Bảo tàng Việt Nam
Đăk Lăk khánh thành bảo tàng lớn nhất khu vực Tây Nguyên
Ngày 21.11.2011, tại số 12 Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đã diễn ra lễ khánh thành bảo tàng tỉnh Đăk Lăk, bảo tàng có quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay.
Bảo tàng Đăk Lăk được xây dựng trên diện tích 9.000m2, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, bảo tàng được mô phỏng kiểu dáng ngôi nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê có chiều dài 130m, rộng gần 65m.
Bảo tàng hiện có gần 1.000 hiện vật, phim và hình ảnh tư liệu được trưng bày trên diện tích 1.700 m2, chia thành 3 chủ đề gồm: đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử.
Bảo tàng Đăk Lăk cũng là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, Ê Đê, Pháp, Anh trong trưng bày hiện vật.
Khai trương bảo tàng Đồng Đình
Ngày 28.1.2011, tại suối Bụt, đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai trương bảo tàng Đồng Đình, bảo tàng tư nhân đầu tiên tại khu vực miền Trung.
Bảo tàng Đồng Đình có diện tích gần 10.000 m2 toạ lạc tại khu vực thượng lưu suối Bụt, bán đảo Sơn Trà.
Bảo tàng là khu nhà vườn được thiết kế thành một quần thể kiến trúc hài hòa với thiên nhiên. Trong 2 ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100-2.500 năm. Những hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chămpa, Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực.
Trong số những hiện vật tại bảo tàng Đồng Đình, có một số tiêu bản quý lần đầu được trưng bày ở Việt Nam như chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ 16 triều nhà Mạc và 1 Kosa Linga bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu.
Ngoài 2 ngôi nhà rường, bảo tàng Đồng Đình còn có 1 ngôi nhà có kiến trúc hiện đại trưng bày các tác phẩm tranh tượng nghệ thuật hiện đại cùng các hiện vật được sưu tầm từ các buôn làng dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên.
Bảo tàng Đồng Đình được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt từ ngày 19.6.2003, đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng ở khu vực miền Trung.
Sau 8 năm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sưu tập bổ sung các hiện vật (được chủ dự án sưu tầm từ hơn 3 thập kỷ), bảo tàng Đồng Đình trở thành địa chỉ văn hoá, một điểm đến của du khánh khi tới Đà Nẵng.
Thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ngày 26.9.2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1674/QĐ-TTg về việc hành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đặt tại thành phố Hà Nội có tên giao dịch bằng tiếng Anh là Vietnam National Museum of History.
Bảo tàng có quy mô khoảng 10 ha, là tổ hợp kiến trúc gồm: Tòa nhà chính của Bảo tàng; Không gian “Khám phá-Sáng tạo” và trưng bày dành cho tuổi trẻ; Khu tưởng niệm danh nhân nằm trong tổng thể sân, cây xanh và khu trưng bày ngoài trời.
Dự kiến khu trưng bày của bảo tàng có diện tích khoảng 33.000m2 sẽ giới thiệu quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử cho tới nay.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng Lịch sử Việt Nam có diện tích trưng bày hơn 2.200 m2 với gần 7.000 tư liệu, hiện vật; hơn 100.000 tiêu bản hiện vật. Những hiện vật được trưng bày gồm nhiều chất liệu như: hiện vật thuộc các nền văn hóa Núi Đọ, Hòa Bình - Bắc Sơn, văn hóa Đông Sơn, sưu tập gốm men cổ Việt Nam... Còn bảo tàng Cách mạng Việt Nam có tổng diện tích trên 2.000 m2 với hơn 80.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu văn bản… có giá trị lịch sử.
Thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam
Ngày 8.11.2011, bảo tàng Văn học Việt Nam, trực thuộc hội Nhà văn Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo tàng Văn học Việt Nam có trụ sở tại Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Chức năng của bảo tàng Văn học Việt Nam là sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa trong quá trình hình thành, phát triển của nền văn học Việt Nam, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Ngoài ra, bảo tàng Văn học Việt Nam còn có nhiệm vụ thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực hoạt động bảo tàng văn học theo quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan bảo tàng.
Các hiện vật văn học (gồm tác phẩm của nhà văn, đời sống của nhà văn và quan hệ xã hội của nhà văn) trưng bày trong bảo tàng Văn học Việt Nam được chia thành các bộ phân như; văn học dân gian; văn học cổ đại; văn học hiện đại. Ngoài ra còn có văn học dân tộc thiểu số; văn học Việt Nam ở nước ngoài và văn học trong vùng tạm chiếm.
Tính đến nay, bảo tàng Văn học Việt Nam đã sưu tầm được khoảng 15.000 hiện vật.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng hạng nhất
Sáng 22.11.2011, Bộ văn hoá Thể thao và Du lịch đã trao quyết định bảo tàng hạng nhất cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Được xây dựng từ năm 1915 và khánh thành vào đầu năm 1919, bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Viện cổ Chàm) là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật điêu khắc Chămpa.
Hiện nay, bảo tàng Điêu khắc Chăm là Bảo tàng Chăm duy nhất trên thế giới bảo quản, trưng bày các bộ sưu tập về nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Trong đó, có 3 cổ vật gồm Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ Tát Tara.
Theo quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 23/6/2005; bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thuộc nhóm các bảo tàng được quy hoạch từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia.
Hiện Việt Nam có 119 bảo tàng, trong đó có 12 bảo tàng được xếp hạng nhất như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Địa chất Việt Nam, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng...
Tỉnh Quảng Nam đầu tư 65 tỷ đồng xây dựng bảo tàng
Sáng 23.3.2012, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ khởi công xây dựng công trình bảo tàng Quảng Nam.
Bảo tàng Quảng Nam toạ lạc trên địa bàn phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ có tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Bảo tàng có qui mô công trình công cộng cấp 1, cao 3 tầng, tổng diện tích xây dựng 21.976m2, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014.
Bảo tàng Quảng Nam gồm nhiều hạng mục như: trưng bày ngoài trời (diện tích hơn 1.300m2); vườn tượng danh nhân (hơn 1.000m2), phục dựng kiến trúc một số dân tộc ở Quảng Nam (gần 2.2000m2) và các hạng mục khác.
Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, công trình bảo tàng Quảng Nam đã được phê duyệt với kinh phí 15 tỷ đồng nhưng do không có vốn nên thời gian qua, những cổ vật, hiện vật sưu tầm được phải cất vào kho lưu trữ tại thành phố Tam Kỳ.
Bảo tàng Quảng Nam hiện có hơn 5.000 hiện vật gốm Chu Đậu - Hải Dương khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm cùng hàng trăm hiện vật Chămpa, hơn 15.000 hiện vật kháng chiến và các hiện vật khác.
Khánh thành Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận
Chiều 29.3.2012, tại thành phố Phan Rang –Tháp Chàm đã diễn ra lễ khánh thành Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Bảo tàng Ninh Thuận (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) nằm trong quần thể kiến trúc quảng trường - tượng đài 16.4, bảo tàng được khởi công từ tháng 8.2007 với tổng kinh phí đầu tư gần 40 tỷ đồng.
Công trình gồm 4 tầng, được xây dựng trên diện tích 32.000 m2, diện tích sàn 3.547 m2, bên ngoài có hồ nước cảnh quan diện tích 19.800 m2 và 1 nhà thủy tạ.
Hiện tại, bảo tàng Ninh Thuận đang lưu giữ 38.525 hiện vật từ thời kháng chiến và những vật dụng của người Churu, K’ho, Kinh, Raglai, Chăm qua các thời kỳ lịch sử.
Đây là bảo tàng lịch sử đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận.
Thành lập bảo tàng Văn hoá Huế
Ngày 9.7.2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành Quyết định số 1229/QĐ-UBND về việc thành lập bảo tàng Văn hoá Huế trên cơ sở nâng cấp Nhà bảo tàng Huế.
Trụ sở của bảo tàng Văn hoá Huế là khu nhà có kiến trúc Pháp tọa lạc trên diện tích rộng khoảng 6.000m2 bên bờ sông Hương.
Bảo tàng Văn hóa Huế kế thừa vốn hiện vật của Nhà bảo tàng Huế sau 23 năm hoạt động, trong đó có một số sưu tập như hệ thống văn bản Hán – Nôm, hiện vật văn hóa Chăm, tư liệu ảnh, hiện vật liên quan đến Huế qua các giai đoạn lịch sử.
Dự kiến, bảo tàng Văn hoá Huế sẽ trưng bày và giới thiệu những giá trị nổi trội của vùng đất Huế theo nhiều chủ đề về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh...
Nhà bảo tàng Huế được thành lập từ năm 1989 nhưng hơn 2 thập kỷ qua phải ở nhờ nhiều nơi, sau khi được nâng cấp thành bảo tàng Văn hoá Huế sẽ hoạt động cố định tại trụ sở 23 - 25 Lê Lợi, thành phố Huế.
Khánh thành bảo tàng Côn Đảo
Ngày 6.9.2013, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã diễn ra lễ khánh thành bảo tàng Côn Đảo.
Bảo tàng Côn Đảo có diện tích 20.940 m2, toạ lạc tại số 10 Nguyễn Huệ, huyện Côn Đảo với tổng mức đầu tư hơn 65,8 tỷ đồng.
Bảo tàng bao gồm các công trình như: phòng trưng bày, kho hiện vật và kho phục chế tư liệu hiện vật, hội trường, khu làm việc và các công trình phụ trợ. Bảo tàng là nơi lưu giữ gần 2.000 hiện vật, bao gồm hình ảnh, hiện vật khối, tư liệu giấy, được trưng bày theo 4 chủ đề: Côn Đảo - thiên nhiên, con người; Địa ngục trần gian; Trận tuyến và trường học và Côn Đảo ngày nay
Đặc biệt, tại bảo tàng Côn Đảo có riêng khu trưng bày những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Võ Thị Sáu.
Từ năm 1862, thực dân Pháp đã biến Côn Đảo thành nhà tù lớn nhất Đông Dương, trong 113 năm tồn tại (từ 1862-1975), nhà tù Côn Đảo là nơi giam giữ, đầy đọa, tra tấn hàng chục vạn người Việt Nam yêu nước.