Đèo Mã Pí Lèng thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 2.000m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Trước những năm 1960, hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không biết khái niệm “con đường”. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang có ghi: Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường được khởi công vào ngày 10/9/1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2 triệu 946 nghìn 321 lượt ngày công đục khoét trên gần 3 triệu mét khối đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, toàn bộ con đường Hạnh Phúc dài khoảng 200km này được hoàn thành vào ngày 15/6/1965.
Trong tổng thể con đường nhiều cua lắm dốc, thì thử thách gian lao nhất chính là đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng. Sách còn ghi: Qua hơn 1.000 ngày thi công, hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào dân công vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), thì 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là Đội Cơ dũng) phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi, ròng từ trên xuống, bám vào các vách đá, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công. Các thanh niên trong đội cảm tử đã đặt tại lán của mình 17 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng - với 9 khoanh uốn khúc, bên vách đá dựng đứng, bên vực thẳm hun hút, tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở ở vùng núi biên viễn phía Bắc, ngang ngửa với đèo Hoàng Liên Sơn phía Lào Cai - Lai Châu, tuy độ cao đỉnh đèo không bằng bên dãy Hoàng Liên. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô, nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo, hai xe ngược chiều rất khó tránh nhau. Cung đường Mã Pí Lèng đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông cao nguyên Đồng Văn và các dân tộc anh em kết đoàn xuôi ngược. Trên đỉnh đèo được đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc.
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Ngoài ra, đèo Mã Pí Lèng còn nằm trong quần thể công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang), được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010. Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm, trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo sơn gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun - nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất" mang tầm quốc tế.
Ngày nay, công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn cùng đường đèo Mã Pí Lèng hiểm trở, men theo sườn núi, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ này là điểm đến nổi tiếng thu hút du khách.