Cứ mỗi lần nói đến Bạc Liêu là người ta hay gắn chung với từ “công tử” và ngược lại mỗi lần nói đến công tử người ta hay ghép vào chữ “Bạc Liêu”. Không biết từ bao giờ, trong tiềm thức và trong ngôn ngữ của người Nam Bộ, cụm từ “công tử Bạc Liêu” luôn để lại một dấu ấn khó phai.
Công tử Bạc Liêu sinh ngày 22-061900 tại Bạc Liêu - mất ngày 16-01-1973 tại Sài Gòn. Ông là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Hiện nay, di tích về công tử Bạc Liêu vẫn còn được lưu giữ ở nhiều nơi trên mảnh đất Nam Bộ, nhưng tiêu biểu nhất và là minh chứng rõ nhất có lẽ là ngôi nhà gia tộc công tử ở số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Có người cho rằng, ngày xưa khi nói đến cụm từ “công tử Bạc Liêu” là nói đến khái niệm ăn chơi vô độ, nhưng dần theo thời gian, cụm từ này đã trở thành một khái niệm mỹ học, tượng trưng cho tính cách hào phóng, rộng rãi của người dân Nam Bộ. Ngày nay, khái niệm này đã trở thành một thương hiệu đắc tiền trong giới kinh doanh du lịch ở Bạc Liêu.
|
Nhà Công tử Bạc Liêu nay là khách sạn - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Công tử Bạc Liêu, tên thật là Trần Trinh Quy, con ông hội đồng Trần Trinh Trạch, là người con thứ 2 trong một gia đình có 7 anh chị em, 3 trai, 4 gái. Ông hội đồng Trạch sinh năm 1872, ở Cái Dầy, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ông là một người rất khôn lanh, biết làm ăn và gìn giữ tiền của. Ông có hàng ngàn mẫu ruộng ở Cái Dầy, hàng ngàn mẫu khác ở Vĩnh Châu, 10 sở muối, hai dãy lầu ở Bạc Liêu, một dãy lầu ở đường Gia Long, Sài Gòn cũ. Nhiều người thắc mắc không biết vì sao ông lại giàu đến như vậy. Thật ra gia sản mà ông có được là nhờ thừa kế của cha vợ và biết cách làm ăn. Cha vợ ông Trạch là bá hộ Bì, một trong những điền chủ giàu có nhất vùng. Hồi môn của ông để lại đủ cho các con ăn cả đời không hết. Thế nhưng những người con khác của ông đều không lo làm ăn, chỉ lo hút sách, bài bạc. Cuối cùng phải đem cầm cố gia tài cho vợ chồng ông Trạch. Bên cạnh đó, hội đồng Trạch còn làm giàu bằng cách chơi bài. Ông dụ dỗ những bá hộ nhỏ hơn đến nhà chơi bài, ai không đủ tiền thì ông cho tiền làm vốn để chơi. Cuối cùng tất cả họ đều thua sạch và đem tài sản, đất đai thế chấp cho ông. Hội đồng Trạch trở thành người thâu tóm đất đai tiền bạc của các bá hộ khác trong vùng.
Mặc dù giàu có như vậy, nhưng vợ ông, bà hội đồng lại không ăn được thịt, chỉ cần đụng đến là ói ra cả mật xanh. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy bà ăn cơm với cá kho quẹt hay ba khía, những món ăn dân dã của nông dân. Ông hội đồng Trạch mất năm 1942 tại Sài Gòn vì bệnh suyễn. Thi hài ông được chở bằng xe Chevollet về Bạc Liêu. Người đi đưa đám ông nhiều vô kể, họ xếp hàng dài, khúc đầu về tới Vĩnh Lợi, khúc đuôi còn loanh quanh ở Bạc Liêu. Tá điền các nơi về đưa đám được ăn nhậu la liệt thoả thích trong bảy ngày bảy đêm. Bà hội đồng mất năm 1947 tại Pháp. Thi hài bà được đặt trong quan tài bằng kính và chở về Bạc Liêu bằng máy bay riêng. Mộ của ông bà được lót bằng đá hoa cương, bệ thờ và hai sư tử chầu hai bên bằng cẩm thạch. Vật liệu xây dựng được chở qua từ Pháp. Hiện nay, khu lăng mộ này vẫn nằm sừng sững bên quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Người dân nơi đây gọi là xứ mộ Ông Lớn.
Vợ chồng ông bà hội đồng Trạch có tất cả 7 người con là: Hai Đinh, Ba Quy, Tư Huệ, Năm Thu, Sáu Đông, Bảy Dầy, Tám Bò. Riêng cậu Ba sau khi đi Tây về cảm thấy cái tên Quy quê mùa quá nên đổi thành Huy. Trong số 7 người con này, mỗi cậu Ba là được nhiều người biết đến bởi cậu ăn chơi có tiếng. Sau ba năm du học tại Pháp, cậu Ba về làng, Trần gia tổ chức tiệc mừng cậu ăn học thành tài. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và những chuyện tình với các cô gái Tây.
Ba Huy được cha giao cho cai quản điền Bàu Sàng. Cuộc sống của người nông dân ở đây là những kiếp đời nghèo hèn cơ cực trải ra trên cánh đồng ngập úng lưu niên. Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, xã hội lạc hậu ấy, Trần Trinh Huy xuất hiện một cách "rực sáng" và xa lạ: quần tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng giắt đồng hồ quả quýt Ăng lê… Ba Huy mở lễ hội, ăn chơi kéo dài, tổ chức nhiều trò chơi Ta có Tây có như: thí võ đài, các trò chơi dân gian, đặc biệt là "đấu xảo sắc đẹp" và có treo giải thưởng hẳn hoi.
Nói cho công bằng, Ba Huy là người rất rộng rãi. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt thuế ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy. Trong các mối quan hệ xã hội, Ba Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Trong con mắt giới ăn chơi thời đó, Ba Huy được coi là người "ngon" nhất Nam Bộ không phải bởi cái vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà bởi sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.
Hiện nay, đa số con cháu còn sống của gia tộc Trần Trinh đều ở nước ngoài. Trong nước chỉ còn lại một vài người như: cháu ngoại của cậu Hai đang sống tại Sài Gòn, vợ cuối của cậu Ba hiện đang làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Vũng Tàu. Con trai của cô Sáu Đông là ông Phan Kim Khánh đang sống tại Bạc Liêu. Ngôi nhà gia đình công tử Bạc Liêu hiện nay đã được chuyển thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu, do tỉnh ủy Bạc Liêu quản lý. Ngày 16-01-2009 vừa qua, ông Trần Trinh Đức - một người con của Công tử Bạc Liêu - đã về Bạc Liêu làm đám giỗ lần thứ 36 cho cha tại khách sạn này.
Theo lời kể của ông Đức, sau khi cha mất 2 năm, gia đình ông bán hết của cải, tài sản và căn nhà số 26/6 đường Nhất Linh (nay thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) để trả nợ. Kể từ đó, anh em, con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ, người trụ lại Sài Gòn, người ra Vũng Tàu, người về quê Bạc Liêu, Cà Mau... kiếm sống. Riêng ông Đức thì xin ở đậu nhà ông già vợ trong một con hẻm nhỏ thuộc quận Gò Vấp. Cuộc đời Ông Đức trải qua nhiều lận đận, vất vả. Năm 1995, ông mua căn nhà nhỏ tại chợ An Đông, để vừa ở vừa buôn bán quần áo. Gia cảnh của ông Đức trở nên cùng cực khi con gái út của ông bị người yêu gạt cả tình lẫn tiền. Kể từ đó cô út suy sụp rồi mắc bệnh tâm thần cho đến nay. Năm 1997, ông Đức phải bán nhà lần nữa để trả nợ cho con, gia đình ông lại lâm vào cảnh trắng tay. Năm 1998 ông cùng vợ con sang tận Campuchia để tìm kế mưu sinh nhưng cũng không đủ sống, ông lại đưa vợ con trở về Việt Nam sống tá túc nhà mẹ vợ một thời gian dài. Từ đó, ông sống bằng nghề chạy xe ôm. Con trai ông là Trần Kinh Bảo (34 tuổi) cũng chạy xe ôm để phụ giúp gia đình. Năm 2009, ông Đức đưa gia đình về Bạc Liêu, làm đơn xin Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp nhà để ở và ổn định cuộc sống. Theo ông không có mảnh đất nào êm đềm bằng quê cha, đất tổ - nơi ấy có bạn bè, có những người đồng hương tốt, và trên hết thảy là có mồ mả ông bà...
- Công tử Bạc Liêu học võ… Xiêm: Công tử Bạc Liêu rất mê võ thuật. Vào nửa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: học võ để nâng cao cái khí phác thượng võ của kẻ anh hào. Công tử Bạc Liêu không học võ Tây hay võ Ta mà họ võ Xiêm (Thái Lan). Cậu đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò (em út của cậu).
- Công tử Bạc Liêu thăm ruộng bằng máy bay: Trần Trinh Huy đi thăm ruộng bằng máy bay khi mà cả nước Việt Nam lúc đó chỉ có hai người sở hữu máy bay là Ba Huy và vua Bảo Đại. Sự kiện này đã làm chấn động Nam kỳ Lục tỉnh lúc bấy giờ. Ba Huy từng nói rằng: “Moa sắm máy bay đi thăm ruộng còn ích hơn Bảo Đại sắm máy bay lên Ban Mê Thuột chơi bời”. Cậu Ba có cả một sân bay hẳn hoi ở Nhà Tro, Vĩnh Châu. Ngoài máy bay, cậu còn có cả chiếc canô có thể lướt trên cỏ, trên mặt sình. Cậu đi thăm ruộng bằng chiếc xe hơi Chevollet kéo theo canô phía sau.
- Thích "xài" đồ Tây: Trong nhà Công tử Bạc Liêu có thuê hẳn một đội ngũ giúp việc người Tây bao gồm thợ nấu ăn, vũ công, thư ký. Có người cho rằng, không phải cậu ham mê gì mấy cái của Tây nhưng cậu thích là ở chỗ được sai khiến họ.
- Chuyện ăn chơi: Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn ăn chơi là Ba Huy ngồi trên một chiếc xe hơi cáu cạnh, có tài xế lái. Lưng túi bao giờ cũng đầy ắp giấy bạc bộ lư, bạc con công… Thói quen của Công tử Bạc Liêu khi đi Sài Gòn là ít khi ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào những khách sạn nổi tiếng hạng sang ở Sài Gòn. Một trong những khách sạn cậu Ba hay ghé là khách sạn Majestic trên đường Đồng Khởi ngày nay. Tiếp sau đó là những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra. Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh và nhảy đầm hoặc rủ nhau đi Đà lạt, đi Cấp… Buồn nữa thì Ba Huy đánh bài, cái máu mê cờ bạc của Ba Huy cũng khá đậm đặc, dám đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng/giạ, lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng.
Người ta kể rằng cậu Ba và công tử Phước cùng say mê nhan sắc của cô Ba Trà (Hoa khôi Nam kỳ). Phước người Mỹ Tho, con ông Đốc phủ Sảng, ăn chơi cũng chẳng kém gì Ba Huy. Để phân biệt, người ta gọi Công tử Bạc Liêu là Hắc Công tử còn Công tử Mỹ Tho là Bạch Công tử. Phước có máu mê cải lương, từng du học Pháp về ngành sân khấu. Năm 1928, 1929, Bạch Công tử lập hai gánh cải lương là Phước Cương và Huỳnh Kỳ, mời hai cô đào tài sắc thời đó là cô Năm Phỉ và cô Bảy Phùng Há về thủ vai chính cho hai đoàn. Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ có cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu diễn, Bạch Công tử mời Hắc Công tử đi xem. Đang xem, Bạch Công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công (giấy 5 đồng thời đó). Bạch Công tử gạt chân Hắc Công tử kiếm. Hắc Công tử thấy vậy hỏi:
- Toa kiếm gì vậy?
- Kiếm tờ con công .
Hắc Công tử mỉm cười nói:
- Để moa đốt đuốc cho toa kiếm.
Nói rồi Hắc Công tử móc tờ giấy bạc bộ lư (giấy 100 đồng) châm lửa soi cho Bạch Công tử kiếm. Bị một vố quá mạng, vãn tuồng, Bạch Công tử mới nói:
- Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền ... nấu, ai sôi trước người ấy thắng?
Hắc Công tử há chịu thua. Tối hôm sau, Hắc Công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà, cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của Bạch Công tử. Hai nồi đậu xanh được nhắc lên bếp, hai chàng công tử lấy tiền ra ...đốt. Nồi đậu xanh của Bạch Công tử hôm đó sôi trước. Hắc Công tử thua cuộc, nhưng ông cho rằng mình thua trong danh dự.
Những giai thoại như đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè, đốt tiền nấu trứng.....đã tồn tại song hành với danh hiệu Công tử Bạc Liêu 6 - 7 thập niên qua, minh chứng cho thói ăn chơi quăng tiền qua cửa sổ của vị công tử này. Sự thật về những chuyện này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Cuộc đời Công tử Bạc Liêu có rất nhiều người đàn bà. Nhưng ông là người quân tử, ở với ai có con ông cũng nhìn nhận và cho nhà cửa đàng hoàng chớ không chối bỏ trách nhiệm. Thời gian du học bên Pháp, ông có ăn ở với một phụ nữ Pháp, và cũng có con với người này. Về nước, Ba Huy được gia đình cưới vợ, đây là bà vợ chính thức của ông. Bà này tên Ngô Thị Đen, ở với Ba Huy sinh được một người con gái là cô hai Lưỡng. Sau, cô hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Ông lấy một bà nữa - tên là Nguyễn Thị Hai, sinh được 3 người con, đặt tên là: Nghĩa, Nhơn, Đức.
Bà cuối cùng mà người ta biết là một "hoa khôi chân đất" tên là Bùi Thị Ba, làm nghề gánh nước mướn. Bà này rất đẹp, nhỏ hơn cậu Ba ... 50 tuổi. Chuyện kể rằng: khoảng năm 1968, cậu Ba dọn về căn phố đưòng Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống thấy có cô gái gánh nước rất xinh đẹp, cậu ba đem lòng "cảm". Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Cậu ba tìm đến xin "đổi" căn nhà đang ở lấy cô gái. Từ đó người đẹp gánh nước mướn trở thành "phu nhân" của Hắc Công tử, thủy chung đến ngày ông nhắm mắt. Hai người có với nhau hai cậu con trai là Hoàn và Toàn, hai cô con gái là Trinh và Nữ.
|
Bên ngoài khách sạn là quán cà phê - Ảnh: Hoàng Chí Hùng |
Ngôi nhà của gia tộc Công tử Bạc Liêu tọa lạc bên bờ sông Bạc Liêu, thuộc số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng năm 1919. Nhà có tất cả 2 tầng. Tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Chính giữa là cầu thang lên lầu trên gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ở hướng Đông Bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất không chỉ ở Bạc Liêu mà cả lục tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua, căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó.
Năm 2003, Công ty Du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà nhà làm nhà hàng khách sạn. Hiện nay Nhà hàng - khách sạn Công tử Bạc Liêu được thiết kế 10 phòng nghỉ. Phòng công tử từng ở trước đây có giá gấp đôi các phòng khác. "Phòng công tử" có 1 giường đôi, ti vi, máy lạnh, 1 bàn viết, 1 tủ áo và toilet khá rộng kế bên. Điểm độc đáo duy nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Phòng công tử Bạc Liêu luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Họ muốn được trải qua một đêm thú vị tại nơi mà vị công tử lừng danh từng trú ngụ. Du khách muốn qua đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước từ 7 - 10 ngày.
Nhà hàng - Khách sạn Công tử Bạc Liêu hiện nay được rất nhiều người dân Bạc Liêu nhất là những đôi uyên ương chọn làm tiệc cưới. Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau mà vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều, cách bày trí cũng không còn giống như xưa, nhưng với những gì còn sót lại và được bảo quản như hiện nay cũng đủ nói lên được sự giàu có của gia tộc Công tử Bạc Liêu nổi tiếng một thời.