 tấn hải sản

từ Hoàng Sa, Trường Sa.

Thông tin tham khảo
 


Đà Nẵng đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng phát triển tàu cá công suất lớn

Sơ lược
 

Ngày 3.10.2012, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn đến năm 2020” theo hướng ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn.

Chi tiết
 

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.112 tỷ đồng, mục tiêu của đề án đến năm 2015, phát triển đội tàu 90CV trở lên đạt khoảng 300 chiếc, trong đó tàu dịch vụ hậu cần 10 chiếc và đến năm 2020, đạt 400 chiếc; sản lượng đánh bắt hải sản tăng bình quân hằng năm ở mức 5-7%/năm.

Ngoài việc phát triển đội tàu công suất lớn, 100% thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo và 30% tàu cá từ 400CV trở lên được trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác như: máy dò ngang, tời thu lưới, máy định vị vệ tinh… nhằm đánh bắt hiệu quả, giảm rủi ro.

Thông tin mở rộng
 

Trước đó, Đà Nẵng cũng ban hành quyết định hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá từ 400CV trở lên với số tiền 500-800 triệu đồng/1 tàu nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ; giảm dần tàu đánh bắt ven bờ.

Thông tin tham khảo
 


Hạ thuỷ tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung

Sơ lược
 

Sáng 29.5.2012, tại xưởng đóng tàu Lý Cư, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ hạ thuỷ chiếc tàu cá ĐNa-90444TS. Đây là tàu hậu cần nghề cá tư nhân đầu tiên và lớn nhất ở khu vực miền Trung với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng.

Chi tiết
 

Tàu hậu cần có chiều dài 26,3m, rộng 6m, cao 6m, mớn nước 3,1m được đóng từ 95m3 gỗ kiền kiền. Trên tàu có 3 máy, 1 máy chính và 2 máy phụ với tổng công suất 1.160CV, tổng tải trọng là 160 tấn và có thể hoạt động trong gió cấp 7. Tàu chia thành 27 khoang chứa hàng, thể tích chứa 120m³, giữa các khoang được bơm 17m³ hóa chất PU để giữ độ đông lạnh bảo quản hải sản trong thời gian ở biển.

Chiếc tàu có khả năng chở khoảng 5.000 - 7.000 lít dầu, 1.200 - 1.500 cây nước đá, 20 tấn lương thực như gạo, mì gói, rau xanh, dầu ăn, thịt… cung ứng cho 30 tàu cá trên biển và thu gom hơn 100 tấn hải sản.

Vào ngày 7.6.2012, tàu hậu cần sẽ ra khơi cung cấp chuyến hàng đầu tiên cho ngư dân đánh bắt và mua hải sản ngay trên biển, mỗi chuyến đi kéo dài từ 3 đến 6 ngày, tầm hoạt động của tàu cách đất liền khoảng 400 hải lý.

Thông tin mở rộng
 

Cũng trong sáng 29.5.2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Tổ hậu cần dịch vụ nghề cá vùng khơi số 4 gồm đội tàu 4 chiếc, công suất từ 250 - 1.200 CV.

Bốn chiếc tàu trong tổ hậu cần mang số hiệu ĐNa 90424, công suất 480 CV; tàu ĐNa 90366, công suất 250 CV; tàu ĐNa 90444, công suất 1.200 CV; tàu ĐNa 90511, công suất 450 CV.

Nhiệm vụ của Tổ hậu cần dịch vụ nghề cá là cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ tàu đánh bắt, tham gia cứu hộ cứu nạn, chia sẻ thông tin an ninh, trật tự trên biển…

Tổ hậu cần dịch vụ nghề cá thành phố Đà Nẵng có khả năng vận chuyển từ 20 - 80 tấn hàng/tàu/chuyến.

Bốn tàu dịch vụ có khả năng tiếp tế cho đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 100 chiếc bám biển dài ngày hơn và thu mua, đảm bảo chất lượng hải sản khi về đến đất liền.

Thông tin tham khảo
 


Lắp đặt vệ tinh cho tàu cá Phú Yên

Sơ lược
 

Ngày 13.11.2012, tại Phú Yên, chuyên gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Pháp (CLS) cùng công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) đã lắp đặt thiết bị vệ tinh cho 120 tàu cá của ngư dân.

Chi tiết
 

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2014, có khoảng 3.000 tàu cá được lắp đặt thiết bị trên; sau đó thiết bị được lắp đặt đại trà cho hơn 25.000 tàu cá của ngư dân có công suất từ 90 CV trở lên.

Sau khi được lắp đặt thiết bị vệ tinh, tàu cá của ngư dân sẽ nhận được các thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, cấp báo thông tin ngay về đất liền khi tàu gặp sự cố cần ứng cứu. Thiết bị cũng hỗ trợ cho các cơ quan chức năng quản lý được hải trình của các tàu cá, vùng đánh bắt, tổng hợp dữ liệu để cung cấp thông tin về luồng cá cho ngư dân; đồng thời những tàu bị nạn trên biển sẽ được cứu nạn khẩn cấp nhờ xác định chính xác vị trí tàu đang hoạt động qua bản đồ định vị tàu.

Phú Yên là địa phương đầu tiên trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam được lắp đặt thiết bị trên trong dự án lắp đặt 3.000 máy thông tin liên lạc tàu cá bằng vệ tinh do Chính Phủ Pháp tài trợ.

Thông tin mở rộng
 

Dự án lắp đặt thiết bị vệ tinh Movimar do chính phủ Pháp tài trợ được triển khai giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2014, với 3.000 tàu cá cho 28 tỉnh, thành ven biển, sau đó sẽ mở rộng đầu tư thiết bị cho hơn 25.000 tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam.

Thiết bị lắp đặt trên tàu gồm 3 thành phần được liên kết với nhau: Máy thu và phát tín hiệu vệ tinh (LEO) được đặt ở boong tàu để thu nhận vị trí nhờ hệ thống GPS, nhận và truyền dữ liệu nhờ hệ thống vệ tinh Iridium. Hộp đấu dây được lắp đặt bên trong buồng lái, nối thiết bị VMS tới nơi cung cấp điện trên tàu và thiết bị đầu cuối dữ liệu MARLIN 100. MARLIN 100 được lắp đặt bên trong tàu, bao gồm một hộp giảm xóc chứa bộ xử lý và màn hình cảm ứng có giao diện người dùng.

Thông tin tham khảo
 


Lắp đặt thiết bị tàu cá cho ngư dân Khánh Hoà

Sơ lược
 

Ngày 21.11.2012, tại cảng cá hòn Rớ, thành phố Nha Trang, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã lắp đặt 69 thiết bị quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh (Movimar) cho tàu cá khai thác xa bờ.

Chi tiết
 

Mỗi thiết bị gồm có ăng ten thu phát vệ tinh, màn hình cảm ứng, hộp kết nối được lắp trên tàu để thông báo vị trí tàu trên biển 2 giờ/lần cho Trung tâm quan sát tàu cá; báo cáo tình hình khai thác hải sản trên biển; thu nhận các bản tin thời tiết, thông báo cứu nạn khẩn cấp.

Những thiết bị kết nối vệ tinh được trang bị cho tàu có công suất trên 90CV của các tổ trưởng, đội trưởng đội liên kết đánh bắt hải sản. Mỗi tàu tổ trưởng có 5 tàu con đi theo để phối hợp đánh bắt. Tỉnh Khánh Hoà dự kiến sẽ lắp thêm 51 thiết bị phục vụ cho khoảng gần 500 tàu cá của địa phương.

Thông tin mở rộng
 

Dự án “Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” sẽ hỗ trợ cho 3.000 tàu cá ở các tỉnh ven biển của Việt Nam. Trước tiên sẽ triển khai lắp đặt 600 máy cho 6 tỉnh, thành duyên hải từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Khánh Hòa và Phú Yên là 2 địa phương đầu tiên được triển khai lắp đặt hệ thống kết nối vệ tinh nói trên.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành Trung tâm Quan sát tàu cá tại Hà Nội

Sơ lược
 

Ngày 28.11.2012, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khánh thành Trung tâm Quan sát tàu cá.

Chi tiết
 

Trung tâm Quan sát tàu cá ở Hà Nội là một trong những hạng mục chính của Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản qua vệ tinh”. Tổng mức đầu tư xây dựng trung tâm là 13,9 triệu euro từ nguồn vốn vay ODA của Pháp.

Trung tâm Quan sát tàu cá có chức năng theo dõi vị trí hoạt động của tàu cá và tiếp nhận các bản tin từ tàu cá về cấp cứu, tai nạn, cướp biển... Ngoài ra, trung tâm còn xử lý ảnh viễn thám, góp phần cải thiện chất lượng công tác dự báo bão và các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển, giúp ngư dân phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai.

Trung tâm Quan sát tàu cá cũng là nơi tiếp nhận các thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, phát hiện, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài có hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam

Trung tâm là công trình đầu tiên theo dõi, quan sát tàu cá thông qua thiết bị vệ tinh.

Thông tin mở rộng
 

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống vận hành quan sát tàu cá đã xây dựng Trung tâm quan sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản, hai trung tâm khu vực tại Hải Phòng, Vũng Tàu và Trung tâm bảo dưỡng thiết bị.

Thông tin tham khảo
 


Bình Định đầu tư 500 tỷ đóng tàu đánh bắt xa bờ

Sơ lược
 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2012, ngư dân địa phương đã đầu tư trên 500 tỷ đồng để đóng mới và nâng cấp công suất tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ.

Chi tiết
 

Trong năm 2012, ngư dân tỉnh Bình Định đã đóng mới 150 chiếc tàu có công suất từ 90-600CV, với tổng số tiền 375 tỷ đồng, sửa chữa và nâng cấp 322 tàu có công suất từ 90-450CV với tổng số tiền gần 130 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định có khoảng 7.690 tàu thuyền; trong đó có gần 3.000 tàu có công suất lớn từ 90-900CV để đánh bắt hải sản xa bờ.

Trong năm 2012, Bình Định đã khai thác đạt trên 164.000 tấn hải sản các loại, dự kiến trong năm 2013, Bình Định khai thác đạt 182.000 tấn hải sản.

Thông tin tham khảo
 


Phú Yên lắp đặt bổ sung 120 thiết bị vệ tinh cho ngư dân

Sơ lược
 

Ngày 29.10.2012, Đài Thông tin duyên hải Phú Yên cho biết, đơn vị đang lắp đặt 120 thiết bị Movimar kết nối vệ tinh cho 120 tàu cá của ngư dân.

Chi tiết
 

Số thiết bị nói trên được lắp đặt cho ngư dân các địa phương như: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Đông HòaTuy An.

Thiết bị Movimar giúp ngư dân định vị được vị trí tàu đang hoạt động trên biển, đo độ cao của sóng và cập nhật thông tin thời tiết nhằm hạn chế rủi ro khi hoạt động trên biển.

Thông tin mở rộng
 

Những thiết bị trên thuộc dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được ký kết giữa chính phủ Pháp và Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm (từ năm 2011 đến năm 2013) bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp. Mục tiêu của dự án là trang bị 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá thuộc 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam.

Thông tin tham khảo
 


Lắp đặt VMS cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng

Sơ lược
 

Ngày 22.1.2013, Chi cục Thủy sản và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng đã lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh (VMS) cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Chi tiết
 

Việc lặp đặt VMS nằm trong dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản” được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp tại Đà Nẵng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ lắp thiết bị VMS cho 51 tàu cá có công suất trên 90 CV ở Đà Nẵng, 306 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi và 50 tàu cá của tỉnh Quảng Nam. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục lắp VMS cho tàu cá ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Những tàu cá có lắp đặt thiết bị VMS sẽ giúp ngư dân theo dõi thông tin thời tiết trên biển; phát các tín hiệu cấp cứu (trong thời gian 15 giây) khi gặp nạn. Ngoài ra, thuyền trưởng tàu cá có thể gửi thông tin về sản lượng, vị trí đánh bắt về đất liền.

Thông tin mở rộng
 

Thiết bị kết nối vệ tinh VMS gồm máy thu phát tín hiệu vệ tinh (LEO), hộp đầu dây và màn hình cảm ứng (MARLIN 100). Thiết bị hoạt động tự động, có khả năng chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao.

Thông tin tham khảo
 


Quảng Nam hỗ trợ cho 12 ngư dân bám biển

Sơ lược
 

Chiều 28.3.2013, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đã trao hơn 1,5 tỷ đồng tặng 12 ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 3 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành để hỗ trợ họ vươn khơi bám biển.

Chi tiết
 

Những ngư dân được hỗ trợ là người có hoàn cảnh khó khăn do bị thiên tai, bị Trung Quốc bắt tàu khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng SaTrường Sa. Tuỳ theo trường hợp, mỗi ngư dân được hỗ trợ ít nhất 90 triệu, cao nhất 200 triệu đồng.

Số tiền hỗ trợ được trích từ Quỹ từ thiện Tấm lòng vàng và Chương trình Tấm lưới nghĩa tình nhằm hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư cụ và đóng tàu để vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Thông tin mở rộng
 

Từ đầu năm 2013, Quỹ hỗ trợ ngư dân tại Quảng Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Nguồn vốn ban đầu của quỹ là 20 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, Quỹ sẽ hỗ trợ các ngư dân cải tạo, đóng mới tàu cá công suất lớn theo phương thức cho vay có hoàn lại vốn gốc với lãi suất 0%.

Kể từ năm 2014, tùy theo tình hình thực tế và hiệu quả hoạt động của quỹ, mỗi năm tỉnh Quảng Nam sẽ cấp bổ sung ở mức tối thiểu 1 tỷ đồng.

Hiện tại, Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ triển khai vay vốn tại 3 xã Tam Hải, Tam Quang và Tam Giang (huyện Núi Thành), địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở Quảng Nam.

Thông tin tham khảo
 


Bến Tre lắp đặt 100 thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ

Sơ lược
 

Ngày 13.3.2013, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đang triển khai lắp đặt 100 thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ.

Chi tiết
 

Số thiết bị này nói trên nằm trong đợt 1 của kế hoạch lắp đặt khoảng 200 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ tại Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2013.

Những tàu cá được chọn tham gia sẽ được cung cấp, lắp đặt và tư vấn miễn phí hoàn toàn.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre có 1.752 tàu đánh bắt xa bờ, bình quân công suất 371 CV/tàu.

Thông tin tham khảo
 


Quảng Bình có 90 tàu cá được kết nối vệ tinh

Sơ lược
 

Tỉnh Quảng Bình có 90 phương tiện tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar.

Chi tiết
 

Trong tháng 3.2013, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã lắp đặt đợt 1 thiết bị quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar cho 19 tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90CV trở lên của xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới và 1 tàu của kiểm ngư.

Trong tháng 4.2013, tỉnh Quảng Bình tiếp tục lắp đặt 47 thiết bị quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movima cho 46 tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90CV trở lên và 1 tàu kiểm ngư.

Thiết bị quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movima hỗ trợ cho ngư dân bao gồm: Máy thu phát tín hiệu vệ tinh, hộp đấu dây và màn hình cảm ứng, trị giá trên 65 triệu đồng/máy.

Thông tin tham khảo
 


Kiên Giang triển khai dự án gắn thiết bị vệ tinh cho tàu cá

Sơ lược
 

Từ tháng 2. 2013, tỉnh Kiên Giang bắt đầu triển khai dự án gắn thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá đánh bắt xa bờ tại địa phương.

Chi tiết
 

Đây là hoạt động nằm trong dự án lắp đặt, trang bị miễn phí 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam. Do Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh bắt lớn nhất nước (tổng số 12.500 chiếc, trong đó có 4.000 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ), nên Kiên Giang có 400 tàu cá được hỗ trợ lắp đặt MOVIMAR.

Để được hỗ trợ lắp đặt MOVIMAR, các tàu cá phải có công suất máy chính 90CV trở lên, được tổ chức thành tổ, đội, được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản thuộc các nghề: Câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác.

Thông tin tham khảo
 


Tiền Giang lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 42 tàu cá

Sơ lược
 

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 42 tàu cá của địa phương.

Chi tiết
 

Trong số những tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh, có 26 tàu cá của ngư dân huyện Gò Công Đông, 11 tàu cá và 1 tàu kiểm ngư của thành phố Mỹ Tho và 4 tàu cá của thị xã Gò Công.

Đây là chương trình nằm trong dự án Movimar (dự án hợp tác giữa Việt Nam và Pháp) thực hiện từ năm 2011-2013. Dự án xây dựng Trung tâm tích hợp thông tin (hệ thống THEMIS) đặt tại Hà Nội, xây dựng 1 trung tâm giám sát phía Bắc ở Hải Phòng và 1 trung tâm giám sát phía Nam ở Bà Rịa- Vũng Tàu để trang bị 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá thuộc 28 tỉnh, thành ven biển.

Tại Tiền Giang, dự án sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 88 tàu cá.

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt