<
Trang chủ » Tri Thức Việt
Từ khóa Toàn văn
Dầu khí Việt Nam
Trạm ứng phó sự cố tràn dầu Vân Phong

Sơ lược
 

Sáng 20.10.2011, tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Xí nghiệp Liên hợp Sông Thu (Bộ Quốc phòng) đã khai trương Trạm ứng phó sự số tràn dầu (UPSCTD) Vân Phong.

Chi tiết
 

Trạm UPSCTD Vân Phong trực thuộc Trung tâm UPSCTD miền Trung, có tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, trạm có chức năng ứng phó với sự cố tràn dầu tại khu vực biển miền Trung.

Sau khi đi vào hoạt động, trạm UPSCTD Vân Phong có khả năng ứng phó với mọi trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với môi trường và sinh hoạt của người dân sống tại khu vực dầu tràn.

Ngoài ra, trạm UPSCTD Vân Phong có thể lập phương án và kế hoạch phòng ngừa sự cố tràn dầu tại các vùng nhạy cảm; tham gia đánh giá sự cố tràn dầu, cứu hộ, lai dắt tàu bị nạn, cảnh giới sự cố tại các cảng, khu vực chuyển tải dầu..

Thông tin mở rộng
 

Trạm UPSCTD Vân Phong là cơ sở thứ 3 của Trung tâm UPSCTD miền Trung (hai trạm còn lại được đặt tại Đà NẵngDung Quất) sử dụng tàu đa năng UPSCTD 3.500 mã lực có thể hoạt động liên tục 30 ngày trong điều kiện thời tiết phức tạp, thu gom dầu kiểu tự động và bán tự động, tác nghiệp độc lập và phối hợp.

Với hệ thống phao quây, phao thấm hút, thiết bị thu gom, làm sạch đường bờ, lò đốt xử lý cặn dầu… Trung tâm UPSCTD miền Trung có khả năng UPSCTD cấp 2 (từ 100-2.000 tấn dầu tràn).

Thông tin tham khảo
 


Sản phẩm dầu Việt Nam đầu tiên từ Dung Quất

Tối 22.2.2009, tại khu bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD), nằm trên địa phận xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra lễ đón dòng sản phẩm dầu thương phẩm đầu tiên của Việt Nam.

 

 

NMLD Dung Quất Nằm trên địa bàn 2 xã Bình Trị, Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có tổng diện tích hơn 800 ha (cả mặt đất và mặt biển), gồm 14 phân xưởng công nghệ; hơn 30 hạng mục, hệ thống, phân xưởng phụ trợ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên những mẫu sản phẩm dầu thương phẩm đầu tiên. Ảnh: TTXVN

Với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD, khi đưa vào vận hành với 100% công suất thiết kế, NMLD Dung Quất sẽ đáp ứng hơn 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước

Theo kế hoạch năm 2009, nhà máy sẽ được vận hành nâng dần công suất để đến tháng 8.2009 đạt 100% công suất thiết kế. Theo công suất thiết kế hiện nay, mỗi tháng, nhà máy sẽ sản xuất được gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diesel, khoảng 23.000 tấn khí hóa lỏng (LPG) và các sản phẩm khác như Propylene (trên 8.000 tấn), xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu FO (khoảng 25.000 tấn). Dự kiến, trong năm 2009, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại.

 

Khi đi vào vận hành 100% công suất, mỗi ngày, NMLD Dung Quất sẽ xuất ra thị trường 8 loại sản phẩm gồm: propylene (320-460 tấn), khí hóa lỏng (gas) LPG (900-1.000 tấn), xăng A90 (2.900-5.100 tấn), xăng A92-A95 (2.600-2.700 tấn), nhiên liệu cho động cơ phản lực và xăng máy bay (650-1.250 tấn), dầu diesel cho ôtô (7.000-9.000 tấn) và dầu đốt lò FO (1.000-1.100 tấn).

Những dấu mốc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

  • Tháng 5.2005, hợp đồng chính xây dựng NMLD Dung Quất đã được ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip.

  • Tháng 5.2008, NMLD Dung Quất bắt đầu chạy thử.

  •  Tháng 2.2009, NMLD Dung Quất chính thức đưa vào vận hành.

  •  Ngày 22.2.2009, dòng sản phẩm đầu tiên của NMLD Dung Quất được đưa ra thị trường.

 

Tham khảo

Đón dòng dầu thương phẩm đầu tiên – Báo Lao Động ngày  23.2.2009.

Xăng dầu của VN đã ra lò – Báo Người Lao Động ngày  23.2.2009.

Ra mắt sản phẩm dầu “made in Việt Nam” – Báo Tuổi Trẻ ngày  23.2.2009.

Dung Quất - Quảng Ngãi: Ngày vui nhất từ sau giải phóng – Báo Tiền Phong ngày  23.2.2009.


Khai thác mỏ dầu Nam Rồng - Đồi Mồi

Sơ lược
 

Ngày 5/3/2010, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và công ty liên doanh điều hành Việt - Nga - Nhật (VRJ) đã tổ chức lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi.

Chi tiết
 

Ngày 26/1/2010, dòng dầu công nghiệp đầu tiên đã được khai thác từ mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi và ngày 5/3/2010, là lễ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi.

Hiện nay, với 4 giếng khoan, sản lượng hằng ngày của mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi đạt 700 tấn. Dự kiến trong tháng 3/2010, 100.000 thùng của lô dầu đầu tiên tại mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi (là quyền lợi phần mỏ lô 09-3) sẽ được xuất bán cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Mỏ Nam Rồng-Đồi Mồi nằm giữa ranh giới lô 09-1 và 09-3 thuộc vùng hoạt động của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và VRJ (lô 09-1 của Vietsovpetro gồm mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng và lô 09-3 của VRJ).

Thông tin mở rộng
 

Năm 2004, trong đá móng từ giếng khoan thăm dò DM-1X do VRJ thực hiện đã  phát hiện có dầu tại mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi.

Sau khi phát hiện dầu, các bên tham gia hợp đồng gồm: Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (đại diện cho phần góp vốn của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam), Công ty Cổ phần Zarubezhneft – Nga và Công ty TNHH Idemitsu Cửu Long – Nhật Bản, đã triển khai tìm kiếm thăm dò thẩm lượng tiềm năng.

Mỏ Nam Rồng lô 09-1 được Vietsovpetro phát hiện năm 2005. Mỏ Đồi Mồi- lô 0-93 được VRJ phát hiện năm 2006.

Theo Vietsovpetro, công trình Nam Rồng-Đồi Mồi đạt tốc độ xây dựng nhanh nhất trong lịch sử xây dựng công trình dầu khí biển trên thềm lục địa Việt Nam. Toàn bộ quá trình thăm dò, đàm phán hợp nhất mỏ, khai thác chung, điều hành chung, xây dựng các công trình biển, gọi dòng các giếng khoan và đưa vào khai thác được thực hiện trong thời gian 3 năm (2007-2009).

Tháng 1/2008, tổ hợp các phía tham gia lô 09-3 đã triển khai lập dự án thiết kế chế tạo, lắp đặt, khai thác sớm.

Ngày 26/1/2010 dòng dầu công nghiệp đầu tiên đã được khai thác từ mỏ Nam Rồng Đồi Mồi.

Ngày 9/6/2009, Vietsovpetro và VRJ đã ký thỏa thuận hợp nhất mỏ và thỏa thuận điều hành chung mỏ Nam Rồng-Đồi Mồi theo cơ cấu góp vốn 50%-50%. Vietsovpetro và VRJ đã đầu tư hơn 342 triệu USD để khoan, hoàn thiện 10 giếng khai thác và xây dựng, lắp đặt các giàn khoan, hệ thống đường ống ngầm, hệ thống công nghệ thượng tầng.

Ngày 29/12/2009, Vietsovpetro đã tiến hành gọi dòng thành công và nhận dòng dầu đầu tiên từ giếng khoan Đồi Mồi 2 (mỏ hợp nhất Nam Rồng-Đồi Mồi). Giếng khoan cho dòng dầu tự phun với lưu lượng cao 525 tấn/ngày (3.940 thùng/ngày) ở côn 21 mm.

Đây là dòng dầu đầu tiên khai thác từ mỏ Nam Rồng-Đồi Mồi, là mỏ được hợp nhất và khai thác chung giữa các nhà thầu dầu khí lô 09-1 (Petrovietnam và Zarubeznheft) và lô 09-3 (Zarubeznheft - Công ty thăm dò khai thác - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và công ty Idemitsu).

Theo kế hoạch, trong tháng 12/2009 và tháng 1/2010, ngoài giếng khoan Đồi Mồi- 2X, Vietsovpetro sẽ hoàn tất việc đưa vào khai thác 3 giếng khoan thuộc khu vực khai thác chung gồm giàn khoan Đồi Mồi- 3X (giàn nhẹ RC-Đồi Mồi) và GK Rồng 20, Rồng 25 (giàn nhẹ RC-4).

Cũng trong ngày 5/3/2010, Vietsovpetro đã khởi công xây lắp công trình giàn nén khí Rồng-Đồi Mồi với tổng mức đầu tư 149,6 triệu USD.

Giàn nén khí Rồng-Đồi Mồi là một phần của dự án đầu tư xây dựng công trình thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng và Đồi Mồi, do Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.

Giàn nén khí Rồng-Đồi Mồi có 2 hạng mục chính gồm phần chân đế và khối thượng tầng với tổng trọng lượng 2.860 tấn. Giàn có hai tổ hợp máy nén khí cao áp với tổng lưu lượng nén 900.000 m3/ngày nhằm thu gòm toàn bộ lượng khí đồng hành và gaslift khai thác từ mỏ Rồng và Đồi Mồi để nâng cao sản lượng khi cung cấp về bờ.

Theo kế hoạch, đến tháng 8/2010 sẽ hoàn thành việc chế tạo chân đế và khối thượng tầng để đưa ra lắp đặt ngoài biển và dự kiến đến tháng 12/ 2010 sẽ đưa vào hoạt động.

Thông tin tham khảo
 


Dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong

Sơ lược
 

Ngày 29.5.2011, tại thành phố Nha Trang, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong cho Công ty cổ phần dầu khí Sao Mai-Bến Đình.

Chi tiết
 

Dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong được xây dựng trên diện tích 350 ha tại khu vực hòn Khói, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Tổng mức đầu tư của dự án là 25.772 tỷ đồng (tương đương 1,29 tỷ USD), mục đích của dự án là phục vụ hậu cần cho ngành khai thác và chế biến dầu khí.

Dự án có 4 phân khu chính gồm khu cảng, căn cứ dịch vụ dầu khí; khu đóng mới giàn khoan và phương tiện nổi; khu kho cảng đầu mối xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất cho ngành dầu khí, khu văn phòng và dịch vụ văn phòng.

Dự án đựa chia thành 3 giai đoạn, trong giai đoạn khởi động từ năm 2011 – 2012 được đầu tư 2.870 tỷ đồng; giai đoạn 1 (2012- 2014) đầu tư 9.915 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2014-2017, đầu tư 12.987 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động.

Thông tin mở rộng
 

Dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong sau khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các căn cứ dầu khí phía Nam hiện đã quá tải; phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam; góp phần thực hiện chiến lược ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, chiến lược Năng lượng của quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050.

Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Khánh Hoà, dự án sẽ là động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Thông tin tham khảo
 


Xây dựng Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Dầu khí Việt Nam

Sơ lược
 

Ngày 16.7.2011, tại Khu công nghệ cao, quận 9. thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam.

Chi tiết
 

Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Dầu khí có quy mô diện tích 41.407m2, bao gồm các hạng mục nhà văn phòng – nghiên cứu, Trung tâm phân tích thí nghiệm, Xưởng sản xuất thực nghiệm, Kho gia công mẫu, Kho mẫu giếng khoan, Khu xử lý nước thải sơ bộ và các công trình phụ trợ khác..với tổng mức đầu tư 1.115 tỷ đồng.

Mục tiêu của công trình là tăng tỷ lệ chủ động nghiên cứu, phân tích mẫu trong nước lên 90%, công trình sẽ thực hiện hợp đồng theo hình thức chìa khóa trao tay, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành sau 24 tháng.

Thông tin mở rộng
 

Viện Dầu khí là đơn vị nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ duy nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trung tâm phân tích thí nghiệm là một trong 7 trung tâm chuyên ngành của viện (gồm các trung tâm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, ứng dụng và chuyển giao công nghệ).

Các công trình nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ dầu khí của Viện Dầu khí Việt Nam nhằm phục vụ việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, phân phối và sử dụng tài nguyên dầu khí an toàn, hợp lý, hiệu quả và giảm thiểu tác hại đến môi trường.

Thông tin tham khảo
 


Phát hiện mỏ dầu Mèo Trắng

Sơ lược
 

Sáng 23.8.2011, giếng khoan thăm dò dầu khí MT-1X tại cấu tạo Mèo Trắng của Vietsovpetro đã cho dòng dầu tự phun với lưu lượng 250m³/ngày (1.750 thùng/ngày) từ độ sâu khoảng 3.350m ở tầng Mioxen.

Chi tiết
 

Mèo Trắng là cấu tạo độc lập trong lô 09-1, nằm ở phía Tây Nam mỏ Bạch Hổ, thuộc vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo dự kiến, mỏ Mèo Trắng sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2012, Vietsovpetro sẽ xây dựng một giàn đầu giếng kết nối với hệ thống công nghệ sẵn có của mỏ Bạch Hổ.

Vietsovpetro cũng dự kiến sẽ khoan thêm giếng thẩm lượng MT-2X nhằm đánh giá toàn diện hơn trữ lượng dầu khí để xây dựng sơ đồ công nghệ khai thác.

Ông Trần Văn Hồi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách địa chất của Vietsovpetro cho biết, Mèo Trắng là một mỏ dầu mới có trữ lượng công nghiệp.

Thông tin mở rộng
 

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, Mèo Trắng là mỏ dầu thứ 2 Vietsovpetro phát hiện được sau mỏ Gấu Trắng.

Thông tin tham khảo
 


Hạ thuỷ chân đế giàn khoan Mộc Tinh 1

Sơ lược
 

Ngày 27.8.2011, tại Vũng Tàu đã diễn ra lễ hạ thủy khối chân đế giàn Mộc Tinh 1 của dự án Biển Đông 1.

Chi tiết
 

Chân đế Mộc Tinh do Công ty điều hành dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) làm chủ đầu tư, Liên doanh Việt- Nga là Tổng thầu và Công ty Cổ phần kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC- MS) là nhà thầu thi công, chế tạo.

Được khởi công xây dựng từ tháng 6.2010, sau 14 tháng thi công, công trình chân đế Mộc Tinh đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Công trình chân đế Mộc Tinh có chiều cao 136m, tổng trọng lượng hơn 11.000 tấn.

Thông tin mở rộng
 

Sau khi hạ thủy chân đế Mộc Tinh, dự kiến trong tháng 9, chân đế Mộc Tinh sẽ được đưa ra khơi lắp đặt và khối thượng tầng giàn khoan Mộc Tinh cũng sẽ được hạ thủy để đưa ra khơi tổ hợp hoàn thiện giàn khoan Mộc Tinh.

Thông tin tham khảo
 


Dầu khí Việt Nam ký hợp đồng xây dựng khai thác tại Algeria

Sơ lược
 

Ngày 27.8.2011, tại Algeria, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) cùng với 2 đối tác châu Á đã ký với Công ty dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) hợp đồng xây lắp dầu khí trị giá 451,3 triệu USD tại mỏ Bir Seba, miền Nam Algeria.

Chi tiết
 

Hợp đồng EPC-1 có giá trị 451 triệu USD và thời hạn thực hiện là 31 tháng nhằm xây dựng hệ thống thiết bị phát triển khai thác mỏ Bir Seba bao gồm: hệ thống xử lý dầu khí với công suất 20.000 thùng/ngày; hệ thống xử lý, nén xuất khí với công suất 1 triệu m³/ngày; 2 đường ống xuất dầu và khí 12" có chiều dài 130 km; hệ thống phát điện 2 x 20 MW và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Mỏ Bir Seba thuộc các lô 433a&416b Touggourt, nước Cộng hòa Algeria. Đây là dự án thăm dò khai thác dầu khí đầu tiên tại nước ngoài do PVEP triển khai với tư cách là Nhà điều hành.

Từ tháng 2.2009, Sonatrach, PVEP và PTTEP đã thành lập Liên doanh điều hành chung Groupement Bir Seba để triển khai công tác phát triển mỏ.

Thông tin mở rộng
 

Trong thời gian 31 tháng, PVEP và các đối tác sẽ xây dựng ở mỏ Bir Seba một trung tâm xử lý dầu công suất 20.000 thùng/ngày; một nhà máy nén và chuyển khí đốt đến thành phố Hassi Messaoud công suất một triệu m3/ngày; hai đường ống dẫn dầu, mỗi ống dài 130 km để đưa dầu từ mỏ Bir Seba về Hassi Messaoud, một nhà máy tách nước và một nhà máy điện.

Theo dự kiến, trong giai đoạn hai, sản lượng dầu khai thác tại mỏ Bir Seba sẽ đạt 20.000 thùng/ngày (năm 2014) và đến năm 2016 sẽ đạt 36.000-40.000 thùng/ngày.

Thông tin tham khảo
 


Hạ thuỷ tàu chở dầu thô lớn nhất do Việt Nam sản xuất

Sơ lược
 

Sáng 6.11.2011, tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã hạ thủy tàu chở dầu thô 104.000DWT, với kinh phí trên 60 triệu USD.

Chi tiết
 

Đây là chiếc tàu chở dầu thô có trọng tải lớn nhất, hiện đại nhất mà Việt Nam sản xuất; được cơ quan đăng kiểm quốc tế VR, ABS công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tàu có chiều dài 245m, chiều rộng mặt boong 43m, chiều cao mạn 20m. Sau khi hạ thủy, đến tháng 3.2012, tàu sẽ được bàn giao cho chủ tàu là Tổng công ty Cổ phần vận tải dầu khí (PVTrans) vận chuyển nguyên liệu phục vụ chế biến lọc – hoá dầu.

Thông tin mở rộng
 

DQS sẽ đóng tàu có trọng tải lớn hơn

Dự kiến đến cuối năm 2012, DQS sẽ hoàn tất tàu chở dầu trọng tải 105.000DWT, còn hiện nay, DQS đang hợp tác với IHI Marine United để đóng mới tàu có trọng tải 56.000 DWT.

Ngoài chiếc tàu trọng tải hơn 100.000 tấn vừa hạ thuỷ, từ đầu năm 2011 đến nay, DQS đã bàn giao nhiều sản phẩm cho khách hàng như: sà lan VSP 05, tàu Ba Vì, Eagle, Sao Mai 1, Sao Mai 3, Hoàng Sa, Côn Sơn...tạo việc làm cho hơn 1.800 lao động.

Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất

Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất được thành lập vào tháng 2.2006, ban đầu, công ty thuộc Vinashin, kể từ tháng 7.2010, công ty được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thông tin tham khảo
 


Khánh thành bãi cảng thiết bị dầu khí

Sơ lược
 

Chiều 1.12.2011, tại khu căn cứ dịch vụ hàng hải Sao Mai - Bến Đình, thành phố Vũng Tàu đã diễn ra lễ khánh thành công trình bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí giai đoạn 1.

Chi tiết
 

Công trình bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí có diện tích 23 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một có tổng mức đầu tư 697 tỷ đồng với diện tích 9,5ha. Khu vực cầu cảng có chiều dài tuyến bến 246m, có khả năng hạ thủy các kết cấu siêu trường siêu trọng, trọng tải khoảng 10.000 tấn. Bãi cảng có có diện tích 8 ha, công năng sản xuất 10.000 tấn kết cấu/năm, nền bãi có khả năng chịu tải 35 tấn/m2...

Trong bãi cảng có xưởng chế tạo thiết bị chống ăn mòn; kho ngoại quan; nhà xưởng chế tạo, sản xuất các sản phẩm truyền thống như các khối chân đế, khối thượng tầng của giàn khoan biển và hỗ trợ cho các dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước.

Thông tin tham khảo
 


Ra mắt tập đoàn xăng dầu và nhận diện thương hiệu mới

Sơ lược
 

Ngày 12.1.2012, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt và công bố hệ thống nhận diện mới của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Chi tiết
 

Thực hiện Quyết định số 828/QÐ-TTg ngày 31.5.2011 của Chính phủ về việc cổ phần hóa và cơ cấu lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam để hình thành Tập đoàn xăng dầu đa sở hữu. Căn cứ theo Nghị quyết số 01/2011/NQ-ÐHÐCÐ ngày 20.11.2011 của Ðại hội đồng cổ đông thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, kể từ ngày 1.12.2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần và các quy định pháp luật có liên quan, kế thừa các quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam theo các quy định của pháp luật.

Thông tin mở rộng
 

Tại buổi ra mắt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng công bố quyết định áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex trong toàn hệ thống, từ công ty mẹ (tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đến các công ty con (đơn vị thành viên Petrolimex tại Việt Nam và tại nước ngoài).

Nhãn hiệu Petrolimex do tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là chủ sở hữu, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu Petrolimex được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Thông tin tham khảo
 


Xây dựng dự án hóa dầu Long Sơn

Sơ lược
 

Ngày 12.2.2012, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết, SCG, QPI, PetroVietnam (PVN) và Vinachem đã ký hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư xây dựng dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn với trị giá 4,5 tỷ USD.

Chi tiết
 

Theo nội dung hợp đồng, SCG sẽ nắm giữ 28% số cổ phần của dự án, công ty TNHH nhựa và hóa chất Thái Lan (TPC) sở hữu 18%. Số cổ phần còn lại thuộc về các đối tác gồm: QPI VN (trực thuộc Qatar Petroleum International), PetroVietnam và Vinachem.

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn có khả năng sản xuất 1,4 triệu tấn olefin từ các nguyên liệu như êthan, prôban, napta. Ngoài ra, dự án hóa dầu Long Sơn có các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện...

Thông tin mở rộng
 

Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ 3 tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, tổ hợp được đặt tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông tin tham khảo
 


Hạ thủy thành công chân đế Hải Thạch

Sơ lược
 

Ngày 2.5.2012, tại cảng Vietsovpetro, Xí nghiệp Xây Lắp Khảo sát và Sửa chữa Công trình Khai thác Dầu khí đã hạ thủy thành công chân đế Hải Thạch xuống sà lan tự phóng bằng phương pháp kéo trượt.

Chi tiết
 

Chân đế Hải Thạch là Biển Đông POC có chiều dài 140m, được lắp đặt tại vùng nước sâu 131m, trọng lượng 7.500 tấn.

Chân đế Hải Thạch được đội ngũ nhân công người Việt Nam thuộc Xí nghiệp Xây Lắp Khảo sát và Sửa chữa Công trình Khai thác Dầu khí hoàn thành từ khâu thiết kế đến thi công hoàn thiện giàn khai thác nước sâu.

Thông tin mở rộng
 

Với trọng lượng 7.500 tấn, tính đến thời điểm hiện tại, chân đế Hải Thạch là chân đế lớn nhất, sâu nhất tại Việt Nam, phá vỡ kỷ lục của 2 chân đế nước sâu trước đó là chân đế Đại Hùng (4.500 tấn) và chân đế Mộc Tinh (6.500 tấn).

Dự kiến ngày 5 và ngày 7.5 sẽ hạ thủy 4.000 tấn cọc, bến cập tầu và được gia cố chuẩn bị sẵn sàng đi biển vào ngày 10.5.2012.

Thông tin tham khảo
 


Hạ thuỷ khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 mỏ Tê Giác Trắng

Sơ lược
 

Chiều 16.5.2012, tại căn cứ dịch vụ hàng hải Sao Mai - Bến Đình (thành phố Vũng Tàu) đã diễn ra lễ hạ thuỷ khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 của mỏ Tê Giác Trắng.

Chi tiết
 

Khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 thuộc giàn khai thác Sư Tử Trắng (Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long, Cửu Long JOC làm chủ đầu tư) do Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS) thiết kế, thi công với tổng vốn hơn 44,4 triệu USD.

Tổng trọng lượng kết cấu cơ khí của thượng tầng đầu giếng H4 nặng khoảng 2.000 tấn sẽ được PVC-MS vận chuyển, lắp đặt và đấu nối giàn đầu giếng này ở ngoài khơi tại vị trí lô 16.1, cách Vũng Tàu 100 km về hướng Đông Nam.

Thông tin mở rộng
 

Đến tháng 4 giàn H4 sẽ đón dòng dầu đầu tiên

Được khởi công xây dựng từ tháng 7.2011, dự kiến ngày 12.7.2012, giàn H4 sẽ đón dòng dầu đầu tiên, nâng sản lượng khai thác mỏ Tê Giác Trắng lên 55.000 thùng dầu/ngày và 35 triệu bộ khối khí/ngày.

Cửu Long JOC phát hiện nhiều mỏ dầu khí lớn

Ngoài việc thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 15.1, Cửu Long JOC là đơn vị phát hiện 4 mỏ dầu khí lớn gồm: mỏ dầu Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Nâu và mỏ khí đồng hành Sư Tử Trắng.

Thông tin tham khảo
 


Đầu tư 140 triệu USD khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam

Sơ lược
 

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) vừa ký Hợp đồng khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam cùng 5 ngân hàng.

Chi tiết
 

Tổng số tiền đầu tư cho dự án là 140 triệu USD với thời hạn vay 7 năm, các ngân hàng tham gia tài trợ cho dự án gồm: Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) là Ngân hàng đầu mối của Khoản cấp tín dụng; các ngân hàng Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tham gia cấp tín dụng hợp vốn.

Dự án trên sẽ khai thác dầu khí tại lô 15-2/01 thuộc khu vực bồn trũng Cửu Long có diện tích gần 280.000 ha, cách Vũng Tàu khoảng 20 km. Theo dự kiến, đến quý 2.2013 dự án sẽ cho dòng dầu đầu tiên từ mỏ Hải Sư Trắng.

Thông tin mở rộng
 

PVEP là đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước. Tính tới thời điểm hiện tại, PVEP đang có 44 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước và dự án ở 15 quốc gia thuộc các khu vực có tiềm năng dầu khí như Trung Đông, Bắc và Trung Phi, Mỹ La tinh, Đông Nam Á và Trung Á.

Thông tin tham khảo
 


Việt Nam khai thác dòng dầu đầu tiên tại Venezuela

Sơ lược
 

Ngày 26.9.2012, liên doanh dầu khí Petromacareo giữa Venezuela và Việt Nam đã bắt đầu khai thác dòng dầu đầu tiên từ dự án đầu tư tại Venezuela.

Chi tiết
 

Được khởi động vào năm 2006, dự án đầu tư tại Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) là khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 trong chương trình hợp tác theo Hiệp định hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Venezuela.

Từ ngày 27.9.2012, Liên doanh dầu khí Petromacareo giữa Venezuela và Việt Nam bắt đầu khai thác dầu với sản lượng ban đầu 800 thùng/ngày và sẽ tăng lên mức 40.000 thùng/ngày sau 1 năm đi vào sản xuất. Dự kiến, sản lượng của Petromacareo có thể lên tới 200.000thùng/ngày.

Thông tin mở rộng
 

Petromacareo là liên doanh dầu khí giữa PVEP và Tổng công ty Dầu mỏ Venezuela (CVP), tỷ lệ góp vốn là 40% và 60% với hợp đồng là 25 năm và có thể gia hạn tối đa thêm 15 năm. Đây là một trong những dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam tại nước ngoài.

Dự kiến đến năm 2021, Petromacareo đầu tư khoảng 3,9 tỷ USD về hạ tầng cơ sở, khoan giếng và sơ chế dầu. Đến năm 2015, Venezuela sẽ bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang Việt Nam.

Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Lô Junin 2 - Venezuela thuộc vành đai dầu Orinoco với diện tích 247,77km2, trữ lượng tại chỗ ước khoảng 36 tỷ thùng dầu.

Thông tin tham khảo
 


Đầu tư 9 tỷ USD cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Sơ lược
 

Ngày 15.1.2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã công bố thông tin chi tiết về việc đầu tư nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Chi tiết
 

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được xây dựng trên diện tích 400 ha, công suất dự kiến khoảng 10 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD.

Dự kiến đến quý 4.2016, dự án sẽ hoàn thành và đến năm 2017 đi vào vận hành. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam.

Các sản phẩm chính của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, Xăng (RON 92, 95), Dầu Diesel (cao cấp, thường), Dầu hoả/Nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công dự án phát triển mỏ Diamond tại Vũng Tàu

Sơ lược
 

Ngày 15.3.2013, công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PVC-MS) đã khởi công dự án phát triển mỏ Diamond tại thành phố Vũng Tàu.

Chi tiết
 

Dự án giàn khoan Diamond bao gồm chân đế có trọng lượng 2.350 tấn, topside trọng lượng 2.000 tấn với tổng giá trị hơn 57 triệu USD.

Dự kến đến ngày 28.2.2014 sẽ hoàn thành dự án và ngày 19.5.2014, giàn Diamond sẽ chính thức đón dòng dầu đầu tiên.

Giàn khoan Diamond được thiết vận hành tự động, được nối với các giếng đá trầm tích và bể trầm tích. Các phương tiện thiết bị của giàn được thiết kế cho tuổi thọ 10 năm cùng với tuổi thọ tuyến ống. Riêng kết cấu giàn được thiết kế với chu kỳ tuổi thọ là 15 năm.

Thông tin tham khảo
 


Đón dòng dầu đầu tiên mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh

Sơ lược
 

Ngày 7.8.2013 Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc dự án Biển Ðông 1.

Chi tiết
 

Hai mỏ khí condensate Hải Thạch và Mộc Tinh có thời gian khai thác khoảng 25 năm, công suất khai thác 25 nghìn thùng condensate và 8,5 triệu m3 khí/ngày.

Dự án Biển Đông 1 gồm các công trình giàn đầu giếng Mộc Tinh 1 có tổng khối lượng gần 10.000 tấn, giàn đầu giếng Hải Thạch 1 có khối lượng gần 10.000 tấn và giàn xử lý khối lượng gần 21.000 tấn cùng tàu chứa condensate FSO.

Sau khi mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đi vào họat động sẽ góp phần ổn định nguồn nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện khí phía Nam vì lượng khí về bờ ước khoảng 2 tỷ m3/năm, tương đương lượng khí cung cấp cho 3 nhà máy như Nhơn Trạch 2.

Thông tin tham khảo
 


Khởi công giàn khoan Tam Đảo 05

Sơ lược
 

Ngày 10.12.2013, tại thành phố Vũng Tàu, công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã khởi công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05.

Chi tiết
 

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E với công nghệ hiện đại của Mỹ, giàn khoan có tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu 120m nước và khoan sâu tới 9 km.

Tổng giá trị của gian khoan Tam Đảo 05 khoảng 200 triệu USD, dự kiến sẽ được hoàn thành trong thời gian 32 tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, Tam Đảo 05 là giàn khoan lớn nhất ở Việt Nam.

Thông tin tham khảo
 


©2023 Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt